Sau tiết xuân phân chính là tiết thanh minh. Thanh minh mưa phùn lất phất, trong núi mấy hôm liền mưa rơi dầm dề, cả ngọn núi như được bao phủ bởi sương mù lượn lờ dày đặc.
Trên đường núi, hoa lê bị gió thổi rụng trắng xoá mặt đất, cánh hoa phấn trắng bị nghiền nát lẫn vào bùn đất.
Diệp Khê xách giỏ dẫm lên những cánh hoa lê, từng cánh hoa bay bay theo gió lướt qua vai và chân mày của cậu. Hôm nay Diệp Khê lên núi hái ngải cứu, định làm bánh thanh đoàn ăn vào dịp lễ thanh minh.
Đúng độ hoa đào nở rộ tươi thắm, Diệp Khê liền buộc vạt áo lại, hái thêm hoa đào đem về, có thể trộn vào bột làm bánh hoa đào.
Lúc đi ngang nhà Ly ca nhi, thấy cậu ta đang phơi quần áo trong sân, Diệp Khê đứng ngoài bức tường đất thấp gọi một tiếng.
“Khê ca nhi, ngươi đi đâu vậy, đào rau dại hay măng xuân à?”
Diệp Khê giơ giỏ lên cho cậu ta xem, bên trong là ngải cứu: “Thanh minh định làm ít bánh thanh đoàn ăn, ngươi làm chưa?”
Ly ca nhi nói: “Mẹ ta làm rồi, bà đang ở vườn rau, ta thấy trời nắng nên tranh thủ giặt đồ.”
Căn nhà này là Lý Tập xây sau khi thành thân, một sân nhỏ có hai phòng phụ, một phòng chính và hai phòng lớn, xoay mặt về hướng nam, rộng rãi sáng sủa, cách nhà Diệp Khê chỉ chừng vài chục trượng.
Diệp Khê cười trêu: “Thành thân rồi càng ngày càng đảm đang ghê, Lý Tập đúng là có phúc.”
Hai người trò chuyện một lát, Diệp Khê nghĩ chắc Lâm Tướng Sơn cũng sắp về tới nên tạm biệt Ly ca nhi.
Về đến nhà, cậu bỏ ngải cứu vào chậu ngâm, rửa sạch kỹ càng rồi cho vào nồi trụng nước sôi.
Mùi thơm đặc trưng của nó lan tỏa khắp nơi, Diệp Khê vớt ngải cứu ra, tráng qua nước lạnh rồi băm nhỏ, bỏ vào cối giã cho nhuyễn.
Sau đó thêm bột vào nhào một lúc, rồi đậy khăn lại ủ trong chốc lát.
Dây khoai lang ngoài ruộng đã bắt đầu vươn chồi, Diệp Khê ra vườn ngắt ít ngọn và thân non đem vào, lát nữa xào ăn với cơm.
Lâm Tướng Sơn gánh đòn gánh về tới, mấy hôm trước hắn lên núi xem xét, nhân lúc chặt củi thì bẫy được hai con thỏ rừng, mang theo cùng măng xuân mà Diệp Khê nhổ được đem xuống trấn bán.
“Hôm nay về sớm hơn mọi ngày đấy.” Diệp Khê vừa bóc vỏ khoai vừa cười nói.
Lâm Tướng Sơn đáp: “Hôm nay chợ đông người, ai cũng đi mua vàng mã nến hương, mấy thứ của chúng ta bán cũng nhanh.”
“Hôm nay em đi hái ngải cứu gói bánh thanh đoàn ăn. Trưa thì ăn đạm bạc một chút nhé, anh mua thịt chưa đấy?” Diệp Khê hỏi.
Lâm Tướng Sơn gật đầu, lấy túi tiền trong ngực ra: “Mua rồi, hôm nay là tiết thanh minh, giá thịt tăng hai văn, mua một miếng hết hai mươi ba văn, còn mua cả vàng mã nữa, tiền bán đồ hôm nay còn lại nhiêu đây.”
