Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 317 - Chương 317: Nam Tử Hán

Chương 317: Nam tử hán Chương 317: Nam tử hán

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 317: Nam tử hán

Dĩ nhiên những bản thiết kế này không phải do cô nghĩ ra toàn bộ, cô thì làm gì có năng khiếu đó vì có học chuyên ngành thiết kế thời trang đâu, vả lại thẩm mĩ của cô khác thời nay rất nhiều, nếu mà để thoả sức sáng tạo thì cô thích những kiểu áo hở vai, để lộ ra xương quai xanh tinh xảo và bờ vai tròn nhắn mịn của người phụ nữ. Nhưng mà làm vậy đâu có được, chắc chắn bán ra sẽ không ai dám mua, thậm chí còn bị người ta chửi vuốt mặt không kịp ấy chứ.

Vì thế cô đã tham khảo rất nhiều kiểu dáng và mẫu mã khác nhau, một ít từ thời trang phương Nam, thêm chút phong vị Thượng Hải, hoà với vài nét chấm phá táo bạo của hiện đại, cô đã cho ra đời những mẫu quần áo vừa mang vẻ mới mẻ độc đáo, vừa đảm bảo không vượt quá giới hạn thẩm mỹ đương thời.

Thím Từ chăm chú ngắm nghía bản vẽ, không nhịn được tấm tắc khen: “Ý tưởng tốt lắm, may ra sản phẩm nhất định sẽ rất đẹp.” Ngẩng đầu lên, bà đưa ra lời hẹn: “Không thành vấn đề, ba ngày sau cháu quay lại lấy quần áo nhé.”

Lần này Lâm Thanh Hoà chỉ đưa một bộ thử nghiệm, nếu thím Từ bảo đảm được chất lượng cũng như tiến độ công việc, sau này cô sẽ tiếp tục mang thêm việc tới cho bà.

Các bà thím mặc dù đã đến tuổi về hưu nhưng sức khoẻ chưa tàn, người nào người nấy đều mong mỏi kiếm thêm đồng ra đồng vào phụ giúp sinh hoạt gia đình.

Trao đổi chi tiết với thím Từ xong, Lâm Thanh Hoà để vải vóc và bản thiết kế lại, cô đi tới tiệm trang phục.

Chu Nhị Ni, Hổ Tử và Hứa Thắng Mỹ rất tháo vát, cộng thêm sự trợ giúp của Chu Toàn và Chu Quy Lai, lúc Lâm Thanh Hoà ra tới nơi thì cửa hàng đã được quét dọn sạch sẽ đâu ra đấy.

Lâm Thanh Hoà liền hướng dẫn mấy đứa nó làm vài việc nhỏ tỉ như gấp hạc giấy, xâu thành rèm rồi treo lên cửa chính. Sau đó đi mua vài chậu hoa thật rực rỡ về xếp dọc hai bên lối đi. Cửa hàng thời trang mà lại, mặt tiền phải nhiều sắc màu, đẹp đẽ, bắt mắt thì mới dễ dàng thu hút các quý bà, quý cô tới mua sắm.

Chu Toàn cười nhăn nhở: “Mẹ, chỉ là một cửa tiệm thôi mà, có cần trang trí nhiều vậy không, hình như hơi bị “tiểu tư sản” thì phải” (chú thích cuối chương)

Lâm Thanh Hoà phất tay không thèm để ý nói: “Cái gì mà “tiểu tư sản”, thì chưa tới ngày khai trương mẹ sợ chúng mày ngồi không đâm ra nhàm chán cho nên mẹ tìm việc cho làm còn gì.”

Hiện tại đã là năm 81, tư tưởng “tiểu tư sản” đã dần dần lộ rõ, không còn phải né tránh sợ sệt như trước kia nữa, cho nên các động tác của Lâm Thanh Hoà cũng phóng khoáng hơn.

