Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 289 - Chương 289: Thuê Người

Chương 289: Thuê người Chương 289: Thuê người

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 289: Thuê người

Thoắt cái, cửa hàng sủi cảo của Chu Thanh Bách đã hoạt động được hai tháng. Cửa tiệm tuy nhỏ nhưng buôn bán tương đối khá, lợi nhuận tháng sau nhiều hơn tháng trước. Tháng đầu tiên anh thu về hơn 70 đồng, tháng thứ hai hơn 80 đồng. Chu Thanh Bách vẫn theo lệ cũ, chỉ giữ lại 10 đồng làm vốn, dư bao nhiêu đều nộp hết lên cho vợ.

Hiện giờ cửa hàng đang bước vào tháng kinh doanh thứ ba. Mỗi sáng, Chu Thanh Bách rời nhà từ 5 rưỡi, đi chợ chọn mua nguyên liệu tươi ngon rồi về mở quán.

Bởi vì thời tiết đang ấm dần lên, mọi người dậy sớm hơn, nhu cầu ăn sáng sớm hơn thế nên Chu Thanh Bách cũng phải điều chỉnh giờ mở cửa sao cho phục vụ khách hàng được tốt nhất.

Vốn dĩ Lâm Thanh Hoà muốn giúp anh sơ chế rau, củ, quả từ tối hôm trước, nhưng Chu Thanh Bách bảo nguyên liệu ngày nào làm ngày đó mới đảm bảo tươi ngon, cho nên Lâm Thanh Hoà không giúp được anh khâu sơ biến, toàn bộ đều do Chu Thanh Bách bao thầu hết từ A tới Z.

Nhưng đúng là bỏ công sức thì sẽ được đền đáp xứng đáng, khách hàng nhìn thấy tận mắt ông chủ cẩn thận nhặt từng cọng rau, lựa từng trái ớt nên càng yên tâm và tin tưởng hơn, số lượng khách kéo tới ủng hộ quán đông nườm nượp.

Sủi cảo da dày nhân nhiều, cái nào cái nấy to tròn căng bóng đều tăm tắp, lại có nhiều sự lựa chọn nên mọi người rất thích. Chỉ cần hôm nào muốn ăn sủi cảo là chắc chắn họ sẽ ghé quán của Chu Thanh Bách.

Chỉ mới mở cửa làm ăn hai tháng mà Chu Thanh Bách đã có được một lượng lớn khách hàng thân thiết.

Vào mùa rau dưa, Chu Thanh Bách nhập thêm dưa leo và cà chua về bán. Anh chỉ lấy cao hơn giá sỉ ngoài chợ chút đỉnh, không chênh lệch bao nhiêu so với giá thị trường.

Cà chua và dưa leo ăn sống rất mát miệng cho nên có nhiều khách gọi một tô sủi cảo kèm một trái dưa leo hoặc ăn xong thì mua hai trái cà chua xách đi ăn tráng miệng.

Lâm Thanh Hoà thầm khen anh chồng nhà mình thật là có khiếu buôn bán, sao trước đây cô lại không nhận ra nhỉ?

Buổi tối, sau khi vào sổ tất cả các khoản thu chi, Chu Thanh Bách nói với Lâm Thanh Hoà: “Vợ à, anh muốn tìm một người phụ rửa chén.”

Lâm Thanh Hoà kỳ thực cũng chưa nghĩ tới cái này, cô ngây ra một lúc rồi mới gật đầu: “Ừ, đúng là nên thuê người thật.”

Công việc kinh doanh của cửa tiệm càng ngày càng phát đạt, hiện tại lợi nhuận mỗi ngày dao động trong khoảng trên dưới năm đồng. Doanh thu cao đồng nghĩa với khách hàng đông. Ba thằng nhóc còn bận đi học, chúng chỉ có thể giúp ba chớp ba nháng không thể phụ thường xuyên được, có một mình Chu Thanh Bách loay hoay đúng là làm không hết việc.

Lâm Thanh Hoà suy nghĩ rồi nói thêm: “Nên tìm một người có tuổi.”

Thật ra Chu Thanh Bách đã có ứng cử viên, anh hỏi: “Không biết thím Mã có muốn làm không?”

