Giữa mùa hè tháng Bảy, ve kêu không ngớt.
Nhiệt độ trên núi cũng dần tăng lên, người trong thôn Sơn Tú đều đã thay sang áo mỏng quần cộc. Dưới gốc đại thụ đầu thôn, rất đông dân làng tụ tập ngồi hóng mát.
Căn nhà nhỏ dựa vào núi nên mát mẻ hơn hẳn.
Dưới bóng râm trong sân, Diệp Khê nằm nghỉ trưa trên giường trúc cùng hai đứa trẻ. Lâm Dữ Khê ngoan ngoãn cuộn người trong cánh tay Diệp Khê, còn Lâm Dữ Lịch thì ngủ chẳng yên ổn gì, để lộ cái bụng trắng mềm, tay chân dang rộng.
Lâm Tướng Sơn ở bên cạnh phu lang và con nhỏ, không ngủ được mà cũng không yên tay, bèn ngồi đó đan giỏ tre.
Thỉnh thoảng cơn gió mát thổi qua, rừng trúc bên ngoài xào xạc, khí trời mùa hè khiến người ta dễ buồn ngủ.
Đến khi mặt trời ngả về tây, ngoài cổng sân vang lên tiếng bước chân, hai con chó đang nằm phục lập tức dựng tai lên, Lâm Tướng Sơn ngẩng đầu nhìn.
Lý Nhiên và Diệp Sơn xách giỏ đến.
“Ơ, còn đang ngủ à.” Lý Nhiên nhìn ba người đang ngủ say trên giường trúc, mỉm cười nói.
Lâm Tướng Sơn đặt giỏ tre xuống, đi lấy ghế thấp lại: “Trời nóng cứ uể oải buồn ngủ hoài. Anh chị đến có việc gì vậy?”
Diệp Sơn cười nói: “Nhà có chùm nho chín, chị dâu nhớ mấy đứa, nên hái mang đến.”
Lâm Tướng Sơn cười đáp: “Chị dâu luôn thương bọn em, Dữ Khê nhà em thích nho nhất.”
Lý Nhiên đặt giỏ xuống, cúi người nhìn khuôn mặt ngủ ngon của Lâm Dữ Khê: “Dữ Khê thật khiến người ta thích, còn xinh xắn hơn cả con gái chị nữa.”
Lâm Tướng Sơn hỏi: “Linh Nhi sao không đến?”
Nhắc đến con gái nhỏ của mình, Diệp Sơn bất đắc dĩ thở dài: “Con gái đã chẳng nết na dịu dàng thì thôi, suốt ngày lại còn theo lũ trẻ trong thôn đuổi mèo bắt chó, chẳng chịu ngồi yên ở nhà.”
Tuy là nói vậy, nhưng trên mặt vẫn tràn đầy vẻ cưng chiều.
Lý Nhiên lườm chồng một cái: “Không phải do anh chiều hư sao, một ngón tay cũng không nỡ chạm vào, đòi cái gì là anh chiều theo cái đó.”
Diệp Sơn gãi mũi không nói, rõ ràng là yêu thương con gái đến tận xương.
Mấy người trò chuyện thêm một lúc, Diệp Khê cũng tỉnh dậy, vừa mở mắt đã thấy anh trai và chị dâu, ngẩn người một lúc mới hoàn hồn: “Anh chị đến sao không gọi em dậy?”
Lý Nhiên cười nói: “Thấy ba mẹ con ngủ ngon quá, không nỡ đánh thức. Sao vậy? Ngủ say như vậy, chẳng lẽ lại có thai nữa rồi?”
Bị Lý Nhiên ghẹo đến đỏ mặt, Diệp Khê mím môi: “Chị dâu nói linh tinh gì thế, em sinh hai đứa rồi còn sinh gì nữa, tuổi tác cũng đâu còn trẻ như trước.”
