Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 300 - Chương 300: Kiếm Tiền Nhiều Hơn Vợ

Chương 300: Kiếm tiền nhiều hơn vợ Chương 300: Kiếm tiền nhiều hơn vợ

Editor: Tựa Thủy Lưu Niên

Chương 300: Kiếm tiền nhiều hơn vợ

“Khoẻ rồi.” Ông Vương nở một nụ cười tràn đầy tinh thần.

Bà Mã thật lòng vui vẻ chúc mừng ông bạn già đã vượt qua cơn bạo bệnh. Vì còn vội về nhà cơm nước cho ông chồng, bà liền nói: “Vậy tôi đi trước nha, có gì nói chuyện sau.”

Về tới nhà, bà Mã tâm sự với ông Mã: “Ông thấy tôi nói có đúng không? Kết nghĩa nhận thân quá tốt ấy chứ. Con nuôi với con ruột nào khác gì nhau.”

Ông Mã gật gù cảm khái, bà vợ mình nói đúng, người già chả mong cầu gì chỉ mong có con cháu quây quần bên cạnh. Vạn nhất xảy ra chuyện gì thì còn có người kề cận chăm sóc sớm hôm.

Lủi thủi gần hết cuộc đời, hiện ông Vương cũng đang được hưởng niềm hạnh phúc vui vầy bên cháu con. Bưng trà, rót nước, cơm ngày ba bữa đều có người phục vụ chu đáo, buổi tối ngủ còn có đứa cháu nằm dưới canh chừng.

Càng nghĩ, ông Mã càng thấy xét về sự tinh tế trong suy nghĩ và chu toàn trong việc nhà thì đúng là ông thua xa bà vợ mình. Ông Vương nhận con nuôi lúc này là cực kỳ thích hợp, gia đình cô giáo Lâm cũng danh chính ngôn thuận mà đi lại chăm lo cho ông ấy.

Còn sớm nên bà Mã tạt qua chỗ chị em bạn dì buôn bán một lát. Mấy bà già đều gật gù tỏ vẻ lão Vương đi bước này quá hợp tình hợp lý.

Tuy nhiên, dù ở bất cứ đâu vẫn luôn tồn tại những người thích đi ngược số đông: “Gớm chết, các bà cứ mải khen mà không nghĩ lại à. Có ai không biết ông Vương nhiều tiền, nhiều của. Gia tài cả đống. Chưa cần tính của chìm, chỉ cần trông vào cái tứ hợp viện đang cho thuê kia cũng đủ hấp dẫn rồi. Biết người biết mặt không biết lòng, có khi nhận thân là vì lòng tham thì sao?”

Bà này cho rằng vợ chồng Lâm Thanh Hoà thâm hiểm, tâm tư âm trầm rõ ràng đang nhằm vào tài sản của ông Vương.

Thế nhưng, có rất nhiều người sống theo lý trí, không dễ dàng bị xỏ mũi dắt đi. Người ta có nhận định và quan điểm rất rõ ràng. Con nuôi hay con đẻ đều là con, chỉ cần đứa nào thật tâm phụng dưỡng, chăm lo, nâng giấc những ngày già yếu thì sau này chết đi để lại tài sản cho đứa đó. Con nuôi, cháu nuôi chăm thì cho con nuôi cháu nuôi, đây là chuyện đương nhiên, có gì mà không được?

Chung quy lại tài sản là vật ngoài thân, chết có mang theo được đâu, cứ lo giữ đống của làm đếch gì?

Người xưa có một câu, khi con người ta đã tới cái tuổi gần đất xa trời thì họ chẳng sợ người khác lợi dụng mình, chỉ sợ mình không có gì để người ta lợi dụng.

Thực chất Lâm Thanh Hoà và Chu Thanh Bách chẳng hề muốn lợi dụng ai, cũng chả quan tâm tới tài sản của ông Vương, vợ chồng cô chỉ đơn thuần muốn có một người thân ở cái đất Bắc Kinh xa lạ này thôi.

