Mười lăm tháng tám, ngày hội Trung thu, đêm trăng tròn.
A Bảo qua một ngày lễ tốt, tuy đây vào mùa khô hạn, ruộng đất và vườn rau chưa có gì ăn được, dưa và trái cây mùa năm vừa rồi đều không có, nhưng Lý Hùng vẫn dựa vào tay nghề khéo léo của mình thu xếp thành một bàn ăn ngon, thậm chí còn có cả rượu quế hoa.
Ba người ngồi trong sân, vừa ăn vừa ngắm trăng.
A Bảo lấy đàn tỳ bà ra, biểu diễn cho mọi người một khúc ⟪xuân giang hoa nguyệt dạ⟫. Đây là khúc học đầu tiên mà năm xưa nàng theo sư phụ học tỳ bà, đàn mấy năm đã sớm thuần thục, dựa vào nàng mà nói, có nhắm mắt cũng đàn được.
Lý Hùng lấy đũa gõ vào chén đệm cho nàng, tay Lương Nguyên Kính cầm chén rượu, mỉm cười chăm chú nhìn nàng.
A Bảo tấu xong khúc đó, cất đàn tỳ bà, vươn lòng bàn tay ra với hai người họ: “Đưa tiền đây đưa tiền đây.”
“Sao còn đòi tiền nữa?” Lý Hùng nghẹn họng trân trối.
A Bảo trừng anh một cái, miệng mồm nói năng đầy lý lẽ: “Anh đi ra tiệm mua thức ăn có trả tiền không? Người ta tìm anh đánh trang sức, anh có thu tiền không? Anh nghe em đàn tỳ xong, tất nhiên phải trả tiền chớ, là chuyện thiên kinh địa nghĩa mà. Nói nhảm ít thôi, mau trả tiền đi!”
Lý Hùng mắng nàng là cường hào, A Bảo đuổi theo anh đòi tiền.
Hai người chạy nhảy đùa giỡn vòng quanh cây sơn trà, năm sáu vòng gì đó, cuối cùng A Bảo đè Lý Hùng ra mặt đất, đào hết tiền trên người anh mới xong chuyện.
“Đến anh.”
A Bảo thở hổn hển đưa tay ra với Lương Nguyên Kính.
Vốn tưởng còn phải phí thêm chút sức lực, không ngờ Lương Nguyên Kính không nói hai lời, cười mỉm chi thả thỏi bạc vào lòng bàn tay cho nàng.
Lý Hùng: “……”
“Nhìn thấy chưa? Anh keo kiệt thì có.” A Bảo cười ha ha, hết sức đắc ý khoe khoang với ca ca.
Ba người vừa cười vừa đùa tới tận khuya.
A Bảo uống lén rượu quế hoa sau lưng Lý Hùng nên say rất nhanh, bị ca ca ôm ngang vào phòng ngủ. Lúc ngủ khoé miệng còn cười cười, trong tay nắm chắc thỏi bạc mà Lương Nguyên Kính đưa.
Trăng lên giữa trời, ánh trăng bạc sáng.
Lương Nguyên Kính đẩy cửa vào phòng A Bảo. Nàng ngủ trên giường đất, bởi vì quá nóng, chăn bị đá sang một bên.
Lương Nguyên Kính đắp chăn lại lên cho nàng. Lúc cúi người còn nghe nàng đang lẩm bẩm nói mớ, hình như kêu cái gì ‘bánh hạt dẻ’.
Chàng hơi cười cười, đặt cuốn tranh cuộn bên gối của nàng.
“A Bảo, tôi phải đi rồi.” Chàng nhẹ giọng nói.
A Bảo gãi gãi vết muỗi đốt trên mặt, ngủ rất say, không nghe thấy.
Lương Nguyên Kính ngơ ngẩn ngồi ngay mép giường, thẫn thờ nhìn mặt nàng. Một lát sau, chàng đứng dậy lại bị A Bảo vô thức bắt lấy ống tay áo.
Nàng nắm cũng không chặt lắm, Lương Nguyên Kính chỉ nhẹ nhàng động đã rút tay áo ra ngoài.
