Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 365: Chuyện họ hàng
(*) Xuân Vãn: Vào tối ngày 30 Tết âm lịch hàng năm, giống như Việt Nam, các đài truyền hình lớn ở Trung Quốc đều tổ chức chương trình mừng xuân, được đầu tư kỹ lưỡng, công phu. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất và được yêu thích nhất phải kể tới Gala mừng xuân của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), được gọi tắt là Xuân Vãn. Đây là một chương trình có lịch sử lâu đời, được lên ý tưởng từ năm 1979 và bắt đầu phát sóng từ năm 1983 cho tới nay.
====
Đây là bữa cơm tất niên đầu tiên của nhà Lâm Thanh Hoà tại thủ đô Bắc Kinh.
Trên TV đang chiếu phim truyền hình, lúc này vẫn chưa có chương trình Xuân Vãn, hình như từ năm 83 trở ra mới có, giờ mới là năm 81 thôi.
Nhưng mà không có cũng chẳng hề hấn gì, đất nước hoà bình thống nhất, người dân an yên sinh hoạt là đủ vui mừng rồi. Ngay lúc này đây, trước giờ khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, dù có chuyện gì đi chẳng nữa thì mọi người cũng sẽ gạt hết âu lo, gác lại oán thù mà tâm bình khí hoà ngồi xuống chung vui với nhau bên mâm cơm cuối năm.
Đấy, người ta còn như vậy huống hồ Lâm Thanh Hoà và Chu Hiểu Mai thân thiết như chị em, vì thế cho nên ngay lúc này đây, tại Chu gia, không khí đêm giao thừa đang diễn ra vô cùng sôi động.
Thành phần tham dự gồm có ông bà Chu, cả gia đình con trai Chu Thanh Bách, cả gia đình con gái Chu Hiểu Mai, cháu gái Chu Nhị Ni và đặc biệt có sự hiện diện của ông Vương. Ban nãy, đích thân ông Chu đã tới tận trường đại học Bắc Kinh đón ông Vương sang đây, bữa cơm đoàn viên mà, làm sao vắng mặt ông Vương được.
Cả một bàn tiệc lớn đầy tràn thức ăn, đủ món phong phú và ngon mắt được bày biện trông rất hấp dẫn, món mặn món chay được kết hợp khéo léo, các món thịt được chế biến khá cầu kỳ và đa dạng, nào kho, xào, chiên, hầm…nói chung là đủ cả, không thiếu món gì. Ngoài ra, trên bàn ăn lần đầu tiên xuất hiện nước ngọt có ga. Hiện tại, hai nhãn hiệu Soda Đại bạch lê và Asia soda đang làm mưa làm gió trên khắp thị trường cả nước và đương nhiên giá thành không hề rẻ nếu không muốn nói là rất mắc, thậm chí còn được liệt vào danh mục hàng xa xỉ. Và tất nhiên, loại thức uống đắt đỏ này là do vợ chồng Lâm Thanh Hoà tài trợ.
Trên bàn cơm, ông Vương, ông Chu, Chu Thanh Bách và Tô Đại Lâm nhâm nhị vài ly rượu bàn việc quốc gia đại sự, còn phụ nữ và trẻ nhỏ thì vừa ăn vừa nói chuyện trong nhà.
Chu hiểu Mai hỏi: “À, Nhị Ni, hôm nay cháu gọi điện thoại về nhà hả, mẹ cháu có kể chuyện gì không?”
Tất nhiên ở quê vẫn chưa có điện thoại, Chu Nhị Ni phải gọi về số máy bàn nhà ông bí thư chi bộ rồi nhờ người ta gọi mẹ sang nhận điện.
Chu Nhi Ni cười rạng rỡ: “Tất cả mọi việc đều tốt ạ, mẹ cháu gửi lời chúc mừng năm mới ông bà nội.”
Lâm Thanh Hoà cười: “Năm nay tình hình thu hoạch hoa màu thế nào, có được mùa không?”
Chu Nhi Ni gật đầu: “Dạ có ạ, cháu nghe mẹ cháu nói sản lượng thu hoạch của nhà rất tốt, những hộ khác trong thôn cũng đều được mùa cả.”
Bà Chu lên tiếng: “Bây giờ là ruộng nhà mình rồi, thực làm thực ăn, ai mà chẳng cố gắng ra sức, chứ vẫn giữ cái thói lười biếng trốn việc như trước kia thì chỉ có mà đói nhăn răng.”
