Võ công công của Kính Sự phòng nhìn biểu cảm của Cao Quý công công, cười giả lả nói: “Cao Quý công công, có gì không ổn sao ạ?”
Cao Quý công công giả vờ ho khẽ: “Không có gì, ngươi vào đi. Bảo trọng!”
Võ công công không hiểu đầu cua tai nheo gì, nhưng vẫn chỉnh lại y phục, cúi đầu bước vào: “Tham kiến bệ hạ.”
Tiêu Diễn bước nhanh xuống bậc thang dài, tốc độ nhanh đến mức khiến Võ công công sững sờ.
Chẳng lẽ bệ hạ đã thông suốt rồi sao?
Tiêu Diễn vừa nhìn đã thấy hai thẻ đỏ trên khay. Thục phi ở Thái Vi điện luôn treo thẻ đỏ, nhưng thẻ còn lại nằm ở hàng thứ ba, trên ngọc bài rõ ràng khắc tên Cố Quý nhân của Hà Lạc điện.
Võ công công cúi đầu, giơ cao khay lên đỉnh đầu, nhưng mãi không thấy hoàng đế có động thái gì. Ông ta liều mình ngước lên nhìn, chỉ thấy hoàng đế nghiêm mặt, không biểu lộ cảm xúc, chỉ có đôi lông mày kiếm căng như dây cung, đôi mắt tối lại, ánh lên vẻ sắc bén.
Ông ta không dám nhìn thêm nữa, vội cúi đầu xuống, lại bất ngờ cảm thấy khay trong tay nhẹ hẳn.
Hoàng đế vung tay lật ngược khay gỗ hoa lê mà Võ công công đang giơ cao trên đỉnh đầu.
Khay rơi xuống đất tạo nên một loạt tiếng động lớn vang lên, mấy thẻ ngọc văng tung tóe khắp nơi.
Võ công công chân run, quỳ sụp xuống: “Nô tài hầu hạ không chu đáo, xin bệ hạ thứ tội, bệ hạ bớt giận!”
Cao Quý công công đứng ngoài các, nghe thấy tiếng động cũng hoảng sợ, lập tức vào điện, cúi lạy nói: “Bệ hạ bớt giận!”
Trong Thiên Lộ các bỗng nhiên trở nên yên tĩnh.
Tiêu Diễn nhìn hai người đang run rẩy cúi đầu quỳ dưới đất, bỗng nhiên cười một tiếng: “Đứng lên hết đi…”
Võ công công không dám nhặt những thẻ ngọc văng khắp nơi, chỉ cúi đầu nắm chặt lấy mép khay, khom lưng đứng dậy: “Bệ hạ… nô tài… xin… xin cáo lui.”
Bên tai lại nghe giọng hoàng đế chậm rãi nói: “Truyền Triệu Tài nhân của Hà Lạc điện.”
Bước chân Võ công công đang chuẩn bị lùi ra ngoài đành dừng lại, đáp: “Nô tài tuân chỉ.”
Hoàng đế từ Ô Sơn trở về cung, lần đầu lật thẻ ngọc lại lật của Triệu Tài nhân mới được phong tại biệt cung Ô Sơn, cả hậu cung ai nấy đều kinh ngạc. Ban đầu chỉ nghĩ rằng hoàng đế hứng thú nhất thời, tiện tay nâng đỡ một Tài nhân ở Ô Sơn thì cũng chẳng có gì đáng nói, vậy mà khi về cung rồi, cô ta vẫn được sủng ái!
Cố Nghi đứng bên cửa sổ nhìn thấy các cung nhân của Thượng nghi cục tấp nập đi về phía điện phụ của Hà Lạc điện.
Diễn biến quả nhiên vẫn theo đúng cốt truyện…
Đào Giáp nhíu mày, lo lắng nói: “Quý nhân… chuyện này phải làm sao bây giờ?”
Cố Nghi thu ánh mắt lại, nói: “Chuyện này không phải việc lớn, Triệu Tài nhân được sủng ái cũng là chuyện tốt.”
