Làn sóng lây nhiễm bùng phát sau khi gỡ bỏ phong tỏa quả thực không ảnh hưởng nhiều đến những người trẻ tuổi như Trần Niệm An và Chúc Mãn Thương, chỉ cần ở nhà chống chọi vài ngày là qua. Nhưng đối với một bệnh nhân ung thư phổi như ông Lưu thì chẳng khác nào họa vô đơn chí, một đòn chí mạng.
Bà Du gọi điện cho Trần Niệm An, nói rằng ông Lưu nhất quyết không chịu phẫu thuật. Sau khi không may bị dương tính vào đầu tháng Một, tình hình của ông chuyển biến xấu đi nhanh chóng, phải ở phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) một tuần mới được chuyển về phòng bệnh thường.
Bác sĩ nói không còn cần thiết phải phẫu thuật nữa. Thuốc đặc trị rất đắt tiền, bệnh nhân lại lớn tuổi, chức năng toàn thân đã suy thoái, dùng thuốc cũng chưa chắc có hiệu quả. Bác sĩ đề nghị gia đình đưa bệnh nhân đến phòng chăm sóc cuối đời, dùng thuốc giảm đau để xoa dịu bệnh tật.
Lưu An An trở về Tiền Đường một mình. Sau khi cả nhà bàn bạc xong, ông Lưu nói: “Không chữa nữa, cứ đến cái phòng gì đó đi.”
Lưu An An nén nỗi đau thương, đưa cha mình đến phòng chăm sóc cuối đời của một bệnh viện. Ông Lưu ngày một yếu đi, cơn đau ung thư hành hạ ông mỗi đêm, khiến ông khó lòng yên giấc, chỉ có thể dựa vào thuốc giảm đau và thuốc ngủ liều mạnh để dịu bớt khổ sở.
Bà Du ngày nào cũng đến bệnh viện bầu bạn với ông. Nhân lúc ông còn tỉnh táo, bà hỏi: “Ông ơi, ông còn tâm nguyện gì chưa hoàn thành không? Có muốn gặp hai đứa cháu ngoại không? Để tôi bảo con rể đưa chúng về nhé?”
“Thôi không cần đâu.” Ông Lưu nói, “Chúng nói gì tôi cũng không hiểu, bay một chặng đường xa như vậy, vé máy bay đắt lắm.”
Bà Du hỏi: “Vậy ông còn muốn gặp ai nữa?”
Những người thân quen, bạn bè, hàng xóm cũ, đồng nghiệp cũ đều đã đến thăm. Ông Lưu nhìn lên trần nhà suy nghĩ một lát rồi nói: “Tôi muốn gặp Niệm An, còn có Tinh Tinh và Tiểu Mãn Bảo nữa, chúng nó cũng là cháu trai cháu gái của tôi mà…”
Chúc Phồn Tinh mua ba vé máy bay, cùng Trần Niệm An và Chúc Mãn Thương bay về Tiền Đường ngay sáng sớm hôm sau.
Họ đặt hai phòng khách sạn cạnh bệnh viện, sau khi cất hành lý, ba người lập tức đến bệnh viện thăm ông Lưu.
Lưu An An đợi họ ở cửa thang máy. Năm nay chị bốn mươi tám tuổi, đã là một người phụ nữ trung niên với thân hình phát tướng, ngày càng giống bà Du.
Trần Niệm An đã lâu không gặp chị, cảm giác về chị vô cùng phức tạp. Anh biết cuộc sống của Lưu An An ở Đức không hề dễ dàng, chị cũng có gửi tiền về cho ông bà tiêu, nhưng anh vẫn không khỏi có chút oán trách chị.