Đúng là bà Chu có vài tật xấu nho nhỏ nhưng tuyệt đối không bao gồm cái tật lười biếng. Hồi còn làm nông ở quê, bà rất đề cao ý thức chung vì đại đội, vì tập thể, luôn luôn chăm chỉ cần cù lao động. Thế nên bà cực kỳ chướng mắt mấy kẻ lúc ăn thì cầm đèn đi trước, lúc làm thì vác cuốc đi sau. Giờ tốt rồi, khoán ruộng cho từng hộ, nhà nào làm riêng nhà nấy, sau khi giao đủ thuế cho quốc gia, phần dư lại nhà mình hưởng trọn. Thế nên không còn cái kiểu ăn đồng chia đủ như xưa nữa. Ai làm nhiều thì ăn nhiều, làm ít ăn ít, không làm thì nhịn, vậy thôi!
Bà Chu cảm thấy chính sách mới của quốc gia rất tốt, cực kỳ cực kỳ tốt!
Bất chợt bà Chu buông lời cảm thán: “Không biết nhà thằng ba bây giờ thế nào nhỉ, đã ổn định chưa đây!”
Chu Hiểu Mai tiếp lời: “Anh ba lên huyện thành buôn bán chắc chắn không thể kém được.”
Cái này không phải võ đoán mà là cô chắc chắn, vì cả anh ba và chị ba đều là những người chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Chỉ cần ra sức nỗ nực buôn bán, không ngại khó ngại khổ, nhất định sẽ kiếm ra tiền.
Bà Chu nói thêm: “Hiện giờ nó vẫn đang ở nhà con, làm sao mà kiếm đủ tiền tự mua được căn nhà thì mẹ mới yên tâm.”
Dù sao đó cũng là nhà con rể, đành rằng vợ chồng Hiểu Mai không quay về thì thằng ba cũng chỉ ở tạm một thời gian ngắn thôi, chứ ở đó mãi coi sao được.
Chu Hiểu Mai nào có để ý vấn đề này, cô nhún vai nói: “Cái này không vội, cứ để anh ba ở đó đi, trước mắt chúng con chưa có thời gian rảnh về thăm nhà.”
Trước khi chuyển lên Bắc Kinh, cô đã gửi chìa khoá nhà cho cậu ba Lâm, anh ba dọn lên chỉ việc qua đó lấy chìa khoá là được, còn lại anh ấy muốn ở bao lâu thì tuỳ chứ nhà để không cũng vậy.
Về vấn đề này, Lâm Thanh Hoà không tiện tham gia, cô chỉ yên lặng ngồi một bên ăn uống.
Chu Hiểu Mai nháy mắt hỏi chuyện bát quái: “Mẹ, sao mẹ chỉ hỏi nhà anh ba mà không nhắc gì tới nhà anh hai thế?”
Không nhắc tới thì thôi, hễ nhắc tới nhà thằng hai là bà Chu phiền lòng, bà cả giận nói: “Hỏi đến nhà nó làm gì, chị dâu hai của cô thì giỏi rồi, việc gì cũng đòi làm chủ, hừ, tôi quan tâm chỉ tổ nặng đầu.”
Kỳ thật bà không ngại vấn đề con dâu làm chủ gia đình, ví như vợ thằng tư, trước giờ mọi chuyện lớn bé trong nhà đều do nó định đoạt hết nhưng muốn làm được như thế thì phải là một người có bản lĩnh.
Đằng này năng lực kém, bản lĩnh yếu mà cứ đòi lấn lướt, cuối cùng được việc thì ít hỏng việc thì nhiều, làm xào xáo hết cả nhà.
Đều lớn hết cả rồi, đứa nào cũng cứng đầu cứng cổ, chê bà già này lải nhải lắm điều nên bà đành làm thinh cho gia trạch bình yên.
Đặc biệt từ sau cái dạo con nhỏ Lục Ni tự ý chạy lên Bắc Kinh, mỗi lần vợ thằng hai chạm mặt bà là nó chỉ chào đúng một tiếng “mẹ” rồi lạnh te đi ra chỗ khác.
Nhưng quay đi một cái là nó rêu rao khắp đầu làng cuối xóm rằng bà bất công, hừ, đừng tưởng bà không biết!
Chu Nhị Ni lại cười nói tiếp: “Mẹ cháu còn bảo năm tới tranh thủ lúc nông nhàn sẽ cất một căn nhà ngói.”
Nghe vậy, Lâm Thanh Hoà gật đầu tán đồng ngay: “Cái này nên làm.”
Chứ cứ ở cùng một mái hiên với bà chị hai thì thể nào cũng có ngày tức hộc máu, bà đó rất phiền hà và hay kiếm cớ gây sự. Có lần chị ba Chu từng tâm sự thế này, sống chung mệt mỏi lắm, nhịn còn hơn nhịn cơm sống, rõ ràng đã phân gia ra rồi thế nhưng bà chị hai rất thích rình mò nhà người khác, có đồ gì ngon là phải chia cho chị ta một ít chứ nếu không thì chắc chắn phải nghe đầy hai lỗ tai mấy lời cạnh khoé, nói bóng nói gió tỉ như “nhà tôi nghèo, không so được với nhà mấy người, không ăn nổi bánh bao bột mì tinh với sủi cảo thịt heo…”. Đấy, cứ cái điệu như thế thì nhịn được ngày một ngày hai chứ sao nhịn được suốt đời.