Đào Giáp lại nhìn đoàn cung nữ bên ngoài rồi nói: “Quý nhân, nếu lúc này không dập tắt ý định của cô ta, lỡ sau này Triệu Tài nhân trở nên tham vọng hơn thì…”
Cố Nghi xua tay: “Ta tin Triệu Tài nhân không phải người như thế.”
Nói rồi, cô bước đi vài bước, thở dài một hơi: “Đi thôi Đào Giáp, chúng ta đến ngự hoa viên cho cá ăn.”
Đào Giáp mấp máy môi vẫn định khuyên thêm, nhưng thấy Cố Nghi hơi cau mày thì đành xoay người đi lấy thức ăn cho cá, miệng lẩm bẩm: “Quý nhân, trời đang đẹp, ra ngoài đi dạo ngự hoa viên cũng tốt…”
Cố Nghi thay một bộ y phục khác, mặc váy áo màu trắng như ánh trăng, bên ngoài khoác chiếc áo lông xanh tre rồi từ từ bước ra ngoài cửa chính của Hà Lạc điện.
Triệu Uyển bước đến gần cửa điện phụ, nhìn thấy Cố Nghi đang rời khỏi đại điện, bèn hỏi Tú Hà: “Hôm nay ban ngày Đào Giáp đã đi đến Ti tân ti à?”
Tú Hà gật đầu đáp: “Đào Giáp tỷ tỷ bảo đến cân lại trọng lượng quả bóng của trò đánh bóng, từng quả một đã được cân xong, trọng lượng đều được ghi lại trong sổ.”
Triệu Uyển cau mày suy nghĩ một lát, thầm nghĩ: Cố Quý nhân… hóa ra lại là người cẩn trọng đến vậy sao…
Cung nữ của Thượng nghi cục liền bước tới thưa: “Tài nhân, nước nóng đã chuẩn bị sẵn, nô tì sẽ hầu hạ Tài nhân tắm rửa.”
Triệu Uyển thoát khỏi dòng suy nghĩ, bước vào tẩm điện, cung nữ liền giúp cô ấy tắm rửa rồi chải tóc.
Trên bàn trang điểm, cuốn sách do cung nữ của Thượng nghi cục dâng lên vẫn còn để đó.
Triệu Uyển liếc nhìn, lập tức đỏ bừng mặt, quay đi ngay, đôi mắt khép hờ lại. Cung nữ nhìn thấy thì cười khẽ: “Tài nhân hầu hạ Hoàng thượng rồi mà còn ngượng ngùng thế.”
Trong lòng Triệu Uyển chùng xuống, nét mặt trở nên nghiêm nghị, nhẹ giọng quở trách: “Nói nhiều.”
Cung nữ lập tức cứng đờ, thu lại nụ cười: “Nô tì biết lỗi.”
Giờ Tuất ba khắc.
Ánh trăng trải dài trên mặt hồ, gợn sóng phản chiếu ánh sáng lung linh.
Trên đài ngắm cá ven hồ, hai chiếc đèn lồng màu vàng đã được thắp sáng.
Cố Nghi cầm thức ăn cho cá trong tay, thỉnh thoảng lại ném vài hạt xuống hồ.
Đào Giáp không kìm được bèn khuyên: “Quý nhân ở đây đã mấy canh giờ rồi, đêm xuống lạnh lắm, hay là về điện thôi ạ.”
Cố Nghi xoay người hỏi: “Giờ này là canh mấy rồi?”
Đào Giáp nhìn quanh, thấy trời đã tối bèn đáp: “Có lẽ đã qua giờ Tuất… Trong nhà kính của ngự hoa viên có đồng hồ nước [1], hay để nô tì đi xem thử?”
Cố Nghi khẽ nói: “Ừ, mau đi rồi về, ta cần biết chính xác giờ giấc.”
Đào Giáp nhận lệnh rồi nhanh chóng rời đi.