Vì trên cơ bản, cả hai vợ chồng cô đều có khả năng tự kiếm tiền, rất nhiều tiền là đằng khác.

Qua một năm hoạt động, tới nay tiệm sủi cảo đã có được danh tiếng nhất định vì thế dù đất trời vào đông, thời tiết giá lạnh thì công việc kinh doanh vẫn phát đạt như thường.

Chỉ cần muốn ăn sủi cảo, lựa chọn đầu tiên người ta nghĩ đến chính là tiệm sủi cảo Chu Thanh Bách.

Doanh thu cửa hàng tăng cao, lợi nhuận mỗi tháng rơi vào khoảng hơn 200 tới 300 đồng.

Quả thật là những con số biết nói, cứ cái đà này phát triển thì lợi nhuận một năm sẽ là bao nhiêu? Chỉ bằng một phép tính đơn giản, trẻ con cũng dễ dàng tính ra. Buôn bán khả quan, Chu Thanh Bách càng làm càng hăng, mùa đông giá rét căm căm thế mà trời chưa sáng anh đã hào hứng bắt tay vào công việc, ngày nào cũng như ngày nào, quán nhà anh chưa từng mở cửa trễ dù chỉ một lần.

Đấy là còn chưa kể tới phi vụ nhập hàng bán sang tay, cái khoản này mới đúng là lời đậm. Một năm đôi lần hai vợ chồng đi đánh hàng, nghỉ hè thì xuôi về phương Nam, nghỉ đông lại dắt tay nhau tới Thượng Hải.

Ngoài ra, còn thêm tiền lương giảng viên đại học của Lâm Thanh Hoà nữa. Đó, sơ sơ nhà cô có ba khoản thu, khoản nào khoản nấy đều dầy bịch, như vậy thì cần gì dòm ngó tiền bạc của ông Vương nữa.

Lâm Thanh Hoà và Chu Thanh Bách biết người đời đàm tiếu chứ, nhưng thanh giả tự thanh, vợ chồng cô không thẹn với lòng là được.

Cuộc sống cứ như vậy trôi qua.

Chớp mắt đã tới cuối năm.

Sở dĩ người ta gọi tháng 12 Âm lịch là tháng chạp vì đây là tháng thích hợp nhất trong năm để làm thịt khô và lạp xưởng. (chú thích ở cuối chương)

Nhồi lạp xưởng quá lích kích và mất công, Lâm Thanh Hoà ngại bày vẽ, cho nên chỉ làm độc một món thịt khô.

Cô chọn những miếng thịt tươi ngon, tẩm ướp gia vị rồi treo ngay tại tiệm sủi cảo. Ai ngờ khách hàng nhìn thấy lại thèm, không ít người dò hỏi thịt khô bán thế nào?

Chu Thanh Bách dở khóc dở cười giải thích, món này không bán, vợ anh chỉ phơi có mười cân thịt để dành nhà ăn, không đủ bán cho khách.

Mồng 8 tháng Chạp, Chu Thanh Bách nấu một nồi cháo to, thơm ngào ngạt.

Cả gia đình quây quần bên nhau cùng uống cháo.

Lâm Thanh Hoà hỏi ba thằng con trai: “Tết năm nay, ba đứa muốn ăn Tết ở đâu? Ở lại đây với ông nội Vương hay về quê với ba mẹ?”

Nửa tháng nữa là tới kỳ nghỉ tết, rục rịch đặt vé tàu vé xe từ bây giờ là vừa.

Chu Toàn nói: “Chúng con ở lại ăn tết với ông nội Vương. Ba mẹ về quê chuyển lời chúc mừng năm mới tới ông bà nội giúp chúng con nha.”

Chu Quy Lai gật đầu. Chu Khải im lặng coi như đồng ý, nó cũng cảm thấy ở lại tốt hơn, Tết nhất mà để ông Vương lủi thủi một mình thì cô đơn quá.

