Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 266: Mẹ ở nhà
Nhị Oa và Tam Oa vừa đẩy cổng ra đã ngay lập tức nhìn thấy mẹ.
Aaaaa, mẹ về……
Hai thằng nhóc nhẩy cẫng, la hét om sòm.
Nhị Oa ríu rít: “Mẹ, mẹ ơi, mẹ về rồi hả?”
Tam Oa cũng vội nói: “Con còn tưởng phải đợi thêm mấy hôm nữa mẹ mới về.”
Hai đứa nhỏ thay phiên nhau nói, anh một câu, em một câu ríu ra ríu rít như đám chim non. Nửa năm mới gặp lại con, nhìn hai thằng khoẻ mạnh cứng cáp, Lâm Thanh Hoà vừa mừng vui vừa xúc động.
Cô cười nói: “Được nghỉ là mẹ mua vé tàu về ngay. Mùa vụ bận rộn, phải tranh thủ về sớm nấu cơm cho cả nhà chứ. Bạc đãi ai cũng không thể bạc đãi sức lao động của nhà ta được, phải không nào?”
Nhị Oa, Tam Oa toét miệng cười.
Lâm Thanh Hoà nói tiếp: “Có đói bụng không? Đi vào lấy điểm tâm ăn đi.”
Có cái không gian riêng trong tay, cô lưu trữ lỉnh kỉnh bao nhiêu là đồ, nào là điểm tâm, bánh kẹo, trái cây toàn là đặc sản Bắc Kinh. Thật ra trong đó còn có vài con vịt quay, nhưng mùa hè nóng bức cô không lấy ra, để tối cho anh nhà ăn đêm thôi.
Người đàn bà không hề ý thức được bản thân đang thiên vị anh chồng quá mức, cũng may hai đứa nhỏ không biết chứ không chúng nó lại tỵ dài cổ cho mà xem.
Lâm Thanh Hoà đi vào bếp tiếp tục hầm lươn.
Lát sau bà Chu về tới, nhìn thấy con dâu đang đứng trong bếp, bà cũng mừng lắm: “Tối hôm qua mẹ mới hỏi Thanh Bách không biết hôm nào con về, không nghĩ hôm nay đã về tới rồi.”
Nói rồi bà nhìn quanh sân không thấy cái xe đạp nào, liền hỏi: “Sao không mượn xe của Hiểu Mai mà đạp về, con đi bộ cả quãng đường xa vậy hả?”
Lâm Thanh Hoà lắc đầu nói: “Vừa hay gặp xe kéo của thôn nên con đi nhờ họ về luôn, con chưa rẽ vào nhà Hiểu Mai nữa.”
Nghe vậy bà Chu mới gật đầu.
Lâm Thanh Hoà gọi với vào phòng khách: “Nhị Oa, Tam Oa… lấy điểm tâm cho bà nội ăn lót dạ đi con.”
Tam Oa liền cầm một miếng đi ra, cái miệng vừa lúng búng nhai vừa nói: “Bà nội nếm thử đi, hàng Bắc Kinh có khác, ngon cực!”
Bà Chu cười nói: “Ai da, lót dạ chi nữa, sắp ăn cơm rồi mà.”
Miệng nói vậy nhưng tay vẫn nhận miếng điểm tâm từ thằng cháu. Mấy thứ như điểm tâm này chỉ có vợ thằng tư mua về mới có chứ bình thường ở nhà làm gì có. Phụ nữ ở thế hệ bà, chỉ mong lo được cho con có cái ăn no chứ nào dám nghĩ tới chuyện ăn ngon, huống hố là mấy thứ tinh xảo, ăn vặt, ăn chơi như này thì càng không cần bàn tới.
Tam Oa khoe: “Mẹ cháu còn mua cả một quả dưa hấu to lắm, lát nữa ăn xong cơm chiều, hai ông bà đừng về vội nha, đợi xuôi cơm rồi cả nhà ta ăn dưa.”
Bà Chu vừa ăn điểm tâm vừa cười yêu chiều: “tiểu tử thúi, mẹ về có khác, xem nó vui chưa kìa?!”
Tam Oa đắc ý cười hắc hắc: “Tất nhiên rồi ạ.”