Một lúc sau, gió đêm khẽ thổi, làm mặt hồ gợn sóng nhẹ. Cố Nghi rùng mình vì lạnh, cúi đầu buộc lại dây lụa của chiếc áo choàng trước ngực.
Đằng sau bỗng có tiếng bước chân nhẹ nhàng vang lên, đế giày lướt trên nền đá phát ra âm thanh “sột soạt” khe khẽ.
“Nhanh như vậy đã quay về rồi à?”
Cố Nghi vừa quay đầu lại thì nhìn thấy một gương mặt hoàn toàn xa lạ, chính xác hơn chỉ là nửa gương mặt. Đó là một thanh niên mặc áo xám, thân hình gầy gò, dáng người thấp, trông không khác gì các thái giám bình thường, nếu đứng giữa đám đông cũng chẳng ai để ý. Thế nhưng, nửa gương mặt của hắn ta lúc này bị che bởi một tấm vải đen, chỉ để lộ ra đôi mắt xếch đầy vẻ âm u, lạnh lẽo.
Toang rồi!
Lưng Cố Nghi lập tức đổ mồ hôi lạnh, cô quay người định chạy trốn, nhưng thanh niên áo xám đã kịp tóm lấy cánh tay cô. Sức mạnh của hắn ta thật kinh khủng, như thể muốn nghiền nát xương cô vậy.
Cố Nghi hoảng hốt hét lên: “Có kẻ xấu! Có thích… Ưm…” Lời còn chưa nói hết, hắn ta đã dùng tay kia bịt chặt miệng cô lại.
Cố Nghi ngay lập tức ngửi thấy một mùi dầu đèn lẫn với hương than củi, rồi chợt thấy từ trong tay áo của hắn ta lộ ra một con dao găm. Mũi dao sáng loáng, khiến cô sợ hãi đến thắt cả gan ruột!
Là ai muốn hại cô? Hay là cốt truyện đang muốn làm khó cô đây?
Cố Nghi lập tức nhấc chân đá vào hạ bộ của hắn ta.
Thanh niên áo xám thoáng giật mình, né sang một bên, khiến tay hắn ta lơi lỏng việc khống chế cô!
Cố Nghi tức giận cắn mạnh vào bàn tay hắn ta, răng cô nghiến chặt một mảng da thịt trên lòng bàn tay của hắn ta.
“Ui…” Hắn ta đau đớn buộc phải rút tay lại.
Cố Nghi lập tức thoát khỏi sự khống chế, lao vội lên lan can của đài ngắm cá. Hắn ta cầm dao đâm thẳng tới, lưỡi dao xé rách tà áo dài màu trắng của cô.
Cố Nghi gắng gượng chịu đựng cơn đau ở bắp chân, nghiêng người nhảy thẳng xuống hồ nước.
“Ầm” một tiếng, nước bắn tung tóe, cô lập tức hét lớn: “Người đâu! Có thích khách!”
Gã áo xám thấy vậy liền quay người bỏ chạy vào vùng tối của khu vườn, nơi không có ánh đèn.
Đào Giáp nghe thấy tiếng nước thì vội chạy đến đài ngắm cá, hoảng hốt nói: “Quý nhân ngã xuống nước rồi!”
Thị vệ tuần tra nghe thấy tiếng kêu lớn, vội vàng chạy đến.
Người dẫn đầu chính là Tề Sấm. Thấy Cố Nghi rơi xuống nước, anh ta chắp tay hỏi: “Quý nhân biết bơi không? Hãy bơi về phía bờ, thần sẽ kéo người lên!”
Anh vừa mới đi đâu vậy? Đến cả ngự hoa viên cũng có trộm vào được! Triều đình của Tiêu Chó sắp sụp đổ đến nơi rồi!
Cố Nghi trong lòng đầy tức giận, bơi chó loạng choạng về phía bờ.
Tề Sấm hai tay đỡ dưới nách cô, như nhấc một con gà con từ dưới hồ lên.
