Phế Hậu A Bảo - Đao Thượng Phiêu

Chương 49

Tháng mười hai đến gần, là tháng cuối của năm, đang vào tiết Tiểu hàn, Đại hàn. [1]

[1] Tiểu hàn vào ngày 5, 6 hoặc 7 tháng Giêng / Đại hàn vào khoảng 20 – 21 tháng Giêng, là thời gian lạnh nhất ở TQ.

Thời tiết lạnh dần, sáng sớm mỗi ngày thức dậy, mở cửa ra sẽ thấy trên ngói được bao phủ lớp sương trắng dày đặc. Tới tối gió gắt gào thét ầm ĩ làm người ta không ngủ yên, có thể nói là ‘một đêm gió bắc gào’.

Nhưng mà năm nay vẫn chưa thấy tuyết rơi đúng hạn, người người càng thêm lo lắng rằng đây lại là mùa đông hạn hán.

Cuối năm thành Đông Kinh cũng rất náo nhiệt.

Tháng này là dịp Phật sự hưng thịnh, các cửa hàng trên phố đều thi nhau rao bán hoa rải Phật, rau hẹ, mầm lan, bạc hà, hồ đào. Ba năm nhóm sư tăng ni xếp thành hàng, ôm tượng Phật bằng đồng, tay cầm cành liễu rảy nước hoa, tới cửa từng nhà hoá duyên.

Tới mùng tám tháng chạp, các Đại Phật Tự trong kinh thành sẽ tổ chức lễ Tắm Phật, nấu cháo ngũ vị tặng cho các tín đồ. Vào ngày này mỗi nhà sẽ ướp cá, dê và thịt heo treo lên lò hun khói để đến mùa hè năm sau không bị hư hỏng.

Chùa Đại Tướng Quốc nằm giữa khu phố phồn hoa, không có sự thanh tịnh vốn có như những chùa khác, ngược lại lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt vang bên tai.

Lương Nguyên Kính ở nhà tăng xá hậu viện. Mỗi ngày cần dùng nước sạch tẩy rửa vết thương trên cánh tay, đi đến trước phòng của Thủ Chân nghe kinh thụ giới, hơn nữa chuỗi Phật châu thất bảo quả là vật thần kỳ. Cứ thế được quãng thời gian, miệng vết thương của chàng dù chưa lành hẳn nhưng không hề ứa máu đen ra ngoài, ác khí lồng ng.ực cũng tiêu giảm bớt.

Sau khi sức khoẻ chuyển biến tốt, chàng liền dẫn A Bảo lên phố dạo chơi, bởi vì A Bảo sắp đi đầu thai nên hiện giờ hai người đều xem mỗi ngày thành ngày cuối cùng, tình cảm càng thắm thiết hơn trước.

Giai đoạn cuối gần, người dân muốn dán Môn Thần, đưa tiễn ông Táo, nghênh đón Thần Tài. Dù sao Lương Nguyên Kính đanh nhàn rỗi không có việc gì làm, bèn bày quầy hàng ngay đường cái cửa đông chùa, vẽ tranh bùa Môn Thần, Thần Bếp và Chung Quỳ, mỗi bức không tới mười văn tiền. Số tiền kiếm được dùng mua bánh cho A Bảo ăn, tuy A Bảo chỉ có thể nhìn chứ không ăn được nhưng cả hai vẫn chơi vui đến quên trời quên đất.

Giác Minh hoà thượng thì lại rất bận bịu.

Mỗi dịp đến cuối năm người kinh thành sẽ mời hoà thượng đạo sĩ đến nhà tụng kinh. Xong việc sẽ cho tiền dầu mè, đại hoà thượng này kiếm được đầy chén, khoé miệng cười đến không khép lại được. Nếu không vì Thủ Chân ở đây chắc y sẽ chui vào quán rượu nào đó, không say không về.

Thời gian cứ trôi đi, ngày tết 24 tháng chạp, Lý Hùng đến Đông Kinh.

Hai anh em ‘gặp nhau’ tất nhiên lại khóc thương tâm thảm thiết, chớ cần nhiều lời, lập tức giải quyết vấn đề vị trí mộ phần của A Bảo.

Lương Nguyên Kính mở tiệc tẩy trần đón gió cho Lý Hùng tại tửu lầu Phan gia, Giác Minh hoà thượng cũng được mời đến, ba người cơm rượu no say rồi thương lượng cách giải quyết chuyện này.