Bắt được trọng điểm, Chu Quy Lai cười lém lỉnh: “Mẹ, mẹ, hay là sắm một bể cá đi, được không?”

Lâm Thanh Hoà thẳng thừng gạt đi: “Không được.”, thế nhưng trong bụng liền tính, đợi thời cơ thích hợp nuôi một bể cá cảnh trong nhà cũng rất đẹp.

Chu Nhị Ni xong việc, tiến lại hỏi thím: “Thím ơi, cửa chính xong rồi, mình có trang trí gì cho cửa sổ không thím?”

Lâm Thanh Hoà gật gù: “Có chứ, cửa sổ cũng phải có…để xem nào….”

Cô quay ra phân phó Chu Quý Lai: “Thằng ba, con chạy về lấy bút màu tới đây, vẽ cho mẹ mấy con thỏ, hươu cao cổ, gấu trúc gì đó rồi cắt giấy dán lên cho mẹ, mau!”

Cửa hàng này của cô không bán quần áo nam, chỉ chuyên phục vụ thời trang nữ, thế nên trang trí cũng phải ưu tiên thu hút phái nữ. Mà phàm là phụ nữ thì hiếm người có thể cưỡng lại cái vẻ đáng yêu và dễ thương của mấy con vật nhỏ. Đầu tiên phải đánh vào tâm lý thì mới dễ dàng tiếp cận hầu bao, đúng không nào?

Nhận được chỉ thị của sếp lớn, bọn trẻ chia nhau bắt tay vào thực hiện.

Buổi chiều, Lâm Thanh Hoà cho bọn chúng nghỉ ngơi, để Chu Toàn và Chu Quy Lai dắt anh chị họ đi dạo phố phường, thăm thú cảnh đẹp Bắc Kinh. Vì ngay mai là khai giảng rồi, hai đứa nó phải quay trở lại với công việc học tập sẽ không có thời gian đi chơi.

Sáng giờ Chu Khải mất tăm mất tích, không phải nó bận rộn gì mà vì cha đã quay về tiếp quản cửa hàng sủi cảo nên nó được xổng chuồng một ngày, banh mắt ra đã đến rủ thằng bạn thân Ông Quốc Lương đi chơi bóng rổ, đi dạo phố rồi bữa trưa ghé ăn cơm tiệm.

Lâm Thanh Hoà ưu tiên cho nó vui chơi thoải mái vì hè này là nó nhập học trường quân sự rồi mà quân kỷ vô cùng nghiêm khắc, sau này rất khó có được khoảng thời gian rảnh rỗi tụ tập vui vẻ với bạn bè.

17 tuổi, cao tồng ngồng hơn 1m8, mà tính tình vẫn còn trẻ con lắm, ham chơi ham vui, nhiều lúc ham bạn bè hơn gia đình. Cái này Lâm Thanh Hoà thông cảm được vì cô hiểu ai cũng có một thời như thế, cô trao cho con sự tự do, thoải mái, để con thoả sức vẫy vùng trong những tháng ngày tuổi trẻ căng tràn nhiệt huyết.

Mãi tới hơn 5 giờ, tour du lịch dạo quanh Bắc Kinh mới kết thúc. Chu Toàn và Chu Quy Lai mệt phờ râu, còn Hổ Tử thì thích mê, về tới nhà rồi mà hai mắt vẫn còn sáng lấp lánh, cái miệng cười không khép lại được, Chu Nhị Ni và Hứa Thắng Mỹ cũng thế, đi bộ cả buổi chiều mà không biết mỏi chân hay mệt là gì.

Lâm Thanh Hoà giục: “Mấy đứa mau đi rửa mặt mũi chân tay, chuẩn bị ăn cơm thôi.”

Chu Nhị Ni nhoẻn miệng cười: “Bây giờ toàn là chú tư nấu cơm ạ.”

“Ừ.” Chu Thanh Bách thoải mái xác nhận rồi bưng dĩa thức ăn cuối cùng đặt lên bàn.

