Một Ngày Ba Bữa - Phần Nam

Chương 98

Gió mùa hạ thổi qua, quấn quýt cùng thu về, sắc thu nhuộm vàng cả cây ngân hạnh trong thôn Sơn Tú, mỗi khi gió nổi lên là từng đợt sóng lúa rộn ràng lăn tăn.

Tiếng pháo nổ từng tràng giòn giã vang khắp thôn.

“Các bà cũng đi mừng lễ à?” Trương thị xách cái giỏ tre, cất tiếng gọi mấy thím phía trước.

Mấy thím kia dừng bước quay đầu cười đáp: “Phải rồi, tính đến sớm cho kịp, vừa gặm hạt dưa uống chén trà, lại được tám chuyện cho khoái.”

Trương thị cũng đi theo, miệng nói: “Ấy, đi chung đi, tôi vừa loay hoay trong chuồng gà nhặt được chục cái trứng, chậm mất một lúc.”

“Mấy con gà nhà tôi còn chưa đẻ, thôi thì mang mười văn tiền đi vậy.”

“Tôi thì lấy bình dầu vừng mới ép đi mừng, dầu mới thơm lắm.”

Mấy người vừa đi vừa rôm rả chuyện trò, cùng nhau hướng về phía nhà họ Diệp.

Hôm nay là tiệc đầy năm của Lâm Dữ Lịch, đúng ra phải đãi cỗ ở sân nhà Lâm Tướng Sơn với Diệp Khê, nhưng chỗ ấy không rộng bằng nhà họ Diệp, thế là mọi người bàn bạc làm ở nhà họ Diệp cho rộng rãi. Ông bà Diệp cưng chiều cháu ngoại nhất nhà, mà lại còn là đứa cháu út, nên hai ông bà lo liệu chu đáo, chỉ mong buổi tiệc này tươm tất rạng rỡ.

Nhà họ Diệp đầu năm có sửa sang lại nhà cửa, không chỉ lát sân bằng đá xanh mà còn mở rộng hẳn ra, xây thêm tường gạch, giờ nhìn vào đã thấy ra dáng một nhà khá giả.

Bàn ghế được kê đầy sân, Lưu Tú Phượng với cha Diệp đứng ở cổng đón khách, người trong thôn Sơn Tú ai cũng đến mừng, càng đông thì chủ nhà càng có thể diện.

Diệp Khê ôm Lâm Dữ Lịch trong nhà chính, khách tới đều phải ghé vào xem đứa bé. Lâm Dữ Lịch mặc áo bông viền lông thỏ màu đỏ thắm, đầu đội mũ hổ ngũ sắc, mặt mũi tròn trịa hồng hào, mắt sáng mũi cao, đáng yêu vô cùng.

“Đứa nhỏ này trông kháu khỉnh quá, lớn lên nhất định là đứa giỏi làm việc.”

“Nhà Khê ca nhi nhiều đất, sau này cứ để thằng bé theo cha nó làm ruộng, thể nào cũng kiếm thêm được mấy mẫu nữa.”

“Khê ca nhi thật có phúc, vừa có con trai vừa có ca nhi, sau này đều hiếu thuận với ngươi cả đấy.”

Trong nhà chính, các thím trong thôn tụm lại chuyện trò, toàn những câu nghe vào đã thấy ấm lòng.

Lâm Dữ Lịch vừa đầy tuổi làm gì hiểu được những lời ấy, chỉ chớp cặp mắt đen nhánh nhìn người trong phòng vây quanh mình, rồi nhoẻn miệng cười toe.

Nụ cười ấy càng khiến người trong phòng thích chí, cười vang không dứt.

Nhà mở tiệc, người lớn bận rộn tới chân không chạm đất, chẳng ai rảnh mà quản mấy đứa nhỏ, vậy nên ba đứa Dữ ca nhi, Tiểu Lôi Tử với Phúc ca nhi tha hồ mà nghịch, hết chui chỗ này lại mò chỗ kia, len lén lên bếp ăn vụng, vui như cá lội nước.

