Sau khi đến xưởng gỗ trên núi, Lâm Thù Văn thấy công nhân bị thương.
Nhóm công nhân bị đống gỗ tạp rơi xuống làm bị thương, gỗ vụn khiến phần lưng và tay chân máu thịt lẫn lộn, chỉ riêng việc rửa sạch máu dính trên quần áo cũng đã tốn rất nhiều công sức.
Mặt khác, nhóm công nhân đều là những người tay chân thô kệch, trong khi nữ nhân lại sợ cảnh tượng máu me be bét như thế, nhóm công nhân bị thương chỉ có thể để đại phu rửa sạch miệng vết thương cho từng người, một lần bận là kéo dài suốt cả đêm.
Lúc Lâm Thù Văn tới, đã gần chính ngọ. Đại phu vẫn còn ở trong phòng, cật lực chăm sóc cho công nhân, cả đêm không ngủ, tinh thần không được tốt lắm, đôi môi cũng trở nên trắng bệch.
Thoáng thấy quản sự xuất hiện ngoài cửa, đại phu vội ra ngoài tiếp đón, công nhân ngồi xổm ở gần đó thấy người có thể làm chủ tới rồi, lập tức vây quanh quản sự, sợ ông ta bỏ chạy.
Lâm Thù Văn bị đẩy ra ngoài, nhìn quản sự bị nhóm công nhân vây quanh với nét mặt dữ tợn, sắc mặt cậu thoáng hiện chút vẻ bối rối, không biết làm sao.
Cậu lại không xác định được liệu bản thân có thể san sẻ áp lực công việc với Nghiêm Dung Chi không, chần chờ một hồi, lúc thấy quản sự bị công nhân xưởng gỗ mồm năm miệng mười đòi một lời giải thích, rốt cuộc vẫn chủ động tiến lên vài bước.
"Các ngươi đừng mắng quản sự, có chuyện gì thì cứ nói với ta."
Âm thanh trong trẻo, mỏng manh vang lên khiến nhóm công nhân lập tức yên lặng một cách thần kỳ, bọn họ đồng loạt đánh giá thiếu niên với trang phục không tầm thường trên người.
Quản sự nói: "Đây là công tử."
Nhóm công nhân ầm ĩ nói: "Chúng ta đã làm việc ở xưởng gỗ nhiều năm như vậy, luôn tận tâm tận lực, chẳng ai dám lười biếng. Cũng đã bị thương nhiều lần, có vài người còn chưa kịp hồi phục đã vội vàng quay lại làm việc. Nhưng hết lần này đến lần khác, cho dù là vết thương như thế nào thì cũng chỉ bị phán là vết thương ngoài da, tiền bồi thường cũng chỉ đủ đắp vào tiền công mấy ngày dưỡng thương, chưa kể đến các huynh đệ không dám nghỉ ngơi lâu, sợ làm chậm trễ tiến độ công trình."
"Đúng vậy, chúng ta không có yêu cầu gì khác, chỉ muốn hỏi công tử có thể tăng tiền bồi thường lên hai ba thành không, một số huynh đệ còn độc thân thì còn tạm xoay sở được, nhưng có những người mang theo cả vợ con đến đây, cuộc sống cũng chẳng dễ dàng gì."
Nghe xong mấy lời thỉnh cầu, trong lòng Lâm Thù Văn dần dần có tính toán.
Cậu chủ động hỏi đại phu: "Vết thương của bọn họ thế nào?"
Đại phu nói: "Đã cầm máu và băng bó xong, do trời lạnh, miệng vết thương hồi phục tương đối chậm. Nhưng cũng may là trời lạnh, nếu thời tiết nóng bức, vết thương sẽ dễ bị nhiễm trùng, việc cầm máu cũng không nhanh như vậy."
Lâm Thù Văn gật đầu, ra hiệu mình đã hiểu.
Cậu vòng qua nhóm công nhân đứng chắn phía trước, đến gần người bị thương nằm trên giường bệnh.
Công nhân bị thương vì đau đớn mà rên rỉ không ngừng, trong thâm tâm, Lâm Thù Văn không đành lòng, quay đầu hỏi đại phu: "Có thuốc nào có thể giúp họ giảm đau không?"
Đại phu chần chờ: "Có thì có, nhưng mà..."
Mấy loại thuốc đó tương đối quý giá.