Anh ta cởi áo choàng lớn của mình và khoác lên người Cố Nghi.
Đào Giáp kêu lên: “Quý nhân, chân người chảy nhiều máu quá!”
Tề Sấm cúi đầu nhìn thì thấy chiếc váy trắng ngà của cô ở phần bắp chân đã nhuộm đỏ bởi máu tươi.
Cố Nghi chậm rãi kêu “A” lên một tiếng, cảm giác đau đớn mà lúc nãy vì sợ hãi và căng thẳng mà cô kìm nén, giờ đột nhiên trở nên rõ rệt.
Đào Giáp thấy sắc mặt cô ngày càng tái nhợt, lo lắng nói: “Phải làm sao đây? Quý nhân, nô tì sẽ đi mời Y chính tới ngay, nhưng giờ này, chờ kiệu đến sẽ mất một lúc, Quý nhân chắc chắn không thể tự đi được, cũng không thể chờ lâu thế này!”
Cố Nghi đi thử bước vài bước, lập tức đau đến nỗi cô nhăn cả mặt mũi lại.
Tề Sấm chắp tay nói: “Thần đưa Quý nhân đi một đoạn, Đào Giáp có thể nhanh chóng đi mời Y chính, đừng để vết thương bị trì hoãn!”
Đào Giáp nhìn Cố Nghi rồi nói: “Nô tì sẽ đi ngay đến Thái Y viện!” Nói xong cô ấy liền chạy đi.
Cố Nghi đành phải nói với Tề Sấm: “Làm phiền Tề Đô thống.”
Tề Sấm vòng tay đỡ ngang người rồi bế Cố Nghi lên.
Toàn thân Cố Nghi ướt sũng, co ro trong chiếc áo choàng lớn, cô nhìn về phía tây của bầu trời, thấy một vùng trời đỏ rực.
Ánh lửa đỏ rực bùng lên, khói đen cuồn cuộn bốc lên cao.
“Đàm Nguyên Đường cháy rồi!”
Tiêu Diễn dừng bước, nghe cung nhân chạy tới bẩm báo.
Hắn hơi nhíu mày, giọng nói lạnh lùng: “Lưu Thái phi đâu? Thái phi có an toàn không?”
Cung nhân dập đầu, nói: “May nhờ Phật Tổ phù hộ, Thái phi nương nương vẫn an toàn. Nô tài hiện đang dập lửa, may là chỉ có Phật đường bị cháy, chính điện chưa bị ảnh hưởng. Chắc không lâu nữa lửa sẽ được dập tắt.”
Tiêu Diễn nói: “Biết rồi, ngươi nhanh đi phái người tới chữa cháy đi.”
Cung nhân vâng lời, vội vã rời đi.
Tiêu Diễn đứng khoanh tay giữa con đường hẹp, đợi một lúc thì hai ảnh vệ áo đen vội vàng chạy tới, quỳ một chân xuống, nói: “Xin bệ hạ thứ tội, thuộc hạ vô dụng. Kẻ phóng hỏa rất xảo quyệt, sau khi bỏ lại Lưu Thái phi thì đã tự mình bỏ trốn. Thuộc hạ chỉ có thể ưu tiên cứu Thái phi trước.”
Tiêu Diễn cười nhẹ: “Sao thế, Tiêu Luật từ xa ngàn dặm cử người đến cứu mẫu phi của cậu ta mà lại bỏ cuộc giữa chừng ư? Nuôi toàn là lũ vô dụng!”
Hai ảnh vệ nghe giọng điệu lạnh lẽo của hắn, cúi đầu càng thấp hơn, nói: “Thuộc hạ vô dụng, xin bệ hạ trách phạt!”
Tiêu Diễn nói: “Các ngươi tự đi nhận phạt đi. Cứ để cái đầu đó lại, sau này lấy công chuộc tội.”
Hai ảnh vệ đáp “vâng” rồi rời đi.