Hôm nay ông Vương cũng tới ăn cơm, cả một bàn chật kín người, cực kỳ đông vui náo nhiệt.

Chu Khải hỏi ông Vương: “Ông nội Vương, tí ăn xong cháu định đi nhà tắm công cộng, ông có muốn đi chung luôn không?”

Ông Vương cười gật gù: “Đi đi.”

Tắm chung kỳ lưng cho nhau là một thú vui mà ai cũng thích.

Chu Khải quay qua hỏi mọi người: “Còn mọi người thì sao, có ai muốn đi không?”

Chu Toàn giờ tay đầu tiên: “Em đi.”

Hổ Tử thì từ chối: “Em không đi đâu, hôm qua em tắm rồi.”

Chu Quy Lai nói: “Vậy anh về nhà xem TV với hai chị đi, em cũng phải đi tắm một cái.”

Cơm nước xong, mấy thằng con trai chạy về nhà lấy quần áo đi tắm rửa, Hứa Thắng Mỹ và Chu Nhị Ni ở lại rửa dọn xong rồi cũng đi bộ về nhà. Buổi tối không cần làm việc thì Chu Nhị Ni cũng muốn xem TV một chút.

Lâm Thanh Hoà và Chu Thanh Bách chưa về ngay mà hai vợ chồng hẹn hò đi xem phim điện ảnh. Cuộc sống hôn nhân là vậy, cho dù có con có cái thì thỉnh thoảng hai vợ chồng vẫn nên dành thời gian riêng cho nhau, hưởng thụ thế giới hai người để hâm nóng tình yêu.

Từ rạp chiếu phim đi ra, hai vợ chồng thong dong sánh vai đi trên đường. Chu Thanh Bách hỏi vợ: “Công tác khai trương cửa hàng quần áo tới đâu rồi, em có mệt lắm không?”

Lâm Thanh Hoà bật cười khanh khách, nghiêng đầu đáp: “Làm gì mà mệt. Em có rất nhiều đệ tử đấy nha, tụi nhỏ làm là chủ yếu, em chỉ có mỗi nhiệm vụ đi tìm thợ may thôi.”

Chu Thanh Bách mỉm cười gật đầu, hai vợ chồng tiếp tục tay đan tay đủng đỉnh dạo bước.

Lát sau, Lâm Thanh Hoà vội kéo tay chồng nói: “Ầy, trễ thế này rồi cơ à, anh…mình phải về thôi, mai còn phải đi làm nữa.”

Đi làm đúng là rất mệt nhưng Lâm Thanh Hoà rất thích, đối với cô cuộc sống bận bịu mang tới cho chúng ta nhiều trải nghiệm phong phú. Sống vậy mới bõ một đời chứ nếu không thì uổng phí quỹ thời gian lắm. Đời người nào được bao năm mà hững hờ!

Hơn 9 giờ, hai vợ chồng Chu Thanh Bách về đến nhà, thấy bọn trẻ vẫn ngồi trong phòng khách xem TV.

Chu Nhị Ni liền đừng dậy giục em họ: “Thắng Mỹ, tới giờ về tiệm rồi.”

“vâng vâng…” Hứa Thắng Mỹ gật đầu lia lịa nhưng mắt vẫn lưu luyến dán vào màn hình TV.

Chu Khải và Hổ Tử chịu trách nhiệm hộ tống chị và em họ tới tiệm sủi cảo rồi mới quay về ngủ.

Lâm Thanh Hoà và Chu Thanh Bách rửa mặt, thay quần áo chuẩn bị nghỉ ngơi.

Chu Khải trở về, liền gõ cửa phòng tìm ba mẹ nói chuyện.

Chu Khải: “Hôm Tết, ông nội Vương đưa con tới nhà bạn của ông chúc Tết. Khi về ông nói tốt nghiệp xong con phải đến trường quân sự báo danh ngay.”

