Tên Tôi Là Hướng Tình - Nhân Tiêu Ngưu Liễu

Chương 6

08

 

Lòng tôi chùng xuống đáy vực. Quả nhiên là như vậy.

 

Trong cơ thể ba tuổi của Phúc Bảo, là một hồn ma lang thang từ đâu đó đến.

 

Chẳng trách nó còn nhỏ mà đã nói năng lưu loát, chẳng trách nó biết tôi ở kiếp trước sẽ cứu người.

 

Chớp mắt, tôi nhớ lại kiếp trước. Khi Phúc Bảo trở thành ân nhân cứu mạng của vị lãnh đạo, nụ cười lúc đó của nó là sự đắc ý xen lẫn chút thương hại.

 

Khi ấy, tôi chỉ nghĩ rằng mình đã nhìn nhầm.

 

Giờ mới hiểu ra.

 

Những lời khóc lóc riêng với tôi, nói rằng nó cũng không hiểu chuyện gì xảy ra, đều là giả dối.

 

Phúc Bảo biết. Nó luôn biết người cứu ông ấy chính là tôi.

 

Mẹ tôi từ sáng sớm đã ngồi đợi đến tối, tôi cũng ngồi bên bà chờ đến tối.

 

Những ký ức từ kiếp trước và kiếp này quay cuồng như một cuốn phim.

 

Cẩn thận ngẫm lại, có quá nhiều chuyện đầy rẫy sự kỳ lạ.

 

Trong mỗi ngã rẽ của cuộc đời tôi, đều có bóng dáng của Phúc Bảo.

 

Trước đây, tôi từng xem thường những điều mê tín phong kiến, nhưng giờ thì tôi tin rồi.

 

Phúc Bảo chính là sao xấu của đời tôi.

 

Đêm xuống mang theo chút se lạnh, tôi đập một tiếng “chát” vào con muỗi vừa đậu lên tay.

 

Mẹ tôi bật dậy, lo lắng kêu lên:

 

“Cha con và mọi người sao giờ vẫn chưa về, lỡ có chuyện gì thì sao?”

 

Con đường từ làng lên trấn dài mấy chục dặm, đi bộ mất bốn tiếng. Xe bò của làng chỉ chạy ban ngày, ban đêm thì không.

 



Mẹ tôi lo lắng đến mức đi vòng quanh nhà, ngay cả Kiến Quân đến làm phiền bà cũng bị ăn hai cái tát.

 

Chờ đợi như ngọn đèn cạn dầu đến tận sáng, mẹ tôi cầm theo mấy chiếc bánh bao bột trắng, thúc giục ông Ngô, người lái xe bò, chở bà lên trấn.

 

Tôi theo thói quen lên núi hái thuốc, cắt cỏ lợn.

 

Học phí cấp hai là mười đồng.

 

Khoản này thì dễ giải quyết, số tiền trong tay tôi vừa đủ để đóng.

 

Nhưng còn tiền sách vở, phí học thêm, và ba bữa ăn mỗi ngày.

 

Những khoản này, cha mẹ tôi chắc chắn không chi cho tôi, tôi phải tự kiếm lấy.

 

Chiều tối, tôi cõng một gánh cỏ lợn về nhà, từ xa đã nghe tiếng khóc la, chửi mắng ầm ĩ.

 

Bà nội ngồi bệt dưới đất, gào khóc nức nở:

 

“Đều tại mày gây chuyện! Đang yên đang lành, bảo nó lên trấn làm gì để rồi bị người ta bắt?”

 

“Con trai tôi ơi, sao số mày lại khổ thế, lấy phải một con vợ phá hoại!”

 

Trước cửa nhà đông nghịt người, mỗi người một câu thì thầm bàn tán.

 

“Nghe nói bị lãnh đạo trên trấn bắt, bảo là phạm tội gì đó.”

 

“Tôi lại nghe nói nhà họ Hướng g.i.ế.c người, sắp bị xử b.ắ.n rồi.”

 

Mẹ tôi cầm chổi quét đuổi đám người ra ngoài, thấy tôi liền túm mạnh vào nhà.

 

“Cha mày sắp mất mạng rồi, mày còn ở ngoài mà chơi bời!”

 

Bị kéo mạnh một cái, tôi loạng choạng suýt ngã, lặng lẽ cúi đầu vào nhóm bếp nấu cơm.

 

Mẹ và bà nội bàn bạc trong phòng cả đêm, lục lọi lấy ra số tiền giấu kín đáy hòm, đếm đi đếm lại cả chục lần.

 

Tôi giả vờ ngủ, hé mắt nhìn lén.



 

Một xấp tiền dày, mẹ bảo đó là hơn ba trăm đồng.

 

Bà nội cũng mở hòm, từ trong những chiếc khăn tay gấp chồng lên nhau, lấy ra một đôi vòng tay bạc.

 

“Đem hết sang nhà Hưng Tài, nhất định phải nhờ ông ấy tìm hiểu kỹ, cứu người ra bằng được.”

 

Hướng Hưng Tài là ông bác họ của chúng tôi, làm tài xế cho lãnh đạo trên trấn. Người trong làng có việc đều tìm ông.

 

Ông ấy lấy tiền rất nhiều, nhưng làm việc nhanh gọn. Chỉ đến ngày hôm sau, tin tức đã được truyền về.

 

09

 

Bác Hưng Tài kể rằng, hôm đó cha tôi dẫn Phúc Bảo lên Ủy ban Chính phủ trấn để tìm Điền Phúc Đường, chính là vị lãnh đạo đã c.h.ế.t không thể c.h.ế.t thêm lần nào nữa.

 

Cha tôi cười ngây ngô, chỉ vào Phúc Bảo:

 

“Mấy ngày trước, Phúc Bảo nhà tôi cứu ông ấy trên đường. Con bé cứ đòi đến xem ông ấy đã khỏe lại chưa.”

 

Phúc Bảo mở to đôi mắt ngây thơ, mơ màng nói:

 

“Chú đã đỡ hơn chưa? Con còn nhỏ quá, chỉ biết cho chú uống thuốc rồi gọi người đưa chú đến bệnh viện.”

 

Người trên trấn nhìn cha con họ với ánh mắt khó tả, sau khi hỏi thêm vài câu, liền dẫn họ đến đồn cảnh sát.

 

Tại đó, cảnh sát thẩm vấn họ:

 

“Điền Phúc Đường đã c.h.ế.t ba ngày trước. Giờ ông nói hai người cứu ông ấy, nói thật xem, có phải chính các người hại ông ấy không?”

 

Thời điểm này không giống đời sau.

 

Gặp cảnh sát, người ta sợ như chuột gặp mèo, dù không làm gì sai cũng run lẩy bẩy.

 

Cha tôi sợ đến mức nói lắp bắp hết mọi chuyện, còn quỳ xuống cầu xin các “quan lớn” tha mạng.

 

Nhưng cảnh sát hoàn toàn không tin.

 

Họ cho rằng, một đứa trẻ ba tuổi không thể biết được nhiều như vậy, chắc chắn cha tôi đang đổ lỗi lên đầu con bé, càng làm họ nghi ngờ ông hơn.
Bình Luận (0)
Comment