Vui thì vui nhưng nó vẫn biết việc, ăn xong điểm tâm, hai anh em tự giác ra sau nhà cho gà cho vịt ăn.
Lâm Thanh Hoà vừa nấu cơm vừa trò chuyện với mẹ chồng: “Năm nay nhà ta nuôi nhiều thế hả mẹ?”
Lúc nãy cô có đảo ra hậu viện xem qua, “chiêm chiếp… quạc quạc…” đông vui lắm, những tám con vịt và mười lăm con gà.
Bà Chu gật đầu: “Ừ, chính sách dạo này thoáng rồi, chả ai quản lý. Năm ngoái con làm làm món vịt hầm với lại tiết canh ngon quá, nên cha con đòi nuôi nhiều, chứ vốn dĩ mẹ chỉ định bắt bốn con thôi.”
Lâm Thanh Hoà cười cười: “Nuôi từ giờ tới cuối năm là ăn được, đợi con về làm cho cả nhà ăn.”
“Được.” Bà Chu mỉm cười gật gù. Chà chà, càng nhìn con dâu càng hài lòng, phải công nhận bà có con mắt tinh tường ra phết, chọn trúng được con bé Thanh Hoà cho thằng tư, chứ để nhà khác người ta rước mất thì giờ có mà ngồi khóc.
Mà bà Chu nào biết sự thật là bà đã nhìn nhầm người, chọn nhầm dâu, cưới nhầm vợ cho con trai rồi. Phụ nữ lấy nhầm chồng, một đời coi như huỷ. Đàn ông lấy nhầm vợ, ba đời coi như xong. Nếu không phải có cô con dâu “hờ” này từ trên trời rớt xuống, thì có lẽ giờ này bà cũng đang ngồi khóc đấy!
6 rưỡi, trời sập tối, ông Chu và Chu Thanh Bách mới vác liềm về tới nhà.
Lại một lần nữa anh ngây ngẩn cả người, căn nhà hôm nay khác hẳn mọi ngày, ấm cúng và rộn ràng hơn hẳn. Vợ về rồi!
Lâm Thanh Hoà ngẩng đầu, bắt được tia kinh hỉ trong mắt anh, cô mỉm cười dịu dàng: “Anh về rồi? Rửa tay đi rồi chuẩn bị ăn cơm.”
“Được.” Chu Thanh Bách ôn nhu đáp, đi ra giếng múc nước rửa chân tay mặt mũi rồi ngồi vào bàn ăn.
Lạ thật, lương thực vẫn thế, nguyên liệu vẫn thế, nhưng qua tay vợ anh chế biến, mùi vị khác hẳn, luôn hợp khẩu vị anh nhất.
Bưng chén cơm lên, Chu Thanh Bách ăn ngấu ăn nghiến, thứ nhất là vì ngon, thứ hai là vì đói. Tờ mờ sáng, ăn lót dạ tí chút rồi gặt tới tận trưa trầy trưa trật mới lên bờ ngồi ăn qua loa đại khái, nghỉ ngơi chớp nhoáng rồi lại lao xuống ruộng gặt tới xế bóng mới được nghỉ, có mà người sắt cũng chả chịu nổi.
Nhìn chồng ăn như chết đói, Lâm Thanh Hoà đau lòng suýt rớt nước mắt, cô nghẹn ngào gắp thêm lươn vào chén anh: “Ăn nhiều một chút đi, hôm nay trong nhà chỉ còn thế này nên em nấu tạm, để lát ăn xong em lên chị Mai đặt thịt.”
Tam Oa phụng phịu: “Mẹ~, mẹ đừng chỉ đau lòng mỗi cha mà, con với anh hai cũng cực lắm chứ bộ, vừa tham gia gặt hái, vừa phải về nhà lo cơm nước, làm gì có con cái nhà nào đa năng như hai đứa tụi con.”
“Ừ, con cũng ăn nhiều một chút.” Miệng nói nhưng tay cô vẫn thoăn thoắt tiếp thức ăn cho chồng.
Nhìn riết thành quen, ông bà Chu vẫn ngồi ăn cơm như bình thường nhưng trong lòng hai người không hẹn mà cùng cảm thấy vui mừng.
Vợ chồng nó lúc nào chẳng ân ái thế, con cái đã lớn hết cả rồi mà cứ dính lấy nhau như vợ chồng son. Cơ mà thương nhau là tốt, tốt hơn khối nhà cơm không lành canh không ngọt.
