Phế Hậu A Bảo - Đao Thượng Phiêu

Chương 55

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

28 tháng chạp, hài cốt của A Bảo được di dời sang cỗ quan tài làm bằng gỗ lim tốt, đặt ở trong Phật đường chùa Đại Tướng Quốc, có ba mươi sáu tăng nhân mỗi sớm mỗi tối tụng niệm ⟪Kinh Vãng Sanh⟫ một lần giúp nàng siêu độ.

Trong thiền thất hậu viện, Giác Minh hoà thượng giao vòng chuỗi lại cho Thủ Chân đại sư, bảy viên Phật châu đều có tổn hại lớn nhỏ. Nghiêm trọng nhất là xá lợi tử của cao tăng nọ có vết rách hơi nhỏ, Thủ Chân nâng trong lòng bàn tay, chỉ nắm nhè nhẹ vòng đã hóa thành bụi mịn.

Cụ đổ bụi từ lòng bàn tay vào lư hương, sắc mặt trang nghiêm nói: “Đột tử, còn trong quan tài cực âm, sát khí nặng nề nhất, e rằng phải làm đủ bảy bảy bốn mươi chín ngày pháp sự mới khử sạch lệ khí.”

Giác Minh ngồi quỳ trên đệm hương bồ sau cụ, gật đầu cung kính đáp ‘Dạ’, y mới phục hồi lại từ lần đuổi ma hôm qua, nguyên khí thương tổn lớn, màu môi tái nhợt, cũng không còn thần thái sáng láng như ngày thường.

Thủ Chân trầm ngâm: “Chùa Tướng Quốc không được.”

Chùa Tướng Quốc quá gần phố phường, hồng trần lẫn lộn, đích thật không thích hợp dùng làm đạo tràng*.

Giác Minh ngẫm nghĩ: “Ngoài cửa Phong Châu kinh thành có ngọn núi vạn năm, trên núi có chùa Sùng Ninh, ngày thường hương khói không thịnh, ít người ghé thăm.”

Thủ Chân ngầm đồng ý với đề nghị này.

Giác Minh lại có hơi do dự, chợt hỏi: “Sư phụ ơi, tiểu hữu kia của đệ tử…”

Thủ Chân đánh gãy lời y: “Trong lòng con sớm có kết luận.”

Tiếng gõ mõ vang lên trong thiền thất, Giác Minh lặng lẽ lui xuống.

Thực tình, trong lòng y sao mà không biết được đây?

Tiểu hữu Nguyên Kính là nguyên nhân lớn nhất khiến tiểu nương tử A Bảo ở lại thế gian này. Hiện giờ A Bảo đã có dấu hiệu nhập ma, nếu muốn loại trừ oán khi trong lòng nàng, tiểu hữu Nguyên Kính không thể gặp lại nàng nữa. Sở dĩ y hỏi sư phụ, cũng chỉ vì quá đáng thương cho lòng si mê này của bằng hữu tốt.

Chữ ‘tình’, từ xưa đến nay, đều mang theo đau khổ.

Mưa trên lá chuối tây, Giác Minh hoà thượng đứng dưới hiên, phát ra tiếng thở dài nhỏ khó nghe thấy.

**

Lúc Lương Nguyên Kính tỉnh lại, đã không thấy bóng dáng A Bảo đâu.

Từ hôm qua sau khi nàng nhập ma, liên hệ giữa bọn họ bị cắt đứt, nàng không cần ở bên cạnh chàng trong phạm vi năm trượng nữa.

Lương Nguyên Kính xỏ giày xuống giường, che ô vải dầu tìm khắp nơi trong chùa, cuối cùng cũng thấy được nàng trên gác chuông phía đông Văn Thù Viện.

A Bảo ôm đầu gối ngồi trên ngói lưu ly xanh lơ, nhìn cơn mưa phùn không ngớt phía chân trời.

