Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 301: Tiền đồ sáng lạn
Vợ chồng Chu Thanh Bách vừa về đến đầu thôn đã bị dân làng vây lại xúm xít hỏi han, đám đông rồng rắn đi theo tới tận cửa nhà, long trọng như đón quan trạng về làng.
Cái này dễ hiểu thôi, vì nhà anh là hộ đầu tiên và duy nhất rời thôn đi lên thành phố lớn lập nghiệp. Chuyện này ở thập niên 90 vẫn còn hiếm, huống hồ bây giờ mới là những năm 80.
Phải nói là vô cùng-vô vùng có thể diện!
Vừa vào trong nhà, chưa ngồi ấm chỗ, họ hàng thân thích, bằng hữu đã lũ lượt kéo đến. Lâm Thanh Hoà và Chu Thanh Bách phải chia nhau tiếp đón.
Hàn huyên, hỏi thăm, tâm sự một hồi lâu, uống không biết bao nhiêu nước, hàng xóm mới lục tục ra về, chỉ còn lại ba cô chị dâu Chu gia.
Lâm Thanh Hoà mở túi, lấy ra ba con vịt: “Giống như năm ngoái, mỗi nhà một con ăn lấy thảo. Khi nào về các chị nhớ xách theo nha.”
Chị cả Chu ngượng ngùng: “sao năm nào về cũng mua thế này, tốn kém quá.”
Lâm Thanh Hoà liền nói: “Không sao, có một con vịt quay thôi mà.”
Chị hai Chu: “Lần này về thấy chú tư béo phết nhỉ. Cửa hàng sủi cảo trên đó làm ăn được không?”
Lâm Thanh Hoà: “Anh ấy buôn bán cũng khá.”
Chị hai Chu: “Ai da, vậy là tốt rồi, mẹ ở nhà cứ lo lắng suốt.”
Chị ba Chu hỏi: “Nhưng mà làm sao mấy anh em Đại Oa không về ăn Tết?”
Lâm Thanh Hoà liền nói: “Ở trên đó nhà em kết nghĩ với một cụ ông. Mấy đứa nó đòi ở lại ăn Tết với ông nuôi cho vui.”
Chu Lục Ni nhếch mép cười đểu: “Hèn chi, hoá ra là có ông nội người thành phố nên không thèm ông nội ruột dưới quê.”
Chị cả Chu lập tức mắng: “Cái con bé này, ăn nói kiểu gì đấy hả?”
Chị ba Chu cười lạnh: “Ha, Lục Ni trưởng thành rồi, mồm mép ngày càng nhanh nhẹn nha, người lớn đang nói chuyện mà dám tuỳ tiện chen ngang.”
Chị hai Chu xấu hổ muốn độn thổ, trợn mắt lườm con gái: “Mày không nói có ai bảo mày câm không hả, ít mồm thôi.”
Chu Lục Ni nào có sợ, tự nhiên cười phá lên rồi nói: “Con nói giỡn thôi mà, làm gì căng thế.”
Lâm Thanh Hoà ngoài cười nhưng trong không cười: “Câu giỡn này không vui chút nào. Làm người điều tối kỵ nhất là quên mất gốc gác nguồn cội. Thím và chú Thanh Bách đều dạy mấy anh em Đại Oa sống ở đời điều đầu tiên là phải biết uống nước nhớ nguồn. Căn nhà hiện tại mà gia đình thím đang ở trên Bắc Kinh là của ông nội nuôi Đại Oa. Vì ông biết trường học thiếu nhà, không có để phân phối cho thím, mà lại biết thím gấp gáp muốn đón gia đình lên đoàn tụ, cho nên ông mới chuyển nhượng chính căn nhà của mình cho trường học. Nếu không có ông thì giờ này chưa chắc cả nhà thím đã được ở bên nhau. Đấy là việc nhà cửa, thứ nữa là căn tiệm sủi cảo của chú tư cũng là do một tay ông hỗ trợ tìm giúp. Giữa năm nay, hai bên mới kết nghĩa nhận thân. Ông chỉ sống một mình không vợ con họ hàng cho nên ba anh em Đại Oa mới xung phong ở lại cho ông đỡ cô đơn, quạnh quẽ. Chú và thím đều không có ý kiến gì, chưa tới lượt cháu nêu ý kiến.”