Diệp Khê lau tay rồi nhận túi tiền, đếm lại: “Mình không mua cái bánh nhân thịt nào lót dạ à?”
Sáng nay phu quân đi từ sớm, cậu chỉ kịp nấu nồi cháo bằng cơm nguội, không chắc bụng, lúc tiễn hắn còn dặn nếu đói thì nhớ mua bánh mà ăn tạm.
Lâm Tướng Sơn cười cười: “Muốn tranh thủ về ăn cơm nhà nên không nghỉ ngơi.” Từ sau khi trong nhà có phu lang, hắn chẳng còn muốn ăn ở ngoài nữa, trong lòng chỉ nghĩ tới bữa cơm nóng hổi ở nhà.
Diệp Khê xách giỏ lên: “Được, vậy em đi nấu cơm đây, ăn sớm một chút.”
Bột bánh thanh đoàn đã ủ xong. Trên bếp đang hấp đậu đỏ, sau đó sẽ đem nghiền rồi trộn với ít mật ong để làm nhân, Diệp Khê còn muốn làm thêm một loại nhân khác nữa.
Cậu rang ít đậu phộng, dùng chày cán nhuyễn rồi trộn với mè đen và đường thành nhân mè đậu phộng.
Mỗi loại nhân cậu gói mười cái, đặt lên xửng trong nồi hấp chín.
Diệp Khê xào đọt khoai với ớt khô và vài lát tỏi, lại nấu thêm một đĩa khoai lang xào với ớt chua và đậu đũa muối. Thấy cơm trưa không có món mặn, Diệp Khê ra ngoài tường nhà hái mớ hành dại, đập mấy quả trứng gà làm trứng chiên vàng ruộm.
Bữa cơm trưa hôm đó, bánh thanh đoàn là món chính. Mỗi người cầm một cái, ăn cùng với đồ xào và trứng chiên.
Buổi chiều còn phải đi tảo mộ. Mộ tổ nhà họ Diệp Khê nằm ở phía nam sườn núi, tổ tiên xa nhất là từ đời cụ cố, còn xa hơn nữa thì không rõ gốc gác ở nơi nào. Trước tiên là tảo mộ tổ tiên nhà họ Diệp, đến tối sẽ bày bàn thờ cúng bái cha mẹ Lâm Tướng Sơn. Mộ cha mẹ chồng an táng ở Bắc châu, bọn họ không thể về được, chỉ có thể dâng hương trước bài vị.
Dùng cơm trưa xong, Diệp Khê gói thịt heo, chén rượu, thêm cả giấy tiền vàng mã vừa mới mua lúc sáng vào giỏ rồi cùng Lâm Tướng Sơn ra cửa.
Tháng tư cây cỏ xanh rì, thời tiết không lạnh cũng không nóng, gió thổi khiến cỏ cây lay động, nắng xuân tươi đẹp làm tâm trạng người ta cũng khoan khoái hẳn, chẳng trách mấy công tử tiểu thư trên trấn lại đua nhau ra ngoài du xuân như vậy.
Lũ trẻ trong thôn đang thả diều chim ưng, buộc dây bay cao vút lên trời, một đám nô đùa ầm ĩ đuổi theo ở phía dưới.
Hai người đến nhà họ Diệp, cùng Lưu Tú Phượng, cha Diệp và Diệp Sơn đi tảo mộ. Ở Nam Xuyên châu không có quy định ca nhi đã lấy chồng thì không được về tảo mộ nữa, gả đi vẫn là người nhà, vẫn phải trở về dâng hương cho tổ tiên.
Lý Nhiên đang mang thai nên không thể đi cùng, vì vậy đặc biệt dậy sớm làm mấy cái bánh nếp, nhờ Diệp Sơn mang theo đến phần mộ tổ tiên thắp hương, coi như tấm lòng của nàng dâu mới về nhà chồng dành cho tổ tiên.
Lưu Tú Phượng cười tít mắt, không ngớt lời khen con dâu mình chu đáo.