Lâm Thanh Hoà chưa nghĩ tới nên lại tiếp tục ngây người. Lúc sau cô mới nhíu mày nói: “Thím Mã hả? Liệu có nhiều tuổi quá không?”

Năm nay thím Mã đã ngoài 50 rồi.

Chu Thanh Bách nói: “Anh thấy thím ấy rất khoẻ mạnh.”

Một hơi leo ba tầng lầu nhẹ tênh, không thở dốc cũng không cần nghỉ mệt giữa chừng, quan trọng nhất là tính tình sảng khoái, thích sạch sẽ và có quan hệ khá thân thiết với nhà mình.

Điều kiện rất tốt chỉ có điều không biết thím Mã có muốn làm hay không mà thôi.

Lâm Thanh Hoà liền nói: “Để ngày mai em thử nói chuyện với thím ấy xem sao.”

Giờ này chắc Mã gia đã đi ngủ rồi, để mai rồi hỏi vậy. Lâm Thanh Hoà cũng cảm thấy nếu thím Mã nhận lời thì quá tốt, nhân tiện để thím ở đó trông chừng luôn tránh cho ong bướm ở đâu lại bay tới làm phiền Thanh Bách nhà cô.

“Ừ.” Chu Thanh Bách gật đầu.

Lâm Thanh Hoà hỏi thêm: “Anh tính trả lương bao nhiêu?”

Chu Thanh Bách liền nói lương tháng 20 đồng, bao bữa trưa, làm từ 8 giờ sáng tới 2 giờ chiều, nghỉ trưa từ 2 giờ chiều tới 4 giờ chiều, sau đó làm tiếp từ 4 giờ chiều tới 7 giờ tối. Tuy thời gian làm việc hơi dài nhưng công việc tương đối nhẹ nhàng, chỉ có hai việc đó là lau bàn và rửa chén đũa thôi.

Lâm Thanh Hoà gật đầu: “Dạ, để ngày mai em chạy qua nói với thím Mã.”

Hai vợ chồng tắt đèn, cùng chìm vào giấc ngủ ngon lành, hài lòng kết thúc một ngày làm việc vất vả nhưng đầy hiệu quả.

Sáng hôm sau, Chu Thanh Bách khởi đầu ngày mới sớm nhất nhà. Lâm Thanh Hoà làm xong cơm sáng cho các con mới đi sang Mã gia.

Bà Mã cũng giật mình y như Lâm Thanh Hoà tối qua: “Cửa hàng thiếu người rửa chén?”

Lâm Thanh Hoà cười: “Dạ đúng. Không biết thím có quen ai giới thiệu giúp chúng cháu với. Cháu muốn tìm người làm việc nhanh nhẹn, sạch sẽ, gọn gàng, không cần làm việc gì khác, chỉ phụ trách đúng hai việc đó là lau bàn và rửa chén thôi.”

Bà Mã bắt đầu hơi hơi động lòng, bà liền hỏi: “Có yêu cầu gì về tuổi tác không?”

Nghe được câu hỏi này, Lâm Thanh Hoà bật cười: “Không có yêu cầu về tuổi tác, chúng cháu chỉ cần người khoẻ mạnh thôi, ví dụ giống như thím Mã đây là được.”

Lời này nói ra, người có ý nghe sẽ hiểu, còn không thì chỉ nghĩ đơn giản là một câu bông đùa mà thôi.

Bà Mã bắt được ý, hỏi ngay: “Cô giáo Lâm, cô thấy thím được không?”

Lâm Thanh Hoà giả bộ bất ngờ: “Thím á, thím muốn đi làm thật ạ?”

Bà Mã vội nói: “Ừ, tay chân thím rất nhanh nhẹn, vấn đề sạch sẽ thì càng không phải lo, thím cực kỳ thích sạch sẽ, tuyệt đối sẽ không có vấn đề gì.”

Lâm Thanh Hoà: “Nhưng mà công việc này là phụ rửa chén, lỡ để chú Mã biết được, liệu có sợ chú ấy tức giận không?”