Con người ta phải sống vì chính mình, câu nói này không sai. Nhưng ông bà chưa từng bạc đãi Lưu An An, họ hoàn toàn khác với bố mẹ của Quách Hiểu Xuân. Trần Niệm An đã chứng kiến cuộc sống tuổi xế chiều của hai ông bà, sau khi xã hội thông minh phát triển, hai người già đã phải vật lộn rất nhiều. Mấy năm trước, cứ ba ngày là anh lại chạy sang căn hộ 202 giúp ông bà giải quyết đủ thứ vấn đề, cho đến khi anh rời Tiền Đường.
Trước khi đến Bắc Kinh, ngoài việc không yên lòng về Chúc Mãn Thương, người anh không yên lòng nhất chính là ông bà.
Lưu An An dẫn họ đến phòng bệnh.
Tầng lầu nơi có phòng chăm sóc cuối đời không giống những tầng khác, được bài trí ấm cúng và thoải mái, không giống bệnh viện mà giống khách sạn hơn. Đây là lần đầu tiên Trần Niệm An đến một nơi như thế này. Anh nghe thấy tiếng ai đó đang la hét thảm thiết, không biết phát ra từ phòng nào. Chúc Mãn Thương giật mình run rẩy, hỏi: “Ai đang kêu vậy ạ?”
Lưu An An nói: “Một bác trai, ngày nào cũng vậy, ngoài lúc ngủ ra, cứ tỉnh dậy là bắt đầu la hét om sòm. Mọi người cũng không thể nói gì được, bệnh nhân đến đây ai mà không đau? Chỉ là có người chịu đựng được, có người thì không tài nào chịu nổi.”
Ông Lưu ở phòng đơn, căn phòng được bài trí khá đẹp, rất giống phòng ngủ trong một căn nhà bình thường. Đồ nội thất màu gỗ tự nhiên, rèm cửa màu ấm áp in hoa văn nhỏ li ti, trên tường treo một chiếc tivi màu lớn, bên cửa sổ thậm chí còn có một bộ bàn ghế và một chiếc sofa đơn.
Ông cụ tựa người trên giường bệnh, bà Du ngồi bên cạnh. Ông nhìn thấy ba người trẻ tuổi bước vào phòng, liền nở nụ cười móm mém: “Niệm An, Tinh Tinh, Mãn Bảo, các con đến rồi à.”
Nếu bỏ qua dáng vẻ gầy gò đến biến dạng của ông, chỉ nhìn vào trạng thái tinh thần, Trần Niệm An khó có thể liên hệ ông với một bệnh nhân giai đoạn cuối. Ông Lưu trông có vẻ rất vui, bảo họ ngồi xuống, còn bảo bà Du lấy hoa quả cho họ ăn: “Toàn là người ta mang đến, ông cũng ăn không nổi, các con thanh niên ăn khỏe, ăn nhiều vào.”
Nước mắt Trần Niệm An rơi xuống. Anh ngồi bên giường bệnh, nắm lấy tay ông Lưu, gọi ông: “Ông ơi, ông sẽ không sao đâu ạ.”
Ông Lưu bị câu nói ấy chọc cười, vừa cười vừa nhíu mày, kêu lên mấy tiếng rồi mới từ từ cất lời: “Niệm An, con đừng khóc, ông sống đủ rồi, không còn gì hối tiếc nữa, chuyện cần dặn dò ông đều đã dặn dò rõ ràng cả rồi. Trước khi đi còn được gặp lại các con, ông mãn nguyện lắm rồi.”
Chúc Phồn Tinh và Chúc Mãn Thương đều khóc. Không ai biết ông Lưu còn có thể cầm cự được bao lâu, có thể là một tuần, có thể là một tháng, cũng có thể là ba tháng.
Chúc Phồn Tinh không muốn bầu không khí quá bi thương, cô khoác vai Trần Niệm An: “Ông ơi, con và Trần Niệm An vẫn chưa đãi tiệc cưới đâu ạ. Lúc chúng con kết hôn, ông và bà phải đến nhé.”
