Lại mười ngày nữa trôi qua, A Bảo rất mau vứt lời thề của mình ra sau đầu.
Bởi vì nàng thật sự hết! Nói! Nổi!
Lương Nguyên Kính là hoạ sư hàn lâm, việc làm mỗi ngày là đi đến hoạ viện, nghe giảng, nghiên cứu và giám định mấy danh tích thi hoạ cổ, lúc có lệnh triệu tập sẽ chờ đợi giao việc, vẽ tranh cho các quý nhân trong cung hoặc chấp bút thay Hoàng Thượng, chừng nào có những dịp quan trọng như dự cung yến, hắn cũng phải tham dự để vẽ lại khung cảnh lúc đó.
Ngoài ra, sau khi Triệu Tòng đăng cơ mở học viện hoạ tranh ở Quốc Tử Giám, hắn cũng có trách nhiệm đến đó giảng dạy.
Vào lúc rảnh rỗi, hắn thường xuyên đem dụng cụ vẽ ra ngoài vẽ tranh tả thực, sẽ hay ghé vào đường làng phố xá, hoặc thành trì nông thôn, hoặc cũng có thể là chùa cổ nằm sâu trong núi, phần lớn là vẽ chi chít những con buôn nhỏ, nông dân, tăng đạo.
Điều này hoàn toàn bất đồng với giới hội hoạ hiện nay, thậm chí là không phù hợp, tính từ năm năm cuối thời Đường cho đến nay, bất kể là chim hoa núi non hay hoạ người, nhóm hoạ sư đều sẽ vẽ theo lối tôn sùng xa hoa tráng lệ, cố gắng dùng lối vẽ tỉ mỉ phức tạp, đủ loại màu sắc tượng trưng cho vương triều thịnh thế khí phách, thường gọi là ‘Viện thể” [1].
[1] 院体 là một thuật ngữ trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là hội họa và thư pháp, xuất phát từ Trung Quốc. Dùng để chỉ phong cách nghệ thuật chính thống, được sáng tác và ủng hộ bởi các học viện hoặc cung đình thời xưa.
Dưới ảnh hưởng của thời thế này, chủ thể trong tranh cũng phải là quý nhân quan lớn, văn nhân thi sĩ, hoặc là ẩn sĩ thoát tục núi sâu.
Người giống như Lương Nguyên Kính trực tiếp đưa dân tình bá tánh vào trong tranh, không phải không có, chỉ là hiếm hoi, khó trách thường ngày A Bảo thấy hắn ở hoạ viện đều ‘độc lai độc vãng’, ít khi giao thiệp với bạn đồng liêu, nếu vậy chắc ở trong mắt những người khác, hắn không phải người lạnh lùng khó gần, cũng là hành động khác người thường.
Có một lần A Bảo hỏi hắn, vì sao tranh của hắn không giống như những người khác.
Lương Nguyên Kính liền hỏi ngược lại nàng: “Tranh của người khác vẽ thế nào?”
A Bảo không có nhiều hiểu biết lắm về vẽ tranh, hao tâm tốn sức suy nghĩ rất lâu mới trả lời: “Không biết, dù sao cũng khác ngươi, tranh bọn họ toàn là quan lớn, phu nhân quyền quý, hoặc là đánh đàn cổ, lão nhân cầm quạt đi? Bên cạnh còn phải có mấy kẻ hầu hạ nữa.”
Lương Nguyên Kính nghe xong, hơi hơi mỉm cười: “Những vị đó tự có người khác vẽ họ, còn ta thì không.”
“Vậy ngươi vẽ cái gì?”
Lúc đó bọn họ còn đang ở trên cầu Biện Hà, bên dưới cầu thuyền hàng muốn đi qua cầu, những người chèo thuyền bò lên đỉnh thuyền hạ cánh buồm xuống, còn có sáu gã to khoẻ phụ đứng ở đuôi thuyền, vài tiểu nhị áo quần ngắn đứng ở trên cầu hô hào, chỉnh dây cáp chuyển phương hướng của thuyền.
Lương Nguyên Kính nhìn cảnh tượng này, nhẹ giọng nói: “Họa hồng trần trung nhân.” [2]
[2] Thường dùng để miêu tả cảnh tượng trong thế gian.
A Bảo ngồi trên thành cầu, theo tầm mắt hắn nhìn xuống dưới, không khỏi khịt mũi coi thường: “Cũng chỉ là đám dân thường hạ đẳng mà thôi.”
Lương Nguyên Kính nhìn nàng chằm chằm, không nói gì.
A Bảo bị ánh mắt của hắn chọc giận, bực bội nói: “Nhìn cái gì? Có phải ngươi muốn nói ta cũng xuất thân thấp kém giống bọn họ chứ gì? Hứ, thấp kém thì sao, vận khí của ta không tốt, không sánh nổi các ngươi đầu thai thành đại lão gia, được nuôi trong bụng của quý nhân, sinh ra cũng chỉ lo hưởng phúc!”
