“Con gái mà học hành lắm làm gì, tôi thấy chỉ để trốn việc, không chịu làm. Sau này lớn lên rồi cũng chẳng ai thèm lấy.”
Cô giáo Trần nghe chuyện, liền gọi tôi đến phòng của cô.
Tôi hỏi cô giáo Trần:
“Người có phúc khí có thể phù hộ trời mưa không cô?”
Tôi kể cho cô nghe chuyện Phúc Bảo vừa sinh ra thì trời mưa.
Cô giáo Trần phì cười, cô bật chiếc radio, bên trong vang lên giọng nói dự báo thời tiết.
“Mấy hôm trước đã có tin rồi, vùng mình sẽ có một trận mưa lớn. Dù có Phúc Bảo hay không, cơn mưa này vẫn sẽ rơi xuống, chỉ là tình cờ thôi.”
Cô khẽ hắng giọng, nghiêm túc nói:
“Hướng Tình, em phải nhớ, chỉ có học hành mới mở ra con đường cho em.”
“Em xem các cô gái trong làng mình, không học hành thì phải sớm lấy chồng sinh con, hầu hạ cha mẹ chồng. Cả đời chịu đựng cũng không ngóc đầu lên được. Đến lúc c.h.ế.t đi, khi người ta nhắc đến, chỉ là vợ của ai, mẹ của ai, cả đời không có lấy một cái tên cho riêng mình.”
“Giờ em còn nhỏ chưa hiểu những điều này, sau này em sẽ hiểu học hành quan trọng với em đến nhường nào.”
Tôi hiểu, tất nhiên là tôi hiểu.
Cả một đời trở thành phụ thuộc của người khác đau khổ đến mức nào, tôi không muốn số phận mình nằm trong tay người khác nữa.
Tôi muốn học, tôi muốn tự mình trở thành phúc tinh của chính mình.
04
Mỗi ngày sau giờ tan học, tôi đều phải nấu cơm xong rồi mới lên núi hái cỏ cho heo.
Đó là điều kiện để cha mẹ cho tôi đi học.
Cùng một chỗ như kiếp trước, tôi lại phát hiện ra ổ trứng gà rừng.
Nhưng lần này, tôi không tự ý mang về mà lén gọi Kiến Quân tới.
Tôi muốn biết, nếu đổi sang một người khác, liệu đây có còn được xem là phúc khí của em gái tôi không?
Kiến Quân ôm bốn quả trứng gà, vui mừng reo hò trong sân.
Cha mẹ nhìn nhau, khẽ nói:
“Đây là phúc khí của Phúc Bảo đến rồi.”
Bà nội ôm chầm lấy Kiến Quân, hôn mãi không thôi:
“Đều nhờ cháu trai lớn của tôi thông minh, giỏi giang. Một đứa con gái thì có phúc khí gì chứ, giỏi thì để nó khiến bánh từ trên trời rơi xuống mà ăn!”
Cha suy nghĩ một lúc:
“Đúng vậy, nếu không phải Kiến Quân lên núi, thì làm gì nhặt được trứng gà rừng. Con trai ta thật giỏi, lát nữa để bà nội luộc cho con hai quả trứng.”
Tôi đứng ngây người nhìn họ, cảm giác cay cay nơi sống mũi, cổ họng nghẹn lại, trong lòng như có một ngọn lửa đang bùng cháy.
Thì ra, đổi người thật sự sẽ khác đi.
Thì ra, phúc khí của em gái cũng không phải là bất biến.
Tôi không bỏ học, sữa bột của em gái cũng không ngày nào bị gián đoạn.
Cha mẹ chăm sóc nó thật cẩn thận, mãi đến khi cái nóng mùa hè qua đi, gió thu ùa về, mới bế nó ra ngoài.
Nó thừa hưởng tất cả ưu điểm của cha mẹ: đôi mắt to, sống mũi cao, cái miệng nhỏ, làn da trắng mịn, gặp ai cũng cười khanh khách.
Đến cả thím Tư, người ghét con gái nhất, cũng muốn bế nó khi nhìn thấy.
Người ta thường nói trẻ con vô tư trong sáng, nhưng thực ra, sự ác ý không che giấu của chúng còn tàn nhẫn hơn cả những lời nói bóng gió của người lớn.
Các bạn trong lớp thường lớn tiếng lặp lại những lời mẹ tôi từng nói:
“Đại Nha vừa xấu vừa ngu, chẳng so được chút nào với Phúc Bảo.”
“Giá mà chỉ sinh ra Phúc Bảo và Kiến Quân thôi thì tốt, Đại Nha đúng là một đứa đòi nợ!”
Nếu tôi thật sự là một đứa trẻ, chắc tôi đã khóc mỗi ngày.
May thay, tôi đã sống lại một đời, không còn là đứa trẻ hay lén khóc thút thít nữa.
Bây giờ, tôi có quá nhiều việc phải làm.
Kiếp trước, tôi chỉ học đến lớp ba. Mãi đến khi con trai vào tiểu học, tôi mới cầm lại sách vở.
Con trai tôi hiếu động, tôi phải tốn rất nhiều công sức mới khiến nó chịu ngồi yên trong lớp.
Nó không nghe lời thầy cô, tôi phải tự học trước rồi dạy nó từng chút một.
Trí nhớ của nó giống cha, đôi khi kiến thức đơn giản mà phải dạy đến mười lần mới nhớ, tôi nói đến khàn cả giọng.
Cuộc sống như thế kéo dài đến khi nó đỗ đại học.
Nhớ lại quãng thời gian đó, tôi thầm nghĩ, chi bằng tự mình thi đại học cho đỡ vất vả.
Tất nhiên, suy nghĩ ấy tôi chưa bao giờ nói ra, vì con trai tôi rất sĩ diện.
Hiện tại, tôi lại cảm ơn nó.
Nhờ ôn lại những kiến thức đó, tôi cảm thấy vô cùng thuận lợi khi học lại.
Cô Trần xúc động hôn lên trán tôi, nước mắt lưng tròng:
“Em là một thiên tài, tôi biết từ lâu em là một thiên tài. Em không nên sinh ra ở ngôi làng này.”
Tôi khẽ sờ vết ấm còn sót lại trên trán, mắt bỗng đỏ hoe.
Tình yêu của cô Trần luôn không chút che đậy như vậy.
Cô nắm tay tôi thật chặt, nói vội vàng:
“Đi về nhà em, tôi muốn nói với cha mẹ em, để họ cho em lên thành phố học. Học ở trường làng sẽ làm lỡ dở tương lai của em.”