Ông Lưu không dễ bị dụ: “Để bà con làm đại diện là được rồi, ông không đi đâu. Tiệc cưới có rượu, ông lại không được uống rượu, thuốc lá cũng không cho hút, đến đó cũng chẳng có gì vui.”
Bà Du nói: “Sao lại không được uống? Ông uống được mà, mấy ngày nay chẳng phải ông toàn đòi nhấp hai ngụm rượu trắng hay sao.”
Chúc Phồn Tinh hỏi: “Ông còn uống rượu nữa ạ?”
“Trước đây thì cai rồi.” bà Du nói, “Đến đây rồi thì cứ để ông ấy uống. Dù sao cũng uống không nhiều, ông ấy muốn uống thì cứ cho uống một chút. Bác sĩ nói rồi, muốn ăn gì thì ăn, không cần kiêng khem gì cả.”
Ông bác không rõ tên kia lại bắt đầu gào lên. Lưu An An đóng cửa lại, ngăn cách tiếng ồn bên ngoài. Ông Lưu nói: “Ông nghe nói, ở đây ngày nào cũng có người đi, có lúc một hai người, lúc nhiều thì có đến ba tới năm người. Chỗ này tốt lắm, cái thuốc người ta dùng có thể làm người ta buồn ngủ, cũng không quá đau. Hôm nay ông cố tình bảo y tá dùng ít thuốc đi một chút, biết các con sẽ đến, ông muốn nói chuyện với các con nhiều hơn.”
Ba người trẻ tuổi ngồi bên giường ông. Chúc Phồn Tinh bóc một quả quýt, vừa ăn vừa trò chuyện với ông.
Tinh thần ông Lưu rất tốt, nhìn ba đứa trẻ mà thấy yêu thương không kể xiết, ông lẩm bẩm kể lại những chuyện từ rất lâu về trước.
“Lần đầu tiên ông gặp Hoài Khang là lúc tòa nhà của chúng ta vừa xây xong không lâu, Hoài Khang đến xem nhà, chuẩn bị sửa sang. Ông vừa nhìn thấy cậu thanh niên này, cao lớn, đẹp trai tuấn tú, nếu không phải lúc đó An An còn quá nhỏ, ông đã muốn cậu ấy làm con rể mình rồi. Kết quả cậu ấy bảo ông là cậu ấy đã có người yêu từ hồi đại học, đang chuẩn bị kết hôn trong căn nhà đó.”
“Đó là… năm 1992, đúng rồi, năm 1992, Hoài Khang cũng trạc tuổi Niệm An bây giờ, hai mươi tư, hai mươi lăm tuổi, độ tuổi đẹp biết bao. Văn Nguyệt cũng là một cô gái tốt, tiếc là ra đi quá sớm. Haiz… không có cơ hội nhìn thấy thế giới bây giờ thay đổi đến nhường nào.”
“Sau này, Tinh Tinh ra đời. Lúc Hoài Khang và Văn Nguyệt bế con về nhà, ông còn sang xem. Con bé da trắng nõn, nhìn là biết tương lai sẽ là mỹ nhân, rất hay cười, chọc một cái là cười khanh khách, rất đáng yêu.”
“Hoài Khang cái gì cũng tốt, chỉ là số mệnh không tốt, vợ mất sớm, lại vướng phải một người em trai trời đánh. Hồi đó Chúc Hoài Quân toàn đến Quang Diệu Tân Thôn trốn nợ, vì người em trai bất tài này mà Hoài Khang và Văn Nguyệt cãi nhau không ít lần.”
“Lúc Tinh Tinh còn chưa cai sữa, Văn Nguyệt đã đổ bệnh. Nếu là bây giờ, chắc con bé cũng không đi sớm như vậy, hồi đó điều kiện bệnh viện không tốt, không chữa được. Lúc Hoài Khang ở bệnh viện chăm sóc Văn Nguyệt, ông và bà thỉnh thoảng có phụ trông Tinh Tinh. Tinh Tinh mới hơn một tuổi mà đã nói chuyện rất rành rọt, lúc đó ông đã nói cô bé này tương lai học giỏi lắm đây, đầu óc thông minh giống Hoài Khang và Văn Nguyệt.”
