Mùa thu tháng tám, trong trấn có cuộc thi đón thần, có kịch dân dã, còn có mở họp chợ.
Lương Nguyên Kính lần đầu đề nghị muốn đi cùng khiến A Bảo kinh ngạc không thôi, bởi vì nàng biết người này không thích ra ngoài, thích thanh tịnh hơn.
“Anh đi nghe tôi đàn tỳ bà hả?”
A Bảo không thích ở nhà một mình, muốn dính lấy ca ca lên phố, Lý Hùng đánh trang sức bạc bên đường, còn nàng thì đàn tỳ bà gần đó.
Sau này Lương Nguyên Kính tới, vì chăm sóc chàng nên nàng không lên phố nữa, đây là lần đầu lâu đến vậy nàng mới lên phố họp chợ.
Lương Nguyên Kính mỉm cười: “Đúng vậy.”
A Bảo lập tức thấy vui vẻ, kiêu ngạo nói: “Hôm nay tôi tính hát bài từ anh dạy, hát khuyết từ nhất tiễn mai kia.”
Nàng giống một con bướm hoa, vòng qua vòng lại Lý Hùng và chàng, Lý Hùng bị nàng làm cho chóng mặt, kêu nàng đi đường đàng hoàng nhưng nàng không nghe, vẫn tiếp tục đi loanh quanh, ngâm nga điệu nhỏ Ba Thục, váy đỏ thêu chỉ vàng sáng loá mắt dưới ánh mặt trời.
Váy áo đỏ này là năm xưa sư phụ tặng nàng làm lễ vật, A Bảo chỉ mặc lúc đàn tỳ bà.
Trên con đường dài, chợ đang náo nhiệt, người bày sạp rao bán không ngớt, bên đường còn bày cơm xã cúng tế thần thổ địa, có cả mùi rượu quế hoa thơm bay mười dặm, kịch dân dã chưa được bắt đầu.
A Bảo ngó đông ngó tây, mỗi cửa tiệm đều phải duỗi dài cổ nhìn một cái nhưng nàng không đề cập đến việc mua, nàng biết a ca kiếm tiền không dễ dàng gì, chỉ nhìn nhìn chút cho đỡ thèm thôi.
Bởi vì người lên phố nhiều, hôm nay Lý Hùng làm ăn rất tốt, anh kêu A Bảo đừng chạy xa quá, sợ nàng bị mấy tên du côn lưu manh khi dễ.
“Cho anh xem sự lợi hại của tôi.”
A Bảo đắc ý nói với Lương Nguyên Kính, nàng dựng một cái ghế giữa đường, ôm tỳ bà ngồi xuống, chuyên tâm chỉnh dây đàn, lại mặc bộ váy áo như lửa, mặt mũi như tranh, thật sự rất gây chú ý, rất nhanh đã hấp dẫn một nhóm người, lấy nàng làm trung tâm kết lại thành một vòng tròn.
Lương Nguyên Kính đứng ở ngoài vòng tròn, mặt khẽ mỉm cười nhìn bàn tay nhỏ nhắn của nàng gảy dây đàn, cất giọng hát: “‘Một phiến xuân sầu cậy rượu xuôi. Giữa ngạn thuyền trôi, lầu trước cờ vời.”
Chàng đã nói, nàng đàn hát sẽ dễ nghe hơn chàng mà.
Lương Nguyên Kính mỉm cười xoay người rời đi.
“Đò Thu nẻo Thái dặm đưa rồi. Mưa đổ vài thôi, Gió hắt vài hồi.”
“Đâu buổi về mang áo khách phơi. Còn nghịch sênh chơi, Lò chẳng hương phôi.”
Bóng người cao lớn dần dần đi xa, biến mất sâu trong đám đông.
“Lưu quang sao dễ bỏ rơi người, Đào vội hồng rồi⎯⎯”
“Chuối chóng xanh rồi.” [1]
[1] Nhất tiễn mai – Chu quá Ngô giang – Tưởng Tiệp và bản dịch của Se Sẻ, thivien.net.
Hát xong một khúc, tiếng vỗ tay của đám đông vang nhe sấm rền, có không ít người ném đồng tiền vào trong chậu kế bên chân của A Bảo, đó là tiền thưởng cho nàng.
