Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 331: Xuôi về phương Nam
Mấy ngày trước, Lâm Thanh Hoà cùng Chu Thanh Bách đã chuẩn bị đầy đủ hàng hoá cho tiệm quần áo, đảm bảo trong khoảng thời gian hai vợ chồng cô xuôi về phương Nam sẽ không bị đứt hàng. Tiệm sủi cảo thì càng không cần lo lắng, bột mì, thịt heo, nguyên liệu làm nhân, gia vị mắm muối đều có đơn vị cung ứng cố định, Chu Toàn cũng đã lên tới rồi, nếu thiếu món gì, nó chỉ cần báo một tiếng là người ta giao hàng tới tận nơi.
Hôm nay, Lâm Thanh Hoà căn dặn bọn trẻ: “Ngày mai ba mẹ đi du lịch, nếu có thứ gì tốt sẽ mua về cho mấy đứa, ngoan ngoãn ở nhà trong hàng đó.”
Chu Ngũ Ni hiếu kỳ hỏi: “Chú thím định đi du lịch ở đâu ạ?”
Lâm Thanh Hoà: “Chú thím đi phương Nam thăm thú vài nơi.”
Chu Quy Lai nhõng nhẽo: “Mẹ~, con không được đi cùng à? Con lớn thế này rồi, đảm bảo sẽ không phiền cha mẹ mà. Con tự chơi phần con, ba mẹ không cần để ý là được, cứ thoải mái hưởng thụ thế giới hai người.”
Thằng nhóc thúi này mới 13 tuổi nhưng đã cao tận 1m7, khôn lanh như con khỉ nhỏ, nếu cho nó tiền chắc nó dám ngồi xe một mình đi du hí khắp phương Nam ấy chứ.
Dù biết là thế nhưng vợ chồng cô đi làm chuyện lớn nào phải đi chơi đi bời, thế nên Lâm Thanh Hoà một mực từ chối: “Ngoan ngoãn ở nhà đợi cho mẹ, chờ lớn bằng anh cả rồi muốn đi đâu thì đi hoặc dắt người yêu đi chơi khắp nơi cũng được, khi ấy mẹ sẽ không cản con, còn bây giờ thì ở nhà nhé, anh ba!”
Thấy thằng con bí xị mặt tỏ vẻ không phục, Lâm Thanh Hoà liền xuất chiêu độc, giả vờ đăm chiêu thở dài thườn thượt: “Hơn nửa đời người vất vả nuôi con, giờ con nó lớn khôn mà chẳng thế nhờ vả được việc gì. Hai vợ chồng già chỉ muốn đi ra ngoài nhìn ngắm cảnh đẹp một chút, haizzz….nghĩ lại thì cũng chẳng còn khoẻ mạnh được mấy năm nữa, chân yếu lưng còng thì còn đi được đến đâu…thế mà con cái nó không cho….”
Chu Quy Lai muốn xỉu: “Được được được, ba mẹ đi đi, đi vui vẻ nhé, chúc ba mẹ thượng lộ bình an….”
“Một lời đã định, ở nhà trông nom hai cửa hàng cho tử tế đấy.” Nói rồi, Lâm Thanh Hoà cùng Chu Thanh Bách vui vẻ ra khỏi cửa.
Chu Ngũ Ni tò mò: “Chú thím tư lại đi đâu vậy?”
Chu Quy Lai nhún vai: “Giờ này thì chắc là đi xem điện ảnh.”
Hổ Tử, Chu Nhị Ni và Hứa Thắng Mỹ đã quá quen thuộc nên cảm thấy rất bình thường, chỉ có Chu Dương và Chu Ngũ Ni mới thấy lần đầu cho nên rất bất ngờ, không biết nói gì chỉ có thể trợn mắt há hốc mồm.
Chu Quy Lai thông cảm, vỗ vỗ bả vai Chu Dương: “Đôi uyên ương nhà em ăn chơi lắm, từ từ rồi quen.”
Nhà đông người nhưng thêm 2 đứa nhỏ thì vẫn có thể sắp xếp một cách dễ dàng. Đêm nay cứ để Chu Dương ngủ tạm ngoài phòng khách. Ngày mai vợ chồng Chu Thanh Bách sẽ đi du ngoạn nên hai anh em Chu Toàn và Chu Quy Lai có thể sang phòng ba mẹ ngủ nhường lại phòng mình cho Chu Dương và Hổ Tử. Còn Chu Ngũ Ni thì dễ rồi, cứ ra tiệm sủi cảo ngủ với hai chị là được.