Những lời này vừa để nói với Chu Lục Ni đồng thời cũng là lời giải thích ngọn nguồn tới toàn thể mọi thành viên trong Chu gia. Quan trọng nhất chính là, ông Vương già cả sống cô đơn lẻ loi một mình, bọn trẻ ở lại với ông cũng không có gì đáng chê trách.
Chẳng phải hai vợ chồng cô đã về rồi đây sao?
Ông Chu gật đầu: “Ừ, ở lại là đúng.”
Lâm Thanh Hoà tươi cười tiễn khách: “Chị cả, chị hai, chị ba, sắp tới giờ cơm chiều rồi, các chị về chuẩn bị cơm nước đi thôi. Nhà em cũng phải ăn cơm đây, không giữ các chị ở lại chuyện trò thêm nữa.”
“Ừ, chị về đây.” Chị cả Chu đứng dậy đầu tiên.
Chị hai Chu kéo xềnh xệnh Chu Lục Ni, còn chị ba Chu dắt Chu Ngũ Ni ra về.
Người đi hết, Lâm Thanh Hoà ngay lập tức nói với bà Chu: “Mẹ, cái con bé Lục Ni này miệng mồm càng ngày càng chanh chua. Nói năng không biết suy nghĩ gì cả.”
Cô chỉ là thím tư, không có công sinh cũng không có công dưỡng, nhưng hàng năm về đều cho chúng quà bánh, đứa nào gặp việc gì khó khăn nếu giúp được sẽ tận lực giúp đỡ, thế mà con Lục Ni đó mở miệng ra là xiên xỏ, láo toét.
Đừng nói con nhỏ đó cho rằng đây là trách nhiệm cô phải làm nha, ha, suy nghĩ hay thật đấy.
Bà Chu trả lời qua loa: “Nó là hay liên thiên lắm, con cứ mặc kệ nó đi.”
Hiển nhiên bà Chu không để tâm chuyện này, cái bà quan tâm là Chu Thanh Bách cơ: “Thanh Bách à, cửa hàng sủi cảo làm ăn thuận lợi không con?”
Vừa rồi con nó đã nói khá, nhưng đông người như thế ai biết nó có nói lời thật lòng hay không, hay chỉ nói qua loa cho xong chuyện, thế nên bà vẫn phải hỏi lại cho yên tâm.
Chu Thanh Bách nghiêm túc gật đầu: “Rất khá mẹ ạ.”
Lúc này, Lâm Thanh Hoà đã vào bếp chuẩn bị cơm chiều.
Bà Chu vẫn không tin, gặng hỏi tiếp: “Không có ai ở đây, con đừng nói dối mẹ. Năm nay mẹ với cha ở nhà cũng tích cóp được một ít. Sang năm con lên Bắc Kinh thì cầm đi đi, thêm vào mà mua sách vở, giấy bút cho mấy anh em Đại Oa.”
Chu Thanh Bách dở khóc dở cười.
Lâm Thanh Hoà ở phòng bếp cũng nghe được những lời này. Cô biết đây là bà đang dấm dúi cho riêng con trai nhưng cô không để bụng. Trước nay,
cha mẹ chồng đều thiên vị nhà cô hơn các nhà khác một chút. Ông bà rất thương Thanh Bách và ba đứa nhỏ. Thế nên vẫn câu nói cũ, chỉ cần bà không chỉ trỏ, can thiệp quá sâu vào chuyện gia đình cô thì cô cũng sẽ không để ý mấy tiểu tiết nhỏ lẻ.
Cô liền nói vọng ra: “Cửa hàng sủi cảo của Thanh Bách làm ăn rất phát đạt, không kém gì lương giáo viên của con đâu. Còn mấy ngày nữa là hết năm, cha mẹ chuẩn bị một chút, qua Tết cùng vợ chồng con dọn lên Bắc Kinh ở nhé?”