A Bảo lại không nói lời cảm tạ, ôm tỳ bà đứng dậy, ánh mắt đảo quanh khắp nơi tựa như đang tìm kiếm gì đó, gấp đến mức sắp khóc đến nơi.
Đang tính đi về phương hướng nào đó không đầu mối, phía sau lại vang lên tiếng ‘ting’ nhỏ, như có thứ gì đó ném vào chậu đồng tiền thưởng.
“Tiểu nương tử với khúc nhạc như nhạc tiên luân âm, nhân gian nào mấy khi được nghe, một chút tâm ý, kính mong vui lòng nhận cho.”
A Bảo quay đầu lại, đầu tiên là thấy nén bạc trong chậu đồng kia, sau đó ngẩng đầu lên, Lương Nguyên Kính cười tủm tỉm đứng cách đó không xa, chàng mặc bộ y phục ngày đầu Lý Hùng nhặt được, tay áo thêu hoa văn hình trúc xanh, trong tay còn cầm chút và bút mực mới.
“……”
“Làm sao vậy?” Lương Nguyên Kính tò mò nhìn nàng hỏi, “Sao mắt đỏ rồi?”
“Không sao hết.”
A Bảo dụi dụi hai mắt đỏ lên nói: “Anh lấy tiền ở đâu?”
Nhìn vào kích thức nén bạc này, chắc có đến một hai nén nhỉ?
Lương Nguyên Kính nhặt nén bạc từ trong chậu lên, cười hỏi: “Ăn bánh không?”
Hai người đi mua bánh xã, A Bảo ngại nhắc tới, chỉ cần nàng nhìn nhiều hơn một lần Lương Nguyên Kính đều sẽ mua cho, nàng sợ tới mức vội kêu: “Đủ rồi đủ rồi, không cần mua nhiều vậy đâu! Tiêu hết tiền bây giờ!”
“Không hết đâu, yên tâm.”
Lương Nguyên Kính cười dúi túi tiền vào lòng bàn tay nàng.
A Bảo ước lượng thấy nặng trĩu, không khỏi hỏi: “Trong đây có bao nhiêu tiền?”
“Năm mươi lượng bạc.”
Năm mươi… 50 lượng bạc!!!
“Ở đâu anh có?!” A Bảo chấn động rồi, chắc không phải đi cướp tiền đâu ha?
“Tôi bán tranh.”
“Là bức tôi nhặt về à?”
“Ừm.”
“Không phải bị hư rồi sao?”
Lương Nguyên Kính nói: “Tôi sửa lại rồi.”
“Một bức tranh rách mà đáng giá nhiều tiền như vậy á? Chưởng quầy có phải đồ ngốc hay không đó.” A Bảo nhỏ giọng thầm thì.
Lương Nguyên Kính cười cười không đáp.
Thật ra nếu tranh được đóng con dấu riêng của chàng thì còn đáng giá hơn nữa. Chàng cũng không bán tranh, chỉ thường vẽ tặng bạn bè, vì thế trên thị trường lưu hành cực ít tranh của chàng, hết sức trân quý, thông thường một bức thôi đã ‘ngàn vàng khó mua’, nghĩa là có ra giá cũng không mua được.
A Bảo kể việc này lại cho Lý Hùng nghe: “A ca, tranh của Lương Nguyên Kính bán được năm mươi lượng bạc! Năm mươi lượng đó!”
Nàng vươn năm ngón tay ra, cường điệu nhấn mạnh con số ‘năm mươi; này.
Lý Hùng nghe xong không quá ngạc nhiên, chỉ thờ ơ nói “Biết rồi” xong lại dặn A Bảo đừng quấn lấy Lương Nguyên Kính mua cái này mua cái nọ.
A Bảo theo sau lưng anh, lặng lẽ nói với Lương Nguyên Kính: “A ca giả vờ đó, anh ấy không muốn nhìn như chưa trải đời, thật ra trong lòng cũng thấy năm mươi lượng rất nhiều.”
“Anh nghe được!”
Lý Hùng trừng nàng ở sau lưng.
A Bảo cười ha ha, kéo Lương Nguyên Kính chạy thật xa.
**
Chạng vạng miếu Thành Hoàng người ghé xem kịch dân dã càng lúc càng nhiều, còn có nam nhân khiêng con trẻ trên vai để xem.