Căn cứ theo lời A Bảo nói, ngày nàng chính thức chết đi chắc là hai mươi tám tháng hai năm Hi Hòa thứ tư, nhưng triều đình công bố tin nàng chết ra ngoài là vào mùng bảy tháng mười năm Hi Hòa thứ tư. Tin tức bị trì hoãn đến bảy tháng sau, đám tang cũng được làm rất cẩu thả, không đặt bài vị cúng tế hay gửi vào chùa, thiên tử không nghỉ triều, quan lại không mặc đồ trắng, dân gian không cấm cưới hỏi, hết thảy vẫn như thường.

Đây là đem đám tang A Bảo dựa theo quy trình xử lý của cung nhân bình thường chứ không phải của quốc hậu, này cũng chả là gì, dù sao trước khi chết A Bảo đã bị phế thành thứ dân.

Chỉ là… Nàng không ngờ Triệu Tòng sẽ bạc tình như vậy.

Mọi thứ như thường.

A Bảo mặc niệm bốn chữ này trong lòng, vốn tưởng rằng tim không đau nhưng đột nhiên nghe thấy bốn chữ đó, tim vẫn không tránh khỏi đau đớn như bị kim châm, ngón tay đặt lên bàn co rút.

“Đừng buồn.”

Lương Nguyên Kính tháo vòng chuỗi trên tay xuống, nắm lấy tay nàng, ánh mắt yên ắng mềm mại.

“Không buồn.”

A Bảo cười với chàng, buồn gì chứ, ít nhất bây giờ nàng còn có Lương Nguyên Kính, chàng sẽ đau lòng vì nàng.

Lý Hùng đỏ mắt, uống sạch chén rượu đầy, nói đến tình hình ngày anh nghe tin A Bảo qua đời.

Khi đó anh đang ở Tuyền Châu xa xôi, nhìn thấy quan phủ dán tin báo tang đã là sau Đông chí tháng mười một.

Đột nhiên nghe tin A Bảo chết, Lý Hùng bàng hoàng hai đầu gối mềm oặt, ngã khuỵu trên mặt đất, cổ họng phát ra tiếng khóc thét như thú gầm, như trời đất sụp đổ. Có làm sao cũng không dám tin đứa em gái năm xưa được anh đưa lên thuyền giờ đây đã hoá thành đống xương khô.

Anh không kịp đóng gói hành trang, không màng người nhà khuyên can ngày đêm kiên trì lên phía bắc, trên đường đi đã chạy chết năm con ngựa, cuối cùng ngày thứ mười ba đã kịp đến Đông Kinh.

Lúc đó thành Đông Kinh đông đúc tấp nập, phố phường náo nhiệt như thường, có nhà cưới con dâu vào cửa, chiêng trống vang trời, pháo nổ, khách khứa mặt mày hớn hở, dáng vẻ ăn mừng.

Chẳng có ai quan tâm nữ nhân nọ tên ‘A Bảo’ đã chết trong thâm cung. Nàng vốn là Hoàng hậu quốc triều, sau này bị thiên tử vứt bỏ thì nàng chả là gì cả. Ai rồi cũng sẽ không coi cái chết của nàng ra gì.

Lý Hùng đến phủ Khai Phong hỏi, đến Trung Thư tỉnh hỏi, đến Tấu viện hỏi, hỏi coi rốt cuộc em gái anh được chôn cất ở đâu. Đông Kinh lạ nước lạ cái, anh không còn cách nào, ngay cả quan nha phụ trách có chức vụ gì cũng không rõ, đành như ‘mèo mù vớ phải chuột chết’ hỏi thăm từng nhà.

Nhưng mỗi lần quan viên nghe anh nhắc tới phế hậu Lý thị, mặt mày biểu cảm giấu kín như bưng, phân phó nha dịch đuổi anh đi.

Lý Hùng khẩn cầu không được, chỉ có thể ở lề đường ngăn xe giá của Tham Tri Chính sự, kết quả vì lý do ‘cản trở’ mà bị đánh hai mươi trượng, khiến anh da thịt nở hoa, đau đến ngất giữa đường.

Có người hảo tâm nâng anh đến y quán gần đó, khuyên anh đừng đối nghịch với quan phủ.