Cao Quý công công nhìn theo bóng ảnh vệ rời đi, rồi liếc về Hà Lạc điện ở phía cuối tường đỏ: “Bệ hạ vẫn muốn đến Hà Lạc điện chứ?”
Tiêu Diễn không vui đáp: “Trở về Thiên Lộc các… Thái phi nương nương tối nay đã bị kinh động, lát nữa trẫm sẽ phải qua thăm bà ấy.”
Cao Quý công công gật đầu: “Nô tài sẽ sai người báo cho Triệu Tài nhân một tiếng.”
Tiêu Diễn quay người bước về phía chính điện, nhưng đi chưa được bao xa thì nhìn thấy một bóng dáng cao ráo đi tới.
Tiêu Diễn nhận ra bộ giáp ấy, đó chính là Tề Sấm, trong tay anh ta còn đang bế một người đang được cuộn trong chiếc áo choàng lớn.
Tiêu Diễn cau mày nhìn kỹ lại, lòng đột nhiên trầm xuống, vội vàng bước nhanh tới.
Cố Nghi ngước mắt lên thì nhìn thấy Tiêu Diễn đang bước đến, cô bỗng cảm thấy muốn khóc.
Tiêu Chó! Ngự hoa viên của anh rốt cuộc là nơi dơ bẩn thế nào, toàn là mấy kẻ không ra gì đến đó không vậy!
Khi Tiêu Diễn tiến lại gần, hắn mới nhận ra người đó thực sự là Cố Nghi, chỉ thấy tóc mai của cô ướt đẫm, sắc mặt tái nhợt, co ro trong chiếc áo choàng lớn, đôi môi cũng xanh xao.
Cố Nghi mở miệng gọi: “Bệ hạ! Tối nay thần thiếp ở ngự hoa viên cho cá ăn thì gặp phải kẻ xấu. Tên đó che nửa khuôn mặt, kéo thần thiếp lại không buông, còn bịt miệng thần thiếp nữa. Mọi việc diễn ra quá nhanh, trong tay áo hắn ta bỗng lộ ra một con dao ngắn sáng loáng. Thần thiếp thấy vậy liền đá vào hạ bộ rồi cắn vào lòng bàn tay hắn ta. Lợi dụng lúc hắn ta thả tay ra, thần thiếp liền nhảy xuống hồ, may mắn mới giữ được mạng. Tề Đô thống đi ngang qua mới cứu được thần thiếp, nhưng thần thiếp đã bị hắn ta chém một nhát vào chân nên Tề Đô thống mới đưa thần thiếp về Hà Lạc điện.”
Vừa nói, cô vừa vén chiếc áo choàng lên, để lộ vạt váy dính đầy máu.
Tinh thần của cô vẫn khá tốt, chứng tỏ vết thương không quá nghiêm trọng.
Tiêu Diễn khẽ nhíu mày, sau đó giơ tay vững vàng ôm lấy eo Cố Nghi rồi kéo cô vào lòng mình: “Tề Sấm, lui xuống.”
Tề Sấm ngẩng đầu thấy nét mặt của Tiêu Diễn, trong lòng lập tức kinh hãi, nhanh chóng tránh ánh mắt của hắn, cúi đầu chắp tay nói: “Vi thần cáo lui.”
*
[1] Đồng hồ nước (铜漏) là một loại đồng hồ cổ đại dùng để đo thời gian bằng nước chảy. Đây là một công cụ rất phổ biến trong thời kỳ cổ đại ở Trung Quốc và một số nước Đông Á trước khi đồng hồ cơ học ra đời.
Đồng hồ nước thường được làm bằng đồng, gồm một bồn hoặc bình chứa nước có lỗ nhỏ ở dưới đáy, nước chảy qua lỗ này và thời gian được đo dựa vào lượng nước chảy ra. Người ta có thể đánh dấu thời gian bằng cách đo mực nước trong bình hoặc theo lượng nước đã chảy ra trong một khoảng thời gian nhất định.