Ông chủ Cố là người làm việc lớn, không cần Minh Chi mở lời, đã cho A Vinh đưa đến một tấm chi phiếu, đối xử với cô và các con trai nuôi như nhau.
Minh Chi hỏi ra mới biết ai cũng có, ngay cả bác Vương gác cổng nhà họ Cố cũng được một phần lì xì, chỉ khác nhau ở số tiền nhiều hay ít. Món quà này không nhận thì bất kính, cô bèn cứ thế nhận lấy.
Có tiền một mình hưởng cũng chẳng thú vị, hôm đó Minh Chi gọi mẹ con Bảo Sinh và bảo mẫu tới, định dẫn ba người họ đến khách sạn Lễ Tra ăn cơm tôm nõn. Bảo Sinh tuy nhỏ mà khôn, nhưng dù sao vẫn là trẻ con, vừa nghe nói thế liền nhảy cẫng lên đến nỗi làm rơi vỡ một cái bình hoa, rồi lẩn vào góc tường giữa tiếng mắng chửi của mẹ.
Thấy Minh Chi nhìn mình, cậu nhóc cười hì hì thò đầu ra le lưỡi, rồi quay người bỏ chạy.
Minh Chi cầm quyển sách, đầu óc lơ mơ mất nửa ngày.
Mặt trời ngả về Tây, Bảo Sinh bê một chiếc ghế đẩu ngồi canh ở bên chân cô, mẹ Bảo Sinh thay mấy bộ quần áo, ngay cả bảo mẫu vốn điềm tĩnh cũng đi đi lại lại liên tục. Thấy thời gian đã gần đến, Minh Chi ném quyển sách xuống, cũng chẳng buồn thay đồ, chỉ khoác thêm một chiếc áo khoác rồi ra ngoài.
Khách sạn Lễ Tra nằm ở nơi giao nhau giữa sông Hoàng Phố và sông Tô Châu, trời lạnh, trên mặt nước không có nhiều thuyền bè, người đi đường cũng thưa thớt.
Cách một khoảng khá xa, Bảo Sinh ngồi phía trước tinh mắt đã nhìn thấy chóp nhọn của tòa nhà, vui mừng reo lên, "Đến rồi! Đến rồi!".
Minh Chi thờ ơ đưa mắt từ mặt sông xám xịt về phía trước, vừa khẽ cười nhạo bản thân trong quá khứ, lúc đó nếu chết đi thì chẳng còn gì nữa.
Khách sạn Lễ Tra có thang máy đi thẳng lên tầng năm, nhưng mẹ con Bảo Sinh ham ngắm nhìn khung cảnh xung quanh nên muốn đi bộ từng tầng một. Bảo Sinh chạy lon ton phía trước, mẹ Bảo Sinh đi sau Minh Chi thì thầm với bảo mẫu. Hai người họ ngày thường khó tránh khỏi chút va chạm, nhưng trong khách sạn nguy nga lộng lẫy này, vừa kịp thời trao đổi cảm nhận, vừa không tự chủ được mà sinh ra cảm giác tri kỷ: Quả nhiên người có tiền thích ra ngoài, nơi này còn thú vị hơn cả Đại Thế Giới.
Trước hết, nơi này ấm áp như tháng tư tháng năm dương lịch, người qua kẻ lại ăn mặc mỏng manh, phụ nữ hở vai trần và lưng càng không ít. Nếu không phải nhìn thấy cảnh vật bên ngoài từ cửa sổ hình vòm, thật sự sẽ tưởng mình nhầm mùa. Thứ hai, đủ loại người nước ngoài, Tây, Đông, tóc vàng mắt xanh, mặc kimono bước đi khoan thai, đều có cả.
Mẹ Bảo Sinh dựa vào hai bàn tay nuôi sống bản thân và con trai, vẫn luôn tự hào là người từng trải, nhưng sau khi bước vào đây vẫn lộ vẻ bỡ ngỡ.Chiếc gương lớn trên tường soi rõ dáng vẻ quê mùa của chị ấy, áo bông quá mới, hoa văn quê kệch, đi đường rụt cổ, đầu cũng không dám ngẩng lên, mắt không biết nhìn vào đâu cho phải. Chị ấy len lén liếc nhìn bảo mẫu, người sau cũng chẳng khá hơn bao nhiêu, hai môi mím chặt, cười gượng gạo đầy vẻ lúng túng.
