Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 340: Xấu hổ
Thấy thím Từ đồng ý, Lâm Thanh Hoà yên tâm gật đầu: “Dạ, vậy một tháng cháu gửi thím 35 đồng, những người còn lại sẽ là 30 đồng. Tuy mức thù lao này không tính là cao nhưng cháu hy vọng mọi người sẽ ra sức làm việc, nếu ai làm tốt chắc chắn sẽ được tăng lương.”
Bà Từ vội nói: “Cái này cháu cứ yên tâm, 30 đồng mỗi tháng tuyệt đối không thấp.”
Vào thời điểm này, nhìn chung mức thu nhập của người dân cả nước không quá cao. Ngay như ở thủ đô Bắc Kinh, tình trạng phân hoá giàu nghèo cũng chưa quá mức rõ rệt. Lấy công tác của ông Mã làm ví dụ, trước khi xin nghỉ hưu non nhường lại vị trí cho Mã Thành Dân, lương tháng của ông cũng chỉ ở mức 40 đồng.
Vốn dĩ Lâm Thanh Hoà định trả lương thợ may cao hơn một chút nhưng lại lấn cấn phía bà Mã. Cùng là hàng xóm láng giềng, cùng đi làm công cho nhà cô mà người lương cao, người lương thấp thì e rằng không được hay cho lắm. Thế nên trước mắt cô quyết định tất cả cùng lãnh 30 đồng, sau này sẽ cùng tăng lên sau.
Từ giờ tới hôm khai trương còn hai ngày nữa, tha hồ dư dả thời gian cho bà Từ đi tìm người.
Ấn định công việc và ngày giờ xong xuôi, Lâm Thanh Hoà ra về, cô rẽ vào tiệm tạp hoá mua mấy cây kem rồi thẳng đường tới tiệm quần áo.
Lúc này cửa hàng không có khách, Lâm Thanh Hoà phát kem cho ba đứa nhỏ rồi bốn thím cháu ngồi xuống vừa ăn vừa tám chuyện.
Lâm Thanh Hoà hỏi Hứa Thắng Mỹ: “Dạo này có chịu đọc sách không đấy?”
Hứa Thắng Mỹ ngại ngùng đưa tay lên vén tóc rồi nói: “Mợ út, cháu…cháu đọc không hiểu..”
Lâm Thanh Hoà đành gật đầu… chứ biết nói gì bây giờ? Chị Hiểu Quyên không cho con gái đi học nên về cơ bản Hứa Thắng Mỹ gần như mù chữ. Ngay từ lúc mới lên đây, cô đã dặn nó đi theo Nhị Ni học, biết chữ rồi mới có thể học những cái khác, nhưng con bé này không ham học, nói thẳng ra là lười. Chính bản thân nó không tự giác thì không ai giúp nó được.
Lâm Thanh Hoà nói với Hổ Tử và Chu Nhị Ni: “Khai giảng năm nay, hai đứa bắt đầu đi học lớp tại chức ban đêm nha.”
Hổ Tử mờ mịt: “Cả cháu nữa hả? Không phải chỉ mỗi mình chị Nhị Ni thôi à?”
Lâm Thanh Hoà: “Cả hai đứa đều phải đi. Nhị Ni đăng ký học kế toán, cháu cũng chọn cái đó luôn đi.”
Nuôi 1 đứa đi học cũng là nuôi, nuôi 2 đứa cũng chẳng tốn thêm bao nhiêu, hà cớ gì vì tiết kiệm chút tiền mà bỏ lỡ cơ hội của bọn nhỏ.
Hổ Tử vò đầu bứt tai rối rắm nói: “Cháu không thông minh bằng chị Nhị Ni, chỉ sợ tới lớp nghe không hiểu.”
Lâm Thanh Hoà nhướng mày: “Có muốn tiếp tục phát triển lên không? Có muốn sinh sống tại Bắc Kinh không? Tự nghĩ lại xem một đứa chỉ mới học tới lớp 3 thì có bao nhiêu khả năng kiếm được tiền trên cái mảnh đất người khôn của khó này? Không cố gắng góp nhặt tri thức, nỗ lực vươn lên thì làm sao tranh giành cơ hội với những người khác được? Người ta thi nhau chạy về phía trước mà mình cứ mãi dậm chân tại chỗ thì sớm hay muộn cũng bị đào thải về quê thôi.”
