Một Ngày Ba Bữa - Phần Nam

Chương 78

Đúng lúc hoa đào trên núi nở rộ tươi thắm nhất, Diệp Khê ở nhà làm bánh đào. Cho cánh hoa đã rửa sạch vào nhào chung với bột, thêm mật ong làm nhân, bọc nhiều lớp bột rồi đem chiên đi chiên lại nhiều lần. Vì không có khuôn, nên chỉ có thể nặn thành từng chiếc bánh tròn nhỏ nhắn.

Vỏ bánh giòn tan, vừa cắn một miếng là vỡ vụn rơi xuống.

Lâm Tướng Sơn là người đàn ông cao lớn thô kệch, chỉ biết bánh do phu lang làm thì ngon vô cùng. Trước khi ra đồng, hắn nhét liền hai ba cái vào miệng nhai ngấu nghiến, Diệp Khê vội khuyên hắn ăn từ từ thôi, còn đưa thêm cho túi nước mang theo.

Trước khi ra cửa, Diệp Khê dùng giỏ tre gói cho hắn mấy cái bánh đào, lại thêm hai cái bánh bột mì nướng.

Chờ khi thu hoạch xong lúa mì, thì thật sự không còn phải lo cái ăn nữa. Hai người chăm sóc hơn năm mẫu ruộng, thỉnh thoảng lên núi tìm chút thức ăn rừng, lương thực cũng trữ sẵn trong nhà rồi, nên Diệp Khê chẳng dè sẻn bột mì trắng nữa, chỉ chuyên tâm làm những món ngon.

“Hôm nay em tính làm gì?” Trước khi đi, Lâm Tướng Sơn hỏi thăm.

Diệp Khê đưa cho hắn túi nước: “Xuống thôn mua trứng vịt về muối, chiều nay Ly ca nhi rủ em qua thôn bên hái trà.”

Thôn bên có một ngọn núi trà, hiện giờ là thời điểm trà đang nhú búp non nên cần thuê người hái. Mấy thím và ca nhi ở các thôn lân cận đều tranh thủ đi làm, coi như kiếm chút tiền phụ giúp gia đình.

Lâm Tướng Sơn biết phu lang là người không thể ngồi yên một chỗ, cậu đã muốn đi thì hắn cũng không cản, chỉ trầm giọng dặn dò: “Đừng vội hái nhiều, cẩn thận đau đầu ngón tay, cũng đừng ham quá mà quên mất thời gian, trước khi trời tối phải về cho kịp.”

Diệp Khê mỉm cười: “Biết rồi mà.”

Lúc này Lâm Tướng Sơn mới dắt trâu ra cửa, hôm nay hắn cũng đi sang thôn bên để cày đất thuê.

Sau khi hắn đi, Diệp Khê lo xong việc nhà, đi xem chuồng gà chuồng vịt, rồi đứng trước lồng thỏ một lúc, nhìn thấy mấy con thỏ dường như đã lớn hơn chút.

Con nai và dê nằm lim dim dưới mái hiên. Trời ấm lên, chúng cũng lười biếng hơn. Dạo trước Lâm Tướng Sơn đã giúp nai con cắt sừng, lại bôi vôi sống, giờ chỉ còn hai gốc tròn tròn đóng vảy chờ mọc sừng mới.

Diệp Khê lại xem qua một lượt, rắc thêm ít bột tam thất, mong vết thương mau lành: “Cái sừng kia của nhóc bán được một lượng rưỡi bạc đó, mua được mấy chục cây giống luôn, đợi chúng lớn lên thì nhóc sẽ có thêm đồ ăn.”

Nai con dụi dụi vào lòng bàn tay Diệp Khê đầy thân thiết. Cậu vào bếp trộn ít cháo bột ngô mang ra cho chúng ăn.

Bầu v.ú con dê đã căng đầy, Diệp Khê vắt được một chậu sữa.

Vừa hay xuống thôn hỏi mua trứng vịt thì mang sữa theo xem có ai muốn mua không.

Khóa cửa xong, Diệp Khê bưng chậu xuống núi. Trên đường đi gặp một bụi quả rừng đã chín mọng, cậu ăn thử một trái thấy ngọt lịm, liền hái đầy một giỏ.

Đến đầu thôn, Diệp Khê đặt chậu sữa dê lên cối xay đá rao bán. Có một thím đi ngang nhìn thấy, chạy về truyền lời cho người khác, chẳng bao lâu sau đã có mấy thím mang chén tới mua.

Tôn thị gọi: “Khê ca nhi, cho ta múc chén sữa dê.”

Diệp Khê dùng ống trúc múc cho bà thật đầy, suýt tràn cả mép chén, Tôn thị cẩn thận đỡ lấy, cười nói: “Ôi chao, đừng để đổ, vậy thì uổng phí lắm.”

