Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 368: Cửa hàng thứ 4
Chị cả Chu hiểu rất rõ tính tình người em dâu này, phải nói là trong mắt không chứa nổi một hạt bụi.
Đấy, mới đây thôi, con bé Chu Lục Ni bỏ ngoài tai mọi lời phản đối, tự ý chạy lên Bắc Kinh. Kết quả là một đêm cũng không được ở lại, bị tống cổ về ngay trong ngày.
Vì thế hôm đầu năm chị Hiểu Quyên sang đây chúc Tết, tiện thể khoe sắp tới sẽ cho Hứa Thắng Cường theo chị gái lên Bắc Kinh làm việc, quả thực chị cả Chu không tán đồng một tí nào.
Sao mọi người cứ nghĩ chuyện này đơn giản thế nhỉ? Thêm một người đồng nghĩa với thêm một miệng ăn, tiếp nhận một thanh niên choai choai mới lớn lên đó, chú thím ấy vừa phải tốn tiền nuôi vừa phải tốn công trông nom, đấy là chưa kể tới việc phải trả một khoản lương hàng tháng nữa. Trên đó chú thím chưa nói cần người thì ở nhà nào ai dám tự ý đứng ra gật đầu làm chủ?
Đáng lẽ chị cả Chu chẳng thèm nhiều chuyện đâu, cứ để Thắng Mỹ dắt em nó lên đó, nếu không thiếu người tự khắc sẽ phải quay về. Nhưng vì nể một phần giao tình giữa mình và người chị chồng, thế nên nhân tiện con gái gọi điện về, chị liền nói ra.
Vừa rồi qua điện thoại, thím tư đã nói rất rõ ràng trong nhà không thiếu người, kể cả Hứa Thắng Mỹ nếu không muốn cũng không cần lên nữa. Nghe thái độ có vẻ thím ấy rất bực bội, vậy nên vừa gác điện thoại là chị chạy đi tìm chồng ngay.
Gặp chồng, chị cả Chu không nhịn được liền buông lời tức giận: “Anh sang đó bảo chị Hiểu Quyên bớt tư tâm lại đi. Chị ấy còn lạ gì tính tình Thanh Hoà, thế mà dám chơi cái trò đặt thím ấy vào thế đã rồi, vậy mà kêu quan hệ tốt, quán hệ tốt mà tính toán người ta thế à?!”
Tài thật đấy, biết trước chuyện này không khả thi mà còn cố tình làm cho bằng được.
Thực ra nếu nói Lâm Thanh Hoà có quan hệ tốt với Chu Hiểu Quyên là không đúng. Tại Chu gia, cô chỉ thân thiết với mỗi Chu Hiểu Mai thôi, còn lại tất cả những người khác cô đều đối xử ngang nhau.
Nghe vợ nói xong, anh cả Chu không chần chừ, lập tức đi sang nhà chị lớn chuyển lời.
Chu Hiểu Quyên nhận lời: “Được, nếu mợ ấy không cho thì Thắng Cường sẽ không đi, ra giêng Thắng Mỹ sẽ lại lên làm."
Anh cả Chu là người phúc hậu thiện lương, vì không muốn gây mất hoà khí gia đình cho nên đã chủ động lược bỏ câu cuối cùng, coi như thím tư không hề gửi lời gì tới Hứa Thắng Mỹ.
Anh cả Chu vừa ra khỏi cổng, không khí nhà họ Hứa lập tức trùng xuống.
Hứa Thắng Mỹ nhăn mày: “Mẹ, con đã nói với mẹ rồi, chuyện này mẹ đừng mang sang nhà cậu cả nói.”
Chu Hiểu Quyên gắt: “Không nói thì làm sao đưa em trai mày đi được?”
Hứa Thắng Mỹ thở dài: “Con đã nói trước là không được rồi mà. Mẹ không nhớ vụ lần trước của Chu Lục Ni à, vừa thò mặt lên đã bị đuổi thẳng cổ đó thôi.”
