Màn đêm vừa buông xuống không lâu, lại có người đưa tin về tòa nhà, lần này là phong thư của Nghiêm Dung Chi.
Trong thư Nghiêm Dung Chi nói sớm nhất cũng phải vào chính ngọ ngày thứ ba mới có thể đến thôn, Lâm Thù Văn đọc hết những dòng trên giấy, cẩn thận bỏ lại vào phong thư, nghĩ ngợi một lúc, cuối cùng đem bỏ vào trong ngăn kéo ở thư phòng.
Trời dần ấm lên, vào giờ này trước đây, cậu sẽ cùng Nghiêm Dung Chi đi dạo quanh sân, rồi đi tắm rửa. Khi bóng đêm bao trùm ngoài cửa sổ, đôi lúc sẽ ngồi đọc sách cùng nhau hoặc trò chuyện một lát, nếu muốn hành phòng, họ sẽ lên giường trước giờ ngủ.
Ban ngày Nghiêm Dung Chi ở nhà xử lý chuyện làm ăn, đến chiều tối, khi ra khỏi thư phòng thì sẽ gác lại hết mọi chuyện, thời gian ban đêm chỉ thuộc về hai người.
Ánh trăng sáng trong ngoài cửa sổ, Lâm Thù Văn đẩy bản vẽ chưa hoàn thành xong sang một bên, cất dao khắc vào hộp gỗ, rồi tựa cằm, khuỷu tay đặt lên hộp gỗ, nửa khuôn mặt nhỏ chôn vào trong cánh tay.
Trong lúc nửa mộng nửa tỉnh, bên tai mơ hồ có tiếng người.
Cậu mơ màng mở mắt ra, quản sự nửa khom người, nhẹ giọng nói: "Công tử về phòng ngủ đi, giờ cũng không còn sớm nữa."
Lâm Thù Văn gật đầu, chuẩn bị dọn dẹp bản vẽ và hộp gỗ.
Quản sự nói: "Đồ cứ để ta dọn là được."
"Vậy làm phiền quản sự."
Lâm Thù Văn che miệng, liên tục ngáp mấy cái, nhưng khi nằm xuống giường lại trằn trọc không ngủ được, mắt nhắm lại một lúc, nhưng tinh thần vẫn rất tỉnh táo.
Chụp đèn sau bình phong chỉ còn lại một cái đèn dầu lớn bằng bàn tay, trong bóng tối mờ ảo, cậu mở mắt ra, đặt cánh tay lên vị trí Nghiêm Dung Chi thường ngủ.
Một đêm khi ngủ khi thức, trời còn chưa sáng, cậu đã tựa vào đầu giường ngẩn người, đợi đến khi có người tới ngoài cửa, mới làm bộ như vừa mới thức dậy.
Quản sự thấy tinh thần của cậu ủ rũ, cầm chén sữa dê đã được hâm nóng sau bếp tới, Lâm Thù Văn ngồi ngẩn ngơ trên ghế, từ từ uống sữa dê, ăn sáng, rồi xách cái cuốc ra đất trồng rau để xới đất.
Quản sự đi ra, cười nói: "Hôm nay ấm áp, sáng sớm trong thôn đã mở buổi tụ họp, công tử có muốn ra ngoài đi dạo chút không?"
Sau khi trời lạnh thì không họp thôn nữa, mấy tháng không đi, vừa nghe nói vậy, Lâm Thù Văn không do dự, định lát nữa ra buổi họp thôn dạo một chút.
Cậu về phòng dọn dẹp, thay một bộ quần áo mùa xuân mới, rồi cột hết tóc lên. Áo bào màu xanh lam nhạt, cổ tay áo và vạt áo đều có họa tiết cây trúc tinh xảo, thắt lưng đeo một chiếc túi thơm màu trắng, bên trong đựng ngọc bội bình an.
Lâm Thù Văn lấy túi tiền, vừa ra khỏi cổng lớn, bỗng ngừng ở thềm đá trước cửa.
Cậu quay đầu nhìn xung quanh, quản sự hỏi: "Công tử đang tìm gì thế?"