Lương Nguyên Kính thu ô, xách quần áo lên lầu, hiện giờ thân thể chàng suy nhược, cứ ba bước chân phải tạm dừng nghỉ ngơi. Đợi lên đến gác chuông, tấm lưng đã đổ đầy mồ hôi lạnh.

Chuông đồng chùa Đại Tướng Quốc cao tầm tám thước, nặng hơn vạn cân, bề mặt có mười sáu chữ ‘Hoàng đồ củng cố, đế đạo hà xương, Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển’*, do các nghệ nhân đúc vào năm Thái Tổ tại vị, vốn dùng để đánh thức cư dân thành Đông Kinh, hiện giờ không cần nữa nên chuông đã phủ lớp màu xanh lục.

“A Bảo ơi.” Chàng nhẹ tiếng gọi.

“Chàng không nên tới đây.”

Qua hồi lâu, đỉnh gác chuông truyền đến giọng nữ lãnh đạm, pha lẫn trong tiếng mưa rơi tí tách, hư ảo tựa hồ chẳng nghe thấy gì.

“Vào trong thôi,” Lương Nguyên Kính nói, “Trời đang mưa.”

“Thì có sao? Quỷ hồn sẽ không bị mưa xối.”

A Bảo từ ngói lưu ly bay xuống, ngừng giữa không trung. Nàng mặc bộ váy đỏ, tóc dài xoã tung, vệt đen giữa mày hiện rõ rệt, sát khí quanh thân trở nên nặng nề, mưa bụi bay tán loạn đều tránh né nàng. 

Lương Nguyên Kính cầm lòng không đậu vươn tay muốn chạm vào nàng, nháy mắt nàng lại lùi thật xa về sau.

“Quay về đi, bên ngoài lạnh.”

A Bảo nói xong liền xoay người bay vào tầng mây.

Lương Nguyên Kính vịn tay ngóng trông xa xăm, chỉ thấy mỗi trời đất mưa phùn ào ào, trắng toát cả mảng. Thành Đông Kinh được bao phủ trong mưa bụi mông lung, chưa từng gặp lại bóng hồng xinh đẹp kia nữa.

“A Bảo……” Chàng thì thào gọi.

**

30 tháng chạp, giao thừa tuổi mới.

Ngày này, trong cung cấm sẽ cử hành nghi lễ lớn rước thần đuổi tà. Các quan thân sự của hoàng đế sẽ ban cấm quân đeo mặt nạ, mặc áo giáp, tay cầm giáo vàng kích bạc, cờ rồng ngũ sắc, cùng các đào kép Giáo Phường Ty hoá thân thành Phán Quan, Tiểu Muội Chung Quỳ, Táo Quân, Thổ Địa, Ngũ Phương Quỷ Sứ, vừa đi vừa đánh trống từ cung đình đến Đông Hoa Môn, theo đoàn lớn hoành tráng rầm rộ đi tiếp ra Nam Huân Môn, đến vùng Chuyển Long Loan xua đuổi tà ma xong quay về.

Ban đêm, tiếng pháo trúc nổ liên miên, khắp đường làng đều nghe thấy.

Sĩ thứ kinh thành quây quần bên lò lửa cho đến giờ Tý mới thôi, gọi là ‘đón Giao Thừa.’

Tại ngay thời khắc náo nhiệt nhất trong năm, linh cữu của A Bảo ra khỏi Phong Khâu Môn phía bắc thành, đi về hướng núi Vạn Tuế.

Nàng khoanh chân ngồi trên nắp quan tài chính mình, phía trước là ba mươi sáu tăng ni tụng kinh cho nàng. Dẫn đầu là Thủ Chân đại sư khoác áo cà sa đỏ vàng, tay cầm chuông kim cang*, bảy bước lắc chuông một lần, Giác Minh hoà thượng tay cầm cờ dẫn hồn hộ pháp cho nàng.