Lý Hùng khóc lớn một trận, lực bất tòng tâm, đành phải tự lập, lên chùa xin bài vị trường sinh. Đi đường xóc nảy mang về Tuyền Châu, giúp A Bảo lập đàn cúng bái, lập ngôi mộ chôn quần áo và di vật, con gái vì người cô chưa hề gặp mặt này mà thờ cúng nửa năm, vào Hàn thực [2] hay tiết Thanh Minh đều sẽ tế lễ, không bỏ sót ngày nào.

[2] Hàn thực là một ngày trước tiết Thanh Minh.

Mọi người nghe xong, đều im lặng hồi lâu.

“Thân thuộc còn xót xa, Người dưng đà vui vẻ.” [3]

[3] Nghĩ văn ca từ kỳ 3 – Đào Tiềm và bản dịch của Lê Phụng, thivien.

Hoà thượng tay nâng chén ngọc, buồn bã cảm thán: “Trên đời này ngoại trừ người thân sẽ vướng bận về sinh tử của mình ra thì không còn ai khác, vốn là bản chất con người.”

Nói xong, uống cạn rượu trong chén ngọc.

Thâm tâm A Bảo nói cũng không hẳn là vậy. Năm đó khi Lương Nguyên Kính biết tin nàng mất, tâm tình chàng sẽ ra sao?

Chàng có giống như a ca, quỳ trên đất khóc thét trước mặt mọi người không?

Nếu thật chàng đã nhất kiến chung tình với nàng sau lần đầu gặp tại ngự hoa uyển, chắc chàng đã rất khổ sở rồi.

A Bảo chuyển mắt nhìn thần sắc Lương Nguyên Kính ngay, đã thấy chàng khép hờ mắt, sắc mặt hoảng hốt tựa đang rơi vào hồi ức, trong lòng không khỏi chấn động, đôi tay phủ lên mu bàn tay chàng.

Nàng thà thấy Lương Nguyên Kính thờ ơ với cái chết của mình còn hơn là thấy dáng vẻ đau buồn này của chàng, điều này làm cho tim nàng rất đau.

Lương Nguyên Kính ngước mắt, miễn cưỡng cười cười với nàng, quay đầu nói với Giác Minh: “Nói lại chuyện mộ phần.”

“Ừm, được.”

Giác Minh suy tư gật đầu: “Theo chế độ Đại Trần, ba ngày sau khi Hoàng hậu hoăng, quan tài đặt ở Hoàng Nghi Điện lo việc ma chay, có chúng quan lại vào điện khóc tang. Bởi vì thiên tử còn sống nên quốc triều không xây lăng mộ, đợi sau khi nghĩa trang trùng tu xong, quan tài Hoàng hậu mới được khởi hành đến hoàng lăng Tây Kinh an táng, muộn nhất là tháng bảy phải được hạ táng xong xuôi.”

“Xét theo tình hình của tiểu nương tử A Bảo, chắc sẽ an táng theo phi tần bình thường, chôn ở kinh thành.”

“Trong thành Biện Kinh, nơi an trí phi tần hoàng đế tổng cộng có ba nơi, chùa Phụng Tiên phía nam thành, chùa Phổ Tế Sa Đài phía bắc thành Sa Đài, và viện Phổ An ngoại ô phía tây. Những ngày này, tiểu tăng đã tìm cớ đến chùa chiền hỏi thăm qua, chưa từng nghe nói tiểu nương tử A Bảo được hạ táng trong chùa, trong miếu cũng không có thần vị cúng bái của tiểu nương tử A Bảo, nói vậy là không có ở cả ba nơi đó.”

A Bảo thầm nghĩ đại hòa thượng anh cũng hay lắm, hoá ra không phải chỉ biết ăn thịt uống rượu, ăn gian nói dối mà còn biết làm chút chuyện cần thiết. Xong lại nghĩ chuyện này là sao đây, ngay cả bản thân được an táng ở đâu cũng không biết.

A Bảo buồn bực không thôi, xoa nhẹ mặt nói: “Đã nói là làm theo cách của em đảm bảo tìm được mà.”

Lương Nguyên Kính nhíu mày nói: “Không được.”

Giác Minh không hiểu ra sao: “Không được gì cơ?”

Lý Hùng say rượu cũng ngẩng đầu hỏi: “Không được gì?”

“Không có gì.” Lương Nguyên Kính nói.

“Chàng…” A Bảo bị chàng làm cho tức chết, đứng bật dậy nói: “Rốt cuộc chàng có muốn em đi đầu thai nữa không hả?”

Rõ ràng biện pháp của nàng là tốt nhất.