Dù sao cũng là người hầu, không thể nào ra dáng được, mẹ Bảo Sinh biết rõ thân phận của mình. Lại nhìn Minh Chi, cô đi lại rất tự nhiên, dường như đã quen thuộc với thế giới phồn hoa này, dù cô chỉ mặc một chiếc áo bông vải xanh bình thường.
Quả nhiên là tiểu thư khuê các, mẹ Bảo Sinh nghĩ. Minh Chi chưa từng nói với họ về lai lịch của mình, nhưng mẹ Bảo Sinh đoán được, cô chắc chắn xuất thân từ gia đình giàu có, cử chỉ điệu bộ khác hẳn.
Trẻ con trời sinh đã biết cái gì là tốt, Bảo Sinh, Phúc Sinh lúc ở bên cạnh Minh Chi ngoan ngoãn đến mức...
Chị ấy nhìn đứa con trai duy nhất của mình, trơ mắt nhìn nó đâm sầm vào người một tiên sinh đang đi tới.
Ôi chao thằng nhóc này, cứ như chó gặp phải ngày lành, không gây chuyện thì không chịu được. Mẹ Bảo Sinh bước nhanh hơn muốn xin lỗi trước khi đối phương nổi giận.
Thế nhưng người nọ sững người tại chỗ, một vị tiểu thư bên cạnh người đó mới buột miệng gọi, "Minh Chi!"
Anh họ Cả, cô Sáu, cô Tám nhà họ Thẩm, còn có Sơ Chi. Họ ăn mặc sang trọng, anh họ Cả mặc bộ vest màu xám nhạt, cô Sáu và cô Tám một người mặc sườn xám màu mơ, một người màu đỏ nước, đều đi giày cao gót da. Sơ Chi thì khác, cô ta mặc một chiếc váy Tây xòe rộng, làm nổi bật vòng eo thon gọn.
Người gọi cô là cô Tám nhà họ Thẩm.
Ánh mắt Minh Chi khẽ lướt qua bọn họ, dừng lại ở người vừa đến - Từ Trọng Cửu.
Cô gật đầu với họ, "Chúc mừng năm mới."
Bước chân không dừng lại, không nhanh không chậm đi lướt qua họ.
Mẹ Bảo Sinh không rõ chuyện này là sao, nhưng thấy đối phương không có ý làm khó Bảo Sinh, nên vội vàng đi là thượng sách. Chị ấy kéo tay Bảo Sinh, đợi đi qua rồi mới nhỏ giọng mắng cậu vài câu, đại loại là nếu còn nghịch ngợm thì Tết nhất không cho ra khỏi nhà.
Bảo mẫu khi đi ngang qua Từ Trọng Cửu, hơi cúi người chào, nhỏ giọng gọi, "Tiên sinh."
Bây giờ chị ta nhận tiền chi tiêu từ tay Minh Chi, ngày tháng vẫn trôi qua như vậy, lại còn làm việc ít hơn trước, chẳng có gì không tốt. Vì vậy, sau một tiếng chào hỏi, bảo mẫu cúi đầu vội vàng đuổi theo Minh Chi.
Sảnh lớn tầng năm của khách sạn Lễ Tra có ban nhạc biểu diễn tại chỗ, còn có sàn nhảy, cũng có khách sau bữa ăn xuống sàn nhảy một điệu.
Minh Chi tiện tay nhét cho người phục vụ một tờ tiền, "Cho chỗ nào yên tĩnh một chút."
Người phục vụ biết gặp khách sộp, cúi đầu khom lưng dẫn họ đến một căn phòng riêng biệt. Chỗ đó tầm nhìn rất tốt, vừa có thể ăn cơm, vừa không bỏ lỡ việc thưởng thức buổi biểu diễn bên ngoài. Minh Chi liếc nhìn thực đơn, bảo người phục vụ chọn món đắt tiền nhất.
Người phục vụ nhận ra ngoài cô ra ba người kia không phải người biết ăn đồ Tây, bèn tự ý sắp xếp thực đơn, coi như kết hợp giữa Ta và Tây. Món chính là bò bít tết, món khai vị là măng tây, giăm bông, súp là súp kem gà sợi bào ngư trứng bồ câu, món cá là cá hồi sốt trắng, món tráng miệng là bánh pudding, riêng Bảo Sinh có một phần kem, ba người phụ nữ Minh Chi uống hồng trà.