"Có phải La đại ca ở gần đây không?" Lâm Thù Văn nói, "Ta đi dạo ở buổi họp thôn, ban ngày ban mặt, La đại ca không cần ra ngoài cùng ta, sẽ không xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn đâu."
Quản sự cúi đầu, mặt lộ ra vẻ khó xử.
"Không được sao?"
"Công tử, trước khi chủ tử đi đã đặc biệt căn dặn chuyện này..."
Lâm Thù Văn không kiên trì nữa, cậu cũng không phải người cứng đầu, hơn nữa nếu có gì cần bàn, có thể chờ Nghiêm Dung Chi về rồi thương lượng lại, cậu cũng không muốn làm khó La Văn và quản sự trong lúc này.
Cả đường đi đến họp thôn, người chen chúc khắp nơi.
Lâm Thù Văn đứng ở nơi xa, phát hiện Mạc thẩm bán bánh gạo trong đám đông.
Mỗi nhà mỗi hộ trong thôn đều có người biết làm chút điểm tâm, nhà bán điểm tâm, ngoài Xảo thẩm ra, ít có ai mở bán những món này, dù sao cuối cùng cũng không kiếm được bao nhiêu.
Cậu vòng qua đám người, chậm rãi đi đến trước sạp của Mạc thẩm, yên lặng giơ năm ngón tay ra.
Mạc thẩm cười nói: "Bán cũng không nhiều lắm, cho tiểu tiên sinh thêm mấy cái."
Lâm Thù Văn hỏi: "A Bố đâu ạ?"
"Nó hả, hôm nay nó vào thành cùng cha nó, trời chưa sáng đã đi rồi."
Lâm Thù Văn đáp lại, rồi nói muốn mua năm cái bánh gạo.
Mạc thẩm lấy cho cậu tám cái, thế là, cậu đưa thêm một ít tiền, Mạc thẩm lại cho thêm hai cái.
Cứ đưa qua, đưa lại một hồi, Lâm Thù Văn đành phải nhận lấy, trên tay xách mười cái bánh gạo, đi đến khu đất trống gần đó.
Cậu dừng lại nghỉ chân, nhìn quanh rồi nhỏ giọng gọi: "La đại ca, ngươi có thể ra đây không?"
La Văn bước ra từ sau bụi cỏ, Lâm Thù Văn cười tủm tỉm đưa một xâu tám cái bánh cho đối phương.
"Ông chủ Nghiêm không ở đây, một mình ta cũng không ăn hết, ngươi mang về ăn đi, hoặc chia cho những người khác cũng được."
La Văn cảm ơn, rồi dùng một tay xách tám cái bánh.
Nhớ tới không có ai mua bánh gạo của Mạc gia, có mua thì cũng đến chỗ Xảo thẩm, bèn thấp giọng hỏi: "Công tử có phải là vì chiếu cố việc làm ăn của Mạc thẩm không?"
Lâm Thù Văn nhẹ nhàng gật đầu.
Hành động đầy thiện ý của thiếu niên khiến người khác ấm lòng vô cùng, La Văn cười nói: "Mang về chia cho mấy đứa nhỏ tham ăn, hời cho đám nhóc đó."
Lâm Thù Văn cũng cười, xách hai cái bánh còn lại, tiếp tục dạo buổi họp thôn.
Cậu dừng trước một cái sạp khác, mua mấy con vịt con, sau khi vào xuân, trời ấm lên, mấy con gà con và vịt con sẽ dễ nuôi hơn, không giống như mùa đông, dễ bị chết cóng.
Sau khi đi dạo nửa ngày ở họp thôn, Lâm Thù Văn mang theo đồ đã mua về tòa nhà, sau giờ ngọ ở trong phòng điêu khắc gỗ một hồi, đến khi buồn ngủ thì lên giường nghỉ ngơi.
Cứ thế trải qua ba ngày, sáng sớm Lâm Thù Văn đã thay một bộ y phục mới, còn chải tóc gọn gàng, ở trước gương đồng đánh giá mình một lượt, còn chưa tới chính ngọ, cậu đã không chờ nỗi nữa mà chạy ra ngoài cửa chờ.
Quản sự lo cậu bị say nắng, cố ý gọi cậu đến đứng dưới mái hiên.