Dứt lời, bà đưa cho Diệp Khê ba văn tiền: “Lần sau có nữa thì gọi ta một tiếng, ta lại tới mua.”

Diệp Khê cười: “Nhớ rồi. Thím mua cho cháu nội uống à?”

Con dâu của Tôn thị năm ngoái vừa sinh một đứa con trai, đó là bảo bối của cả nhà. Con trai bà lấy vợ mấy năm chẳng có động tĩnh gì, cả nhà đều lo sốt vó, người lo nhất chính là con dâu bà, sợ mình chẳng thể sinh con.

Mà trong thôn thì không thiếu chuyện thị phi, người ta nói sau lưng con dâu bà là không biết đẻ, nói tới nói lui rồi cũng đổ lên đầu con trai bà, bảo anh ta là “bao tải rỗng”, không có bản lĩnh. Tôn thị tức đến mức cầm dao bếp đuổi đánh người.

Nhắc tới cháu trai, Tôn thị cười không khép được miệng: “Đúng thế đấy, cháu ta thích uống sữa lắm. Khi mới sinh trông như con mèo con, làm ta lo đến phát run, cả đêm không dám ngủ, sợ chăm không khéo. Giờ đã qua một tuổi thì đỡ hơn chút, nhưng vẫn còn yếu, ta mới nghĩ hay là cho nó uống sữa bổ thêm.”

Diệp Khê gật đầu: “Lần sau con lại mang cho thím, em bé uống sữa dê chắc chắn sẽ lớn lên khỏe mạnh.”

Tôn thị cười tươi: “Khê ca nhi hồi nhỏ cũng là uống sữa dê lớn lên đó, giờ trắng trẻo xinh xắn thế này, ta nói rồi, cha mẹ con thương con, nuôi con khéo như thế cơ mà.”

Lại có thím khác đến mua sữa, Tôn thị cũng không muốn làm lỡ việc của Diệp Khê, liền mang chén sữa quay về nhà.

Chừng nửa canh giờ sau, chậu sữa của Diệp Khê chỉ còn lại một ít dưới đáy. Cậu bắt gặp đứa con út nhà họ Hà đang đứng ở gần đó trông qua mà thòm thèm. Nhà nó nghèo khó, cha mất sớm, mẹ thì yếu ớt, một mình gắng gượng nuôi ba đứa con, cuộc sống vô cùng vất vả.

Diệp Khê mỉm cười với nó: “Về nhà lấy chén ra đây, ta cho con ít sữa dê uống.”

“Có cần tiền không ạ?” Đứa nhỏ tròn xoe đôi mắt đen nhánh hỏi nhỏ.

Diệp Khê lắc đầu: “Ta bán không hết, cho con đó.”

Nghe vậy, đứa nhỏ vui mừng chạy về nhà, một lúc sau đã quay lại, tay cầm cái chén đất sứt mẻ.

Diệp Khê đổ chỗ sữa còn lại vào đó: “Lần sau nếu ta còn tới, con cứ ra đây đợi, nếu còn thừa ta sẽ cho con nữa.”

Đứa nhỏ gật đầu liên tục, trên đường về nhà cứ nâng chén sữa thật cẩn thận, không để rớt một giọt nào.

Nhà nó thường ăn chẳng đủ no, ngay cả bánh ngô tẻ, mỗi bữa cũng chỉ có nửa cái. Lúc nó về đến nhà, Hà thị đang giặt đồ trong sân, vừa làm vừa ho khan từng cơn. Bà gắng gượng với cơ thể yếu nhược, ngày ngày lao lực, vô cùng cực khổ.

Thấy con bưng cái chén về, Hà thị lên tiếng hỏi: “Cầm cái gì đó?”

Đứa nhỏ li.ếm môi: “Mẹ ơi, là sữa dê.”

“Sữa dê?” Hà thị ngẩn người, bà khi nào có tiền mua sữa dê cho con chứ: “Ở đâu ra thế? Con nói thật với mẹ.”

Đứa nhỏ: “Là ca mụ xinh đẹp trong thôn cho con đó.”

Hà thị cau mày: “Ai mà tốt bụng đến thế, con ơi, chuyện ăn trộm ăn cắp nhà ta tuyệt đối không làm! Con quên lời mẹ dạy rồi sao!”

“Mẹ ơi, là ca mụ cho con mà, ca mụ nói còn dư nên cho con, lần sau có nữa cũng bảo con đến lấy, là ca mụ từng bị bỏng mặt rồi khỏi đó ạ!” Thằng bé lo lắng đến rớm nước mắt.