Lâm Thanh Hoà nói với ông bà Chu: “Cha mẹ cũng ăn nhiều một chút đi ạ, thời tiết đang độ nắng gắt, ban ngày cha mẹ đi hỗ trợ cũng phải để ý tránh nắng, đừng ra sức quá, không cẩn thận bị cảm nắng là khổ.”
Ông Chu gật đầu nói: “Ừ, đúng là nắng nóng thật, nhưng cha vẫn còn chịu được.”
Bà Chu cũng nói: “Bên sân phơi thóc có mái che, con cứ yên tâm.”
Bà không ra ruộng mà chủ yếu hỗ trợ bên khu vực sân phơi. Già cả không xuất công nhưng vẫn phải chạy đi chạy lại phụ giúp một chân một tay. Lao động tập thể là vậy đó, làm gì cũng phải có mặt điểm danh, người nào không tham gia thì khó mà sống yên, mưa thuận gió hoà mùa màng bội thu thì không sao, lỡ rủi mất mùa một cái là bị cả làng xúm lại chửi cho vuốt mặt không kịp.
Ngày xưa, Lâm Thanh Hoà cũng bị chửi suốt, nhưng cô da dày thịt béo, tai không nghe tâm không nghĩ, ai thích chửi cứ chửi, chửi tới khi nào mỏi miệng tự khắc nghỉ. Từ đầu chí cuối cô không thanh minh thanh nga lấy một lời, cứ lặng lẽ làm việc mình nên làm, cho tới khi cô thi đậu giáo viên Trung học Công xã, tự nhiên những lời chê bai biến mất sạch, thay bằng những lời khen ngợi ngút trời mây.
Cơm nước xong, cả nhà trải chiếu ngồi ngoài sân hóng mát.
Lát sau, chị cả Chu, chị ba Chu còn có chị hai Chu sang chơi.
Hiện giờ, quan hệ mấy chị em dâu đã được cải thiện rõ rệt, tụ lại một chỗ nói chuyện cũng được xem như hoà thuận.
Chị cả Chu và chị ba Chu xách trứng gà sang nói lời cảm ơn thím tư đợt Tết đã dạy thêm cho Chu Dương và Chu Ngũ Ni.
Chỉ có vài buổi ngắn ngủi mà thành tích hai đứa tiến bộ vượt trội, học lực từ dưới trung bình vươn lên hạng khá. Thật ra Lâm Thanh Hoà chỉ củng cố kiến thức căn bản cho hai đứa nó thôi. Bởi mới nói, móng không vững là không xây nhà cao được, học tập cũng vậy, kiến thức cơ bản phải chắc thì hãy nghĩ tới học nâng cao.
Chị hai Chu thì cầm sang hai cân hạt mè, cảm ơn chú thím tư đã chỉ điểm và giúp đỡ Chu Hạ tìm được con đường học nghề thợ mộc.
Cả ba chị đều rất cảm kích, thím tư bây giờ đã là thành phần trí thức tương lai xán lạn nhưng không hề khinh thường Chu gia nông dân chân đất, mà còn rất vui vẻ giúp đỡ các anh các chị trong nhà.
Lâm Thanh Hoà đón lấy túi hạt mè rồi cười nói: “Em chỉ nhận hạt mè thôi, chị cả và chị ba cầm trứng gà về đi, nếu muốn cho em thì cho hạt mè, đậu nành này nọ là được rồi, em thích ăn mấy thứ ngũ cốc hơn.”
Sáng nay về tới chợ đen huyện thành, cô nhìn thấy quá trời người bày bán trứng gà, bởi vì năm nay nhà nào cũng nuôi nhiều gà cho nên sản lượng trứng cung ứng dồi dào hơn trước rất nhiều, cô bỏ tiền mua liền mấy rổ nên bây giờ không nhận thêm nữa.
Chị cả Chu ngượng ngùng đặt vấn đề hè này thím tư có thể dạy thêm cho tụi nhỏ được không?
Chị ba Chu cũng có ý tứ như vậy, nhưng ngại không dám nói ra, chỉ đứng bên cạnh ra sức gật đầu tán đồng lời chị cả.