Lương Nguyên Kính không nói lời nào.

Nhưng thật ra Giác Minh cũng có tâm linh tương thông với A Bảo, không nhịn được hỏi: “Tiểu hữu Nguyên Kính à, có phải tiểu nương tử A Bảo nghĩ ra cách gì rồi không? Hay là nói cho mọi người nghe thử xem?”

“Phải đó!” A Bảo trừng mắt, “Chuyện này cũng đâu phải mỗi chàng định đoạt.”

“Cách của nàng không hay, không cần nghe.” Lương Nguyên Kính nói.

“……”

A Bảo tức tối đập bàn, nói với chàng: “Nực cười! Chàng ra đây cho em, em và chàng tranh luận với nhau!”

Lương Nguyên Kính chần chờ một lát, xong vẫn đứng dậy đi theo nàng ra ngoài.

“Biện pháp em nghĩ có chỗ nào không tốt hả? Chàng nói cho em nghe thử đi?”

Vừa mới ra khỏi cửa phòng, A Bảo đã xoay người, nổi giận đùng đoàng chất vấn chàng.

“Quá nguy hiểm.”

“Em là quỷ mà, nguy hiểm chỗ nào chứ? Chẳng lẽ người ta còn bắt em xong giết thêm lần nữa chắc?”

Lương Nguyên Kính rũ mắt im lặng.

A Bảo ghét nhất dáng vẻ này của chàng, giận sôi cả máu: “Nói chuyện!”

“Anh không muốn em đến đó.” Người trước mặt bỗng nói.

“Cái gì?” A Bảo sửng sốt.

Lương Nguyên Kính nâng đôi mắt lên, lặp lại rõ ràng thêm một lần: “Nơi đó không tốt, anh không muốn em đến đó, cũng không muốn em gặp lại hắn.”

Một lúc lâu sau, A Bảo không biết nên trả lời thế nào, qua một hồi nữa, mới nói: “Em sẽ không gặp hắn.”

Lương Nguyên Kính nói: “Nhưng em muốn biến thành nội thị thân cận nhất của hắn.”

“Cho nên chúng ta phải chọn ngày Phùng Ích Toàn nghỉ ngơi tắm gội.”

A Bảo cười lấy lòng, tiến lại ôm eo chàng, đầu ngoan ngoãn dựa vào trước ngực chàng, trấn an nói: “Đừng lo, em cam đoan với chàng sẽ không gặp lại hắn. Chàng cũng hy vọng em mau chóng đầu thai mà, có đúng không?” 

“Anh không mong.”

A Bảo có chút kinh ngạc ngẩng đầu lên.

Nàng cho rằng bọn họ đã đồng ý.

Ngón tay của Lương Nguyên Kính dừng lại trên má nàng, khẽ vuốt qua đuôi mắt nàng, rũ mắt nói: “Anh chỉ hy vọng em có thể được giải thoát thôi, nương tử.”

**

Quay lại phòng, Lương Nguyên Kính thay A Bảo, trần thuật lại biện pháp do nàng nghĩ ra cho mọi người.

Từ xưa đến nay xây dựng lăng tẩm đều do Tư Thiên Giám, Lễ Bộ, Công Bộ phối hợp phụ trách. Tư Thiên Giám chịu trách nhiệm vấn đề phong thuỷ may mắn, Lễ Bộ định ra pháp luật lễ nghi, đảm bảo tất cả quá trình mai táng phù hợp với quy chế tổ tông, Công Bộ phụ trách công tác giám sát sửa chữa cụ thể.

Ngoài ra, sau khi hoàng đế băng hà, triều đình sẽ lập tức thành lập chỉ huy mai táng và xây dựng hoàng lăng tổ chức hai bộ gánh hát.

Trong đó, chỉ huy mai táng lấy Sơn Lăng sứ, Lễ Nghi sứ, Kho Bộ sứ, Nghi Trượng sứ, Kiều Đạo Đốn sứ dẫn đầu, hay còn được gọi là Sơn Lăng Ngũ Sứ [4]. Đa số là Đại thần Tể tướng, Học sĩ Hàn Lâm, Trung thừa Ngự Sử, Quyền Tri phủ Khai Phong bổ nhiệm.

[4] Sơn lăng còn có nghĩa là lăng tẩm; lăng mộ của vua chúa.

tạm dịch theo baidu

 

     

 

Những người này đều là cận thần của hoàng đế, quyền cao chức trọng, giao chuyện tang lễ cho bọn họ cũng được coi là vinh dự.

