Kết hợp với sự chân thực sống động về thần thông “Đại Đạo Độc Ngã” của Triệu sư tỷ trong “Cùng Ngồi Luận Đạo”, cùng với đủ các thể loại truyện kể “ướt át” dùng nàng làm hình mẫu nhiều đến mức bất thường.
Lúc đó, Lý Phàm cũng đoán rằng, có lẽ tu sĩ Đại Đạo tông còn sống trong Ngũ Lão hội chính là vị Triệu sư tỷ nghe nói đi thẳng từ đệ tử ngoại môn thăng cấp lên làm chưởng môn Đại Đạo tông này.
Chẳng qua là trong tiềm thức, Lý Phàm cho rằng Triệu sư tỷ chắc chỉ là một nhân vật cấp cao nào đó trong Ngũ Lão hội mà thôi.
Vì để bôi nhọ đối thủ nên Vạn Tiên Minh mới cố ý mặc kệ những truyện kể đó lưu truyền, thậm chí còn âm thầm đổ thêm dầu vào lửa.
Song, điều khiến Lý Phàm không ngờ được, là Triệu sư tỷ quả thật là nhân vật cấp cao của Ngũ Lão hội, chẳng qua là hơi cao quá.
Là người nắm quyền thật sự của Ngũ Lão hội, cường giả đứng đầu một phương, một vị Trường Sinh thiên tôn ẩn mình phía sau nhìn xuống chúng sinh.
Khi biết thân phận của Triệu sư tỷ, phản ứng đầu tiên của Lý Phàm cũng giống hệt vị tu sĩ Ngũ Lão hội đã qua đời này.
“Hai vị Xướng Thư Ông và Diệu Bút Tiên sao lại dám dùng thiên tôn làm nhân vật chính của câu chuyện “ướt át” này được cơ chứ?”
Phải biết, mặc dù thế giới này do có tân pháp tu hành cực nhanh nên địa vị của tu sĩ ở cảnh giới khác nhau cũng không đến nỗi cách biệt một trời một vực.
Tu sĩ Kim Đan và Trúc Cơ thậm chí có thể xưng huynh gọi đệ với tu sĩ Luyện Khí. Nhưng điều này chỉ xảy ra với mấy cảnh giới tu hành ban đầu mà thôi. Khi thực lực được đề cao, việc thăng cấp lại càng khó khăn hơn, sự cách biệt về địa vị cũng dần được lộ ra. Tu sĩ Hóa Thần gần như đều là người nắm giữ các vị trí quan trọng trong một châu.
Tu sĩ Hợp Đạo uy áp cả một châu, nắm trong tay sinh mạng của vô số tu sĩ. Trong mắt bọn họ, tu sĩ Hoá Thần đều chỉ là những quân cờ trong tay, có thể tùy ý bày bố.
Từ những việc Lý Phàm đã từng trải qua ở châu Nguyên Đạo trước đó, cùng với biểu hiện của Hợp Đạo áo đen và Lam Vũ tiên tôn thì có thể nhìn ra uy lực của Hợp Đạo.
Mà Trường Sinh thiên tôn...
Truyền Pháp thiên tôn tạo tân pháp, xây dựng nên Vạn Tiên Minh, tu sĩ thiên hạ đều phải tu hành, đều phải đi trên con đường đã được vạch sẵn.
Vô Ưu thiên tôn khiến người ta quên đi phiền muộn, vô thức tác động và thay đổi tư tưởng của mọi người. Mặc dù không biết tên, nhưng nghĩ kỹ lại sẽ thấy vô cùng đáng sợ.
Các thiên tôn trông có vẻ như thần long thấy đầu không thấy đuôi, nhưng thực chất đã hòa vào các phương diện trong cuộc sống của tu sĩ, ở khắp mọi nơi.
Loại cường giả đẳng cấp như thế này, tu sĩ bình thường chỉ có cảm thấy khiếp sợ và kính nể, sao lại dám làm ra chuyện bỉ ổi như vậy? Thật sự không sợ Triệu sư tỷ sẽ tính sổ với bọn họ sao?
Với thủ đoạn của thiên tôn, dù hai vị Xướng Thư Ông và Diệu Bút Tiên có trốn ở đâu đi chăng nữa thì cũng chỉ có một con đường chết.
Có thể biến văn tự thành trải nghiệm gần như chân thực, tu vi của Xướng Thư Ông và Diệu Bút Tiên chắc chắn không kém.
Không thể vì chút lợi nhỏ trước mắt mà chơi đùa với mạng sống của mình được.
Vậy nên, Lý Phàm suy đoán, một là bọn họ chắc chắn vị Triệu sư tỷ này căn bản không hề quan tâm đến những cấm thư được lưu truyền này.
Hai là họ được chống lưng bởi một thế lực khác có sức mạnh tương đương với thiên tôn nên mới dám không ngại ngần gì như vậy.
Liệu Triệu sư tỷ có quan tâm đến những quyển sách “ướt át” được lưu truyền khắp thế giới không? Lý Phàm không biết.
Theo lý mà nói, bất cứ một vị nữ tu sĩ bình thường nào ít nhiều gì cũng sẽ cảm thấy phẫn nộ ở một mức độ nào đó với chuyện này.
Nhưng vì liên quan đến Trường Sinh thiên tôn nên Lý Phàm không dám tùy tiện đoán bừa.
Những thiên tôn đi ngược lại thiên địa chi lý, chứng được Trường Sinh, họ đã vượt khỏi phạm trù của những tu sĩ thông thường. Không phải là một giống loài, mà lại dùng cùng một tư duy để suy đoán thì thật là nực cười.
Thậm chí khi nghĩ kỹ lại, cuốn “Bí sử tu hành thượng cổ” được lưu truyền rộng rãi ở Huyền Hoàng giới mà sau khi bước chân vào con đường tu tiên, mỗi một vị tu sĩ đều có thể đọc miễn phí, cũng có khá nhiều điểm nghi vấn.
Chính chủ chẳng những chưa chết mà còn là một vị Trường Sinh thiên tôn.
Làm gì có có vị tu sĩ nào lại dám sử dụng ngôi thứ nhất là “ta” khi viết sách sử chứ?
Nhiều vấn đề từ thời thượng cổ đã bị chôn vùi trong dòng lịch sử từ lâu.
Ai lại có thể biết được rõ tất cả những gì đã xảy ra với Đại Đạo tông hàng ngàn năm trước như lòng bàn tay chứ?
E rằng quyển sách Lý Phàm chỉ coi như tiểu thuyết đọc giải trí này rất có thể là tự truyện do chính bản thân Triệu sư tỷ viết.
Hắn nhớ lại từng câu từng chữ trong nội dung cuốn sách, cẩn thận ngẫm nghĩ.
Lúc này, rất nhiều chỗ trước đó chỉ đọc lướt qua, trong mắt Lý Phàm. lại có ý nghĩa khác.
Cuốn sách sử dụng một lượng lớn ngôn ngữ tâm lý độc thoại để diễn tả những khó khăn thử thách trong quá trình thăng cấp từ một đệ tử ngoại môn yếu ớt cho đến khi trở thành chưởng môn Đại Đạo tông nhưng lại cảnh còn người mất, thậm chí ngay cả những cay đắng không nói ra được cũng đều được miêu tả tường tận.