Không phải cô cố ý hù doạ bọn nhỏ mà cô đang nói thật, sự thật được đúc rút từ chính những kinh nghiệm bản thân. Trong tương lai, miền đất hứa Bắc Kinh vô cùng đáng sợ và khắc nghiệt. Ở đó, thứ vô dụng nhất chính là nước mắt, muốn tồn tại chỉ có một cách duy nhất là cắn chặt răng phấn đấu, phấn đấu và phấn đấu hết mình.
Mặc dù hiện tại đang có ưu thế hơn người khác nhưng cô vẫn không ngừng nhắc nhở bản thân tiếp tục cố gắng, tiếp tục tiến bộ vì chỉ cần một phút lơ là, mất cảnh giác mình sẽ bị bỏ lại phía sau ngay.
Hổ Tử thở dài: “Vâng, vậy cháu sẽ đi thử xem thế nào.”
Lâm Thanh Hoà nghiêm khắc giáo huấn: “Cái tư tưởng này không được, phải chấn chỉnh lại ngay lập tức cho thím. Đã đi học là phải học cho nghiêm túc không được ấm a ấm ớ. Tiền học phí thím tài trợ toàn bộ, thế nên nhất định phải cố gắng học tới nơi tới chốn, biết chưa? Nghe thím đi, bỏ công bỏ sức ra mà học, sau này không hối hận đâu.”
Học xong khoá này, dù không trở thành kế toán viên thì cũng có được sự nhạy bén, linh hoạt và tính cẩn thận, những điều này đặc biệt có ích trong tương lai, vận dụng được vào mọi ngành nghề, thậm chí mọi khía cạnh của cuộc sống.
Hứa Thắng Mỹ nhấp môi rồi nói: “Mợ út, vậy cháu học cái gì thì tốt ạ?”
Lâm Thanh Hoà nâng mi mắt, hỏi ngược lại: “Chữ còn không biết thì học cái gì được?”
Tuy Hổ Tử và Nhi Nị chỉ cắp sách tới trường 3 năm rồi nghỉ nhưng trong khoảng thời gian này Lâm Thanh Hoà đã tăng cường phổ cập thêm cho chúng. Hiện giờ cả hai đứa nó đều nhận biết được khá nhiều mặt chữ, thế nên dù thiếu hụt một ít kiến thức cơ bản thì vẫn có khả năng tiếp thu bài giảng, ít nhất là không tới nỗi điếc như vịt nghe sấm. Có chỗ nào không hiểu, về nhà cô sẽ phụ đạo thêm, còn cái đứa cháu gái Hứa Thắng Mỹ này…một chữ bẻ đôi chẳng biết, lại không có chí cầu tiến thì cô cũng đến chịu!
Lâm Thanh Hoà nói thêm với nó một câu: “Nếu cháu muốn thì trước tiên phải theo chị Nhị Ni học chữ đi đã, khi nào biết đọc biết viết thím sẽ tìm lớp cho.”
Hứa Thắng Mỹ khe khẽ thở dài một tiếng, thật ra nó chẳng thích đi học, chỉ là thấy chị họ với em họ đều tiến bộ, mà nó thì không muốn mình bị thụt lùi nên mới đi theo thôi.
Đắn đo vài giây, nó đành miễn cưỡng gật đầu.
Lâm Thanh Hoà thu hết mọi biểu hiện vào trong mắt nhưng cũng không tiện nói nhiều. Quan điểm của cô rất rõ ràng đứa nào chịu học, cô nhất định sẽ ủng hộ tới cùng, còn đứa nào không muốn thì thôi vậy.
Vì trên cơ bản, cháu không giống như con. Nếu là con thì còn có thể lôi ra giáo huấn một bài thậm chí quất cho vài roi nhưng cháu thì không thể, cô chỉ động viên, khuyến khích chứ không có trách nhiệm và nghĩa vụ đi theo o ép, bắt nó làm này làm kia.
Còn một tuần nữa là chính thức khai giảng, sắp sửa được quay lại trường lớp mà lần này là trường ở Bắc Kinh chứ không phải trường làng như ngày xưa nữa, thế nên tâm trạng của cả Chu Nhị Ni và Hổ Tử đều hơi khẩn trương, kích động chờ mong pha chút bồn chồn, thấp thỏm.