“Sau khi Văn Nguyệt mất, nhiều người giới thiệu đối tượng cho Hoài Khang nhưng cậu ấy đều không đồng ý, nói rằng con gái còn nhỏ, công việc lại bận rộn, không có thời gian tìm người yêu. Ông biết, thực ra cậu ấy sợ lấy vợ khác sẽ đối xử không tốt với Tinh Tinh.”
“Cứ thế vài năm trôi qua, Thái Lam đến.”
“Lần đầu tiên gặp Thái Lam, ông đã thấy cô gái này không tệ, điềm đạm, nhìn là biết rất lương thiện. Cô ấy nói với ông rằng mình từng là cô mẫu giáo của Tinh Tinh, ông nghĩ thế thì tốt quá, cô mẫu giáo chắc chắn sẽ yêu quý trẻ con.”
“Cô ấy đối với Tinh Tinh thật sự rất tốt, Tinh Tinh cũng rất thích cô ấy. Ông có hỏi Hoài Khang, cậu ấy nói Thái Lam trước đây đã từng kết hôn nhưng chồng mất sớm, ở quê có một đứa con trai nhỏ hơn Tinh Tinh vài tuổi.”
“Những lời ấy ông nghe rồi để đó, hoàn toàn không để trong lòng. Các con nghĩ xem, con trai của Thái Lam ở quê thì có quan hệ gì với ông?”
“Căn hộ 102 rộng bằng nhà ông, chỉ có hai phòng. Sau khi Mãn Bảo đến, căn nhà nhỏ đó tổng cộng có hai người lớn và hai đứa trẻ ở, làm sao có thể đón thêm một đứa trẻ nữa?”
“Ông nói con đừng giận nhé Niệm An. Ông đã khuyên bố của Tinh Tinh, bảo cậu ấy đừng đón con qua ở chung. Con không đến thì mẹ con còn có thể đối xử tốt với Tinh Tinh và Mãn Bảo, nhưng con mà đến thì khó nói lắm.”
“Nhưng Hoài Khang không nghe ông, cậu ấy nói Thái Lam là một người phụ nữ tốt, cậu ấy định kết hôn với cô ấy, cũng sẽ đón con trai cô ấy đến Tiền Đường đi học. Hoài Khang rất có khí phách, nói là làm, mua một căn nhà to hơn ngay trong năm ấy, nói với ông là đợi sửa sang xong sẽ chuyển đến đó ở.”
“Ông cũng khá tiếc nuối. Ông và cậu ấy đã làm hàng xóm mười mấy năm, An An không ở trong nước, ông và bà có chuyện gì cũng tìm Hoài Khang và Thái Lam giúp đỡ. Hoài Khang là người nhiệt tình, chưa bao giờ từ chối. Ông nhìn cậu ấy hân hoan dọn nhà, nghĩ bụng sau này có lẽ rất khó gặp lại gia đình cậu ấy nữa.”
“Thật không ngờ, Hoài Khang và Thái Lam đột nhiên ra đi. Lòng ông thật sự đau đớn, rất muốn hỏi ông trời, tại sao người tốt lại không được đền đáp?”
“Sau này nữa, ông đã gặp được Niệm An. Niệm An, con còn nhớ lần đầu tiên ông cháu mình gặp nhau là lúc nào không?”
Trần Niệm An vẫn luôn nắm chặt tay ông Lưu, mắt ngấn lệ, gật đầu nói: “Con nhớ ạ. Ông ơi, lần đó con theo chị con về căn 102 tìm Mãn Bảo. Mãn Bảo bị sốt, chị con và bà đưa em ấy đến bệnh viện, con ở nhà ông nghỉ ngơi đợi họ về.”