Lâm Thanh Hoà nói: “Ừ, con cứ nghe theo sự sắp xếp của ông là được.”

Chu Thanh Bách thì bảo: “Ngày mai tiếp tục luyện tập, không được buông lỏng.”

Buông lỏng bây giờ thì chỉ tổ mai này nếm mùi đau khổ. Rèn luyện thể lực quan trọng nhất là phải kiên trì, không được ngơi nghỉ, dù chỉ một ngày.

Tương lai, cầm tấm bằng cử nhân đại học thêm một bằng quân sự trên tay, ra trường Chu Khải sẽ lập tức được cấp quân hàm, con đường thăng quan tiến chức sẽ thênh thang rộng mở hơn người khác rất nhiều. Thế nhưng ngoài học lực thì phải có cả vũ lực, nếu không sẽ khiến lòng người bất phục.

Chu Khải nghiêm túc đồng ý rồi đi về phòng mình.

Lâm Thanh Hoà đóng cửa, tắt đèn, lên giường chui tọt vào lòng chồng thầm thì: “Khổ thân anh lớn nhà ta.”

Tính ra thằng bé mới 17 tuổi chứ mấy, trước đây vì để đuổi kịp kì thi đại học năm đầu tiên, cô đã o ép con học đuổi, liên tục nhảy lớp, bây giờ thì lại chuẩn bị gia nhập quân ngũ, bước vào cuộc sống kỷ luật, kỷ cương.

Về điểm này, Chu Thanh Bách lại không nghĩ giống vợ, năm xưa anh khó khăn hơn gấp trăm ngàn lần, nó mới có tí chút thế này đã thấm vào đâu, hơn nữa điều kiện phát triển sẵn có, chỉ cần nó chịu khó nỗ lực, sau này nhất định sẽ gặt hái được thành tựu to lớn.

Nhưng anh cũng hiểu bà xã nhà mình yếu lòng nên hay xót con, anh lên tiếng an ủi: “Nó là nam tử hán phải trải qua gian khổ thì mới trưởng thành được.”

Lâm Thanh Hoà cuộn mình, rúc sâu vào ngực anh, không nói gì nữa. Hình như cô đã từng được nghe ở đâu đó một câu “bài học cuối cùng của bậc làm cha làm mẹ là học cách buông tay”, dù biết rằng ngoài kia là giông bão thì cũng vẫn phải chấp nhận để con bay đi, để con học cách trưởng thành.

Sau một đêm suy nghĩ và cân nhắc, nỗi lo lắng cũng dần vơi bớt, Lâm Thanh Hoà tỉnh giấc, đem toàn bộ tinh thần và nhiệt huyết đặt vào công việc giảng dạy, vì ngày hôm nay năm học mới chính thức bắt đầu.

Còn tiệm quần áo Lâm Thanh Hoà giao hết cho Chu Nhị Ni, cô tin tưởng với năng lực của con bé sẽ nhanh chóng học được cách quản lý và điều hành cửa hàng.

=====

(*) Tiểu tư sản là một thuật ngữ đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 1990, nó nhắm đến những người trẻ học theo lối sống và lối suy nghĩ của phương Tây, theo đuổi trải nghiệm nội tâm, hưởng thụ vật chất và tinh thần. Tầng lớp tiểu tư sản nói chung là những tầng lớp trí thức, nhân viên văn phòng ở thành thị, những người có địa vị và của cải nhất định trong xã hội.

Thực chất, thuật ngữ này đã xuất hiện từ cuối thập niên 70 - đầu thập niên 80, nhưng do ảnh hưởng môi trường xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ cho nên một số nhà yêu nước cực đoan tin rằng "tiểu tư sản" là một thuật ngữ xúc phạm, thậm chí là một biểu tượng của sự suy đồi, ám chỉ những người không có suy nghĩ tiến bộ, yêu nước, yêu dân, mà chỉ theo đuổi cuộc sống cá nhân thoải mái.

Bình Luận (0)
Comment