Lâm Thanh Hoà cũng phỏng đoán sở dĩ anh ba Chu có dũng khí đi vào thành cũng một phần vì lý do này, tiếp tục ở chung một nhà chẳng sớm thì muộn cũng xô xát, cãi vã, thậm chí anh em còn khó nhìn mặt nhau ấy chứ.
Chu Hiểu Mai cũng gật đầu: “Ừ, anh chị cả là người chăm chỉ chịu khó, giờ hàng tháng còn có thêm một khoản tiền lương của cháu nữa, cất căn nhà cũng không phải chuyện quá sức.”
Bà Chu chép miệng: “Nhưng xây hẳn một căn mới, cũng tốn khối tiền chứ tưởng…”
Lâm Thanh Hoà lên tiếng giải thích: “Bắt đầu từ sang năm con sẽ tăng tiền lương cho Nhị Ni lên 40 đồng. Con bé tiết kiệm lắm, trừ bỏ giữ lại vài đồng mua đồ dùng học tập ra thì toàn bộ số còn lại nó đều gửi hết về quê, với lại anh chị cả vẫn còn sức lao động cho nên mẹ cứ yên tâm, không vấn đề gì đâu.”
Anh chị cả làm lụng bao năm ít nhiều trong tay cũng có một khoản tiền tiết kiệm, hơn nữa còn có lương của Chu Nhị Ni, mặc dù phải nuôi Chu Dương ăn học nhưng áp lực cũng không quá lớn, tính ra thì sang năm nó thi đại học rồi, tới lúc ấy sinh viên đi học sẽ có trợ cấp, cha mẹ không tới nỗi quá nặng gánh.
Chu Hiểu Mai tò mò hỏi: “Không biết xây nhà tốn khoảng bao nhiêu nhỉ?”
Bà Chu liền nói: “Nhà ngói thì chắc tầm bảy tới tám trăm.”
Đây là bà đang nói tới nhà tầm trung chứ nếu nhà lớn thì có khi cả ngàn đồng còn chưa đủ.
Lâm Thanh Hòa nói: “Tới lúc khởi công thiếu hụt thế nào thì anh chị cả cứ lên tiêng, nếu được nhà con sẽ cho mượn một ít ứng phó tình huống khẩn cấp.”
Bà Chu nói ngay: “Cái này thì thôi, nhà con cứ để tiền đó còn nhiều việc cần dùng đến, đã phân gia rồi nhà nào tự lo liệu nhà nấy đi, cho người này rồi còn những người khác nữa, ai cũng mượn thì tiền đâu cho đủ.”
Lâm Thanh Hoà cười: “Anh chị ba vào thành kinh doanh, sau này chúng con có muốn cho vay anh chị ấy cũng chả cần ấy chứ.”
Bà Chu cười hiền từ: “Thì mượn rồi còn gì, nếu lúc trước không nhờ tiền các con để lại ở chỗ thằng cả thì thằng ba làm gì vào được thành mua cửa hàng mở tiệm làm ăn.”
Đối với đứa con dâu tư này, nhìn dọc nhìn xuôi bà đều thấy vừa lòng, cực kỳ vừa lòng.
Lâm Thanh Hoà không nói gì, chỉ cười cười.
Nói một hồi, câu chuyện chuyển sang chủ đề cậu ba Lâm.
Bà Chu có ấn tượng rất tốt với cậu ba Lâm: “Mẹ thấy cậu út Đại Oa về sau chắc chắn sẽ rất khá đấy. Người gì đâu mà tốt tính, lúc nào cũng ôn hoà vui vẻ, bà con trong thôn ngoài thôn, ai ai cũng thích giao dịch với cậu ấy.”
Em trai được khen, tất nhiên Lâm Thanh Hòa rất lấy làm vui. Cậu em cô kỳ thực chính là mẫu người dĩ hoà vi quý, đối với ai cũng cười, chả ghét bỏ ai bao giờ, cũng chẳng muốn tranh chấp đấu đá với ai, nhường được là sẵn sàng nhường nhịn.
Cũng bởi vì tính tình nó quá hiền lành, phúc hậu nên cô mới càng thương quý em trai.
Chỉ là tới giờ nó vẫn dựa vào sức mình để thồ hàng, chắc phải khẩn trương mua cho nó cái xe máy mới được…