Đó là một buổi trưa đầu tháng Chín năm 2009, Trần Niệm An với chiếc chân trái bó bột chống nạng lần đầu tiên bước vào căn hộ 202. Vì Chúc Hoài Quân đến nhà trộm cắp, Mãn Bảo lại sốt cao nhập viện, anh vừa chán nản vừa đau buồn, không kìm được mà khóc nức nở. Lúc đó, ông Lưu đã múc cho anh một bát chè đậu xanh đá, mỉm cười hỏi: “Bạn nhỏ, cháu tên là gì?”
Biết tên anh là “Trần Niệm An”, ông Lưu vui vẻ nói: “Con gái ông tên là Lưu An An, tên của cháu là Niệm An, khi cất tiếng gọi cứ như ông đang nhớ đến nó vậy.”
Trần Niệm An lúc đó trợn tròn mắt nhìn người ông xa lạ trước mắt, không có cảm giác gì khác, chỉ biết rằng đối phương là một người tốt.
Sau này, họ đã làm hàng xóm tầng trên tầng dưới suốt nhiều năm. Có một khoảng thời gian rất dài, sau khi tan học, Trần Niệm An và Chúc Mãn Thương sẽ sang căn 202 ăn cơm.
Ông Lưu nấu ăn rất ngon, Trần Niệm An đã học được từ ông rất nhiều món ăn. Mỗi bữa cơm, hai già hai trẻ quây quần bên bàn, bà Du sẽ gắp thức ăn cho hai đứa trẻ, bảo chúng ăn nhiều một chút. Chúc Mãn Thương ríu rít kể những chuyện xảy ra ở trường mẫu giáo, còn Trần Niệm An thì ít nói, quen bưng bát ăn một cách lặng lẽ. Ông Lưu sẽ chủ động hỏi anh: “Tiểu Niệm An, hôm nay ở trường, cháu có gặp chuyện gì vui không? Kể cho ông nghe với.”
Trần Niệm An khóc như mưa, đau thương không thể tả xiết. Tuổi thơ anh đã từng bị tổn thương, cả thể xác lẫn tâm hồn đều đầy những vết sẹo. Sau vụ tai nạn xe, khi một mình nằm dưỡng thương trong căn phòng nhỏ đơn sơ ở thôn Ngũ Kiều, anh đã từng có ý định tìm đến cái chết. Anh cảm thấy cuộc đời mình đã kết thúc, bố đi rồi, mẹ cũng đi mất, bản thân còn bị gãy chân, cuộc đời anh còn hy vọng gì nữa đâu? Cậu mợ và ông ngoại vốn dĩ không thích anh, mợ chắc chắn sẽ không cho anh đi học. Không đi học thì anh còn có thể làm gì? Gãy chân rồi có đi làm thuê được không? Chỉ có nước ra đường ăn xin thôi!
Chính chị gái đã cứu anh, dùng tình yêu thương chữa lành vết thương cho anh từng chút một. Còn có Mãn Bảo, ông Lưu, bà Du, chú Nhậm và dì Giai Dĩnh nữa. Dù ban đầu chú Nhậm và dì Giai Dĩnh không muốn quan tâm đến anh, nhưng Trần Niệm An biết, thực ra họ rất lương thiện. Những người đó đều đã dành cho anh tình yêu thương, mười mấy năm dài đằng đẵng, họ cùng với chị gái vun đắp, vá víu, sửa chữa một con người tả tơi như anh ngày một nên hình nên dạng.
Trần Niệm An của ngày hôm nay có thể tự tin phát biểu trong các buổi đọc kịch bản, có thể tỏ ra phóng khoáng, chừng mực, không tự ti cũng không kiêu ngạo khi gặp gỡ các nhà sản xuất và nhà đầu tư. Ai ai cũng khen anh trẻ tuổi tài cao, tài hoa xuất chúng. Không ai có thể nhìn ra, anh đã từng là một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi nơi sơn dã. Cuộc đời anh thay đổi bắt đầu từ mùa hè năm mười một tuổi. Không có những con người lương thiện ấy, sẽ không có anh của ngày hôm nay.