Ca ca Lý Hùng mặc áo tang, đã khóc đến hai mắt sưng to rõ rệt. Anh rải tiền giấy, cứ vài bước chân sẽ hô lên một tiếng “A Bảo, hồn về”, giọng nói khàn đặc nghẹn ngào khó nghe.

Đằng sau linh cữu còn có bảy mươi hai tăng nhân đưa tang, vừa tròn số ‘108’*. Ở sau cùng đội ngũ, là Lương Nguyên Kính đi theo từ xa xa.

“Quay về đi… Ngốc ạ.” A Bảo nhẹ giọng nói.

Đội ngũ đi đến chân núi Vạn Tuế, Giác Minh hoà thượng lại gần Lương Nguyên Kính, ánh mắt thương xót, khẽ khuyên nhủ chàng: “Đưa đến đây thôi.”

Lương Nguyên Kính giật mình hồi lâu, cuối cùng đáp: “Được.”

Chàng dừng lại ngay chân núi, ngóng theo chúng tăng nâng quan tài đi lên núi, ánh nến đèn lồng chiếu sáng núi rừng tĩnh lặng. Bóng hồng nọ ngồi trên nắp quan tài, từ đầu đến cuối chưa từng quay đầu lại.

**

Mùng một tháng giêng, năm Vĩnh Ninh thứ tư.

Pháp sự an hồn A Bảo chính thức cử hành trong chùa Sùng Ninh, linh cữu nàng được đặt trong bảo điện Phật Di Lặc. Từ Thủ Chân đại sư dẫn dắt Giác Minh hoà thượng, lẫn 108 tăng nhân, ngày đêm tụng niệm kinh vãng sanh, đàn hương trong điện lượn lờ, tiếng gõ mõ suốt đêm chẳng ngừng.

Mấy ngày trôi qua, oán khí quanh người A Bảo quả nhiên có tiêu giảm, nóng nảy trong lòng giảm xuống, bên tai không còn nghe thấy tiếng mời gọi đánh giết nữa, vệt đen chỉ dọc giữa mày phai mờ hơn so với trước.

Mùng tám tháng giêng, Lý Hùng lên tới núi, mang theo túi bánh mật nhà Vương bà bà, linh vị thờ cúng trước kia của nàng, còn đốt cháy quyển tranh cuộn vào chậu than.

Song, A Bảo ngồi trên tháp Phật sau núi ngắm nhìn phong cảnh thu được một bức hoạ.

Trong tranh là xe giá cấm quân binh sĩ diễn tập cho đại lễ long trọng hằng năm, trước xe có bảy con voi, vệ sĩ cưỡi voi mặc áo tím, đội khăn chít đầu, ngồi trên cổ voi, tay cầm cán ngắn chỉ huy voi xoay vòng.

Hai bên phố sá có không ít dân chúng nghển cổ quan sát, trong đó có đứa bé tóc trái đào, do không được cha mẹ trông coi nên đã lao ra chạc cây son ngăn cản đám đông. Con voi đi đầu bị hù sợ, chân trước bật lên cao, cận cảnh sắp giẫm chết đứa bé kia.

Người vẽ tranh phác hoạ rất chân thật, như đứa bé dưới chân voi khóc nỉ non. Vệ sĩ trên voi giơ cao cán đồng, chuẩn bị đâm xuống dưới ánh mắt kinh hãi trên mặt mọi người xung quanh, có phụ nhân mặc đồ màu lam rơi đầy nước mắt, liều mạng nhào lên bị người chung quanh giữ lấy. Toàn cảnh sinh động y như thật, làm người ngoài xem tranh cảm nhận rõ nguy hiểm trùng trùng ngay lúc ấy, cục diện khẩn trương mạng sống mỏng manh.