Cánh cửa khép lại, mọi thứ như cũ, mơ hồ như chàng chưa từng tới đây.
Rời khỏi Lý gia chưa bao xa, phía sau có tiếng bước chân truyền đến. Lương Nguyên Kính xoay người, thấy Lý Hùng vừa mặc áo ngoài vừa chạy lại chỗ chàng.
“Đường đêm không dễ đi, để anh đưa cậu.”
Anh vốn định giúp Lương Nguyên Kính xách hành lý. Nhưng thấy hai tay chàng trống trơn, cô độc một mình, như tay không mà đến tay trắng mà đi, để lại mỗi bức tranh bên gối A Bảo. Còn chút bạc vụn dư lại sau khi bán tranh, đặt toàn bộ trên tủ chén phòng bếp, chỉ giữ lại chút ít làm lộ phí thiết yếu.
Dưới ánh trăng sáng, hai nam nhân sóng vai như tản bộ cùng nhau.
“Lần này A Bảo có khóc.” Lý Hùng ‘mua vui trong khổ’ nói.
Lương Nguyên Kính nhoẻn miệng cười. Nhớ tới khi mình mới đến Lý gia, lúc bệnh nặng khó dậy đã nói sai một câu, chọc A Bảo lao ra ngoài lớn tiếng khóc lóc, làm chàng khiếp sợ mới nghĩ thầm, thế gian sao lại có cô nương khóc lớn tới vậy?
“Em ấy sẽ tốt lên.” Chàng thấp giọng nói.
Nhưng mà, khiến cả chàng và Lý Hùng không ngờ đến là, A Bảo không có tốt lên.
Sáng sớm hôm sau, A Bảo tỉnh dậy thấy cuộn tranh bên gối, vừa mở ra nhìn đã vui mừng cất lại, lập tức vọt vào phòng Lương Nguyên Kính kêu chàng rời giường. Nàng đã quyết định hôm nay sẽ dẫn Lương Nguyên Kính vào núi nhặt hạt dẻ.
Mà lúc đẩy cửa ra thì không thấy bóng người nào trong phòng.
Lương Nguyên Kính không biết được, ngày hôm sau khi chàng đi, A Bảo đã ôm tranh chàng tặng cho mình đuổi theo ra tới bảy tám dặm đường.
Nhưng mà sao đuổi kịp được đây?
Nàng bị vấp cục đá chật vật té xuống, đầu gối trầy da chảy máu, nàng căm giận ném tranh vào vũng bùn, vùi vào khuỷu tay khóc rống lên.
Lý Hùng vội vã tới nơi nhặt lại tranh.
Cũng may thời tiết khô hạn, hồ sen cũng cạn, không bị ướt chỉ hơi dính chút nước bùn.
Anh cõng A Bảo về nhà, A Bảo ghé vào đầu vai anh, khóc đến nghẹt mũi, nước mắt thấm ướt hết nửa bên vai anh.
“Kẻ lừa đảo.”
Nàng khóc lóc nói ở bên tai ca ca, tiếng nói thánh thót như chim hoàng oanh giờ nghẹn ngào khó nghe vì khóc.
Lương Nguyên Kính không thể tưởng tượng được, thu sang đông tới, A Bảo vẫn không hề tốt lên. Nàng không còn ríu rít như chú chim nhỏ nữa, không nói gì hết, mỗi ngày chỉ ăn chén cơm nhỏ. Dù Lý Hùng có mua món bánh nàng yêu thích nhất dỗ dành, nàng cũng chỉ gượng gạo cười cười, bánh ngọt để cả đêm vẫn không có ai ăn.
Mùa đông lại trôi qua, giống như những năm trước, đó là mùa đông hạn hán, đến một hạt tuyết cũng không rơi.
Người thôn Lý gia đều bận mắng ‘Lão trời khốn’, xem ra năm nay lại là một năm mất mùa nữa. Lương thực dự trữ ăn hết rồi, chưa tới mùa thu hoạch lúa, nhóm nông dân gọi đây là ‘thời kỳ giáp vụ. [1]
[1] Trái cây lúa non còn xanh chưa chín, dễ gây đói kém.