Năm xưa A Bảo cũng được Lý Hùng cõng trên lưng để xem, giờ lớn rồi đương nhiên không được vậy nữa, may sao nàng cũng không thích xem những con hát đó vung tay áo ê a ê a, chỉ muốn tìm Lương Nguyên Kính nói chuyện cùng.
“Lương Nguyên Kính, có phải nhà anh rất có tiền không?”
“Hửm?” Lương Nguyên Kính bất ngờ, không biết vì sao nàng lại hỏi cái này, “Cũng tạm thôi……”
Cụ thể như nào chàng cũng không rõ ràng lắm, như người Dương Châu nhắc tới Lương gia sẽ không nói giàu nhất vùng, mà là dòng dõi thi hương, thế gia trong sạch cao quý.
A Bảo nói: “Vậy anh là công tử rồi, anh có nha hoàn hầu hạ không?”
Lương Nguyên Kính gật đầu: “Có.”
“Có mấy người?” A Bảo truy hỏi.
“Em nói hầu hạ bút mực, hay quét nhà vẩy nước may vá, nếu là hầu hạ bút mực thì có bốn người.”
“……”
A Bảo chợt tò mò: “Có cả loại này không?”
“Loại nào?” Lương Nguyên Kính không hiểu gì.
“Chao ôi! Là này này,” A Bảo nóng nảy, sợ Lý Hùng bên cạnh nghe thấy, chỉ làm quỷ ám chỉ với chàng, nhỏ giọng hừ hừ nói, “Hầu hạ trong phòng ấy.”
“…………”
“Không…… Không có, tôi không…… Cái đó.”
Lương Nguyên Kính đỏ tía mặt tới mang tai, lông mi run rẩy, hận không có cái lỗ nào để chui xuống.
A Bảo thấy dáng vẻ này của chàng cười ha hả: “Anh thẹn thùng cái gì, ở chỗ chúng tôi có Cổ viên ngoại, nhà ông ta có tiền, con của ông ta cưới tiểu thiếp tứ phòng, cả ngày cự nhau rất thú vị.”
Lương Nguyên Kính nghe xong chỉ cười không nói.
A Bảo cẩn thận liếc trộm chàng, chợt hỏi: “Lương Nguyên Kính, Dương Châu trông thế nào?”
Lương Nguyên Kính liền nói về cảnh vật Dương Châu, con người Dương Châu, di tích cổ Dương Châu, Dương Châu có Hồ Tây Gầy, có Qua Châu Dộ, có sông nhỏ Tần Hoài, còn có 24 cây cầu cho nàng nghe.
“24 cây cầu?” A Bảo hỏi, “Có 24 cây cầu thật sao?”
“Thời xưa thì có, giờ chỉ còn cầu Thái Bình, cầu Vạn Tuế, cầu Khai Minh, cầu Thông Tứ, cầu Quảng Tế và cậu Tiểu Thị, nó còn được gọi là ‘cầu Hồng Dược’.”
“Vì sao?”
“‘Hai bốn nhịp cầu còn đó, Lòng sông sóng gợn nguyệt chênh chênh. Kia bên cầu Thược Dược, Năm năm vẫn nở vô tình?’” [2]
[2] Dương Châu mạn – Khương Quỳ và bản dịch của Nguyễn Chí Viễn, thivien.net.
Lương Nguyên Kính nghiêng đầu cười nhìn nàng: “Từ của Khương Quỳ, thược dược Dương Châu giáp thiên hạ, mỗi năm vào tháng hoa nở, đều có phụ nhân đem lẵng hoa ra ngoài bán.”
“Thược dược có là gì, Thành Đô chúng ta cũng có hải đường mà.” A Bảo lẩm bẩm.
“Em nói gì?”
Tiếng hát trên sân khấu to làm Lương Nguyên Kính không nghe rõ mấy.
“Không có gì,” A Bảo lắc đầu, bỗng hỏi chàng, “Vậy theo anh, Thành Đô tốt hay Dương Châu tốt hơn?”
Lương Nguyên Kính cúi đầu cười.
“Cười gì vậy?” A Bảo thấy lạ hỏi.
“Mỗi nơi đều có cái hay của nó.” Lương Nguyên Kính cười mỉm chi.
“Vậy vẫn là Thành Đô tốt hơn sao?”
A Bảo tựa như không có đáp án sẽ không bỏ qua, bám theo Lương Nguyên Kính hỏi cho ra ất giáp mới thôi.