Trên bức tranh cuộn tròn có chữ viết, nét bút thư pháp như nước chảy mây trôi: 

Qua Tuyên Đức Lâu, thấy đại lễ cưỡi voi diễn tập, một đứa trẻ vô cớ lao ra, gặp hiểm nguy dưới chân voi, may mắn được người lạ cứu giúp. Đoán rằng nếu có khanh ở đây, chắc sẽ vỗ tay hô to, nên đã vẽ thước tranh diễn tả toàn bộ cảnh tượng ấy, nhằm muốn khanh vui vẻ.

Ký tên: Phu, Nguyên Kính.

A Bảo cầm tranh, quả thật đã phì cười, ngón tay chậm rãi v.uốt ve bức hoạ cuộn tròn, dịu dàng nói: “Người lạ nọ, là chàng thì có.”

Từ đó về sau, mỗi ngày Lý Hùng sẽ lên núi, mang theo ít điểm tâm và thiêu một bức hoạ. Trong tranh có phố phường ngõ hẻm, có quán rượu quán trà, có cầu đỏ trên Biện Hà, cũng có quán mì ruột dê đường Phan Lâu bọn họ từng ghé ăn, kể cả Phàn Lâu, ngói ngoài Chu Tước Kiều, chợ đêm Châu Kiều.

Mỗi bức hoạ đều do đích thân Lương Nguyên Kính đề bút. Nội dung đâu đâu cũng là hôm nay chàng đã đi đâu, gặp chuyện gì thú vị, nếu có A Bảo ở đó, nàng sẽ thấy thế nào ra sao các thứ.

Cuối cùng ký tên: Phu, Nguyên Kính.

Mười lăm tháng giêng, lễ Thượng Nguyên.

Thành Đông Kinh thao thức cả ngày lẫn đêm, phố phường lớn nhỏ treo đầy hoa đăng, đêm cũng như ngày, người đi đường chen vai nối gót, sôi nổi đến trước Tuyên Đức Lâu ngắm đèn.

Quốc triều nhân dịp sắc lập tân hậu, đêm Nguyên Tiêu năm nay náo nhiệt long trọng gấp trăm lần, chỉ riêng đèn Ngao Sơn đã cao bằng hai tầng lầu, trên đèn vẽ mười hai con giáp, các vị thần tiên, còn có dòng nước chảy xuống từ đỉnh đèn, trông như thác nước.

Ngoài ra, còn có hoa đăng, đèn chim, đèn thú, đèn cá, đèn kỳ lân nhiều vô số kể, thêm cả người Giáo Phường Ty múa may đèn hình cá, đèn màu hình rồng, như cá rồng vùng vẫy khiến người xem hoa cả mắt.

Trước cửa lầu, các nghệ nhân nổi tiếng nhất thành Đông Kinh biểu diễn đá cầu đánh hoàn, đi dây trên không, đô vật nữ, dị hơn là nuốt kiếm, kỹ thuật phun lửa, người xem chưa kịp nhìn đã hô to xuất sắc.

Trên lầu Tuyên Đức, thiết lập ngự toà, quan gia dẫn hậu phi công chúa, tể chấp và tất cả quan lại cùng nhau ngắm đèn, chung vui cùng dân lành, các học sĩ còn muốn làm từ, trình lên cho vua thưởng thức.

Đêm nay ồn ào náo nhiệt sôi động thế nào, riêng A Bảo ở trên núi Vạn Tuế ngoài thành xa xôi cũng có thể nhìn thấy ngọn đèn dầu sặc sỡ của thành Đông Kinh.

Nàng nhớ lại ngày đưa a ca lên thuyền ở bến đò, nàng nói chuyện với Lương Nguyên Kính, chờ đến Nguyên Tiêu, nàng muốn cùng chàng đến Tuyên Đức Lâu xem đô vật nữ, lên Phàn lâu ngắm đèn. Bọn họ còn hứa hẹn ngày sau sẽ đến Tuyền Châu ngắm biển, ấy mà giờ đây, nàng chỉ có thể ngắm đèn cùng chàng thông qua bức hoạ.