Bà Mã xua tay: “Giận cái gì mà giận. Cháu không biết chứ, thím cả ngày ngồi không ở nhà buồn chán muốn chết. Từ lâu thím đã muốn đi tìm việc làm này làm kia cho khuây khoả, chẳng qua người ta không mướn thím thôi.”

Ông bà Mã có hai người con trai. Một người tham gia quân ngũ, vợ và con cùng đi tuỳ quân, mấy năm mới về một chuyến. Còn người con trai út thì bị đưa xuống nông thôn, sau khi kết hôn hộ khẩu cũng chuyển luôn về nhà vợ, chỉ có dịp Tết mới thăm cha mẹ một lần. Hai ông bà đang nghĩ cách để chuyển cả gia đình thằng út lên thủ đô.

Ông Mã có công tác, bà Mã thì không, bà chỉ ở nhà lo cơm nước, quán xuyến chuyện nhà cửa nhưng tính tình bà năng động, hoạt bát, ghét nhất ngồi ù lì vô dụng một chỗ nên luôn muốn tìm việc để làm, chỉ là quanh đây chẳng có ai muốn thuê bà già như bà.

Lâm Thanh Hoà: “Nhưng mà thím à, cửa hàng của nhà cháu chỉ làm ăn nhỏ, không lời lãi được bao nhiêu nên một tháng chỉ có thể gửi thím hai mươi đồng thôi.”

Bà Mã cười sang sảng: “Mười đồng thím cũng đi.”

Lâm Thanh Hoà mỉm cười: “Ai lại bạc đãi thím như vậy được. Cháu bàn qua với thím một chút về yêu cầu công việc.”

Sau khi nói rõ ràng giờ giấc với bà Mã, Lâm Thanh Hoà nói: “Đấy công việc, giờ giấc chỉ có vậy thôi ạ, thím về từ từ bàn bạc lại với chú rồi có gì cho chúng cháu biết. Lúc nào cũng được, chúng cháu không vội đâu.”

Bà Mã gật đầu nhưng trong bụng đã quyết định xong, việc tốt như này có gì phải suy xét cơ chứ. Thu nhập hàng tháng của ông Mã là hơn 40 đồng. Hai vợ chồng ông bà sống rất tiết kiệm, chi phí sinh hoạt mỗi tháng chỉ xấp xỉ 10 đồng. Còn lại bao nhiêu đều mang đi đổi tem phiếu gửi cho các con. Nhờ có sự giúp sức của cha mẹ, mà cuộc sống gia đình của hai thằng con mới dễ thở hơn một chút.

Cứ như vậy bao năm nay, hai ông bà chả tiết kiệm được bao nhiêu, mai sau về già mất sức lao động rồi không biết làm thế nào, tất nhiên là lo chứ, thế nên bà Mã mới tranh thủ lúc còn khoẻ mạnh kiếm thêm chút đỉnh.

Việc này bà đã quyết, không cần bàn thêm, buổi tối ông Mã đi làm về bà chỉ thông báo từ mai bà đi làm, buổi sáng bà sẽ nấu sẵn cơm, bữa chiều ông về tự hâm lên mà ăn.

Sáng hôm sau, bà Mã dậy sớm nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa một chút, liền đi tới tiệm sủi cảo.

Thấy bà Mã tới, Chu Thanh Bách cười nói: “Thím tới sớm vậy ạ?”

Vẫn nụ cười sang sảng đặc trưng, bà Mã nói: “Ừ, ở nhà nhàn rỗi không có việc gì làm nên thím tới sớm xem có việc gì phụ cháu một tay.”

Vừa vặn có hai vị khách ăn xong đứng dậy rời đi, bà Mã nhanh nhẹn bắt tay vào công việc ngay. Bà lau bàn, rửa chén, úp chén nhanh thoăn thoắt rồi sau đó đi tới giúp Chu Thanh Bách gói sủi cảo.

Chu Thanh Bách cũng rất vui khi có người hỗ trợ, anh vui vẻ hướng dẫn bà cách gói: “Thím ơi, cho nhiều nhân một chút, đúng rồi, cho thêm từng này nữa.”

“Nhiều như vậy cơ á?” Bà Mã kinh ngạc, rồi cúi xuống thì thầm: “Cho từng này thì làm gì có lời?”

Bình Luận (0)
Comment