Trên đường làng gặp không ít người trong thôn, ai cũng dẫn theo cả nhà, tay xách lễ vật và tiền vàng mã.
Đây là lần đầu tiên Lâm Tướng Sơn đi tế bái tổ tiên của phu lang, vì vậy hắn nghiêm trang quỳ xuống dập đầu ba cái.
Cha Diệp cười nói: “Con rể có lòng thành, tổ tiên nhất định sẽ phù hộ cho các con.”
Đồ cúng được để lại trên mộ, Diệp Khê và Lâm Tướng Sơn không ở lại nhà họ Diệp ăn cơm mà tranh thủ về sớm để chuẩn bị mâm cúng cha mẹ chồng.
Về đến nhà, Diệp Khê cắt một miếng thịt ba chỉ vuông vức đặt vào chén, rót thêm hai chén rượu, lại bày một đĩa bánh thanh đoàn, dâng lên bàn thờ trong nhà chính, hai người ra sân đốt giấy tiền và thắp hương.
Nhìn tro giấy bị gió cuốn bay đi, Diệp Khê nói: “Chắc là cha mẹ đến thăm chúng ta rồi, mình xem, giấy tiền đốt cho họ, họ đều mang đi cả.”
Lâm Tướng Sơn khẽ ừ một tiếng, giọng khàn khàn. Tiết thanh minh mưa phùn, càng làm dậy lên nỗi nhớ thương người thân đã rời xa trần thế.
Hắn ngẩng đầu nhìn Diệp Khê, thầm thấy may mắn, nếu không tới nơi này, e rằng cả đời cũng không gặp được phu lang của mình, có khi vẫn còn cô độc một mình.
Giờ đây, hắn đã có một mái nhà rồi.
Đốt giấy tiền vàng bạc xong, Diệp Khê vào bếp nấu một nồi súp sợi bột. Cậu cho bột năng vào nước dùng, đập thêm trứng gà, bỏ ít rau xanh, nấu thành món canh nóng hổi.
Ngoài trời, mưa lại rơi lất phất, nghiêng nghiêng bay trong gió, sương mù và hơi nước lại phủ lên núi rừng.
Vừa ăn canh, Diệp Khê vừa tính toán chuyện sau này: “Tết Đoan Ngọ cũng sắp tới rồi, phải chuẩn bị muối ít trứng vịt mặn. Vịt nhà mình mới nuôi hơn hai tháng, chưa đẻ trứng được, phải ra ngoài mua trứng. Không chỉ ăn vào Đoan Ngọ, mà sau này còn để nấu cháo hay làm nhân bánh bao.”
Lâm Tướng Sơn gật đầu: “Qua Đoan Ngọ sẽ gặt lúa mì, năm nay trông có vẻ được mùa, chắc cũng có thể thu thêm vài gánh lương thực. Anh nghĩ nhà mình ruộng ít, nên tranh thủ gặt sớm, để còn rảnh tay qua giúp nhà mẹ. Giờ anh cả còn phải bận bịu với công việc ở ngoài ao, sợ rằng đến vụ hè sẽ xoay xở không kịp.”
Diệp Khê gật đầu. Nếu anh cả không rảnh, chị dâu lại đang mang thai, chỉ dựa vào cha mẹ gặt lúa thì không xuể thật, e là phải thuê thêm người, mà như vậy lại tốn kém, chẳng đáng chút nào.
“Còn khoai lang với khoai tây ngoài ruộng thì sao?” Diệp Khê lo lắng cho mảnh ruộng mới mua.
Lâm Tướng Sơn cười nói: “Đất tốt lắm, dây khoai lang đã bò dài ra rồi, khoai tây cũng trổ hoa cả đám. Đợi thu hoạch xong lúa mì là có thể đào chúng lên được rồi. Lúc ấy anh phải làm thêm một cái hầm ở nhà nữa, không thì chẳng có chỗ mà cất trữ.”