Ông ta chỉ cho nhóm công nhân thuốc trị thương thông thường, tuy không có nhiều tác dụng giảm đau, nhưng đủ để cầm máu và giúp vết thương hồi phục, người bình thường đa số đều dùng loại thuốc này.
Lâm Thù Văn nói: "Vậy đắp thuốc đó cho bọn họ đi."
Đại phu hãy còn đang do dự, quản sự đẩy nhẹ hắn: "Nghe công tử đi, trước khi chủ tử ra ngoài có dặn, bất cứ chuyện gì xảy ra ở đây, công tử đều có quyền quyết định."
Vì thế, đại phu xoay người đi lấy thuốc, vẻ mặt của nhóm công nhân vây xung quanh lúc này mới tốt hơn một chút.
Lâm Thù Văn hỏi người bị thương: "Vợ con các ngươi có ở đây không?"
Đốc công (*) ở bên cạnh đáp: "Vợ con của lão Lý và lão Hoàng đều ở đây."
(*) người thay mặt chủ trông coi thợ trong các xưởng máy, công trường
Lâm Thù Văn dặn dò quản sự: "Như vậy đi, cho họ nghỉ ngơi đến khi hoàn toàn hồi phục rồi mới trở lại làm việc. Tiền công trong 15 ngày sẽ không bị trừ, mỗi ngày vẫn tính theo tiền công bình thường, ngoài ra cho bọn họ thêm ba thành. Nếu sau 15 ngày, công nhân bị thương vẫn chưa thể đi làm, tiền công mỗi ngày sau đó chỉ tính hai phần ba, nhưng phải phát cho họ một miếng thịt mỗi hai ngày, rồi dựa theo số người trong nhà để tính, cho mỗi người vải vóc đủ để may hai bộ quần áo. Còn nữa, trong thời gian vết thương của họ chưa hoàn toàn hồi phục, chúng ta sẽ không thu tiền thuốc."
Kết quả như vậy tốt hơn rất nhiều so với những gì nhóm công nhân dự đoán, vốn ban đầu họ chỉ muốn có thêm chút tiền, nào dám nghĩ tới sẽ được nhận thịt và vải vóc, tiền công mỗi ngày trong vòng 15 ngày còn được tính thêm ba thành. Thời gian dưỡng thương dù có lâu cũng có lương thực và vải vóc, cũng không cần trả bất kỳ tiền thuốc men gì.
Nhóm công nhân không ngờ chỉ với mấy câu ngắn gọn, công tử trẻ tuổi trước mặt lại có thể giải quyết chuyện họ đã náo loạn cả một ngày một đêm, nhưng vẫn không dám tin.
"Công tử sẽ giữ lời thật chứ?"
"Giữ lời." Lâm Thù Văn nói, "Nếu mọi người không yên tâm, ta lập tức viết một bản khế ước, ký tên làm chứng, giao cho đốc công đại ca giữ và bảo quản, vậy được không?"
Vừa dứt lời, nhóm công nhân náo loạn mấy canh giờ đã hoàn toàn ổn định lại, sôi nổi vây quanh công tử thiếu niên để nói lời cảm tạ.
Quản sự kinh ngạc, cũng cảm thấy yên tâm.
Ông ta không ngờ công tử có thể nhanh chóng ổn định tâm trạng của nhóm công nhân như vậy, những điều kiện cậu đã đưa ra thật ra chỉ là chuyện nhỏ, tiền tài là vật ngoài thân, những gia đình chủ nhân tiền thì nhiều, nhưng số người suy nghĩ chu đáo cho nhóm công nhân lại chẳng có bao nhiêu, rốt cuộc thì ai cũng chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình.
Sau khi đại phu mang thuốc giảm đau đến, mấy người bị thương uống vào, không lâu sau quả thật có hiệu quả, cơn đau giảm đi rất nhiều.
Xong việc, Lâm Thù Văn kêu đại phu ra ngoài, dò hỏi ông ta giá cả của thuốc giảm đau.
Lâm Thù Văn nói: "Chi phí thuốc men không rẻ, trước đó ta không có thương lượng với ông chủ Nghiêm, để đền bù thiệt hại, tiền thuốc để ta trả."
Quản sự ngăn lại: "Công tử, như vậy không được đâu."