Lâm Thù Văn liên tục hỏi lại: "Còn chưa tới buổi trưa sao?"
Quản sự lau mồ hôi: "Sắp rồi, sắp tới rồi."
Kéo ghế tới, rồi nói tiếp: "Công tử ngồi xuống trước đi."
Lâm Thù Văn lắc đầu, cười ha hả, đáp lại: "Giờ ta không ngồi yên được."
Trước khi mặt trời lên đến đỉnh đầu, ngoài cửa dần dần vang lên tiếng bánh xe, Lâm Thù Văn chạy ra một đoạn, hướng về phía xe ngựa đang chạy tới, gọi: "Nghiêm Dung Chi."
Khi nam nhân xuất hiện từ trong màn xe, Lâm Thù Văn lập tức vọt tới, vòng eo căng lên, được đối phương bế lên xe.
Tiếng nói trầm ấm vang lên bên tai phải của cậu: "Cẩn thận chút."
Lâm Thù Văn nói: "Trong lòng ta vui lắm, cuối cùng chàng cũng về."
Thiếu niên chủ động kể hết mấy chuyện không đâu, còn một đoạn nữa mới về tới nhà, Nghiêm Dung Chi bảo xa phu dừng xe ngựa bên đường, ngồi trong xe ngựa, bắt chéo chân, im lặng lắng nghe thiếu niên nói.
"Xưởng gỗ trên núi có công nhân vì bị thương mà náo loạn, ta không nói cho chàng mà trực tiếp xử lý, chuyện chi tiết đợi lát nữa ta sẽ nói cho chàng."
Lâm Thù Văn nói tiếp: "Hôm qua dạo chợ, mua sáu con vịt con, hai hai thành đôi, có bạn có bè. Ta còn mua mười cái bánh của Mạc thẩm nữa, nhưng mà chàng không có ở đây, nên ta chia cho người khác rồi."
Lâm Thù Văn làm nhiều chuyện như vậy, thật ra chỉ là muốn phân tán sự chú ý của mình.
Cậu nhẹ nhàng thở dài: "Ta còn nhận được tin từ bên ngoài gửi về, mộ cha mẹ hiện đang ở trong một thị trấn ở huyện Phong Dương, Nghiêm Dung Chi, ta muốn chàng đi cùng ta, được không?"
"Ta muốn dời mộ cha mẹ về đây, còn muốn họ gặp chàng trước, nhìn hôn phu mà ta tự mình chọn."
Lâm Thù Văn nói: "Nghiêm Dung Chi, ta nhớ chàng."
Nghiêm Dung Chi ôm chặt thiếu niên từ phía sau, khi nghe cậu nói hết, mới cảm thấy trong lòng an tâm hơn, lúc này mới ngả người, mệt mỏi thở dài, nói: "Bé ngốc."
Lâm Thù Văn nhỏ giọng cãi lại: "Ta mới không ngốc..."
Nghiêm Dung Chi cười nhẹ: "Không ngốc, em là thần may mắn nhỏ của ta."
"Biết em ở nhà yên bình, ta cũng an tâm rồi. Phu nhân Đô úy rất thích bức tượng Quan Âm Tống Tử kia, nhờ có em, những chuyện tiếp theo bàn bạc với Đô úy thuận lợi vô cùng."
Lâm Thù Văn lẩm bẩm: "Vậy à... Phu nhân Đô úy thích là tốt rồi."
"Nghiêm Dung Chi, ta muốn nhanh chóng hiểu chuyện và trưởng thành hơn, trở nên chín chắn hơn, để có thể giúp được chàng."
Trong lòng Nghiêm Dung Chi mềm nhũn: "Trân quý của ta cứ thế này là được, không cần hiểu chuyện quá, quá hiểu chuyện sẽ khiến người đau lòng."
Tác giả có lời muốn nói:
Suy nghĩ của riêng tôi, tôi rất sợ vai chính vốn dĩ trong sáng, vui vẻ đến lúc trưởng thành thì trở nên quá chín chắn, nghiêm túc, tôi muốn giữ lại cho vai chính một phần ngây thơ, hồn nhiên thuở ban đầu.