Lương Nguyên Kính bị nàng chọc lét, vừa cười vừa trốn: “Được rồi, A Bảo, đừng quấy nữa, sau này sẽ mời em tới Dương Châu, tự em tận mắt nhìn nhé.”
“Tôi đến Dương Châu làm gì? Làm nha hoàn cho anh? Tôi mới không đi đâu!” A Bảo nói rất khí phách.
“Không, đương nhiên em không phải nha hoàn……”
Lương Nguyên Kính đỏ mặt muốn giải thích gì đó.
A Bảo bám riết không tha: “Vậy anh nói đi, tôi là gì hả?”
“Em……” Lương Nguyên Kính cứng họng, nhất thời không thể nói rõ được.
“Là gì hả?” A Bảo tò mò nhìn chàng.
Lương Nguyên Kính đang tính mở miệng, Lý Hùng quay đầu lại, nhíu mày nhìn A Bảo: “Đủ rồi, xem kịch vẫn không yên, A Bảo, đừng phiền Lương công tử, để cậu ấy yên tĩnh xem kịch đi.”
A Bảo lè lưỡi giả quỷ với anh trai, nắm kéo ống tay áo của Lương Nguyên Kính chuồn ra khỏi đám đông, dẫn chàng đến chỗ khác chơi.
**
Màn đêm buông xuống, ban ngày A Bảo chơi bời sức lực cạn kiệt nên đi vào giấc ngủ rất sớm.
Lương Nguyên Kính không ngủ được, tuy tiết trời đã vào thu, nhưng thời tiết vẫn nóng bức lạ thường, tới ban đêm rồi nhiệt độ vẫn không hề giảm.
Chàng vốn bệnh nặng đã lâu, thân thể suy nhược, càng dễ mất ngủ hơn, cả đêm nằm trằn trọc trên giường, dứt khoát cầm Kê Huyết Thạch, ngồi dưới cây sơn trà trong sân khắc con dấu.
Khắc được một chút, chàng che miệng ho khan vài tiếng, ngẩng đầu xuyên qua cành lá nhìn ánh trăng trên bầu trời.
Trăng tròn, sắp tới Trung Thu rồi.
Còn nhớ rõ tiệc trung thu năm ngoái, người thân trong tộc tụ họp về nhà, trong yến hội, phụ thân nâng chén mời chàng, chúc chàng bảng hổ danh đề, bảng vàng đề tên, tam tỷ cũng thêu túi tiền thêu hoa quế tặng chàng, mong chàng sớm ngày đăng khoa, lộng lẫy chiếu cửa đình.
Tiếc là, mình không làm được.
Lương Nguyên Kính cúi đầu thở dài một hơi, tiếp tục khắc con dấu trong tay, bỗng nhiên trên vai nặng khoác thêm cái áo ngoài.
“Ban đêm gió mát, cậu vừa trị khỏi bệnh, cần bảo trọng sức khoẻ hơn.”
“Đa tạ Lý huynh.”
Lương Nguyên Kính kéo áo qua đầu vai, cười nói cảm ơn.
Lý Hùng ngồi xuống bên cạnh chàng, chợt hỏi: “Lương công tử, có phải cậu tính về lại Dương Châu không?”
Lương Nguyên Kính khựng động tác khắc lại, im lặng thật lâu sau mới nói: “Tôi đã rời nhà một năm rồi, cũng không nên phiền toái mọi người thêm, chung quy vẫn phải trở về.”
Lý Hùng nghe xong, hồi lâu cũng không lên tiếng.
Không biết qua bao lâu, anh mới nói: “Nếu quyết định phải đi thì mau đi đi. Nha đầu A Bảo rất nhung nhớ người cũ, cậu dừng chân ở đây càng lâu nó sẽ càng nặng cảm tình với cậu, đến lúc đó muốn chạy cũng không xong. Lúc cha mẹ anh qua đời, nó không nói chuyện tận nửa tháng, cũng không ăn cơm làm cả người gầy đi.”
Cô nương thèm ăn như A Bảo đây, có thể không nói tiếng nào, không ăn cơm suốt nửa tháng, chắc đã rất thương tâm.
Lương Nguyên Kính nhịn không được mà suy nghĩ, nếu mình đi rồi, nàng sẽ không nói lời nào mấy tháng đây?
Hẳn sẽ không lâu lắm nhỉ, bọn họ cũng mới ở chung chưa đầy nửa năm mà.