Cái ý tưởng tiền trảm hậu tấu lần này không phải do Hứa Thắng Mỹ đề xuất vì nó quá hiểu tính tình bà mợ út. Ở trên đó, mợ út như một bá vương độc tài, chẳng cần nhìn sắc mặt ai, muốn làm gì là làm cái đó. Trong nhà lời nói của mợ ấy là mệnh lệnh, đến cả cậu út cũng phải răm rắp nghe theo.
Nghĩ nghĩ một lát, Hứa Thắng Mỹ nói thêm: “Hay là mẹ thử gọi điện trực tiếp cho mợ út xem sao?”
Chu Hiểu Quyên không đáp lời. Kỳ thực chị hơi sợ cái cô em dâu này. Mặc dù chị là chị lớn của Chu gia nhưng về căn bản mợ ấy chưa từng xem chị vào mắt. Mấy năm gần đây còn đỡ chứ trước kia tệ hại vô cùng, ra đường trông thấy nhau là quay ngoắt mặt đi, thái độ lạnh nhạt hơn cả người dưng.
Chính vì dạo gần đây thấy mợ út sống lịch sự, chan hoà hơn cho nên chị mới trộm nghĩ hay cứ đưa đại thằng con nhà mình lên, biết đâu mợ ấy sẽ vì khách khí mà giữ lại.
Dù sao Thắng Cường cũng là cháu trai gọi Thanh Bách một tiếng cậu ruột, nó lại chăm chỉ chịu khó làm việc chứ đâu phải hạng ham ăn biếng làm như Lục Ni. Chỉ là không ngờ, chưa kịp rục rịch đã bị từ chối thẳng thừng rồi.
Chu Hiểu Quyên buồn bực ra mặt nhưng lại chẳng thể nói được câu nào. Trước sống ở quê, vợ cậu tư còn chẳng coi người chị chồng này ra cái đinh gì, giờ cả nhà nó chuyển lên thủ đô, tiền đồ vô lượng, chị còn mong nó sẽ nể trọng mình chắc?!
“MẸ!!! Con muốn đi Bắc Kinh!” Hứa Thắng Cường bực tức hét ầm lên. Nó rất muốn lên Bắc Kinh, đặc biệt lần này chị trở về khoe bao nhiêu cái đẹp, bao nhiêu cái tốt. Nó không muốn tiếp tục ở nhà làm nông nữa, mệt chết đi được. Lên trên đó biết đâu có thể cưới được gái Bắc Kinh, chuyển hộ khẩu lên Bắc Kinh, đường đường chính chính trở thành người Bắc Kinh, vậy là cả đời này không cần xắn quần lội ruộng nữa rồi!
Chu Hiểu Quyên rầu thúi ruột: “Đi cái gì mà đi, mợ út mày không cho đi, ngoan ngoãn ở nhà cho mẹ!”
Hứa Thắng Cường chỉ vào Hứa Thắng Mỹ nói: “Chẳng phải năm nay chị 18 rồi hay sao, để chị ấy ở nhà gả chồng đi, con lên Bắc Kinh thế chỗ chị ấy là được chứ gì!”
Ồ, chủ ý này không tồi, Chu Hiểu Quyên sáng rực mắt nhìn về phía con gái thứ ba.
Sắc mặt Hứa Thắng Mỹ thoắt cái trắng bệch. Đã được ăn cơm Bắc Kinh, uống nước Bắc Kinh, nó không hề muốn quay đầu về đây lấy một thằng nhà quê nghèo nàn đâu, nó cũng muốn gả chồng Bắc Kinh cơ!
Hứa Thắng Mỹ hít sâu một hơi rồi sắp xếp từ ngữ: “Mẹ, nếu có thể con sẵn sàng nhường vị trí của mình cho em trai. Nhưng chỗ con đang làm là cửa hàng quần áo nữ, khách hàng vào đó đều là con gái và phụ nữ. Người ta mua quần áo chắc chắn phải thử đồ thay đồ, em trai đâu thể làm trong đó được. Thật ra Hổ Tử đang phụ trách cửa hàng quần áo nam. Hay là mẹ sang dì hai nói thử xem, bảo dì ấy để Hổ Tử ở nhà lấy vợ, nhường vị trí đó cho Thắng Cường.”