Lâm Thanh Hoà nói: “Vậy được, ba đứa ở lại đi. 20 tháng Chạp ba mẹ sẽ lên tàu về quê. Nếu mấy đứa muốn bán hàng thì bán tới 25 thôi, sau ngày đó đóng cửa tiệm đưa ông nội Vương đi ngắm phố phường.”

“Dạ con biết rồi.” Ba đứa trẻ đồng thanh.

Lâm Thanh Hoà có chút sầu muộn: “Xa ba mẹ, các con có buồn không? Nhỡ không quen mất ngủ rồi sao?”

“Không ạ.” Chưa bao giờ ba anh em nhà nó đồng lòng nhất chí đến vậy.

Trải qua chuỗi ngày ăn cẩu lương miễn phí, cả ba anh em đã học được tính tự lập tự cường vả lại chỉ ở qua mùa tết thôi mà, chưa tới một tháng ba mẹ sẽ trở lại, có gì mà không quen.

20 tháng chạp, hai vợ chồng Chu Thanh Bách và Lâm Thanh Hoà lên tàu về quê.

Đúng thế, tết là mùa của sum vầy, mùa của tình thân, dù trải qua một năm thành công hay thất bại thì tới cuối năm những người con xa xứ vẫn sẽ tìm về quê hương.

Trạm đầu tiên, Lâm Thanh Hoà và Chu Thanh Bách dừng ở Thượng Hải.

Thấy cô vợ quen đường quen xá, Chu Thanh Bách giả vờ hỏi bâng quơ: “Đã tới nhiều lần?”

Lâm Thanh Hoà trả lời theo quán tính: “Hai, ba lần gì đó.”

Chết mẹ, lỡ lời! Lâm Thanh Hoà giật mình ngẩng phắt đầu nhìn anh chồng.

Chu Thanh Bách lừ mắt một cái rồi không nói không rằng đi thẳng.

Rồi xong, điệu này là giận rồi!

Lâm Thanh Hoà khẽ thở dài, đúng là cái miệng hại cái thân, cô vội vàng đuổi theo níu tay anh: “Anh hư thật, từ lúc nào mà biết gài bẫy em thế?”

Trước mặt anh, cô không hề có tí phòng bị nào, cho nên chỉ cần anh bẫy nhẹ một phát là cô dính ngay.

Chu Thanh Bách dừng bước, lạnh mặt nhìn vợ.

Lâm Thanh Hoà vội vàng giơ tay đầu hàng: “Được rồi, được rồi. Em hứa sau này đi đâu sẽ dẫn anh đi cùng. Nếu không có anh bên cạnh em tuyệt đối không tự tiện làm bất kỳ cái gì hết. Nếu vi phạm anh toàn quyền xử lý.”

Nghe được lời này, Chu Thanh Bách mới hết xụ mặt.

Hai vợ chồng tiếp tục đi dạo. Công nhận, năm nay thành phố Thượng Hải khởi sắc và sôi động hơn hẳn năm ngoái.

Có Chu Thanh Bách đi cùng cho nên Lâm Thanh Hoà tự biết thu liễm lại rất nhiều. Cô chỉ mua mấy cái đồng hồ, hai cái đài radio và hai cái quạt điện.

Đồ điện tử chỉ có vậy nhưng quần áo thì cô càn quét không kiêng dè.

Lâm Thanh Hoà mua 8 cái áo bông cho hai vợ chồng, ba thằng con, ông bà Chu và ông Vương. Riêng cô và Chu Thanh Bách thì mỗi người được thêm hai bộ quần áo nữa.

Sắm sửa cho nhà mình xong, cô quay sang gom hàng giao sỉ cho Thẩm Ngọc từ quần áo, giày, thắt lưng đến khăn quàng, găng tay…

Mua bán xong, hai vợ chồng ở lại Thượng Hải nghỉ ngơi một đêm. Sáng sớm hôm sau, tiếp tục lên đường.

Về tới huyện thành, Lâm Thanh Hoà rẽ vào Cung Tiêu Xã trước.