Buổi tối, Lâm Thanh Hoà bàn giao sổ sách và chìa khoá hai căn tiệm cho Chu Toàn. Để lại nhà cửa và công việc làm ăn cho đám trẻ nhưng Lâm Thanh Hoà không hề có bất kỳ lo lắng nào, bởi Chu Toàn sắp thành sinh viên đại học, nó thừa khả năng quản lý mọi việc, hơn nữa vẫn còn có ông Vương đi lại canh chừng tụi nhỏ mà.
Sáng sớm hôm sau, hai vợ chồng cô xuất phát. Dọc đường đi, Lâm Thanh Hoà dạy tiếng Quảng Đông cho Chu Thanh Bách.
Mặc dù đã rất chú tâm nhưng khổ nỗi anh không có năng khiếu về ngôn ngữ, đọc trẹo cả lưỡi mà vẫn chẳng nói được mấy câu.
Lâm Thanh Hoà híp mắt: “Có phải anh cố ý đọc sai để đi đâu em cũng phải dắt theo anh, đúng không?”
Chu Thanh Bách bật cười thành tiếng, anh nào có cố ý, quả thực là không học được thật mà.
Lâm Thanh Hoà bắt lấy cằm Chu Thanh Bách, nhướng mày: “Thiệt tình…nếu không có cô vợ bé nhỏ che chở thì anh chồng cao to này phải làm thế nào đây?”
Chu Thanh Bách nín cười, nghiêm túc gật đầu: “Đúng, không thể không có vợ bên cạnh.”
Bất chợt được nghe lời đường mật, Lâm Thanh Hoà đỏ mặt mỉm cười ngọt ngào.
Cô lật tay thưởng cho anh xã một trái cà chua, Chu Thanh Bách cười nhu hoà đón lấy rồi vừa ăn vừa giở báo ra xem.
Qua báo chí, Chu Thanh Bách nắm được rất nhiều tin tức. Hiện nay, ở khắp các địa phương trên cả nước, vạn nguyên hộ mọc lên nhanh và nhiều như nấm sau mưa.
Những năm đầu thập niên 80, để khuyến khích phát triển kinh tế nhà nước đã trao tặng danh hiệu vạn nguyên hộ như sự biểu dương và khích lệ cho những hộ gia đình đi tiên phong trong việc làm giàu. Có thể nói lúc bấy giờ đây là một danh hiệu vô cùng cao quý, chắc chắn sẽ được đăng báo, lên truyền hình, người dân cả nước biết đến và ngưỡng mộ làm vang danh dòng họ, rạng rỡ tổ tiên.
Trên chuyến tàu xuôi về phương Nam năm ngoái, Chu Thanh Bách từng muốn phấn đấu trở thành vạn nguyên hộ. Lúc đầu anh cứ ngỡ sẽ khó khăn lắm, nhưng nào ngờ chỉ sau chuyến buôn lần đó, hai vợ chồng anh thừa sức thành mấy cái vạn nguyên hộ.
Mà ở đời, cái gì chưa đạt được thì mong ngóng ước ao, chứ đạt được rồi thì lại thấy à thật ra nó cũng bình thường thôi.
Nhưng đúng là bình thường thật, không tính những chuyến đi buôn hàng, chỉ dựa vào lợi nhuận 6 tháng đầu năm của hai cửa tiệm là nhà anh đã dễ dàng kiếm được một cái vạn nguyên hộ.
Thế nên giờ Chu Thanh Bách không còn ham cái danh hiệu này nữa, suy nghĩ của anh đã thực tế hơn nhiều. Nghe vợ nói trong tương lại đất ở Bắc Kinh vô cùng đắt đỏ, thậm chí có những vị trí đắc địa giá một mét vuông đất lên tới xấp xỉ hai mươi vạn tệ. Cho nên nhân lúc giá đất còn rẻ, anh muốn tranh thủ mua vào thật nhiều. Anh và vợ cũng đã bàn tính xong xuôi, mai sau chia cho ba thằng con mỗi thằng một căn nhà, còn hai vợ chồng anh sẽ sống bằng tiền cho thuê bất động sản.
Chu Thanh Bách không định bán sủi cảo cả đời, càng không có ý định về già sẽ duỗi tay xin tiền các con. Vậy nên, anh rất tán đồng với quan điểm của vợ, mình tự kiếm tiền dưỡng già cho mình, nửa đời sau sống vô tư, thoải mái, không cần phải trông cậy vào đứa nào hết.