Sắp đến giờ đãi ăn, khách khứa ai nấy đã ngồi vào chỗ, mấy thím giúp việc thì bưng mâm bưng đĩa dọn ra.

Tiểu Lôi Tử với Phúc ca nhi suýt chút nữa đụng phải thím đang bưng nồi canh nóng hổi.

“Ôi chao, hai cái tiểu tổ tông này, thế nào lại lao vào người ta thế hả, canh nóng dầu sôi đấy, văng vào người thì biết làm sao!”

Diệp Sơn thấy thế, lập tức sa sầm mặt quát lên, bắt hai đứa nghịch ngợm kia ngồi xuống bàn ăn cơm.

Chỉ có điều chẳng thấy Dữ ca nhi đâu, hai người tìm mãi không được, đành cùng nhau ra ngoài sân ngồi vào một bàn.

Bàn này đều là mấy bà thím trong thôn, vốn đang nói chuyện rôm rả, giờ thấy hai đứa nhỏ thì lại có được thêm đề tài.

Một bà thím bên thôn khác đưa mắt nhìn một lượt rồi cười nói: “Đây chẳng phải thằng nhóc nhà Diệp Sơn đấy à? Còn bên cạnh là?”

“Là Phúc ca nhi nhà Ly ca nhi bán thịt heo ấy, mặt mũi cũng trắng trẻo xinh xắn.” Một bà khác đáp.

Bà thím nọ gật gù cười: “Ờ thì đúng là dễ thương thật, mà lần đầu tiên ta thấy thằng bé nhà Diệp Sơn đấy, mày rậm mắt đen, cũng tuấn tú phết.”

Mấy bà trong bàn phá lên cười: “Cha nó Diệp Sơn thì đẹp trai, mẹ nó cũng khéo léo, con đẻ ra sao lại không tuấn tú cho được, mà thằng nhóc này hồi nhỏ uống sữa dê lớn lên đấy, thân thể còn khỏe hơn cả bọn nhỏ cùng tuổi.”

Một bà khác xen vào: “Đừng có bị mấy thằng nhóc này lừa, tụi nó nghịch khỏi nói luôn, bữa trước còn châm pháo đốt tung đám cải trong vườn nhà tôi.”

Mọi người nghe xong lại che miệng cười: “Tụi nhỏ mà, nghịch ngợm cũng phải.”

Bà thím thôn bên càng nhìn Tiểu Lôi Tử càng ưng mắt, mấy bà ngồi cùng bàn nhận ra ngay, liền trêu: “Bà chẳng phải cũng có cô con gái đấy sao, tuy giờ còn bé, nhưng cơm ngon thì phải tranh thủ mà ăn sớm.”

Bà thím nọ vờ lườm: “Cái miệng bà, toàn nói bậy, trẻ con thôi mà, bàn với chẳng bạc.”

Nhưng mấy bà thím khác trong bàn hùa theo: “Ui giời, trong vòng mấy thôn quanh đây, đính hôn từ nhỏ còn thiếu gì, gặp được nhà mình vừa ý thì phải tính sớm, không là bị nhà khác rước mất đấy.”

“Chứ sao, nhà họ Diệp giờ giàu nhất nhì, mà người nhà lại đàng hoàng, gia phong tử tế, tìm đâu ra được nhà nào tốt bằng?”

“Giá nhà tôi có con gái là tôi đi hỏi rồi đấy, mà bà có con gái xinh thế, tôi thấy là hợp, hay bà thử hỏi một tiếng xem, thành hay không tính sau.”

Bà thím nọ nghe xong cũng thấy động lòng, mím môi không nói.

Có bà thím cố ý chọc Tiểu Lôi Tử: “Này Lôi Tử, giờ cũng sắp thành thiếu niên rồi đấy, có muốn cưới vợ không?”

Tiểu Lôi Tử liếc mắt nhìn bà ấy một cái, chẳng buồn đáp, quay đầu gắp cái đùi gà to tướng bỏ vào chén của Phúc ca nhi.

“Phúc ca nhi, ăn đi.”

Phúc ca nhi ăn chậm, Tiểu Lôi Tử thì toàn gắp phần ngon cho cậu bé.