Diệp Khê hỏi: “Anh không định bán bớt đi à? Nhiêu đó lương thực hai đứa mình ăn không hết nổi đâu. Giá bán lúa mì vụ đông chắc sẽ cao nhất trong năm, nhà ai cũng sẽ bán đi một nửa, rồi đợi đến vụ hè chín thì lại có gạo mới để ăn.”
Nhưng Lâm Tướng Sơn lại không đồng tình: “Bạc là thứ chết, còn lương thực mới thật sự lấp đầy được cái bụng. Nếu muốn bán, để sang năm bán cũng được. Tóm lại trong nhà phải tích ít nhất hai kho lương thực.”
Diệp Khê không hiểu vì sao phu quân lại muốn làm vậy, nhưng từ trước đến nay việc đồng áng đều do Lâm Tướng Sơn làm chủ, hắn lo liệu trong ngoài đâu vào đấy, cậu chỉ cần nghe theo là được, chồng cậu sẽ không làm gì gây hại cho gia đình cả.
Lâm Tướng Sơn nuốt miếng cơm trong miệng xuống rồi mới chậm rãi nói: “Có lẽ anh lo xa, nhưng tai hoạ ập xuống mà không có lương thực còn khổ sở hơn cả chiến tranh. Mấy năm trước ở Đông Giang châu bị ngập lụt, chắc em không biết đâu, khi đó anh vừa hay trôi dạt đến đó.”
Diệp Khê đặt đũa xuống, lặng lẽ lắng nghe phu quân của mình kể chuyện.
“Ruộng lúa bị nước cuốn sạch, một hạt thóc cũng chẳng còn. Cả đường phố toàn là người gầy gò vì đói. Lúc ấy, gạo trong tiệm còn đắt hơn vàng. Nhà có tiền thì mang theo túi bạc lớn đi đổi lấy hai đấu gạo, nhà không tiền thì bán con, bán cả vợ.”
Lâm Tướng Sơn trầm mặc một lúc, không kể tiếp những chuyện còn thê thảm hơn, sợ dọa đến Diệp Khê. Người nhà hắn cả đời sống ở nơi núi non trong lành, khung cảnh yên bình, e là chưa từng thấy qua những cảnh tượng tàn nhẫn và đẫm máu như thế.
“Anh ôm chặt hai cái bánh trong ngực mà gắng gượng bước ra ngoài, lại chẳng dám để người khác trông thấy. Nếu có người biết anh còn chút gì ăn được, thể nào cũng chạy ào tới giật, thậm chí có kẻ đang sống sờ sờ mà bị đánh đến chết chỉ vì một miếng ăn.”
Nghe vậy, hàng mi của Diệp Khê khẽ run, đúng là cậu chưa từng chứng kiến cảnh ấy. Nam Xuyên châu đất đai màu mỡ, ít khi gặp phải thiên tai mất mùa, dân làng quanh năm ru rú trong thôn, cày cấy sống qua ngày, tuy chẳng dư dả gì, nhưng cũng đủ ăn đủ mặc, không lo bụng đói.
“Mình từng trải hơn em, vậy thì em nghe theo mình, chúng ta cẩn thận tích trữ lương thực. Dù sao trong nhà cũng chẳng thiếu bạc.”
Lâm Tướng Sơn bật cười: “Chỉ sợ cha mẹ lại cười hai đứa mình là tham ăn, cứ lo cho cái bụng mà đem hết gạo thóc nhét đầy nhà.”
Diệp Khê véo nhẹ má mình, bật cười: “Mẹ còn nói em giờ tròn trịa hơn hồi ở nhà nhiều, bảo là mình nuôi em khéo lắm.”
Lâm Tướng Sơn nhẹ nắm lấy cổ tay gầy mảnh của phu lang: “Nuôi béo thêm chút cũng được, giờ vẫn còn gầy lắm.”
Diệp Khê trừng mắt nhìn hắn: “Không muốn đâu! Em mà béo lên là mấy bộ quần áo không mặc vừa nữa đó!”
Hết chương 77.