Về chuyện xây dựng hoàng lăng, bởi vì thời gian xây dựng ngắn, nhiệm vụ nặng nề, tổ chức phụ trách xây dựng phải phân công kỹ càng. Dẫn đầu là Sử quan phụ trách khảo sát và thiết kế lăng tẩm, cùng với Tu phụng Sơn Lăng đô hộ, Đốc Giám, Kiềm Hạt quản lý. [5]

[5] (tạm dịch theo Baidu)

 

  

 

Khác với cơ cấu chỉ huy, chuyện này đa phần đều do hoạn quan và võ tướng Tam nha kết hợp, như phụ trách núi non địa hình đều do Đô Tri Nội Thị Tỉnh đảm nhiệm.

Theo suy nghĩ của A Bảo, nếu nàng không được chôn ở nghĩa trang Tây Kinh hay ba ngôi chùa lớn kinh thành. Vậy rất có khả năng Triệu Tòng đã an táng nàng ở một chỗ khác.

Phùng Ích Toàn là người hầu bên cạnh hắn, cũng là hoạn quan hắn cậy nhờ nhất, trước lúc lên ngôi đã hầu hạ hắn từ thời tiềm đệ.

Cho dù Phùng Ích Toàn có trực tiếp tham dự sửa chữa và chế tạo công trình lăng tẩm của nàng hay không, nhất định sẽ có phó bản vị trí lăng mộ do Tư Thiên Giám phụ trách. Mà Phùng Ích Toàn là hoạn quan chức cao nhất, ông ta muốn đến Tư Thiên Giám giám sát bản ghi chép cũng không có ai ngăn cản.

Cách của A Bảo đó là nhờ Lương Nguyên Kính vẽ bức tranh hình Phùng Ích Toàn, xong nhỏ máu chàng vào trong đó, như vậy nàng sẽ biến thành diện mạo của ông ta, trà trộn vào đại nội xem xét phó bản, thế là có thể biết mình được chôn ở đâu rồi.

Lý Hùng uống say, ngã vào giường ngủ khò khò, Giác Minh cũng vô cùng tán thành cách thức này, chỉ là y cho rằng vẫn có điểm thiếu sót.

“Nếu ngày tắm gội Phùng Ích Toàn không ra ngoài cung, hoặc vì lý do nào đó quay trở lại, tiểu nương tử A Bảo trong đại nội vô tình đụng mặt y thì sao?”

“……”

Câu hỏi này khiến cả người lẫn quỷ đều cạn lời.

A Bảo thật sự khó hiểu, hỏi: “Đại hòa thượng như anh, uống rượu thì thôi đi, sao còn qua lại với nội thị trong cung nữa?”

Giác Minh hình như cũng đoán được nàng sẽ hỏi việc này, bèn cười tủm tỉm nói: “Hồi xưa tiểu tăng từng bói một quẻ cho Phùng nội thị, bởi vậy có chút quan hệ bạn cũ.”

A Bảo càng loạn hơn: “Lên đồng bói toán không phải chỉ có đạo sĩ mới làm thôi sao?”

“Chân tướng đạo Phật, học nhiều thêm một kỹ năng cũng không gì là không thể.”

Giác Minh cười với Lương Nguyên Kính, lúm đồng tiền sâu bên má lộ ra: “Tiểu hữu Nguyên Kính, trước khi lên đường, có cần tiểu tăng bói một quẻ cho cậu và tiểu nương tử A Bảo, coi chuyến đi này là hung hay cát không?”

“Cần!”

A Bảo nói, nàng muốn nhìn xem hòa thượng này có bao nhiêu bản lĩnh.

Lương Nguyên Kính nhận lấy ba đồng tiền từ trong tay Giác Minh, thảy lên bàn, Giác Minh duỗi cỗ quan sát, sắc mặt nghiêm túc.

A Bảo không khỏi lo sợ bất an, không phải sẽ sợ bói ra quẻ hung, mà là sợ kết quả bói toán không tốt sẽ khiến Lương Nguyên Kính cố chấp không cho nàng mạo hiểm.

“Thế nào? Là cát hay hung?”

“A di đà phật,” Giác Minh hòa thượng ngẩng đầu, chắp tay hành lễ mỉm cười nói, “Thượng thượng đại cát.”

Bình Luận (0)
Comment