Nghe vậy Hà thị liền biết người đó là ai. Người nhà họ Diệp xưa nay vốn tốt bụng, Hà thị cũng từng gặp Khê ca nhi rồi. Bà dịu giọng: “Ta biết rồi. Nhưng Tiểu Oa con à, mình không thể ăn không của người ta được. Trong nhà có gì tốt thì phải mang sang biếu lại, sau này nếu bên nhà ca mụ có cần người giúp việc gì thì các con phải sang phụ một tay, biết chưa?”

Hà Tiểu Oa gật đầu thật mạnh, rồi rụt rè hỏi: “Mẹ ơi, vậy tụi con có được uống sữa dê không?”

Ba đứa nhỏ trong nhà đều tròn xoe mắt nhìn, Hà thị khẽ mỉm cười: “Uống đi, là ca mụ cho con mà.”

Ba đứa hí hửng chạy vào trong bếp nhóm lửa lên, đổ sữa dê vào nồi rồi ngồi quanh, dán mắt chờ sữa sôi.

Mùi thơm bốc lên làm đứa nào cũng nuốt nước miếng ừng ực, chỉ một chén sữa thì không đủ chia, chúng đổ thêm hai chén nước giếng vào, tuy vị nhạt hơn nhưng vẫn đỡ thèm.

Nhưng tới khi sữa nóng rồi lại chẳng đứa nào nỡ uống trước, mà bưng đến cho Hà thị đầu tiên.

Hà thị rưng rưng nhận lấy, khẽ nhấp một ngụm: “Ngon lắm.”

Ba đứa nhỏ lúc này mới chia nhau phần còn lại trong nồi, hớn hở uống đến sạch sẽ. Một chén sữa dê cũng đủ khiến tụi nhỏ vui sướng mấy ngày liền.

x

Diệp Khê bán hết sữa dê xong, lại mang mấy chiếc bánh hoa đào đến cho chị dâu. Lý Nhiên sẽ sinh vào cuối tháng sau, bụng đã to tròn lắm rồi.

“Em bé hay đạp lắm, nửa đêm cũng không cho người ta ngủ yên.” Lý Nhiên chống lưng đi lại quanh sân.

Diệp Khê ngồi bên cạnh cười trêu: “Chắc là một đứa tinh nghịch đấy, sinh ra chắc khỏe như anh em cho xem.”

Lý Nhiên mỉm cười: “Cha mẹ chị cũng lo cho chị lắm, biết sinh nở vất vả, nên dặn chị phải chọn sớm một bà đỡ giỏi.”

“Chị định nhờ ai?”

“Bà Trương ở thôn bên, là người dày dạn lắm, nửa đời người đã đỡ không biết bao nhiêu đứa trẻ, chị nhờ bà ấy, cả nhà cũng yên tâm hơn.”

Diệp Khê gật đầu: “Phải chọn người quen tay mới được, dù phí có cao hơn chút cũng đáng. Đây là đứa đầu lòng của nhà mình, quý lắm mà.”

Lý Nhiên cười: “Đợi nó chào đời, chắc chắn sẽ đòi em mua kẹo với làm đồ mới cho đấy.”

Diệp Khê vui vẻ đáp: “Em nhất định sẽ thương nó thật nhiều, có gì em cũng muốn dành cho nó cả.”

“Em thích trẻ con vậy, thì cũng mau có một đứa đi.” Lý Nhiên nói.

Nghe đến đây, Diệp Khê cụp mi mắt, hơi trầm xuống. Gần một năm kết hôn rồi, Lâm Tướng Sơn có nhu cầu mạnh, chuyện ấy diễn ra liên tục, vậy mà đến giờ vẫn chưa thấy gì… cậu cũng bắt đầu thấy lo lo, liệu mình thật sự có vấn đề như mấy phu lang trong thôn không?

“Em cũng không biết vì sao mãi không có động tĩnh, trong lòng thật sự cũng nôn nóng.” Cậu sợ mình chẳng thể sinh con.

Lý Nhiên xua tay “xì xì” mấy tiếng, dỗ dành: “Khê ca nhi à, em cứ thả lỏng đi. Ca nhi thì vốn khó thụ thai hơn, biết đâu nửa cuối năm sẽ có, chuyện này không gấp được đâu.”

“Em cũng hiểu điều đó, chỉ là có chút sốt ruột thôi à.” Cậu thật lòng muốn có một đứa con, là con của cậu và Lâm Tướng Sơn, dù là một tiểu ca nhi trắng trẻo mũm mĩm hay một thằng nhóc khỏe mạnh lanh lợi, tốt bụng giống y như cha nó cũng được.

Cậu sẽ cho con theo Lâm Tướng Sơn lên núi săn bắn, xuống sông bắt cá, cùng làm ruộng ngoài đồng, trông cây lúa đung đưa theo gió. Như vậy, mái ấm nhỏ của cậu và Lâm Tướng Sơn sẽ càng thêm rộn ràng và ấm áp.

Hết chương 78.

Bình Luận (0)
Comment