Chúc Phồn Tinh lặng lẽ rơi lệ, Chúc Mãn Thương đã khóc nức nở, còn Trần Niệm An thì khóc như một đứa trẻ. Ông Lưu xót xa vỗ nhẹ lên tay anh: “Niệm An, Mãn Bảo, các con đừng khóc nữa, đừng quá đau lòng. Con người mà, ai rồi cũng có ngày này. Ông sống đến bảy mươi tám tuổi đã là may mắn lắm rồi. Ông hỏi An An, nó nói ông đã sống thọ hơn tuổi thọ trung bình của các ông già ở Tiền Đường rồi đấy. Ông thật sự không còn gì hối tiếc nữa, cháu ngoại không ở bên cạnh thì đã sao? Ông cũng đã được hưởng niềm vui sum vầy rồi, tận mắt chứng kiến ba chị em con trưởng thành, các con chính là cháu trai cháu gái của ông.”
Trần Niệm An khóc đến run rẩy cả người: “Ông ơi… ông ơi, ông sống thêm vài năm nữa đi ạ, con còn chưa báo hiếu cho ông được tử tế.”
Ông Lưu cười nói: “Ông muốn đi gặp Hoài Khang, Văn Nguyệt và Thái Lam rồi, còn có những người bạn già của ông nữa, họ ở bên đó đợi ông lâu lắm rồi.”
Ông nhìn sang Chúc Phồn Tinh: “Tinh Tinh, con và Niệm An phải sống với nhau thật hạnh phúc, hai đứa đều là những đứa trẻ ngoan. Những ngày khổ cực nhất đã qua lâu rồi, ông tin rằng cuộc sống của các con sau này nhất định sẽ ngày càng rực rỡ. Còn nữa, nhân lúc còn trẻ, con hãy sớm sinh một đứa con, trai hay gái đều được, hãy nuôi dạy nó thật tốt. Đến lúc đó mang đến cho bà con xem, bà ấy sẽ báo mộng cho ông biết.”
Chúc Phồn Tinh gật đầu thật mạnh: “Ông ơi, con nhớ rồi ạ.”
Tiếp đó, ông Lưu quay sang Trần Niệm An: “Niệm An, con phải đối xử tốt với Tinh Tinh, con bé một mình nuôi hai đứa con khôn lớn, thật sự không dễ dàng gì. Ông bà đều nhìn thấy hết, nó thật lòng mong hai đứa con được tốt, cũng không cầu mong báo đáp gì. Con phải có lương tâm, không được phụ nó.”
Trần Niệm An nức nở: “Ông ơi, ông cứ yên tâm, con nhất định sẽ không phụ chị ấy.”
Ông Lưu lại nhìn Chúc Mãn Thương: “Còn Tiểu Mãn Bảo nữa, con đó, hồi nhỏ nghịch lắm, bây giờ lớn rồi thì phải biết điều, nhớ giúp đỡ anh chị nhiều hơn, không được cậy mình nhỏ tuổi nhất mà làm mưa làm gió trong nhà. Còn cái thằng cha trời đánh của con nữa, nếu nó còn đến tìm con, con tuyệt đối đừng để ý đến nó. Nó chẳng ra gì cả, nếu hồi đó con thật sự đi theo nó, ông không thể tưởng tượng ra được bây giờ con sẽ ra sao nữa.”
Chúc Mãn Thương khóc đến nước mắt nước mũi tèm lem: “Ông ơi, con sẽ không để ý đến ông ta đâu, người thân của con chỉ có anh chị con và ông bà thôi.”
