Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 349: Chuyện người lớn
Chu Hiểu Mai rất hào hứng vơi cương vị mới - bà chủ sạp quần áo vỉa hè.
Thật ra Hiểu Mai là người khá dễ thoả mãn, không phải ngày nào bày hàng ra cũng bán được hết, ngày vài bộ thậm chí có hôm chỉ bán được một bộ nhưng chẳng sao cả, kiếm từng hào từng hào cũng đủ khiến cô ấy hí hửng như một đứa trẻ được cho kẹo.
Hổ Tử và Nhị Ni đã tham gia lớp học bổ túc ban đêm được một thời gian. Hôm nào cũng vậy, ăn xong bữa tối, chưa kịp nghỉ ngơi là hai chị em lại rủ nhau cắp sách tới trường.
So ra thì Hứa Thắng Mỹ nhàn hạ hơn nhiều, mỗi ngày đều đủng đỉnh sang nhà ông bà ngoại xem TV.
Hứa Thắng Mỹ lân la bắt chuyện: “Bà ngoại, cô út đi bày sạp vỉa hè không biết kiếm được bao nhiêu ha?”
“Tầm trên dưới một đồng.” Cái này bà Chu không nắm rõ, con gái về nói thế nào thì bà biết thế nấy.
Phải công nhận vợ thằng tư chiếu cố cô em chồng thật đấy, tạo mọi điều kiện cho con em kiếm tiền. Làm thêm buổi tối mà cũng kiếm được 30 đồng, tính ra bằng lương công nhân rồi còn gì nữa.
Hứa Thắng Mỹ mềm giọng nói: “Bà ngoại, thằng em cháu không lên đây được à? Không làm được ở cửa hàng thì cứ để nó bày sạp giống dì út cũng tốt mà.”
Bà Chu liền nói: “Tốt thì tốt nhưng việc này mày đừng nói với bà, đi mà nói với mợ mày ấy. À đúng rồi, Nhị Ni với Hổ Tử đều đi học lớp bổ túc, sao cháu không đi?”
Hứa Thắng Mỹ nhấp môi: “Cháu không biết chữ.”
Bà Chu: “Không biết thì đi hỏi Nhị Ni, bảo nó dạy cho. Mợ út bận rộn nhiều việc không có thời gian thì cháu đi theo Nhị Ni, Hổ Tử mà học. Nghe lời mợ út chịu khó học tập chắc chắn không sai đâu.”
Ông Chu ngồi kế bên gật gù tán đồng: “Đúng, học càng nhiều càng tốt.”
Hôm nọ được ông Vương dắt đi tham quan trường đại học Bắc Kinh, hai ông bà bước đi mà lâng lâng ngỡ như đang bay. Thì cả đời quanh quẩn với ruộng đồng, lần đầu tiên bước vào thế giới tri thức, lại còn là trường đại học hàng đầu cả nước nữa chứ, cái gì cũng lạ lẫm và mới mẻ, hai ông bà quê chỉ đi dạo một vòng trường mà cũng cảm thấy tầm mắt rộng mở hẳn ra.
Nguyên văn lời ông Vương chính là: “Tri thức sẽ thay đổi vận mệnh. Xã hội muốn phát triển, con người muốn tiến bộ thì phải ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ bản thân. Của cải có thể mất đi nhưng kiến thức thì sẽ theo ta mãi mãi.”
Vì mới chỉ học qua mấy lớp xoá mù chữ nên dĩ nhiên ông bà Chu không hiểu hết thâm ý trong câu nói này. Nhưng có một cái ông bà hiểu và vẫn ghi nhớ cho tới tận giờ đó là “kiến thức sẽ theo ta mãi mãi”. Đúng vậy, làm cái khác thì còn sợ tiếc công chứ đọc sách chắc chắn không lỗ đi đâu tí nào.
Thế nên khi biết vợ thằng tư đăng ký cho hai đứa cháu đi học khoá bổ túc, ông bà mừng lắm, thật sự mừng vô cùng.
