Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 344: Phát triển không ngừng
Lâm Thanh Hoà mỉm cười, tuy chỉ là một cuộc điện thoại ngắn ngủi, không thấy được mặt con, nhưng nghe được giọng nói là cô cũng cảm thấy an ủi lắm rồi.
Cô vội vàng chào bà giáo rồi xách túi ra chợ tìm mua mớ cá con về làm khô cá siêu cay. Đi qua hàng bán thịt, nhìn thấy thịt bò tươi ngon cô liền mua một ít để làm khô bò ngũ vị hương.
Ngoài ra cô còn mua cho nó giày và quần áo. Mặc dù biết nó chẳng mặc tới đâu vì trong trường bắt buộc phải mặc quân phục nhưng cô ngứa tay, vẫn phải sắm cho con hai bộ thì mới yên tâm.
Bận rộn luôn chân luôn tay suốt một tuần lễ mới chuẩn bị xong thức ăn và đồ dùng. Cô cẩn thận xếp sắp từng thứ một, đóng gói kỹ càng thành một kiện chắc chắn rồi mới mang ra bưu điện gửi cho con trai.
Chu Thanh Bách nhìn nhìn, thở dài một cái, rồi lại chắp tay sau đít đi ra chỗ khác.
Đi đi lại lại tới lần thứ N, Lâm Thanh Hoà khó hiểu, ngẩng đầu hỏi: “Anh có việc gì à?”
Chu Thanh Bách xụ mặt: “Sao trước đây em không làm những cái này cho anh.”
Lâm Thanh Hoà sửng sốt một giây rồi chợt vỡ lẽ…à, có người ghen với cả con trai mới mệt chứ, cô cố gắng không cười phá lên nhưng đuôi mắt cong cong, khoé miệng giật giật đã bán đứng cô.
Chu Thanh Bách quê xệ, giận dỗi quay mặt đi chỗ khác.
Lâm Thanh Hoà hít vào thở ra mấy lần điều chỉnh cảm xúc rồi làm bộ tự nhiên nói: “Ai da, đầu óc dạo này chán quá, làm xong rồi lại quên không nói với anh, em có để phần cho anh nhiều lắm. Buổi tối anh tìm chú Vương, cha hoặc Đại Lâm uống rượu đi, nhâm nhi với mấy cái đó là đúng bài.”
Chu Thanh Bách quay đầu nhìn vợ: “Phần riêng anh hả?”
Lâm Thanh Hoà gật như bổ củi: “tất nhiên rồi, không phần anh thì phần ai, những người khác còn lâu em mới làm cho ăn.”
Nghe được lời này, Chu Thanh Bách mới thoả lòng thoả dạ, vui vẻ nắm tay vợ về nhà.
Thời này phương tiện còn thô sơ, giao thông chưa thuận tiện nên dịch vụ vận chuyển thư tín và bưu phẩm vô cùng, vô cùng chậm.
Cũng may Lâm Thanh Hoà làm toàn đồ khô, lưu trữ được lâu nên không sợ ôi thiu, hư hỏng.
Tám ngày sau, kiện hàng đã đến được trường quân sự. Đúng lúc Chu Khải và hai người bạn học đi ăn cơm về, ghé qua cổng bảo vệ nên kí nhận luôn.
Hí hửng ôm về ký túc xá, vừa mở bọc ra đã thấy túi khô cá và khô bò làm hai cậu bạn học thèm nhỏ dãi, nuốt nước miếng ừng ực.
“Trời, mẹ cậu tâm lý thật đấy, gửi biết bao nhiêu là thức ăn ngon lại đây.”
“wow, lại còn hai bộ quần áo với hai đôi giày nữa này.”
“Er, khô bò ngũ vị hương à, ngon thế…”
“Khô cá này ngon tuyệt, cay xè lưỡi, quá đã…”
Chu Khải mặc kệ hai thằng bạn, nó lập tức cởi đồ thử hai bộ quần áo mới, đúng là mẹ chọn có khác, vừa in luôn, không ngắn không dài một phân.