Cô chỉ giữ lại một cái quạt điện và hai đài radio, một cái cho ông bà Chu, một cái mang ra tiệm sủi cảo để khách vừa ăn vừa nghe cho vui tai. Còn lại bao nhiêu, cô giao hết cho Thẩm Ngọc

Thẩm Ngọc mừng quýnh, tuy nhiên hàng đợt này quá nhiều và giá trị, đặc biệt là mấy đôi giày da, đắt kinh người. Thẩm Ngọc không có cách nào trả hết tiền ngay được.

Lâm Thanh Hoà nhìn ra sự khó xử trong mắt Thẩm Ngọc, cô nói: “Đưa trước một nửa thôi. Qua Tết chị mới đi, tới lúc đó trả nốt phần còn lại cho chị là được.”

Được thế thì còn gì bằng, Thẩm Ngọc đồng ý ngay: “Vâng ạ.”

Ra khỏi cung tiêu xã, Lâm Thanh Hoà nép mình vào con ngõ nhỏ cạnh đó, lôi chiếc xe đạp từ trong không gian riêng ra. Hai vợ chồng đạp xe tới nhà Chu Hiểu Mai.

Ngồi sau xe, Lâm Thanh Hoà trầm tư suy nghĩ, haizz, bỏ một đống tiền đi Thượng Hải nhập hàng, mới lấy lại được phân nửa, không có tiền trong tay, cảm giác nghèo đói bất chợt bủa vậy.

Cô liền nghĩ, bây giờ còn khoẻ phải tranh thủ kiếm tí tiền, đầu tư bất động sản, sau này về già hai vợ chồng sống bằng tiền cho thuê nhà là đủ ấm. Thỉnh thoảng đi du lịch, thăm thú đó đây, ngắm nhìn thế giới rộng lớn bên ngoài, cuộc sống thế là được rồi. Đối với cô, an nhàn là phúc, cô không phải là người có dã tâm làm ông nọ bà kia hay tổng tài đứng đầu thương giới.

Năm nay cửa hàng sủi cảo của Thanh Bách thu về hơn 2000. Ở cái niên đại này, đây hoàn toàn là con số trong mơ của biết bao người.

Cộng thêm tiền lương giáo viên của cô vào nữa là cả hai vợ chồng kiếm được hơn 3000.

Nhiều thì nhiều đấy, nhưng mơ ước của cô là sở hữu được tứ hợp viện. Mới từng này còn chưa mua nổi một cánh cửa ấy chứ. Thế nên, phải nỗ lực trong công cuộc đầu cơ trục lợi thôi.

Chốc lát, Chu Thanh Bách đã đạp xe tới nhà Chu Hiểu Mai.

Bây giờ mới ba giờ chiều cho nên Tô Đại Lâm chưa tan tầm, trong nhà chỉ có Chu Hiểu Mai và bọn nhỏ. Hiện giờ nhà này đông vui náo nhiệt như cái nhà trẻ.

Hồi Tô Đại Lâm mới rước Chu Hiểu Mai về, hai vợ chồng ở trong căn hộ 40 mét vuông còn cảm giác trống trải. Giờ đây có thêm bốn tiểu quỷ, bắt đầu cảm thấy hơi chật chật rồi đây.

Lâu lắm mới gặp lại anh chị tư, Chu Hiểu Mai reo lên: “Anh tư, chị tư.”

Tô Thành, Tô Tốn cũng nhao nhao chào cậu tư, mợ tư.

“Ngoan lắm, lại đây mợ cho kẹo” Lâm Thanh Hoà đưa cho mấy anh em một gói kẹo sữa.

Chu Hiểu Mai ngó nghiêng không thấy thằng Oa nào thì thắc mắc hỏi “Ủa, chỉ có hai anh chị về thôi à? Mấy anh em Đại Oa đâu?”

Lâm Thanh Hoà nói: “Ở trên Bắc Kinh, nhà chị kết nghĩa với một ông cụ. Ông cụ chỉ có một mình cho nên ba anh em chúng nó xung phong ở lại ăn Tết với ông nuôi cho đỡ buồn.”