A Bảo cười khổ, mở bức hoạ cuộn tròn trong tay, cúi đầu xem xem hôm nay chàng vẽ gì cho nàng.

Trước Tuyên Đức Lâu, đèn đuốc rực rỡ, như mưa sao băng, nghệ nhân trình diễn hết mình.

Ba vòng bá tánh cả trong lẫn ngoài vây quanh hai vị đấu vật vạm vỡ, ngực trần lộ ra đang thi đấu. Một nữ đô vật rơi vào thế yếu, e là sắp bị đối thủ vật ngã.

Người xem chung quanh sôi nổi vươn tay reo hò, tâm thái thần sắc mỗi người mỗi khác, còn có tiểu nữ đồng búi tóc sơ nha được mẹ ôm vào lòng, tay nhỏ cầm hồ lô đường đang tính bỏ vào miệng.

Góc trái bức tranh cuộn tròn có lời đề bút, là khuyết từ của cư sĩ nọ:

“Đêm xuân gió thổi ngàn hoa nở,
Rụng như mưa, sao rực rỡ.
Ngựa quý, hương đưa, xe trạm trổ.
Phụng tiêu uyển chuyển,
Ánh trăng lay động,
Suốt đêm rồng cá rộn.

Ngài tằm, liễu tuyết, tơ vàng rủ,
Phảng phất hương bay, cười nói rộ.
Giữa đám tìm người trăm ngàn độ,
Bỗng quay đầu lại,
Người ngay trước mắt,
Dưới lửa tàn đứng đó.” [1]

[1] Thanh ngọc án – Nguyên Tịch – Tân Khí Tật và bản dịch của Như Quy, thivien.

Dòng cuối còn kèm theo câu lạc khoản: Mừng ngày sinh nhật của nương tử, phu, Nguyên Kính.

“Chàng còn nhớ rõ à, hôm nay là sinh nhật của em.”

Đầu ngón tay lưu luyến ve vuốt dòng mực kia, tim người đau xót khôn nguôi, chỉ tiếc là A Bảo chẳng thể khóc.

Bức tranh cuộn hoá thành ánh sáng bạc, tiêu tán ngay trong tay nàng.

Nàng ngẩng đầu lên, ngồi trên tháp Phật, hai chân đong đưa giữa không trung, ngắm sao tối hôm nay.

Trời đêm đông luôn âm u, không bằng đêm hè sáng tỏ, nàng dốc hết sức tìm kiếm cũng chỉ thấy mấy vì sao mờ nhạt.

A Bảo có hơi thất vọng, cảm giác ông trời không cho cô mặt mũi mừng ngày sinh nhật, chỉ là……

Người đã khuất còn đón sinh nhật không nhỉ? Hẳn là không rồi.

Chả thú vị xíu nào.

A Bảo cực kỳ buồn chán, đang muốn bay xuống linh đường của riêng mình ăn vài miếng bánh, bỗng nhiên ánh mắt xác định.

Sâu trong núi rừng, có một ngôi sao sáng ngời từ từ bay lên càng lúc càng cao, không đúng…

Đó không phải là ngôi sao. Đó là đèn!

Có người ở dưới chân núi thả đèn Khổng Minh!

A Bảo mở to đôi mắt, là chàng sao? Là người mà nàng đang nghĩ tới sao?

Ngoại trừ đồ ngốc Lương Nguyên Kính ra thì còn có ai sẽ chạy đến núi Vạn Tuế ngoài thành thả đèn vào đêm Nguyên Tiêu nữa chứ?

Mỗi khắc càng có nhiều đèn Khổng Minh bay lên bầu trời đêm. Núi rừng tăm tối được soi sáng, như đom đóm bay múa đầy đêm hè, hay như hàng tỉ sao trời lộng lẫy, vô cùng hoành tráng.