Xuất thân luôn là nỗi đau vĩnh hằng của A Bảo.
Tuy mới đầu nàng cũng không thấy nó có vấn đề gì, lúc còn ở Dương Châu, nàng là bán nghệ không bán thân, dựa vào bản lĩnh nuôi sống bản thân, ngay cả Tri châu đại nhân còn mời nàng về phủ đàn tỳ bà, còn dùng lời hay ý tốt khen ngợi nàng nữa.
Sau khi vào thành Đông Kinh, thân phận ca nữ của nàng lại bị công kích hết lần này đến lần khác, còn biến thành phong trào.
A Bảo bị bọn họ mắng từ năm này sang năm nọ, tính tình cũng dần dần trở nên vặn vẹo, một mặt nàng không thấy mình có gì sai, mặt khác lại cấm đoán không cho ai nhắc về xuất thân của mình.
Rất đúng với câu kiêu căng tự đại nhưng lại tự ti sâu sắc.
Lương Nguyên Kính bất đắc dĩ thở dài, nói: “Ta không có ý đó.”
A Bảo ‘hừ’ một tiếng, ánh mắt quét tới mặt sông.
Giọng nói trong trẻo hiền hoà của Lương Nguyên Kính từ phía sau truyền đến: “Ta chỉ nghĩ, nếu bức tranh này có thể lưu truyền rộng rãi, để người đời ngàn năm về sau sẽ biết, thời đại của chúng ta sinh sống như thế nào thôi.”
A Bảo nghĩ thầm ngươi có mà nằm mơ đi, còn muốn tranh mình vẽ lưu truyền ngàn năm nữa chứ, đừng tưởng muốn là được, ai biết chừng đến cuối sẽ biến thành cái dạng gì.
Nàng chuẩn bị chê bai hắn một câu, nhưng khi quay đầu nhìn thấy thần sắc của Lương Nguyên Kính, lại lập tức im bặt.
Không biết vì sao, mỗi lần nói đến tranh vẽ, trên người Lương Nguyên Kính phảng phất phát ra cỗ khí chất, khiến người khác không thể khinh thường.
A Bảo nuốt lời định nói xuống: “Ha, vậy sao ngươi còn chưa vẽ xong?”
Có mỗi bức tranh, nàng thấy hắn đã vẽ rất lâu rồi.
Lương Nguyên Kính vừa mới dùng bút than vẽ xong bản thảo, đang tính phác hoạ đường nét lên trên, nghe vậy mỉm cười nói: “Ta muốn vẽ toàn bộ thành Biện Kinh.”
A Bảo nghẹn họng, thầm nghĩ khẩu khí của ngươi lớn lắm, nhịn không được hỏi: “Ngươi đã vẽ được bao lâu rồi?”
“Ba năm.”
“……”
**
Lúc Lương Nguyên Kính ra ngoài vẽ tranh, A Bảo mặc dù bị giam ở gần hắn không thể chạy loạn, nhưng tốt xấu gì cũng được ngắm nhìn phong cảnh, người qua lại, không đến mức quá nhàm chán.
Nhưng sau lần trước bị bỏng, hắn không thể vẽ tranh tiếp, quan gia ban ân điển, dặn dò hắn ở nhà chuyên tâm dưỡng thương, không cần phải đến hoạ viện điểm danh, thậm chí còn sai nội thị đưa đến thuốc mỡ mát lạnh do ngự dược cục đặc chế.
Suốt ngày bị nhốt trong nhà không đi ra ngoài, A Bảo rảnh rỗi trồng cây cỏ, Lương gia không quá lớn, nàng chuyển ra chuyển vào rất nhanh đã xong, cây táo trong viện kia kết bao nhiêu quả táo cũng đếm được rất rõ ràng.
Bởi vì nhàm chán, nàng liền kiếm chuyện với Lương Nguyên Kính, đầu tiên là quấn lấy đòi Lương Nguyên Kính mua mấy quyển thoại bản cho nàng, sau khi đọc đến chán lại ầm ĩ muốn đi ra cửa.
“Đi ra ngoài! Đi ra ngoài! Không ra khỏi cửa ta sẽ phát điên mất!”
A Bảo lăn qua lăn lại trên án thư, mấy ngày nay Lương Nguyên Kính đang bận sửa sang lại tập tranh, trên án bày không ít tranh chữ.
Lương Nguyên Kính thấy nàng có đuổi cũng không đi, lập tức cầm tới đao khắc và một loại ấn Kê Huyết Thạch, bắt đầu khắc con dấu.