Lâm Thù Văn nói: "Ta hiểu thuốc các ngươi dùng cho họ thật ra đã đủ rồi, nhưng phần thuốc giảm đau này là ta tự thêm vào, đợi ông chủ Nghiêm quay về, ta sẽ hỏi ý của chàng, nếu chàng đồng ý, số tiền này đương nhiên sẽ không cần ta chi trả, nếu chàng không đồng ý, thì cứ để ta."
Quản sự nhìn, thật lâu không nói gì.
"Sao vậy?" Lâm Thù Văn sờ lên mặt mình, "Trên mặt ta dính gì sao?"
Quản sự thở dài, chợt bật cười.
"Nhớ lúc nhìn thấy công tử, công tử còn nhỏ như vậy, nhưng chỉ mới qua một năm, cách xử sự lại có vài phần giống với chủ tử."
Lâm Thù Văn mím môi, thẹn thùng cười một cái.
"Vậy ta xử lý thế nào?"
Quản sự nói: "Tốt lắm."
Công tử trông nhu nhược vậy mà lại có thể san sẻ nỗi lo với chủ tử, quản sự nghĩ thầm, thật ra ban đầu ông ta coi thường công tử, cảm thấy công tử văn nhã yếu đuối, làm gì cũng được chủ tử che chở, nhưng giờ phút này, hắn nhận ra ánh mắt mình thiển cận, vậy mà lại trông mặt mà bắt hình dong (*).
(*) nhìn nhận vẻ bề ngoài, ngoại hình của người khác để đoán tính cách, tình cảm, suy nghĩ của người đó.
Xử lý xong chuyện của công nhân ở xưởng gỗ, Lâm Thù Văn quay về tòa nhà, vừa ngồi ở sảnh ngoài không lâu, có người đến báo tin ngoài cửa.
Lâm Thù Văn mở phong thư được niêm phong ra, là tin tức về Lâm gia.
Có tin tức về cha mẹ cậu, mộ của hai người đã được tìm thấy, nằm trong một thị trấn nhỏ thuộc huyện Phong Dương.
Tuy nhiên, hiện tại có người canh giữ mộ của hai người, không cho người ngoài tới gần, hỏi thăm tin tức thì người ta nói, người hiện đang trông coi mộ của Lâm Đại Thành là một vị địa chủ của huyện Phong Dương, Lâm Quảng Lương.
Có lẽ là do sống lại, rồi sống ở thôn Bát Bảo một năm, đột nhiên nghe được tên của cha nuôi, Lâm Thù Văn không khỏi cảm thấy xúc động.
Với cậu mà nói, dù là cha mẹ ruột hay cha mẹ nuôi, hai bên đều quan trọng đối với cậu.
Tin tức nói mộ của Lâm Đại Thành và thê tử nằm ở một vùng núi hoang vu, xung quanh có người canh giữ, ai tới gần đều bị xua đuổi.
Lâm Thù Văn không biết đây là ý gì, nhưng cậu muốn đi xem.
Quản sự khuyên nhủ: "Nếu công tử muốn đi xa, tốt nhất là chờ chủ tử về rồi hãy đi."
Lâm Thù Văn cất phong thư: "Được."
Trước đó không lâu, cậu mới dũng cảm đứng ra làm "đương gia" một lần, nhưng nếu phải ra ngoài một mình, sự ỷ lại vào Nghiêm Dung Chi lại bùng lên.
Cho dù cha mẹ ruột vì lý do gì mà đem cậu đi, đôi khi nghĩ lại, Lâm Thù Văn cũng không hề oán hận bọn họ.
Hai người dưỡng dục cậu, chưa bao giờ đánh đập hay mắng chửi, cũng chưa từng để cậu thiếu thốn về ăn mặc. Sau khi cậu rời đi, dưới đáy lòng cậu vẫn xem họ là trưởng bối, dù chẳng thể tiếp tục làm người thân, nhưng ân tình dưỡng dục của họ vẫn còn tồn tại mãi.
Lâm Thù Văn suy nghĩ muốn làm rõ mọi chuyện, lại không hiểu được cha mẹ nuôi nghĩ gì về cậu, và vì sao lại trông coi mộ cha mẹ ruột của cậu, không cho ai lại gần.
Tác giả có lời muốn nói:
Chuẩn bị về huyện Phong Dương, gặp người quen.