Nhà nhà không có đồ ăn, giá lương thực trên trấn rất đắt, A Bảo cũng giống mấy đứa nhỏ khác trong thôn, vác giỏ tre đi đào rau dại bên đường. Rốt cuộc không còn ai đi theo sau mỉm cười nghe nàng đàn tỳ bà, hay dạy nàng hát từng câu Tô Từ nữa.
Tháng năm, châu chấu từ phương nam bay tới, lúc tới che ngợp bầu trời, làm trống từng đám cây lương thực trong đồng.
Trong thôn dần dà có người già chết đói, thôn kế bên cũng có hộ đói đến mức không chịu nổi, chồng và cha mẹ chồng hợp sức lại nấu con dâu thành canh thành thịt khiến người ta ai ai cũng khiếp sợ.
Rau dại gần thôn Lý gia đã bị đào sạch, chim trên cây bắt hết ráo, ngay cả vỏ cây rễ cỏ cũng không ăn được nữa, dân trong thôn tụ tập lại quyết định chạy nạn đến Quan Trung.
Lý Hùng về đến nhà nói việc này với A Bảo, A Bảo lại nói nàng không đi đâu, có đói chết trong nhà cũng không đi.
Lý Hùng im lặng rất lâu, đột nhiên hỏi: “Đi Dương Châu, em có đi không?”
A Bảo nghe vậy sửng sốt, đói đến mức khuôn mặt nhỏ vàng như nến, lâu sau vẫn chưa hé răng.
Ngày hôm sau, anh em hai người tách biệt dân các thôn ra, thuận theo Trường Giang đi đường đến Dương Châu.
**
Đêm trung thu trăng tròn.
A Bảo từ trong mộng mở mắt tỉnh lại, đã lâu rồi nàng không nằm mơ, cho nên khi tỉnh lại có vài phần mịt mù, ngỡ rằng bản thân còn sống.
Tình cảnh trong mơ như sương sớm trên lá cây, nhanh chóng bốc hơi, nàng đã không còn nhớ rõ lắm.
Ấn tượng duy nhất, là gốc cây hoè lớn cành lá sum suê, hình như là gốc cây ở cửa thôn Lý gia, trong mơ nàng nằm ngủ trưa dưới cây đại thụ, còn có một khuôn mặt nam nhân không thấy rõ, hình như nhẹ nhàng nhặt hoa hoè rơi lên trên mặt của nàng.
Giấc mơ thật kỳ quái.
A Bảo gãi gãi hai má, chợt ngây ngẩn cả người.
Khoan nha, xúc cảm chân thật vậy, nàng vẫn còn sống!
Ký ức trước lúc say rượu ùn ùn kéo đến, phàn lâu, kỹ nữ, tráp khách, rải tạm bán thuốc tráng dương, còn có a ca… Cùng với Lương Nguyên Kính mỉm cười hỏi nàng, có sẵn lòng đi ngắm biển với chàng không.
“! ! !”
Rốt cuộc người này nhỏ bao nhiêu máu vậy! Nhìn giờ nàng còn sống, chắc xài cả chậu đi?!
Lương Nguyên Kính sẽ không chết vì thiếu máu chứ?
“Lương Nguyên Kính!”
A Bảo rối rắm hoang mang xuống giường, vòng sau bình phong tìm chàng.
Nhưng mà, chăn trải sàn trống không, chưa từng giở ra.
Lương Nguyên Kính không ở đây!
Một nỗi sợ hãi chưa từng có đột nhiên chiếm lấy A Bảo, khiến nàng quên luôn cả thở, tim nhói đau cùng cực, chỉ cảm thấy cảnh tượng này quen thuộc quá.
“Lương…… Lương Nguyên Kính.”
A Bảo lắp bắp, nước mắt lập tức tuôn ra, nàng xoay người lao ra cửa phòng, hoảng loạn vô mục đích, không biết mình muốn đi đâu, chỉ thấy nhất định phải nhanh lên, nếu không sẽ không đuổi kịp.
Đuổi kịp?
Nàng muốn đuổi theo cái gì? Đuổi theo ai?