Tới phương Nam, hai vợ chồng lao đầu vào gom hàng. Lần này chủ yếu nhắm vào đồ điện gia dụng nào là TV, đồng hồ, quạt điện, radio…
Xong khâu thu mua, họ ngồi xe sang tỉnh thành, bán sang tay toàn bộ, thu về một khoản lợi nhuận kếch xù rồi vòng lại tìm mua máy may.
Ở phương Bắc, một bộ máy may hiệu Yan có giá 150 đồng, nhưng ở đây chỉ với 115 đồng đã có thể mua được một bộ cùng thương hiệu. Lâm Thanh Hoà mua một lần 10 bộ cho nên cô tự tin ép giá xuống còn 110 đồng.
(*)Máy may nhãn hiệu Yan: Đó là một thương hiệu máy may vào những năm 1970. Khi đó, ở Bắc Kinh, ai đó có một chiếc máy may hiệu Yan là đã “thời thượng và sang trọng”. Trong một thời gian dài ở thế kỷ XX, máy may là một trong "Bốn vật dụng thiết yếu của cuộc sống gia đình", và máy may nhãn hiệu Yan vẫn được yêu thích cho đến cuối những năm 1980. Vào những năm 1990, những chiếc máy may thương hiệu Yan bắt đầu không được người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, chiếc máy may hiệu Beijing Yan, được sản xuất với nhãn hiệu con ong và máy may nhãn hiệu con bướm vào những năm 1960 và 1970, cũng mang ký ức của nhiều thế hệ và đã trở thành một bộ sưu tập của những người hâm mộ Bắc Kinh xưa.
Người bán hàng vốn rất cứng, lúc đầu cương quyết không bớt một xu nhưng cuối cùng vẫn phải chịu thua tài ăn nói của Lâm Thanh Hoà.
Chu Thanh Bách say mê đứng một bên yên ngắm nhìn cô vợ nhỏ hoạt bát thương lượng, khéo léo đưa đẩy mặc cả khiến đối phương không những chấp thuận mà còn chấp thuận trong vui vẻ nữa chứ.
Giao dịch xong, Lâm Thanh Hoà nép mình vào một góc khuất, thu hết 10 bộ máy may vào không gian.
Nhiệm vụ của chuyến đi đã hoàn thành, hơi sớm hơn dự kiến một chút, bây giờ mới giữa tháng 8 nhưng cũng không ảnh hưởng gì, chắc có lẽ ở nhà ông bà và cô út đã chuẩn bị xong cả rồi. Hai vợ chồng không chần chờ, mua vé xe về thẳng quê.
Trên đường đi, Lâm Thanh Hoà nói với chồng: “À, em giữ lại một cái TV và một cái quạt điện cho cha mẹ dùng, còn nhà Hiểu Mai thì thôi, em thấy mình không nên giúp quá nhiều.”
Không dưng mà người đời lại đúc kết ra câu “một chén gạo ân, một đấu gạo thù”. Đúng là Chu Hiểu Mai và cô có quan hệ mật thiết nhưng nếu không xử sử khéo léo thì rất dễ chuyển thân thành thù. Phàm ở đời, cái gì cũng vậy, đúng mực là tốt nhất, cố quá sẽ mất hay. Quan hệ giữa người với người cũng vậy, đôi bên đúng mực sẽ giữ được tình cảm lâu bền.
Chu Thanh Bách gật đầu đồng tình ngay: “Ừ.”
Anh cũng nghĩ như vậy, TV và quạt điện là nhà anh hiếu kính cha mẹ. Anh đâu có trách nhiệm phải lo cho em rể và em gái, nếu chúng nó muốn dùng thì tự kiếm tiền mà mua đi.
Vì còn phải về đón cha mẹ cho nên lần này đi buôn trong tâm thế vội vã, không được thong dong bình tĩnh như lần trước thế nên hai vợ chồng đều mệt đừ người. Nói chuyện một lát, cả hai đều nhắm mắt ngủ.
Được nghỉ ngơi một chút mà thấy cả người khoẻ hẳn ra, nhân tiện trong khoang chỉ có hai vợ chồng, Lâm Thanh Hoà liền lấy tiền ra kiểm kê. Chuyến này vừa có thu vào vừa có chi ra, 10 bộ máy may đã tốn bộn tiền cho nên lợi nhuận chỉ còn xấp xỉ hai vạn tệ.