Nếu lúc này Lâm Thanh Hoà đang đứng ở đây thì chắc cô sẽ kinh ngạc tới mức ngã ngửa mất. Mới có mấy tháng thôi mà Chu Khải đã khác lắm rồi, cả người nó đen cháy, khí chất cũng đổi khác hoàn toàn, nhanh nhẹn, nhạy bén, trong nó thấp thoáng hình bóng một con báo đen dũng mãnh.
Quần áo tạm thời không mặc được, Chu Khải chỉ mặc thử một lát rồi cởi ra, hai đôi giày cũng không dùng được nhưng đây là tâm ý của mẹ, nó trân trọng xếp gọn gàng vào trong ngăn tủ cá nhân.
Xong đâu đó, nó mới quay lại chỗ hai thằng bạn tham ăn.
Chu Khải giơ tay tịch thu hai bọc thực phẩm, ôm vào trong ngực, nhướng mày nói: “Khô cá và khô bò mẹ tao làm ăn ngon không?”
Hai thằng bạn sôi nổi reo lên: “Ngon, ngon cực kỳ.”
Chu Khải phì cười rồi thả hai bọc ra, ngồi xuống ăn chung với các bạn.
Chu Khải hỏi: “Không biết khi nào tụi mình được nghỉ nhỉ?”
Một cậu bạn lên tiếng: “Trước mắt là không có rồi đấy, nhưng cuối năm thể nào cũng có 10 ngày phép.”
Chu Khải trầm ngâm suy nghĩ, vậy là phải đợi tới tận Tết thật à?
Được thả vào quân đội, Chu Khải hăng hái nhiệt tình như cá gặp nước như rồng gặp mây, dù bài huấn luyện gian nan cỡ nào thì nó đều có thể hoàn thành một cách xuất sắc. Tuy nhiên sau những giờ phút đổ mồ hôi trên thao trường, buổi tối trước khi đi ngủ Chu Khải lại man mác nhớ nhà.
————
Ở Bắc Kinh, Lâm Thanh Hoà bắt đầu cho sản xuất thời trang mùa thu. Xưởng may của cô không lớn, chỉ có 10 máy may nên cô tiến hành chia làm hai ca để đảm bảo khai thác tối đa công suất.
Ca ngày làm việc từ sáng tới chiều, ca đêm gối đầu làm việc từ chiều tới nửa đêm.
Nhóm ca ngày vẫn do thím Từ phụ trách, còn nhóm ca đêm do con dâu cả của thím Từ, Lý Thuý Phượng đảm nhiệm. Theo yêu cầu tuyển chọn của Lâm Thanh Hoà, công nhân nhóm này phải là những người trẻ tuổi, khoẻ mạnh và không thể tìm được việc làm.
Chế độ lương thưởng như nhau nhưng nhân viên làm đêm sẽ được trợ cấp thêm một suất ăn khuya.
9 giờ hơn, sau khi quán ăn nghỉ bán, Chu Thanh Bách sẽ giao 10 suất sủi cảo tới xưởng may.
Xưởng tuy nhỏ, máy may ít nhưng hiệu suất cực kỳ cao. Về mẫu thiết kế, Lâm Thanh Hoà đã chuẩn bị đầy đủ, công nhân chỉ cần chia nhau tiến hành các khâu cắt may, vì họ đều là những thợ lành nghề cho nên các công đoạn diễn ra rất trôi chảy.
Thời buổi khó khăn, vất vả lắm mới kiếm được việc làm, những người công nhân ở đấy rất quý trọng cơ hội này cho nên ai cũng toàn tâm toàn ý ra sức làm việc. Ngay cả thím Từ cũng xếp gọn việc vặt trong nhà lại, hăng say tập trung sản xuất.
Đi làm thì nhất định phải bận bịu, nhưng đãi ngộ ở chỗ này tốt hơn những chỗ khác gấp vạn lần. Bà chủ Lâm Thanh Hoà không hề keo kiệt, mùa hè nóng bức, thỉnh thoảng cô sẽ mua dưa hấu thiết đãi mọi người, lâu lâu lại nhờ chồng nấu một nồi chè đậu xanh rồi kêu Chu Quy Lai chở tới xưởng cho mọi người uống giải nhiệt.