Hứa Thắng Mỹ liền nói: “Cháu cũng muốn lắm chứ nhưng tại mẹ cháu không cho. Ít nhiều gì trước đây Hổ Tử và chị Nhị Ni cũng đã được tới trường. Cháu chưa được đi ngày nào…có biết gì đâu mà học…”
Bà Chu liền nói: “Từ từ học rồi sẽ biết thôi. Như mợ út đấy, trước đây chỉ học qua lớp xoá mù chữ ấy vậy mà bây giờ lợi hại chưa, được đi dạy hẳn trong trường đại học Bắc Kinh.”
Hôm đó ông Vương còn dẫn hai ông bà tới phòng học xem vợ thẳng tư giảng bài. Bà đứng ngoài cửa nhìn thấy rõ một một, con dâu bà đứng trên bục giảng nói tiếng nước ngoài rất hay, phong thái tự tin đĩnh đạc mười phần. Đời này, chưa có phút giây nào bà cảm thấy tự hào đến thế.
“Bà ngoại, bà đánh giá cháu quá cao rồi. Người như mợ út làm gì có mấy ai so được, huống chi là cháu…” Đúng là Hứa Thắng Mỹ hơi sợ mợ út nhưng không thể phủ nhận một điều mợ ấy là người phụ nữ bản lĩnh nhất trong số những người nó đã từng gặp.
Vừa làm chủ mấy tiệm quần áo, vừa mở xưởng may mặc, dưới trướng có mấy chục công nhân, rồi còn là giáo viên đại học, thử hỏi trên đời này bao người có khả năng cùng lúc làm được nhiều việc như thế?
Bà Chu cười tươi rói: “Cậu út mày là người có phúc khí.”
Chả đúng à, rước được người vợ giỏi giang về nhà, có nằm duỗi mà ăn cũng không lo chết đói.
Hứa Thắng Mỹ nào muốn nói tới cái đó, ý của nó là muốn nhờ bà tác động để lôi kéo thằng em trai lên đây, cả mấy đứa em gái nữa, nó đều muốn đón hết lên. Cuộc sống trên Bắc Kinh quá tốt, tốt hơn dưới quê ngàn vạn lần, nó cũng muốn các em được ăn sung mặc sướng. Hơn nữa, mẹ nó cũng biết may quần áo, thừa sức hỗ trợ công việc trong xưởng giúp mợ út.
Tuy nhiên những lời này nó chỉ có thể nghẹn ở trong lòng, nào dám nói ra.
Chưa đến 9 giờ, Chu Hiểu Mai và Tô Đại Lâm đã trở về.
Bà Chu liền hỏi: “Thời tiết càng ngày càng lạnh, liệu có ảnh hưởng tới việc buôn bán không?”
“Chị tư bảo sắp tới sẽ có một lô áo bông nam giới, tới lúc đó chắc chắn sẽ bán đắt như tôm tươi.” Sự nghiệp riêng thuận lợi phát triển, Chu Hiểu Mai càng làm càng hăng.
Quả nhiên lựa chọn bám càng chị tư không sai tẹo nào. Đêm nay cô bán được khá nhiều, đút túi hơn một đồng lận.
Chu Hiểu Mai quay sang nói với chồng: “Đại Lâm, tối mai em định nghỉ bán, hai đứa mình đưa cha mẹ tới nhà tắm công cộng đi.”
“Ừ, đi.” Tô Đại Lâm cười đồng ý.
Hứa Thắng Mỹ liền nói: “Dì út, ngày mai cho cháu đi với.”
Chu Hiểu Mai đáp: “Ừ được. Thế mai cháu sang đây ăn tối đi. Tầm 6 giờ hơn chúng ta xuất phát, tiện đường rẽ qua hỏi xem chị tư có muốn đi chung luôn không.”
Hứa Thắng Mỹ gật gật đầu.
Dạo này Hứa Thắng Mỹ rất hay chạy sang nhà bà ngoại ngủ, vì bên đây rộng rãi, nó còn được độc chiếm cả một cái thư phòng.
Như thế có nghĩa là tiệm sủi cảo bên kia chỉ còn một mình Nhị Ni. Tuy nhiên con bé chẳng ngại, cũng chẳng sợ, khoá cửa chắc chắn thì có gì phải sợ?