A Bảo bay lên, hoà mình vào vô số chiếc đèn Khổng Minh lơ lửng, tựa như đặt mình vào giữa ngân hà chín tầng trời. Bỗng nhiên phát hiện trên đèn còn đề chữ, nét chữ viết tay rồng bay phượng múa.

Nàng đọc từng chiếc từng chiếc, trong đó có một chiếc viết ‘Xuân xanh mãi mãi’, chiếc bên cạnh viết ‘Bình an hạnh phúc’, còn có chiếc ‘Gặp mỹ nhân lòng nhớ chẳng buông, Ngày ta cách trở tưởng điên cuồng.’ [2]

[2] Phượng cầu hoàng – Tư Mã Tương Như và bản dịch thơ của Mắm (tham khảo từ nguồn https://tratamtuutu.wordpress.com/2021/10/17/phuong-cau-hoang-tu-ma-tuong-nhu/)

A Bảo dùng hai tay ôm mặt, vừa vui mừng vừa khổ sở, khóc xong lại cười mà cười xong lại khóc, cuối cùng nức nở nói: “Em cũng nhớ chàng mà, đồ ngốc…”

Còn nhớ đêm giao thừa năm nào tại thành Đông Kinh, Triệu Tòng đã thành quan gia vì dỗ nàng vui vẻ, đã hao phí mấy vạn tiền đồng trong nội bộ, treo lên vạn hoa đăng khắp cung cấm, chiếu rọi toàn bộ đại nội hoàng cung rạng rỡ, trang trí lộng lẫy.

Hắn choàng cánh tay cùng nàng dạo đêm xem đèn, phía sau là hàng nghi thức dài như mình rồng, gồm nội thị, cung nhân và nhóm nương tử hậu cung.

Vô số ánh đèn, tiếng người ầm ĩ. A Bảo mê say hoa mắt, làm nhiễu lỗ tai nàng, đến cả Triệu Tòng từng nói lời gì đó nàng cũng chẳng nghe rõ.

Ngày hôm sau, hoa đăng quý giá đó liền bị cung nhân thu dọn sạch sẽ, những gì để lại cũng chỉ là ngòi bút sát phạt của đám gián quan mà thôi.

Chúng nó làm gì mà so được với đèn Khổng Minh đêm nay?

Đèn này này là do người nọ tự tay làm ra, tự tay viết chữ, tự tay châm ngòi, kí thác lời chúc nguyện cùng lời tưởng niệm chân thành của riêng mình gửi tới cho nàng đó.

Suốt cuộc đời của A Bảo lại chưa từng nhìn thấy ngọn đèn nào xinh đẹp hơn nhường này.

**

Đạo tràng là khái niệm thường được dùng để chỉ nơi hội tụ của những người con Phật, có cùng một ý hướng chuyên tu, theo một pháp môn tu hành nào đó đã được lựa chọn, hoặc do một vị sư hướng đạo, trong muôn vàn pháp môn của Phật chỉ dạy. (nguồn: phatgiao.org)

* Hoàng đồ củng cố: Cơ đồ hoàng gia bền vững mãi.
Đế đạo hà xương: Chính sách tốt đẹp của vua được thi hành ở khắp nơi.
Phật nhật tăng huy: Đạo Phật ngày càng sáng ngời.
Pháp luân thường chuyển: Đạo Phật được truyền bá khắp nơi.
(tham khảo chuaxaloi.vn)

* Chuông kim cang (hình ảnh từ Baidu)

 

* Số 108 được xem là con số thiêng liêng trong Phật giáo, xuất hiện trong nhiều khía cạnh của giáo lý và thực hành. Theo quan niệm nhà Phật, 108 tượng trưng cho sự giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, giúp con người vượt qua phiền não và đạt đến giác ngộ. 
Trong nhiều nghi lễ Phật giáo, tiếng chuông chùa thường vang lên 108 lần vào thời khắc giao thừa để xua đuổi phiền não của năm cũ và chào đón năm mới an lành. (nguồn: truclaman)

Bình Luận (0)
Comment