Vì sao trong đầu đột nhiên nảy ra loại suy nghĩ như vậy?
A Bảo dừng bước chân lại, nhìn về hướng thư phòng sáng đèn, đẩy cửa tiến vào, nhất thời thở phào nhẹ nhõm.
Lương Nguyên Kính ở bên trong, nằm trên án thư ngủ rồi.
Cũng chưa khoác xiêm y, lỡ mắc gió lạnh bị cảm thì sao bây giờ?
A Bảo nhíu mày đi qua, cầm áo ngoài chàng đặt trên lưng ghế lại, vừa chuẩn bị giũ ra đắp lên cho chàng, nhưng có thứ gì đó trượt ra từ ống tay áo rơi xuống đất.
A Bảo hạ mắt nhìn, là một cái chìa khóa bằng đồng thau.
“……”
Tầm mắt A Bảo hướng về rương gỗ mun nước sơn, bốn góc bọc bạc nọ.
Làm sao đây? Mở hay không mở?
Đúng là ý trời mà.
Trong đầu A Bảo có hai phe giao chiến, hết sức rối bời nhìn Lương Nguyên Kính đang ngủ say: “Nè, Lương Nguyên Kính, tôi muốn xem người trong lòng của anh, anh có đồng ý không?”
Lương Nguyên Kính dựa vào bàn ngủ say, giữa mày nhíu chặt, tựa như mơ thấy chuyện gì đó không tốt.
“Không nói tiếng nào coi như anh đồng ý nhé.”
A Bảo cười trộm, dập tắt tia do dự cuối cùng trong tâm, nắm lấy chìa khoá tay chân rón rén đi lại cái hòm xiểng.
Khoá đồng thành công bẻ mở, nâng nắp rương lên, A Bảo xốc lúc lâu mới lấy bức hoạ dưới cùng ra, nàng còn nhớ rõ, cuộn tranh kia dùng sợi tơ hồng buộc lại, vô cùng dễ nhận ra.
Tìm thấy rồi.
Trái tim A Bảo đập thình thịch, lấy được loại đáp án cần tìm từ lâu, cuối cùng cũng tới lúc khẩn trương công bố, nhưng ngay thời điểm tất yếu này, toàn thân bị cảm giác quen thuộc ấp tới, đầu ngón tay cầm tranh của nàng dần dần trở nên trong suốt.
“! ! ! ! !”
“Không không không…… Không được!”
A Bảo la to, không rảnh làm tư tưởng chuẩn bị, lập tức kéo tơ hồng ra, cùng lúc đó nàng hoà thành hồn phách, cuộn tranh rơi trên mặt đất, lăn long lóc ra ngoài.
Giấy Tuyên Thành dài bốn thước mở ra, nội dung trên tranh đập ngay vào mắt.
A Bảo trừng to hai con ngươi, cuối cùng mới biết làm sao lúc trước bản thân lại bám víu vào bức tranh này.
Ngự hoa uyển hoàng gia muôn hoa khoe sắc, một mỹ nữ đầu đầy châu ngọc, lưng đeo bội ngọc cung đình từ trong bụi hoa chầm chậm bước tới, nàng dùng quạt tròn che mặt, ánh mắt lấp lánh, xinh đẹp mỉm cười.
Bức tranh này được tô màu sặc sỡ, bút pháp tỉ mỉ công phu, là một tác phẩm xuất sắc thuộc phái viện thể tranh cung đình. Tiếc hơn là, trên tranh có một chỗ tỳ vết khiến người ta khó bỏ qua, góc trên bên phải bức hoạ cuộn tròn, không rõ vì sao, có một vệt máu khô màu nâu nhạt.
Người vẽ bức tranh này năm đó nhất định đã dồn hết tâm huyết mới có thể hoàn thành tác phẩm này.
A Bảo ngơ ngẩn nhìn người trong tranh, mặt mũi nọ quen đến mức không thể quen thuộc hơn, ngày thu vàng Hi Hoà năm thứ nhất gần như hiện ra ngay trước mắt.
“Đi, chúng ta đi gặp Lương Nguyên Kính.”