Lý Nhiên ngồi lên giường trúc nói: “Nhà nông thích đông con mới hưng vượng, mới có người làm ruộng. Em đang tuổi đẹp nhất đấy. Còn nhớ bác của chị bên thôn Tú Thủy không?”
Diệp Khê nghĩ một lúc: “Là bác Lục ở thôn Tú Thủy, người đánh xe bò chứ gì? Sao lại không nhớ, từng ngồi xe của bác ấy mà.”
Lý Nhiên che miệng cười: “Bác chị gần trung niên rồi mà còn cùng bác dâu sinh thêm một đứa con trai, giờ học chung với Tiểu Lôi nhà chị ở trường đó.”
Diệp Khê cười nói: “Trưởng bối nhà chị đều là vợ chồng hòa thuận, đồng vợ đồng chồng nên mới trở thành nhà giàu nhất thôn Túy Thủy được chứ.”
Mấy người lại tiếp tục tán gẫu mấy câu chuyện vặt vãnh khác.
Dữ ca nhi thức dậy, hàng mi dài run run mấy cái, đôi mắt lờ đờ khẽ mở ra rồi nhắm lại, lặp đi lặp lại vài lần mới dần tỉnh táo hẳn.
Lý Nhiên liền cầm một trái nho trêu bé, chạm chạm vào môi nhỏ của Dữ ca nhi, hương nho ngọt lịm liền xộc vào mũi. Dữ ca nhi lập tức há miệng định cắn, mà Lý Nhiên lại vội rụt tay về, sợ bé còn ngái ngủ mà ăn sẽ bị sặc.
Bị trái nho dụ dỗ, Dữ ca nhi liền hoàn toàn tỉnh táo, vừa mở mắt đã trông thấy bác gái đang cầm giỏ nho ngồi bên cạnh.
“Bác Nhiên ạ…” Dữ ca nhi khàn khàn gọi, giọng còn mang theo vẻ nũng nịu lúc vừa thức giấc.
Lý Nhiên nghe mà tim mềm nhũn: “Ôi chao, sao ta không sinh được một cục bánh nếp đáng yêu thế này chứ.”
Diệp Khê mỉm cười: “Nó ấy à, giỏi giả vờ ngoan thôi, chứ cũng nghịch chẳng kém ai đâu.”
Dữ ca nhi thấy rổ nho trong tay Lý Nhiên, con sâu thèm ăn trong bụng liền bò ra, nhào tới dính vào người bác gái, tay nhỏ ôm lấy cổ Lý Nhiên, mềm mại nói: “Dữ ca nhi thích ăn nho.”
Lý Nhiên liền đút quả nho vào miệng nó, nhéo má mềm của thằng bé một cái: “Ăn đi, tất cả cho Dữ ca nhi hết.”
Dữ ca nhi ngoan ngoãn ngồi bên cạnh, nước nho căng mọng tràn ra từ kẽ tay nhỏ rơi đầy áo, cái miệng chúm chím và đôi bầu má đều nhuộm một màu tím nhàn nhạt, nom vừa ngốc nghếch vừa đáng yêu.
Ấy vậy mà bé còn biết chừa phần cho em, thấy Tiểu Lịch vẫn đang ngủ, Dữ ca nhi liền chọn chùm nho to nhất, cẩn thận đặt bên cạnh Lâm Dữ Lịch.
Diệp Khê nhìn mà lòng mềm hẳn, trẻ con nhà cậu chẳng cần dạy nhiều, tính nết đã biết thương người, làm việc cũng biết lo trước sau.
Bên cạnh, Diệp Sơn và Lâm Tướng Sơn trò chuyện về việc thu hoạch vụ hè, cả hai đều là trụ cột trong nhà, những việc lớn trong nhà đều do họ lo liệu và quyết định.
Mấy năm nay, hai nhà đều mua thêm ruộng đất, không còn quanh quẩn vài mẫu ruộng cằn cỗi để sống nữa.