A Bảo tận tình khuyên bảo nói: “Lương đại nhân, ngươi không đi ra ngoài vẽ vật thực nữa à? Không phải muốn vẽ toàn bộ thành Đông Kinh sao? Còn như vậy nữa, ngươi phải chờ đến ngày tháng năm nào mới vẽ xong hả?”
Lương Nguyên Kính nói: “Tay ta còn chưa lành.”
“Lừa quỷ chắc?” A Bảo trợn tròn mắt, “Ngươi có thể cầm đao khắc đá, sao không thể cầm bút được?”
Lương Nguyên Kính khắc đá, khóe miệng nhếch lên.
A Bảo biết hắn đang cười cái gì, ý tứ đúng là ‘không lừa được quỷ’.
Nàng bất lực ỉu xìu ngã xuống bàn sách, lăn qua lộn lại! Buồn chán quá đi! Buồn chết người! Buồn chết ma quỷ!
‘Cốc, cốc, cốc’ ngoài phòng bỗng nhiên truyền đén tiếng đập cửa.
A Bảo ngồi thẳng dậy: “Có người tới!”
Lương Nguyên Kính ngồi không nhúc nhích, tiếp tục khắc đá: “Dư lão sẽ ra đó xem.”
“Dư lão đi mua đồ ăn rồi!”
A Bảo tức giận nói, mỗi ngày hắn ngồi yên trong nhà, còn chưa biết nhiều chuyện bằng nàng đâu!
“Lương công tử có nhà không?” Người gõ cửa hỏi.
A Bảo lập tức nói: “Còn không mau ra mở cửa đi, có lẽ tìm mua bức tranh của ngươi.”
Lương Nguyên Kính có lúc sẽ vẽ chân dung cho vài người dân, mới đầu là do con trai út của nhà thương hộ chạy mất, phủ Khai Phong dán bố cáo hình vẽ khác xa không giống người thật cho lắm. Lão gia khẩn cầu chủ phủ Khai Phong tìm người khác đến vẽ lại, quan doãn [3] của phủ bị kiện tụng quấn thân, vốn dĩ không rảnh quan tâm chút việc nhỏ này, nói ông ta có bản lĩnh thì tự đi mà tìm.
[3] Chức quan.
Lúc đó hoạ sư dân gian phần lớn trình độ tầm thường, trong hoạ viện tuy chứa nhiều nhân tài, nhưng đa phần có tài sinh kiêu ngạo, cậy mình là quan viên chức, không muốn lui tới với thương nhân.
Hết cách, nghe hàng xóm nói Hàn Lâm Viện có nhân vật lương thiện tên Lương Nguyên Kính, lập tức ôm chút hi vọng tìm tới cửa.
Lương Nguyên Kính nghe vậy không nói hai lời, kêu ông ta miêu tả diện mạo của con trai út, lấy bút mực tới vẩy thành vài nét.
Một lát sau vẽ xong, thương nhân đi tới nhìn, quả thực giống hệt con mình.
Sau đó nhờ vào bức tranh này, ông ta thành công tìm thấy con trai, thương nhân tất nhiên cảm ơn hết lòng, muốn báo đáp lại ân tình của Lương Nguyên Kính bằng một số tiền lớn.
Lương Nguyên Kính không lấy một xu, thương nhân liền đau khổ cầu xin, hai bên đưa qua đẩy lại, cuối cùng Lương Nguyên Kính chỉ nhận lấy một quan tiền.
Từ sau chuyện này, thương nhân bạo dạn tuyên truyền ra ngoài, thế là dân gian mỹ danh ‘Lương Nhất Quán’ ra đời.
Bạn đồng liêu của Lương Nguyên Kính ở hoạ viện biết chuyện, ngấm ngầm chê cười hắn ‘không ngồi chung mâm’ ‘mua chuộc danh tiếng’, hoặc là ‘làm huỷ hoại giới hội hoạ’, dù đó có là lời thật lòng, cũng đều xuất phát từ lòng đố kỵ, Lương Nguyên Kính có thể không phải người giỏi nhất trong hoạ viện, nhưng nhất định là hoạ sư nổi tiếng nhất trong dân gian.
Về sau càng ngày càng có nhiều người tìm tới cửa nhờ hắn vẽ tranh, bất kể là hai nhà tìm làm mai, nhờ hắn vẽ tranh cho cô dâu, đến tết nhờ hắn vẽ hình búp bê, Chung Quỳ trừ tà, đạo quan chùa miếu mời hắn vẽ bích hoạ, hoặc giống như thương nhân, vẽ con cái đi lạc mất cũng có, thậm chí còn có kỹ nữ tìm đến nhờ vả hắn.
Chỉ cần là nhiệt tình muốn nhờ vả, Lương Nguyên Kính đa phần đều đáp ứng, kể cả đắt rẻ sang hèn, tiền thù lao đồng giá chỉ thu một quan tiền.