Nàng lấy quạt che mặt, che khuất đi cái cười trộm đắc ý của mình, nói với bọn thị nữ đằng sau.
“Bổn cung lệnh ngươi hoạ thưởng thức cảnh thu, sao chỉ thấy ngươi hoạ hoa cỏ sum suê, không thấy bổn cung đâu, từ ‘thưởng’ liền biến mất, Lương đại nhân, là mắt ngươi mù, hay do mắt ngươi cao hơn trán, không chứa nổi Hoàng Hậu là ta đây?”
Nàng bày ra tư thế hùng hổ dạo người như trong thoại bản có viết, nhưng mà đáy lòng vô cùng muốn cười, đành cố hết sức lực nhẫn nhịn, ra vẻ nghiêm túc nhìn chằm chằm người trước mặt cao hơn mình cái đầu.
“Ta có vẽ.”
Thanh niên cao lớn mặc bộ quan bào cổ tròn màu đỏ rực bỗng nhiên cất tiếng: “Hoàng Hậu nương nương có ở trong bức hoạ.”
Chàng nói xong câu này thì không nói gì nữa, chỉ dùng loại ánh mắt đau thương phức tạp nhìn nàng, gió thu thổi tới, nhuỵ hoa đan quế phân tán rơi đầy đầu vai chàng.
“Quả thật là một tên ngốc.” Khi đó nàng nghĩ thầm.
Người trong lòng Lương Nguyên Kính……
Hóa ra chính là nàng sao?
Chàng thích nàng từ khi nào? Là lần đầu gặp ở ngự hoa uyển?
Nhưng mà……
Vì sao chàng chưa từng nói qua? Vì sao phải chờ tới lúc nàng chết rồi mới để nàng biết được tâm ý của chàng chứ?
A Bảo quay đầu, đối diện với đôi mắt kinh hoàng tột độ.
**
[Thơ Tống] Thẩm viên – Lục Du
Trên thành nắng xế sáo bi ai
Vườn Thẩm đài ao khác cả rồi
Đau đớn sóng xuân cầu vẫn biếc
Bóng hồng e sợ đã từng soi.
(bản dịch của Trần Trọng San, thivien.net)
⎯ ⋆˚࿔ Hết quyển bốn ⟪Như mộng lệnh⟫
**
Tác giả có chuyện nói:
Về Lương Nguyên Kính rời đi có lẽ sẽ có người không hiểu, chỗ này là suy nghĩ của tôi, tôi cho rằng thế này:
1. Chàng là con trai một trong nhà, có trách nhiệm của riêng mình, không có khả năng phiêu bạc tha hương không quay về.
2. Chàng cũng không ý thức được tầm quan trọng của bản thân trong cảm nhận riêng của A Bảo, cho rằng mình chỉ là một người bạn chơi chung với nàng, mình có rời đi cũng sẽ chỉ làm nàng không nỡ một hồi rồi thôi, rất nhanh sẽ tốt lên.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, A Bảo không chỉ xem chàng là một người bạn, đại ca ca tuấn lãng hiền hoà như chàng đây, còn có tài hoa hơn người, không giống như người trong thôn Lý gia, lại là thiếu nữ tuổi mộng mơ, hầu như không có tiểu cô nương nào có thể thoát ra được, cho nên A Bảo động lòng với chàng là điều dễ hiểu.
pi ết: Rống lên một câu: Lương công tử, tại sao không cưới!!! (lệ rơi)
Về phần Lương Nguyên Kính có động tâm hay không?
Tôi thấy có, nhưng chàng trong chuyện tình cảm có chút trì trệ, hơn nữa từ nhỏ đã được dạy, phát sinh từ tình cảm nhưng dừng lại trước lễ pháp, hơn nữa hôn nhân nam nữ thời cổ đại đều nhờ cha mẹ cùng bà mối suy xét, tự định thân không phải là chuyện người như Lương Nguyên Kính có thể làm, ý thức được bản thân thích A Bảo, đều là chuyện thật lâu sau đó.
Cho nên, một người rung động quá sớm – một người sáng dạ quá trễ, đây là nguyên nhân khiến họ bỏ lỡ nhau.