Nói ra thì hơi ngại miệng chứ ngủ một mình, Chu Nhị Ni cảm thấy yên giấc hơn nhiều. Hứa Thắng Mỹ bị nấm chân, đã thế lại chẳng chịu vệ sinh, rửa ráy thường xuyên, hơn nữa nó có cái tật nói mớ, ban đêm rất hay ú a ú ớ, thậm chí có hôm còn la hét ầm ĩ, hồi đầu chưa quen bao phen Nhị Ni bị doạ sợ hết hồn.
Chỉ trong vòng vỏn vẹn ba ngày, cửa hàng quần áo nam đã hoàn tất công đoạn sửa sang và trang trí. Tuy trên hợp đồng ký rất rõ ràng, thời hạn sản xuất lô hàng đầu tiên là nửa tháng nhưng Vương Nguyên vẫn linh động giao trước cho Lâm Thanh Hoà một ít để kịp ngày khai trương.
Tất nhiên quần áo nam không bán chạy bằng quần áo nữ, ngày đầu tiên khai trương bán được 13 cái áo khoác, ngày hôm sau tăng hơn một chút, thành công bán ra 20 cái.
Để mà mong một cú nổ lớn như đợt khai trương tiệm trang phục nữ là một điều không thể. Nhưng chậm một chút cũng không sao, chỉ cần bán được hàng là không sợ lỗ vốn, doanh số cứ đều đều như này là được rồi.
Cứ như thế tiệm trang phục nam của Lâm Thanh Hoà từng bước xâm nhập vào thị trường.
Buổi tối, Chu Hiểu Mai cũng bắt đầu bày áo bông ra vỉa hè, khách mua một cái, cô bỏ túi 5 hào.
Cứ bán như thế cho tới nửa cuối tháng 11, tuyết bắt đầu rơi, không thể tiếp tục bày sạp vỉa hè được nữa. Nhờ vậy, Chu Hiểu Mai mới thực sự nhận ra có một cái cửa hàng tốt đến cỡ nào. Mưa không tới mặt nắng chẳng tới đầu, càng không cần phải thấp thỏm lo âu tuyết rơi dày hay mỏng. Tất nhiên giá rét sẽ khiến buôn bán bị chậm hơn nhưng chung quy lại vẫn có thể mở cửa kiếm đồng ra đồng vào.
Lâu lắm rồi Lâm Thanh Hoà mới được buổi tan trường sớm, cô liền tới tiệm sủi cảo rủ anh chồng: “Hai đứa mình đi tắm đi?”
Chu Thanh Bách kín đáo bắt được cái cười thâm ý của cô vợ nhỏ, khoé miệng anh cong cong, đáy mắt đong đầy tình ý, anh nói: “Đợi thằng hai tan học rồi mình đi.”
Chu Toàn vừa tới, Chu Thanh Bách không ngần ngại giao cửa hàng lại cho con trai còn tiện thể ném lại một câu tối mấy anh em tự ăn, ba mẹ không về.
Sau đó hai vợ chồng sóng đôi về nhà lấy quần áo đi tắm rửa, rồi rẽ vào tiệm vịt quay ăn tối.
Lâm Thanh Hoà chớp mắt nhìn chồng: “No bụng rồi về nhà thôi.”
Chu Thanh Bách gật đầu, tính tiền, rồi dắt tay vợ về nhà.
Đêm nay, căn phòng nhỏ của hai vợ chồng đóng cửa tắt đèn từ rất sớm.
*Lìa cõi Mộng, dong thuyền qua bến Tục,
Đoái hoài chi băng tuyết sẽ vùi chôn
Em khao khát dìu Anh tìm hạnh phúc,
Ở men nồng chăn ấm tựa tân hôn*
……….
Hơn 10 giờ, Chu Toàn, Chu Quy Lai và Hổ Tử đang ngồi xem TV thì thấy cha mở cửa đi ra, pha một ly mật ong đem về phòng rồi lại đóng chặt cửa.
Ba thằng nhóc chẳng hiểu gì, ngơ ngơ ngác ngác quay ra nhìn nhau…
Khụ, chuyện người lớn, con nít con nôi hiểu cái gì….