Bởi vì lo rằng có người tìm tới nhờ vẽ tranh thật nên Lương Nguyên Kính buông đao khắc xuống, ra ngoài thư phòng.
A Bảo thấy hắn mấy bữa nay mới có một lần ra khỏi cửa phòng, vô cùng phấn chấn, trèo qua đầu tường xem khách tới là ai, sau đó trở lại báo tin cho hắn: “Là một bà lão.”
Lương Nguyên Kính khựng bước: “Trên má có một nốt ruồi?”
Cái này A Bảo không chú ý đến, vì thế bay qua nhìn nhìn, rồi quay lại nói: “Đúng rồi, có một nốt ruồi rất lớn.”
“……”
Lương Nguyên Kính đứng bất động.
A Bảo ngạc nhiên nói: “Làm sao vậy?”
“Trong nhà có ai không?” Tiếng đập cửa lại vang lên.
“Không mở cửa sao?” A Bảo hỏi.
Sắc mặt Lương Nguyên Kính căng thẳng, bắt đầu nhìn trái phải khắp nơi.
Làm sao vậy? Đòi nợ tới cửa à?
A Bảo thiện chí nhắc nhở: “Ngươi có thể bò lên trên cây táo trốn.”
“……”
Lương Nguyên Kính đứng trong sân hoang mang lo sợ chạy tới chạy lui, A Bảo cũng đi theo sau hắn chạy tới chạy lui.
Phía sau cửa truyền đến cuộc đối thoại ⎯⎯
“Vương ma ma, sao bà lại tới đây?”
“Dư lão, mới mua đồ ăn về sao?”
“Đúng vậy, sao không đi vào?”
“Tôi gõ cửa nhưng không ai ra mở, có phải Lương công tử vắng nhà không?”
“Kỳ lạ,” Dư lão lẩm bẩm nói, “Lúc tôi ra cửa vẫn còn mà.”
Ngoài cửa vang lên tiếng “Tốt quá”, hình như hai người chuẩn bị đẩy cửa đi vào.
A Bảo cực kỳ đồng tình nhìn Lương Nguyên Kính: “Hay ngươi thử cách trốn trên cây đi.”
Lương Nguyên Kính chỉ chần chờ trông chớp mắt xong xoay người ôm thân cây, dự định bò lên trên.
Lúc này ‘kẽo kẹt’ cửa mở.
Dư lão mua đồ ăn trở về xách một túi thức ăn, một sọt cá, cùng lão phụ nhân trên má có nốt ruồi đen đứng chung một chỗ, mặt đầy khiếp sợ nhìn Lương Nguyên Kính đang ôm cây, vài phiến lá rụng bay qua, ba người một quỷ nhìn mặt nhau.
Dư lão: “….”
Phụ nhân: “………”
Lương Nguyên Kính: “………………”
A Bảo sờ sờ mũi, nói: “Xấu hổ quá đi mất.”
**
Tác giả có chuyện nói:
Ma ma ⎯⎯ Xưng hô đối với phụ nữ lớn tuổi thời Tống.
Khác:
Có thể sẽ có người cảm thấy, tranh của Lương Nguyên Kính ở đây đồng giá tiền không phù hợp với câu ‘ngàn vàng khó mua’ lần trước (chương 3).
Về cái này, tôi nghĩ vầy, Lương Nguyên Kính chưa từng bán tranh của hắn với giá cao, mà là được người ta nâng lên nên mới cao như vậy, mà những bức tranh quan to quý nhân thích, cũng là tranh phù hợp với phong cách hiện đại thời này.
Có người sẽ nghĩ, nếu bức tranh của Lương Nguyên Kính đáng giá tới vậy, vậy tôi vung tiền mua lại, sau đó chuyển nhượng với giá cao hơn có được hay không?
Đương nhiên không được, chỉ có thật lòng tới cửa nhờ vẽ, Lương Nguyên Kính mới chịu vẽ cho, chỉ là Lương Nguyên Kính người này ngây thơ dễ lừa, cũng đã bị lừa vài lần, nhưng không liên quan đến chính văn nên sẽ không đưa vào. [tới đây thấy bùn cười vãi hí hí]
Lại nói một chút, câu “Họa sĩ dân gian phần lớn trình độ tầm thường” tuyệt đối không giống với nguyên sử, trên thực tế rất nhiều danh gia hội họa đều đến từ dân gian, thậm chí bán tranh cả đời, đến già mới được triều đình nhìn trúng.
Chỗ này của tôi cố ý thiết lập như vậy, có thể lý giải thành hội họa lúc ấy là loại hoạt động tao nhã nhất, không phải phú quý trong nhà thì không thể bồi dưỡng, họa sư trình độ cao cũng chỉ có người giàu sụ mới mời được, mà Lương Nguyên Kính là một họa sĩ cung đình kỹ thuật vẽ tinh xảo, cũng khó có được không kiêu ngạo.