“À, ra vậy.” Chu Hiểu Mai gật đầu rồi quay sang hỏi anh trai: “Anh tư, anh ở trên Bắc Kinh đã quen chưa?”

“Quen rồi.” Chu Thanh Bách lời ít ý nhiều.

Lâm Thanh Hoà bật cười: “Cô nhìn người anh cô là biết chứ gì.”

So với năm rồi, năm nay Chu Thanh Bách phát tướng hẳn ra.

Tuy mỗi ngày đều phải dậy sớm, nhưng rõ ràng làm đầu bếp không vất vả bằng làm nông, Chu Thanh Bách phải tăng lên cỡ hai mươi cân. Đặc biệt là cái bụng mỡ múp míp, Lâm Thanh Hoà thích mê. Sểnh ra một cái là nhào tới sờ nắn. Thế nhưng Chu Thanh Bách tự động phiên dịch thành cô vợ nhỏ đang mời gọi mình cho nên thuận nước đẩy thuyền, xơi tái ai kia luôn.

Chu Hiểu Mai cười: “haha, Công nhận, anh tư béo lên không ít. Công việc làm ăn thuận lợi chứ anh?”

Chu Thanh Bách gật đầu: “Ừ, cũng khá.”

Lâm Thanh Hoà bổ sung một câu: “Ganh đua lắm, thu nhập không thua gì tiền lương của chị.”

Cụ thể là bao nhiêu thì cô sẽ không nói, chỉ cần nói nhiều hơn lương giáo viên là người ta đủ hiểu rồi.

Chu Hiểu Mai liền nói: “Nhà máy chỗ chồng em làm ăn chán lắm.”

Lâm Thanh Hoà liền hỏi: “Tết năm nay có về quê không?”

Chu Hiểu Mai gật đầu: “Có chứ ạ, năm nay phải về.”

Lâm Thanh Hoà: “Chỗ chị em thân tình chị mới nói, với tay nghề của dượng út, chi bằng lên Bắc Kinh mở một tiệm bánh bao, chắc chắn sẽ đông khách. Những cái khác chị không dám cam đoan nhưng thu nhập đảm bảo không kém hơn bây giờ.”

“Đợi Đại Lâm đi làm về, em sẽ nói với anh ấy.” Chu Hiểu Mai vâng vâng dạ dạ gật đầu, cô mong muốn chuyển lên Bắc Kinh sống từ lâu rồi.

Lâm Thanh Hoà với Chu Thanh Bách không ở lại ăn cơm chiều, cũng không ngồi chơi lâu. Tâm sự một hồi, tặng nhà cô út một con vịt quay Bắc Kinh, hai vợ chồng đứng dậy, đạp xe về thôn.

=====

CHÚ THÍCH:

(*) Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chữ “chạp” là một biến âm của từ “lạp” trong tiếng Hán. Lễ tế thần vào dịp cuối năm âm lịch của người Trung Quốc xưa được gọi là Lạp, thế nên tháng này còn được gọi là Lạp nguyệt (nguyệt nghĩa là tháng).

Khi nhắc tới chữ “lạp” tức là nói tới việc đi “lạp mả”, thăm nom, sửa dọn phần mộ tổ tiên để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.Trong tiếng Hán, “lạp” cũng có nghĩa là lễ tất niên, nghĩa này cũng liên quan đến tập tục kể trên.

Chữ “lạp” trong tiếng Hán cũng có nghĩa là thịt. Tháng cuối năm là thời gian người ta tích trữ các loại thực phẩm để đối phó với mùa đông rét mướt, và cũng để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Trong đó, thịt là loại thực phẩm quý giá, quan trọng.

Chữ “lạp” trong “lạp xường” (hay lạp xưởng, tùy cách đọc) cũng mang nghĩa này. Trong đó. “xưởng” hay “xường” có nghĩa là ruột (âm hán Việt là “trường”).

Bình Luận (0)
Comment