Ông Lưu nhìn ba gương mặt trẻ tuổi bên giường bệnh một lượt, ai nấy đều đẫm lệ, ông thở dài một tiếng và nói: “Các con thật sự đừng đau lòng. Đợi ông xuống dưới gặp bố mẹ các con, ông sẽ nói với họ rằng ba đứa các con đều đã trưởng thành rồi, bây giờ đang sống rất tốt, đứa nào cũng giỏi giang, để họ ở dưới đó được yên lòng.”
—
Ba chị em Chúc Phồn Tinh ở lại Tiền Đường ba ngày hai đêm, mỗi ngày đều đến bệnh viện thăm ông Lưu. Đến ngày thứ ba, ông Lưu nói ông đã lâu không tắm, muốn tắm nước nóng một bữa cho đã. Trần Niệm An nói anh sẽ giúp ông tắm.
Bệnh viện có sẵn bồn tắm gấp gọn, Trần Niệm An mượn bồn, cùng với một nam hộ lý tắm giúp ông. Các cô gái lui ra ngoài phòng bệnh, Chúc Mãn Thương ở bên cạnh bà Du. Chúc Phồn Tinh vô tình nhìn thấy một người ngồi trên hàng ghế ở cuối hành lang, bóng hình đó khiến cô nhíu mày, rồi ma xui quỷ khiến thế nào lại bước về phía đó.
Những phòng bệnh mà cô đi qua có phòng đóng cửa, có phòng mở cửa, có thể nhìn thấy cảnh tượng bên trong. Người đó đang đối diện với một cánh cửa phòng bệnh. Chúc Phồn Tinh nhìn thấy trên bệ cửa sổ còn đặt mấy chậu cây cảnh xanh mướt, có thể khiến người ta cảm thấy một chút thư giãn và vui vẻ ở một nơi đặc biệt như thế này.
Đó là một cô bé trông như học sinh cấp hai, đang ngồi ngẩn người trên ghế, dán mắt vào trong phòng bệnh. Chúc Phồn Tinh ngồi xuống bên cạnh, cô bé quay đầu nhìn cô. Cô mỉm cười hỏi: “Em mấy tuổi rồi?”
Cô bé có chút cảnh giác, không trả lời.
Chúc Phồn Tinh chỉ vào trong phòng: “Ai đang nằm viện vậy?”
Cô bé nói: “Mẹ em.”
Lòng Chúc Phồn Tinh chùng xuống, không nói gì thêm.
Sau một lúc im lặng, cô bé nhỏ giọng nói: “Bác sĩ nói, bà ấy sắp mất rồi.”
Thật ra Chúc Phồn Tinh không có kinh nghiệm về chuyện này, không biết nên an ủi cô bé thế nào, chỉ có thể nói theo những gì mình nghĩ trong lòng: “Năm chị mười lăm tuổi, bố mẹ chị đã qua đời vì tai nạn xe.”
Cô bé ngạc nhiên nhìn cô: “Bây giờ chị bao nhiêu tuổi?”
Chúc Phồn Tinh nói: “Sắp hai mươi chín rồi, còn em?”
Cô bé nói: “Em mười sáu.”
“Học lớp mười à?”
“Vâng.” Cô bé nói, “Mấy ngày nữa là em khai giảng rồi. Bố em nói, mấy ngày này em phải ở bệnh viện với mẹ mỗi ngày, biết đâu một ngày nào đó bà sẽ ra đi.”
Chúc Phồn Tinh nói: “Lúc bố chị mất, không để lại một lời nào cả. Mẹ chị thì có gọi cho chị một cuộc điện thoại, bà ấy nói với chị là ‘Tinh Tinh, con phải dũng cảm, đừng sợ hãi, mẹ yêu con’, chị nhớ rất kỹ.”
Cô bé hỏi: “Chị thật sự không sợ sao?”
“Chị sợ chứ, sao lại không sợ được?” Chúc Phồn Tinh nói, “Chị còn nhỏ như vậy mà đã không còn bố mẹ, đổi lại là ai thì cũng sẽ sợ thôi, đúng không?”