Cả nhà quây quần trong sân uống trà trò chuyện, một lúc sau, Linh Nhi cuối cùng cũng tới.
Tay cầm mấy tấm lá sen che nắng, vừa vào đến sân là tu liền hai chén nước trà lớn, rồi lấy tay áo lau miệng.
Lý Nhiên nhìn dáng vẻ hào sảng của con gái nhà mình mà đành bất lực, chỉ có thể gọi: “Chậm thôi, có ai tranh với con đâu.”
Cái tính y hệt nàng ngày trước.
Diệp Khê cười nói: “Sao ta nghe hình như có tiếng dế kêu nhỉ?”
Linh Nhi từ sau lưng lấy ra một chiếc lồng nhỏ đan bằng rơm, bên trong nhốt một con dế xanh to tướng.
Dữ ca nhi tò mò vô cùng, lập tức bò qua xem, trong mắt tràn đầy ngưỡng mộ.
“Con bắt được ở đâu thế?” Lý Nhiên hỏi.
Vài hôm trước, Linh Nhi đã nhõng nhẽo đòi cha bắt giúp một con, bảo bọn trẻ trong thôn ai cũng có nên cô bé cũng muốn. Lý Nhiên thấy con gái con lứa mà chơi sâu bọ thì không hay, liền dặn Diệp Sơn đừng chiều theo, nào ngờ hôm nay nó đã xách một con về.
Linh Nhi lắc lắc cái lồng, cười nói: “Không phải con bắt đâu, là anh Tiểu Oa bắt cho con đấy. Hôm nay anh ấy từ thôn Tú Thủy về, đi ngang qua thấy con đang chui vào đống cỏ bắt dế, liền xắn tay áo nói sẽ bắt cho con. Anh ấy giỏi lắm, bắt cho con con to nhất luôn, mẹ xem, vừa to vừa kêu vang nữa.”
Lý Nhiên bất đắc dĩ cười cười: “Cái thằng nhóc kia đúng là chiều con quá rồi, trông chẳng khác gì anh ruột của con, con muốn gì là cho nấy.”
Sau khi Lý Nhiên giới thiệu Hà Tiểu Oa đến nhà chú họ Lục Cảnh Sơn của mình ở thôn Tú Thủy học nghề mộc, thì trong lòng thằng bé cảm kích lắm, thi thoảng lại chạy sang nhà nàng giúp việc vặt, với Linh Nhi thì lại càng chiều chuộng, con bé muốn gì cũng chiều cho bằng được.
Dữ ca nhi thấy con dế của Linh Nhi thì ngứa ngáy trong lòng, liền nhõng nhẽo đòi. Linh Nhi cười bảo: “Được, em dẫn Dữ ca nhi đi bắt.”
Dữ ca nhi vội vàng gật đầu, hai đứa nhóc liền ríu rít chạy ra khỏi cổng nhà.
Diệp Khê trông thấy mấy tấm lá sen Linh Nhi mang về, xanh biếc thơm mát, lá lại non tươi, cười nói: “Đây là lá sen trong ao nhà bác Nhiên chứ gì, em nhìn lá thế này, năm nay chắc củ sen cũng phải to đẹp lắm.”
Lý Nhiên cười đáp: “Năm nay sen mọc tốt, giờ hái búp sen thì còn hơi non, chừng năm sáu ngày nữa hạt sen chín bùi, đến lúc đó chị sẽ mang cho em một ít.”
Diệp Khê tiếc không nỡ bỏ mấy cái lá sen ấy, liền cắt vài miếng, với ít trần bì thả vào ấm nấu trà.
Mùi thơm ngọt của trần bì cùng hương lá sen theo làn hơi nước bay khắp sân nhỏ.
Phần lá còn lại, Diệp Khê định để làm món gà nướng lá sen.
Lâm Tướng Sơn giúp đi bắt hai con gà béo nuôi được nửa năm trong chuồng, vặt lông cắt tiết xong giao cho Diệp Khê xử lý.