Căn nhà mới mua để trống lâu quá cũng không tốt, nhà là phải có người ở mới có sinh khí.
“Năm sau dọn lên Bắc Kinh?” Giọng bà Chu cao vút, cho thấy tâm tình của bà đang rất kích động.
Ông Chu bình tĩnh hơn: “Mới đi có một năm, mọi thứ chưa đâu vào đâu cả. Đợi hai vợ chồng ổn định rồi tính tiếp.”
Ông cảm thấy hai vợ chồng già không phụ giúp được con cái việc gì, lên đó chỉ thêm phiền phức với lại giọng mình quê mùa, nói chuyện sợ người ta không hiểu.
Bà Chu liền nói: “Cha con lo lắng lên Bắc Kinh không giao tiếp được.”
À, ra vậy, Lâm Thanh Hoà mỉm cười: “Khẩu âm của vùng chúng ta không khác Bắc Kinh là bao. Vẫn có thể nghe hiểu được.”
Giọng địa phương hơi nặng một chút nhưng nếu nói từ từ thì người Bắc Kinh cũng có thể nghe hiểu năm, sáu phần.
Lâm Thanh Hoà sảng khoái nói: “Cha mẹ đi đi. Khẩu âm từ từ học là biết ngay ấy mà. Chúng con đã chọn được cho cha mẹ một căn nhà thích hợp rồi, bắt đầu từ sang năm sẽ thuê, mỗi tháng năm đồng thôi, nhưng rộng rãi lắm, còn có một khoảng sân nữa, nếu cha mẹ thích thì trồng vài luống rau hoặc kêu Thanh Bách quây lại một góc nuôi mấy con gà. Ngày ngày tưới cây, nuôi gà, thỉnh thoảng đi ra ngoài dạo phố. Không quen đường xá thì đã có ba thằng cháu nội của ông bà rồi, có gì phải lo lắng đâu.”
Nói gì thì nói, hai ông bà lên Bắc Kinh ở vẫn hơn. Đó là thành phố lớn, điều kiện y tế tốt hơn ở quê rất nhiều. Lỡ may ốm đau bệnh tật gì hoặc trong người có chỗ nào không thoải mái thì có thể vào viện chữa trị ngay.
Càng nghe con dâu nói, tâm tình bà Chu càng kích động, thích, bà thích lắm.
“Tiền thuê nhà một tháng tận năm đồng?” Ông Chu nhíu mày, nhẩm tính tiền thuê, chà, cái giá này cũng đắt quá đi.
Lâm Thanh Hoà gật đầu: “Vâng, nhưng năm đồng không tính là đắt đâu cha. Tiệm sủi cảo của Thanh Bách kiếm được tiền mà. Cha đừng lăn tăn chuyện tiền bạc. Tiền thuê không thành vấn đề, mấu chốt là cha mẹ có thích hay không thôi.”
Chu Thanh Bách cũng nói: “Lên ở với chúng con đi.”
Ông Chu trầm ngâm: “Qua năm rồi nói tiếp.”
Bà Chu thích lắm rồi, nhưng cũng không dám trực tiếp nghịch ý chồng trước mặt các con. Bà hỏi vu vơ: “Trong nhà đang nuôi nhiều gà vịt thế này, có cần phải bán đi không nhỉ?”
Lâm Thanh Hòa liền nói với Chu Thanh Bách: “Ngày mai anh mang mấy con lên huyện thành bán đi.”
Bà Chu liền nói: “À đúng rồi, mai vừa đúng ngày cậu út Đại Oa tới thu gà, Thanh Bách, con đi cùng với cậu út luôn đi.”
Lâm Thanh Hoà đang dọn cơm, nghe mẹ chồng nói vậy cô cũng ngớ người: “Thằng ba tới nhà mình thu gà á? Là sao hả mẹ?”
Bà Chu cười nói: “Con đi xa nên không biết chứ, cậu út Đại Oa dạo này tiến bộ dữ lắm, phải nói là tiền đồ sáng lạn.”