Hoặc ngẫu nhiên tới thăm xưởng sẽ xách theo vài bọc kẹo, phát cho mỗi người vài cái nhằm khích lệ tinh thần.
Ông bà chủ thái độ cởi mở, thân thiết, lại tâm lý thế nên mọi người làm việc rất vui vẻ và thoải mái.
Hơn nữa, điều kiện lao động ở đây rất tốt, không gian rộng rãi thoáng đãng, cả một nhà kho lớn chỉ xếp 10 bộ máy may, còn lại là kệ vải và sào treo quần áo. Đồng nghiệp thì toàn là người quen cũ, nhân phẩm đều tốt nên không khí làm việc rất hoà đồng, vừa đạp máy vừa tám chuyện sôi nổi, tan tầm lại rủ nhau đi chợ rồi về nhà cơm nước cho chồng con, trên cơ bản không tồn tại ba cái chuyện ganh ghét, đố kỵ hay hãm hại lẫn nhau.
Tiền lương được lãnh vào cuối tháng. Bà chủ Lâm Thanh Hoà cực kỳ có uy tín, đúng ngày đúng giờ sẽ cầm một cọc tiền xuất hiện phát lương cho từng người.
Hôm nay, Lâm Thanh Hoà tới thăm xưởng, còn xách theo một túi lưới cà chua chia cho mỗi người hai, ba trái ăn cho vui. Được cái cà chua mọng nước, tươi ngon lại mát miệng cho nên ai cũng thích.
Lâm Thanh Hoà cười động viên: “Chúng ta cùng nhau cố gắng nỗ lực, sang năm tôi sẽ tăng lương cho mọi người.”
Thím Từ cười: “Trời, mới làm mà, tăng gì mà tăng…”
Từ ngày có công tác, thím Từ cũng giống như thím Mã bên kia, cả người trẻ khoẻ nhanh nhẹn hẳn ra, lúc nào tinh thần cũng phơi phới gió xuân.
Lâm Thanh Hoà: “Tôi rất hài lòng với thái độ làm việc của mọi người, cho nên quyết định tăng lương để khen thưởng.”
Cô cũng trực tiếp đưa ra lời hứa hẹn bắt đầu từ sang năm lương sẽ được tăng lên 40 đồng mỗi tháng.
1 lần nói tăng là tăng tận 10 đồng, hào sảng quá. Tất cả mọi người trong xưởng đều hớn hở ra mặt.
Tin tức rất nhanh đã lan truyền khắp tiểu khu, hàng xóm láng giềng không ai không biết cô giáo Lâm mở xưởng, dưới trướng có 20 công nhân.
Nghe tin, Trương thị, cô con dâu nhà cực phẩm cách vách, chạy sang gõ cửa, mặt dày mày dạn tự đề cử bản thân.
Lâm Thanh Hoà trực tiếp từ chối, nói thẳng là mọi việc ở xưởng đều giao hết cho thím Từ quản lý, hơn nữa số lượng công nhân đã tuyển đủ.
Ai chứ người nhà Trương gia thì đừng mong Lâm Thanh Hoà khách khí, ngay cả mấy lời khách sáo kiểu như “sau này thiếu người sẽ gọi sau” cô cũng chẳng thèm nói.
Xì, người nhớ thương chồng, người nhớ thương con trai nhà cô, còn bắt cô nể mặt? Mơ đi!
Còn cái cô Trương Mỹ Hà đã nổi nay lại càng thêm nổi, khắp khu này đều đã biết cô ta hành nghề buôn hương bán phấn.
Kể từ đó, thỉnh thoảng trong tiểu khu lại có cặp vợ chồng cãi nhau ầm ĩ vì cô vợ phát hiện anh chồng lấy trộm tiền sang chỗ Trương Mỹ Hà chơi gái.