Bà thím lại trêu tiếp: “Cưới vợ về rồi, để người ta giặt quần áo, nấu cơm cho con nhé?”

Tiểu Lôi Tử là đứa có gia giáo, không đáp lời người lớn sẽ thất lễ, liền ngước mắt nhìn bà ấy, nghiêm túc nói: “Tất nhiên sẽ cưới, nhưng giờ con còn nhỏ, chuyện này để sau hãy nói thím ạ.”

Mấy bà cùng cười khúc khích. Bà thím ngồi đối diện lại chen vào: “Thím này có cô con gái trông cũng xinh lắm đấy, để sau này bàn với cha mẹ con một tiếng, bảo con bé làm vợ con nhé?”

Phúc ca nhi đang cầm cái đùi gà, miệng dính đầy dầu, nghe thế ngẩng đầu ngây thơ hỏi: “Vợ là gì thế?”

Một bà thím cười ha hả giải thích: “Chính là cưới cô gái về nhà, giống như cha mẹ con ấy, cùng nhau ăn cơm mặc áo, sống chung một nhà.”

Lời vừa dứt, Phúc ca nhi đang gặm đùi gà ngon lành liền ném đũa xuống, phụng phịu đứng dậy bỏ đi.

Tiểu Lôi Tử hoảng quá, vội vàng chạy theo, tìm được cậu nhóc đang ấm ức ngồi ở góc tường.

Thằng bé tuy đánh nhau giỏi, nhưng dỗ người lại vụng về. Thấy Phúc ca nhi mắt ngấn nước, Tiểu Lôi Tử luống cuống lấy tay áo vụng về lau nước mắt cho em.

“Phúc ca nhi sao thế? Đùi gà không ngon à?”

Trong mâm chỉ có duy nhất một cái đùi gà, nhóc nhanh tay mới giành được, còn chẳng nỡ ăn mà nhường cho Phúc ca nhi luôn.

Phúc ca nhi lắc đầu, chẳng nói chẳng rằng.

Tiểu Lôi Tử sốt ruột, xoay quanh nhóc mấy vòng: “Em nói đi mà, ai chọc giận em thế, để anh đi đánh nó cho, đừng cứ khóc thế.”

Cuối cùng, Phúc ca nhi mới thút thít, tủi thân nói: “Hồi nãy mấy bà thím bảo anh Lôi Tử sắp cưới vợ rồi…”

Tiểu Lôi Tử ngẩn người, vò đầu gãi tai: “Thì… cái đó còn lâu mà, giờ anh đâu có muốn.”

Nhưng Phúc ca nhi vừa nghe xong lại khóc òa: “Anh… anh cưới vợ rồi…”

Tiểu Lôi Tử há hốc miệng, khó xử không biết nói gì, nghĩ nghĩ rồi lầm bầm: “Thì sau này chắc cũng phải cưới chứ, chẳng lẽ ở vậy làm ông lão cô độc à. Anh nghe mấy bà thím nói, không lấy vợ thì sau chẳng ai giặt quần áo, nấu cơm, khâu vá cho, còn chẳng có con, chết rồi cũng chẳng ai đập bát tiễn…”

Tuy nghe cũng chỉ hiểu lơ mơ, nhưng đại khái cảm thấy rất thảm.

Phúc ca nhi khóc thút thít: “Thế thì sau này anh sẽ không chơi với em nữa, có cái gì ngon cũng cho vợ anh hết, có người bắt nạt em anh cũng không giúp em nữa, em sẽ chỉ còn một mình thôi…”

Tiểu Lôi Tử vội vã vỗ ngực cam đoan: “Không có đâu! Phúc ca nhi, anh nhất định ngày nào cũng chơi với em, có gì ngon đều cho em trước, ai dám bắt nạt em thì anh sẽ đánh họ, lúc nào cũng bảo vệ em!”

Từ bé hai đứa đã như cùng mọc ra từ một nhánh, đi đâu cũng quấn lấy nhau, thân thiết không ai bằng.

Phúc ca nhi ngừng khóc, nói nhỏ: “Vậy còn vợ của anh thì sao? Chẳng lẽ để cô ấy một mình à?”