Vành mắt cô bé đỏ lên, giọng nói nghẹn ngào: “Em cũng rất sợ, em sắp không còn mẹ nữa rồi. Mẹ em đối xử với em rất tốt, bà quan tâm em hơn bố em rất nhiều. Em không muốn mẹ em chết.”
Chúc Phồn Tinh ôm lấy vai cô bé: “Em gái à, có những chuyện tồi tệ dù em có không muốn nó xảy ra đến mấy thì cũng không thể dùng sức lực của chúng ta để thay đổi nó. Em sợ hãi là chuyện bình thường, trong lòng buồn bã, muốn khóc thì cứ khóc, muốn la thì cứ la, nhưng khóc xong, la xong, em vẫn phải học cách dũng cảm. Hãy trân trọng khoảng thời gian này, ở bên cạnh mẹ em nhiều hơn nhé, cười với bà ấy nhiều hơn, bà ấy sẽ rất vui.”
Cô bé khóc lóc gật đầu, rồi lại ngẩng mặt lên hỏi: “Chị ơi, em có thể kết bạn Wechat với chị được không ạ?”
“Dĩ nhiên là được rồi.” Chúc Phồn Tinh kết bạn Wechat với cô bé, “Chị là người Tiền Đường, hiện đang làm việc ở Bắc Kinh. Nếu em cảm thấy không vui thì có thể tìm chị nói chuyện.”
“Dạ được ạ.” Cô bé cất điện thoại đi, rồi lại hỏi: “Hôm nay chị đến đây là thăm ai ạ?”
Chúc Phồn Tinh chỉ về phía đầu kia của hành lang, nói: “Thăm ông chị.”
Ông Lưu tắm nước nóng xong cảm thấy thoải mái, mãn nguyện trở về nằm trên giường bệnh. Ông giục Trần Niệm An đi: “Không phải các con đi chuyến tàu cao tốc hôm nay sao? Mau đi đi, ai cần làm việc thì làm việc, ai cần đi học thì đi học. Ông được gặp các con một lần là đã mãn nguyện lắm rồi.”
Trần Niệm An nắm chặt tay ông, nói: “Ông ơi, cuối tháng con phải đi công tác Thượng Hải. Thượng Hải gần đây lắm, đến lúc đó con lại đến thăm ông và tắm giúp ông nhé.”
“Được, được, được.” Ông Lưu tắm xong tâm trạng rất tốt, “Ông đợi con đến. Chuyến này đã gặp đủ vốn rồi, các con mau về Bắc Kinh đi.”
Trần Niệm An lưu luyến buông tay ông ra: “Ông ơi, cuối tháng gặp lại ạ.”
Ông Lưu lại nở nụ cười móm mém, vui vẻ nói: “Tạm biệt nhé, Tiểu Niệm An.”
—
Một buổi sáng cuối tháng Hai, Trần Niệm An còn chưa lên đường đi Thượng Hải, trong căn nhà thuê ở Bắc Kinh, anh nhận được tin dữ từ bà Du.
Ông Lưu Tiểu Cầu cuối cùng đã không thể qua khỏi mùa đông này, qua đời vào lúc hai giờ sáng ngày 24 tháng 2 năm 2023, hưởng thọ bảy mươi tám tuổi.
Ngày hôm đó, Chúc Phồn Tinh đang đi làm, Chúc Mãn Thương đang đi học, ở nhà chỉ còn lại một m*nh tr*n Niệm An và chú chó Dưa Hấu.
Anh ngơ ngác bước ra ban công, nhìn mấy chậu cây bị cái lạnh của mùa đông Bắc Kinh làm cho héo úa, tự nói với chính mình: “Ông ơi, sắp sang xuân rồi, ông đã hứa để con tắm giúp ông mà, sao ông lại… nói không giữ lời…”