Mặc dù game MMORPG chịu sự tác động của game MOBA, thế nhưng lạc đà gầy vẫn tốt hơn ngựa, cho nên người chơi trung thành trong giai đoạn này vẫn còn rất nhiều.
So với các tựa game một người chơi, game online thường phù hợp hơn với thị hiếu của người chơi phổ thông, một khi số lượng người chơi tăng lên thì tựa game này rất dễ dàng trở thành một cây rụng tiền lâu dài không thể kiểm soát được.
Doanh số bán hàng của game một người chơi nhiều nhất sẽ giảm xuống sau vài tháng, mọi người chơi một thời gian sẽ thấy chán, hơn nữa nếu bỏ tiền mua game một người chơi thì sẽ không còn chi phí phát sinh nào khác ngoài việc phải mua thêm DLC.
Thế nhưng game online lại khác, ngay cả khi việc trả phí theo thời gian tương đối có tâm thì cũng sẽ tạo ra một dòng tiền từ thẻ nạp tiền ổn định, nếu như game hot thì sau này sẽ rất khó giải quyết.
Hai tựa game GOG và “Pháo Đài Trên Biển” chính là những bài học đẫm máu và nước mắt.
Do đó, trừ khi có ý tưởng đặc biệt nào có thể chắc chắn thua lỗ, nếu không Bùi Khiêm sẽ không sẵn lòng làm game online nữa.
Thua lỗ tiền từ game online vẫn sẽ dễ dàng hơn một chút,
Những người trước đó còn mồm năm miệng mười đua nhau nói, hoàn toàn không thể thống nhất được ý kiến, giờ đây lại đồng loạt cúi đầu suy nghĩ kỹ càng.
Đúng vậy, tổng giám đốc Bùi nói rất có lý!
Phương hướng của mọi người trông có vẻ như đều khả thi, thế nhưng nếu như tiếp tục thảo luận như vậy thì rất khó có thể thống nhất được ý kiến.
Tốt hơn hết là dựa theo ý tưởng của tổng giám đốc Bùi.
Trong lĩnh vực game một người chơi, Đằng Đạt làm thể loại game nào tương đối ít?
Câu hỏi này thực sự không dễ trả lời.
Tính đến hiện tại, Đằng Đạt đã từng sản xuất rất nhiều game một người chơi, từng làm một số chủ đề tương đối phổ biến, cũng từng làm những chủ đề rất ít ai quan tâm.
“Quay Đầu Là Bờ” là game hành động, “Phấn Đấu” là game điện ảnh tương tác, “Sứ Mệnh và Lựa Chọn” là game chiến lược thời gian thực đã lỗi thời, ngoài ra còn có “Người Chế Tác Trò Chơi” và “Hải Đảo Động Vật” không thể xác định thể loại game cụ thể.
Còn có thể loại game nào mà Đằng Đạt ít làm không?
Mọi người cùng nhau cúi đầu suy nghĩ.
Game hành động, game bắn súng, game mô phỏng, game nhập vai, game phiêu lưu tương tác, game chiến thuật, game casual…
Hầu hết các thể loại game đều đã từng làm qua.
Điều này chủ yếu là do tổng giám đốc Bùi là người không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng của mình, sau khi một thể loại game nào đó thành công, trong một thời gian dài hắn sẽ không động đến nó nữa, mà sẽ ngay lập tức phát triển một thể loại game khác.
Bởi vậy, mọi người rất khó tìm ra được lĩnh vực mà Đằng Đạt chưa đặt chân tới…
Nhưng suy cho cùng thì người nhiều sức nhiều, cho nên cuối cùng vẫn có người tìm ra được thể loại game mà trước nay chưa làm.
“Game đối kháng?”
“Game âm nhạc?”
“Game thế giới mở chúng ta cũng chưa từng làm.”
“Còn có cả game đua xe nữa. Tuy rằng đã có ‘Con Đường Sa Mạc Cô Độc’, thế nhưng rõ ràng tựa game này khác xa so với những tựa game đua xe chính thống…”
Bùi Khiêm không thể không khen ngợi những người này.
Hay lắm, buổi họp “động não” này không hề vô ích!
Quả nhiên mọi người đều nghĩ ra được những điều mà ta không hề nghĩ tới.
Bùi Khiêm âm thầm ghi nhớ những thể loại game này.
Game âm nhạc tạm thời không xem xét, chủ yếu là vì số tiền phải bỏ ra quá ít, có làm thì cũng không có ý nghĩa gì.
Hơn nữa, tựa game này cũng rất khó fail, hắn cũng đâu thể làm một tựa game âm nhạc bị lạc điệu được?
Sau khi cân nhắc toàn diện thì khả năng lỗ tiền không cao, vả lại cho dù có thua lỗ thì cũng không lỗ được bao nhiêu, bởi vì rất khó có thể đầu tư thêm tiền.
Thể loại game đối kháng là một lựa chọn không tệ, song vẫn tồn tại vấn đề nêu trên, đó là không đốt được nhiều tiền.
Nếu như không có ý tưởng nào tốt hơn thì nó có thể được coi là một lựa chọn thay thế.
Game thế giới mở thì bỏ đi, rủi ro quá lớn. Một tựa game thế giới mở thành công thường có tuổi thọ cực kỳ dài, Bùi Khiêm không muốn mạo hiểm.
Game đua xe?
Ừm, cái này nghe có vẻ là một lựa chọn khá hay đấy!
Trong số những thể loại game mà hắn từng thực hiện trước đây, game đua xe là thể loại có chi phí cao nhất, độ khó sản xuất cũng cao nhất.
Nếu làm game thể loại đua xe thì phong cảnh nhất định phải đẹp đúng không? Bản đồ chắc chắn phải nhiều đúng không?
Hơn nữa, chẳng lẽ lại không làm nhiều xe? Để sử dụng xe thật, hắn còn phải thương lượng hợp tác với nhà sản xuất xe để mua bản quyền đúng không?
Hơn nữa lúc lái xe cũng cần có radio và nhạc nghe đúng không? Mua bản quyền bài hát cũng phải tốn tiền.
Hơn nữa, độ khó của việc sản xuất game đua xe cũng tương đối cao.
Bởi vì người chơi thường có yêu cầu cao về cảm giác khi chơi game đua xe, nếu như không thể điều chỉnh cảm giác lái xe đúng chuẩn thì chắc chắn sẽ bị người chơi mắng cho to đầu.
Tuy bản thân người chơi cũng không thể nói rõ trải nghiệm lái của một phương tiện cụ thể nào đó trong game có vấn đề, nhưng bọn họ lại có thể cảm nhận được rõ ràng rằng chiếc xe đó dễ lái hay khó lái.
Nếu khó lái thì đó chắc chắn là lỗi của nhà sản xuất.
Để đạt được đến hai từ “dễ lái” không phải là điều dễ dàng, trong đó phải bao gồm một quá trình điều chỉnh lâu dài và tỉ mỉ.
Bởi vì hầu hết người chơi đều sử dụng bàn phím hoặc tay cầm để chơi game đua xe, mà hai thiết bị đầu vào này lại rất khác biệt với vô lăng của ô tô thật.
Lấy bàn phím làm ví dụ, sử dụng bốn phím WASD để điều khiển chân ga, phanh cũng như phương hướng, thế nhưng trên thực tế chỉ có thể mô phỏng bốn trạng thái: đạp ga hết cỡ, phanh hết cỡ, xoay vô lăng sang trái hoặc phải.
Người chơi không thể mô phỏng thao tác tuyến tính của vô lăng bằng bàn phím như “quay sang trái 30 độ, đạp ga nhẹ”.