Tiểu Lôi Tử nghe vậy cũng sững lại, đúng ha, ba người thì cái giường nhà hắn hơi nhỏ, nằm chen nhau chật lắm.
(thằng bé này đáo để =)))

Phúc ca nhi nghĩ một hồi, dù sao cha nhỏ của bé cũng bảo sau này bé phải gả cho người ta, mà anh Lôi Tử cũng phải cưới vợ, vậy thì gả cho anh Lôi Tử luôn là được rồi. Thế là bé vẫn được gả đi, mà anh Lôi Tử cũng có vợ, vẹn cả đôi đường.

Phúc ca nhi ngẩng mặt nghiêm túc nói: “Anh Lôi Tử cưới em đi!”

Tiểu Lôi Tử nghe vậy, mắt sáng rực lên: “Đúng rồi! Vẫn là Phúc ca nhi thông minh, vậy thì ổn rồi.” Cái giường nhà nhóc vừa khéo đủ cho hai người nằm.

Những u sầu ban nãy lập tức tan biến sạch.

Trong nhà chính lúc này đang làm lễ bốc đồ chọn nghề cho Lâm Dữ Lịch.

Trên nền vải đỏ bày đầy đủ các món: bàn tính, đồng tiền, cái cuốc, bút lông…

Người trong nhà và khách khứa vây quanh một vòng lớn, Diệp Khê đặt Lâm Dữ Lịch xuống, cho bò tới chọn đồ.

Lưu Tú Phượng, cha Diệp và mọi người đứng vây quanh, ai nấy đều nín thở chờ đợi.

Lâm Dữ Lịch bò qua, đầu tiên sờ sờ cây bút lông.

Có người reo lên: “Bút lông tốt nha, sau này là người đọc sách, làm quan to!”

“Đúng rồi, đỗ tú tài, lên huyện học!”

Nhưng Lâm Dữ Lịch lại ném bút lông qua một bên, rồi mò tới cái cuốc.

Lâm Tướng Sơn cười ha ha: “Làm ruộng cũng được, đi theo ta trồng lúa, không sợ đói bụng.”

Diệp Khê đứng bên nghe cũng bật cười.

Cuối cùng, dưới ánh mắt háo hức của mọi người, Lâm Dữ Lịch vớ lấy cây cung nhỏ, ôm vào lòng rồi gặm gặm, cười toe toét để lộ mấy chiếc răng sữa.

Diệp Sơn cười nói: “Làm thợ săn cũng hay, cha thằng bé có nghề săn bắn đấy! Sau này trong nhà chẳng lo thiếu thỏ rừng, gà rừng ăn rồi.”

Ly ca nhi và Lý Tập đứng bên cạnh xem vui lắm, Ly ca nhi cười bảo: “Hồi Phúc ca nhi nhà ta bốc đồ á, cái gì cũng không lấy, lại đi kéo tấm vải đỏ lót dưới cùng nắm chặt không buông.”

Lý Nhiên nghe vậy cũng cười trêu: “Vải đỏ tốt mà, đỏ là có hỷ sự. Nhà em chắc sắp có chuyện vui đấy.”

Ly ca nhi cười: “Có gì mà vui, chả phải Tết cũng chẳng phải lễ…”

Lời còn chưa dứt thì Tiểu Lôi Tử với Phúc ca nhi đã chạy ùa vào.

Phúc ca nhi lao tới trước mặt Ly ca nhi, nghiêm túc tuyên bố: “Cha nhỏ, con muốn gả cho anh Lôi Tử làm vợ.”

Ly ca nhi: “…”

Tiểu Lôi Tử cũng hất cằm lên, vô cùng nghiêm túc mà tuyên bố: “Từ nay về sau, Phúc ca nhi chính là vợ của con!”

Lý Nhiên khoé miệng giật giật. Hỷ sự à? Không phải đến rồi đấy sao…

Hết chương 98.

Phúc ca nhi năm 1 tuổi chọn nghề: Gả cho nhà giàu 

 

Bình Luận (0)
Comment