Minh Chi lại gọi thêm một chai sâm panh. Thấy người phục vụ bắt đầu bày biện dao dĩa, cô xua tay ra hiệu mang xuống, "Không cần mấy thứ này, mỗi người một đôi đũa."
Người phục vụ được nhận tiền boa hậu hĩnh, cho dù Minh Chi nói mặt trời mọc đằng Tây cũng không thành vấn đề, huống chi chỉ là chuyện nhỏ không dùng dao dĩa, liền lập tức đáp ứng, quay người đưa lên bốn bộ bát đũa, bò bít tết cũng được cắt thành miếng nhỏ rồi mới mang lên.
Mẹ Bảo Sinh cười nói, "Vừa rồi tôi còn đang nghĩ, tôi là người nhà quê không biết dùng đồ của Tây để ăn cơm, đừng có làm người ta chê cười. Chê cười tôi thì thôi, ai bảo tôi thật sự là đồ nhà quê, chỉ là làm liên lụy đến cô."
Minh Chi húp một ít súp, rồi đưa một phần thức ăn cho Bảo Sinh, chậm rãi uống sâm panh. Nghe mẹ Bảo Sinh nói vậy, cô mỉm cười không đáp.
Bảo Sinh lại ngẩng đầu lên khỏi món ăn phản bác, "Đã bỏ tiền ra rồi, chúng ta muốn ăn thế nào là việc của chúng ta, quan tâm người ta nhìn thế nào làm gì."
Trước mặt Minh Chi, mẹ Bảo Sinh không tiện lớn tiếng mắng con trai, kẻo làm mất hứng của cô, chỉ có thể trừng mắt nhìn cậu, "Ăn đi."
Lúc này các thành viên ban nhạc đã đến đông đủ, mỗi người cầm nhạc cụ của mình, mở màn bằng một bản tình ca.
Minh Chi khẽ ngân nga theo giai điệu bài hát: "Nếu không có anh, ngày tháng biết trôi qua sao, trái tim em tan nát,... ruột gan em đứt đoạn, em chỉ còn biết đi gây họa." Sắc mặt cô bình thản, không vui cũng không buồn. Mẹ Bảo Sinh và bảo mẫu trao đổi một ánh mắt, tuy cảm thấy việc Từ Trọng Cửu không về nhà là rất không ổn, nhưng lúc này cũng không tiện lên mặt dạy đời cô chủ về những kinh nghiệm của mình.
Thật sự là nơi này quá phồn hoa, không thích hợp để làm trò khóc lóc om sòm.
Còn ý của cô chủ là gì, họ cũng không đoán ra, cô chủ gặp người quen bạn bè mà lại lạnh nhạt chẳng nói chẳng rằng. Gặp tiên sinh, cô chủ trông cũng không có vẻ đau buồn, nhưng nói là đã hết tình cảm với tiên sinh thì cũng không phải! Cách đây không lâu cô chủ còn nói với cậu Cố mình là Từ phu nhân.
Ăn cơm xong, mẹ con Bảo Sinh vào phòng chiếu phim của khách sạn xem phim, Minh Chi đi uống trà. Ở đại sảnh tầng một, cô lại gặp Thẩm Phượng Thư.
Thẩm Phượng Thư dựa lưng vào tường, ánh mắt sắc bén như điện, bất kể ai ra vào đều lọt vào tầm mắt của anh, kể cả Minh Chi.
Minh Chi không chút do dự,e đi thẳng về phía anh.
Thẩm Phượng Thư chậm rãi đứng dậy kéo ghế cho cô, "Mời ngồi, em họ." Không đợi cô lên tiếng, anh hỏi, "Em uống gì?"
Trên bàn bày một ấm trà và hai chiếc tách, một chiếc đã rót đầy trà, một chiếc chưa dùng đến. Cô cầm ấm trà rót cho mình một tách, "Anh họ, em uống cái này là được rồi."
Chuyện cũ đã qua, cô chẳng còn sợ gì nữa, bởi vì còn sống là còn hy vọng.