Lý Nhiên giúp nhóm lửa, Diệp Sơn thì nghe lời em trai đi xúc một quang đất sét vàng mang về.
Trong bếp, Diệp Khê mổ bụng gà, nhét gừng, hành, rồi pha nước sốt bằng xì dầu, giấm, gia vị xoa lên da gà, để ngấm chừng nửa canh giờ.
Cuối cùng lấy lá sen gói chặt con gà, dùng dây dâu buộc kín, rồi trét đất sét vàng nhuyễn bên ngoài, bọc thành một đống bùn tròn trịa.
Chỉ việc đặt vào bếp lửa mà nướng, đợi đất khô cứng lại là có thể đập bể ra lấy gà.
Hoàng hôn buông xuống, gà đã chín vàng óng ánh, mùi thơm ngào ngạt khiến ai cũng thèm, đùi gà dĩ nhiên phải phần cho bọn nhỏ.
Linh Nhi và Dữ ca nhi về tới, vừa vào đến cổng đã làm Diệp Khê giật nảy mình, Lâm Tướng Sơn cũng nhíu mày.
Dữ ca nhi lại lấm lem một thân bùn đất.
“Đây là lại lăn xuống mương nữa à?”
Linh Nhi lắc đầu: “Con dắt Dữ ca nhi ra bờ ao nhà con bắt dế, Dữ ca nhi đi hái hoa sen, kết quả trượt chân ngã luôn xuống ao.”
Diệp Khê nghe mà hồn vía muốn bay mất, ao sâu mà hai đứa nhóc đều không biết bơi, vội hỏi: “Cả hai không biết bơi, thế ai cứu?”
Linh Nhi đáp: “Là anh lớn nhà bà thím Hà, hôm nay anh ấy cũng vừa về thôn, thấy Dữ ca nhi rơi xuống ao liền nhảy xuống vớt lên.”
Hà Đại Oa mấy năm nay theo học nghề rèn trong trấn, người cao to cường tráng, là một nam nhân rắn rỏi.
Diệp Khê mắng cho hai đứa nhóc một trận, dặn từ nay không được bén mảng đến chỗ nước sâu, kẻo có ngày gặp họa, rồi ôm Dữ ca nhi đi tắm rửa thay đồ. Người bẩn không chịu nổi, thế mà tay bé con vẫn nắm chặt một búp sen chưa nở do Hà Đại Oa tiện tay hái cho.
Lâm Tướng Sơn tính ngày mai sẽ sang nhà họ Hà cảm ơn.
Lý Nhiên với Diệp Sơn lúc này mới thở phào một hơi, mấy đứa nhỏ này đúng là không yên chuyện.
Chưa kịp thở phào xong thì Phúc ca nhi chạy tới.
“Thím Nhiên! Chú Diệp!”
Nghe tiếng gọi, Lý Nhiên với Diệp Sơn cùng giật mình, trong lòng biết ngay có chuyện chẳng lành.
Quả nhiên, Phúc ca nhi vừa thở vừa nói: “Anh Lôi Tử,…”
Lý Nhiên vội hỏi: “Có chuyện gì? Phúc ca nhi con nói đi.”
Phúc ca nhi thở hổn hển: “Anh Lôi Tử đánh nhau với người ta, chẳng may làm cả thầy trong trường học ngã, thầy đang bắt anh ấy quỳ gối để phạt rồi!”
“Sao lại đánh nhau? Không phải đi học chữ sao?”
Phúc ca nhi mím môi nói nhỏ: “Trong lớp có người trêu con, anh Lôi Tử nghe được liền đánh nhau với người ta, ai ngờ đúng lúc thầy mở cửa vào, thế là…”
Lý Nhiên với Diệp Sơn cùng thở dài: “Đúng là tiểu tổ tông của nhà ta!”
Hết chương 97.