Tối nào cũng vậy, ăn cơm xong một cái là hai đứa nó nghiêm túc lấy sách ra đọc, Nhị Ni chăm chỉ thì khỏi nói rồi, nhưng thằng nhóc Hổ Tử cũng rất nỗ lực, nó là con trai nên tay chân hiếu động, bắt ngồi một chỗ còn khó hơn lên trời, ấy thế mà nghe chừng đợt này nâng cao tinh thần, quyết tâm dữ lắm.
Còn con bé Hứa Thắng Mỹ thì chán hẳn, đã động viên hết lời cũng vâng dạ hứa hẹn đủ đường vậy mà chả chịu học gì, tối nào cũng chạy tót sang nhà bà ngoại xem TV.
Nó không còn bé bỏng, đã là người lớn, có suy nghĩ riêng và đây là sự lựa chọn của chính bản thân nó, người làm mợ như Lâm Thanh Hoà chẳng thể làm gì khác.
Trong thời gian này, xưởng may mặc của Lâm Thanh Hoà bắt đầu đi vào hoạt động. Tạm thời chuyện này vẫn nằm trong vòng bí mật, cả ông bà Chu cũng chưa được biết.
Xưởng trưởng là thím Từ, thím chịu trách nhiệm quản lý chính tất cả mọi việc trong xưởng, Lâm Thanh Hoà và Chu Thanh Bách chỉ phụ trách khâu nghiệm thu cuối cùng trước khi tung sản phẩm ra thị trường.
Bởi vì là xưởng nhà mình không cần phải dè chừng, Lâm Thanh Hoà trực tiếp mang những mẫu quần áo hot nhất phương Nam tới, để mười người thợ bắt chước may theo.
Hôm nay Chu Dương và Chu Ngũ Ni về quê, Lâm Thanh Hòa cho hai đứa nó một cái máy cassette và vài cuốn bằng ghi âm luyện nghe tiếng Anh.
Lâm Thanh Hoà dặn: “Về nhà nhớ chịu khó học tiếng Anh, mỗi buổi sáng dành một chút thời gian nghe rồi đọc theo, luyện dần dần sẽ quen.”
Vì năm nay Lâm Thanh Hoà không định về quê ăn tết mà tầm này sang năm Chu Dương và Chu Ngũ Ni sẽ bước vào kỳ thi đại học, vậy nên cô cho chúng nó toàn bộ tài liệu ôn thi, vở ghi chép của Chu Toàn để hai chị em tự về ôn tập.
Ngoài ra, cô còn chuẩn bị đồ ăn cho tụi nó mang theo dọc đường rồi đưa ra tận ga xe lửa.
Vài ngày sau khai giảng, lúc Lâm Thanh Hoà đang ngồi trong văn phòng trường thì nhận điện thoại của chị cả
Trong điện thoại, chị cả Chu nói: “Trời ơi, sao thím lại cho hai đứa nó món đồ quý giá đến nhường vậy…”
Lâm Thanh Hoà cười: “Có gì đâu chị cả, đồ đạc là để phục vụ con người mà. Chị bảo hai đứa nó chăm chỉ học tập, chờ sang năm thi xong đại học lại lên Bắc Kinh chơi.”
Phí điện thoại cao, cũng không tiện tâm sự nhiều, Lâm Thanh Hoà chỉ kể thêm một chút tình hình của ông bà Chu và cô út cho mọi người yên tâm rồi cúp máy.
Thím tư luôn nâng đỡ, bồi dưỡng bọn nhỏ cũng chính là thế hệ tiếp theo của Chu gia, chị cả và chị ba Chu tuy không nói ra lời nhưng trong lòng đều hiểu rõ và biết ơn vô cùng.
Duy chỉ có một người không vui đó là chị hai Chu. Từ khi thấy Chu Dương và Chu Ngũ Ni về còn cầm theo một cái đài cassette đẹp long lanh, chị ta ghen tị nổ mắt, cả ngày hằm hằm đá thúng đụng nia, càng nghĩ càng uất ức, cớ gì hai nhà kia có mà nhà chị lại không?
Buổi tối, anh hai Chu liền hỏi vợ: “Sao cả ngày cứ mặt sưng mày sỉa thế hả? Chị cả và thím ba có làm gì cô đâu mà cô cứ nặng nhẹ với người ta?”
Ba anh em sống trong cùng một nhà, đi ra đi vào đều chạm mặt nhau, vợ mình quá quắt ngang tàng, anh hai Chu xấu hổ vô cùng.