Chu Hiểu Quyên bĩu môi: “Dì hai mày còn lâu mới đồng ý.”
Hứa Thắng Cường gắt gỏng: “Hổ Tử làm được, con cũng làm được, con cũng có thể tới làm ở cửa hàng quần áo nam.”
Hứa Thắng Mỹ liền nói: “Nếu không thì mẹ nói với mợ út đi. Cửa hàng nam còn thuê một người ngoài nữa, mẹ bảo mợ ấy đuổi người đó đi, thay em mình vào.”
“Mợ út- mợ út- mợ út, sao chị cứ nhắc mãi mợ út thế, em với bà ta đâu có quan hệ huyết thống gì? Sao không thấy chị nói tới cậu út? Cậu út mới là cậu ruột của em!” Hổ Tử gắt um cả nhà lên.
Hứa Thắng Mỹ nhàn nhạt nói: “Cậu út nói ở nhà cậu, mợ út là người định đoạt toàn bộ mọi chuyện.”
Mấy mẹ con cứ nói tới nói lui mãi, cuối cùng chuyện này vẫn đi vào ngõ cụt, không có hướng giải quyết.
Tuy Lâm Thanh Hoà đã nói qua tết Nguyên Tiêu mới phải lên lại, nhưng hôm nay mới ngày 10 tháng Giêng, Hổ Tử đã sang nhà tìm Hứa Thắng Mỹ.
Hứa Thắng Mỹ kinh ngạc: “Sớm vậy à, còn được nghỉ mấy ngày nữa mà?”
Hổ Tử nói: “Có vài ngày ở nhà cũng chẳng làm được gì. Lên sớm đi, có khi năm nay mợ út khai trương cửa tiệm sớm.”
Vốn dĩ Hứa Thắng Mỹ muốn ở nhà thêm vài ngày nhưng lâu rồi chưa được xem TV nó cũng nhớ nhớ, hơn nữa mẹ và thằng em trai đang nhăm nhe đoạt vị trí công tác của nó. Vì thế, Hứa Thắng Mỹ gần như lập tức gạt bỏ do dự, gật đầu nói với Hổ Tử: “Vậy ngày mai em tới đây rồi chúng ta cùng đi.”
“Được.” Hổ Tử gật đầu.
Là con trai nên Hổ Tử không đa cảm uỷ mị như con gái với lại ở nhà có việc gì làm đâu, cứ ngồi đần ra chán muốn chết. Nếu không vướng bà chị họ Hứa Thắng Mỹ thì nó đã đi từ hôm mồng 7 rồi ấy chứ. Lên đó nếu tiệm quần áo chưa mở thì nó có thể tới tiệm sủi cảo của cậu út phụ giúp, mấy cái chuyện bưng bê này nọ nó làm ngon ơ.
Nó chẳng cần trả lương, chỉ cần bao ăn là được. haizz, thức ăn ở nhà thua xa cơm trên chỗ cậu mợ, nó nhớ cơm cậu út nấu quá!
Sáng sớm hôm sau, Hổ Tử khoác một cái túi trên vai lại đây đón Hứa Thắng Mỹ.
Hứa Thắng Mỹ cũng xách theo một cái túi nhỏ, thật ra là cầm cho vui thôi chứ chẳng có gì đáng để mang đi.
Hai chị em ra khỏi thôn, lên bến xe huyện thành ngồi ôtô lên thành phố rồi chuyển sang tàu hoả đi thẳng tới Bắc Kinh.
Lúc này trên Bắc Kinh, tranh thủ mấy ngày trước khi hết phép, Lâm Thanh Hoà gấp rút khởi động dự án cửa hàng nước giải khát.
Ngày mồng 9, Lâm Thanh Hoà đi tới cục bất động sản kiếm mặt bằng. Nhân viên báo hiện giờ có một cửa hàng đang rao bán với giá 3000 đồng.
Sau khi tới xem tận nơi, quả thực Lâm Thanh Hoà không ưng cho lắm, diện tích quá nhỏ, chỉ có mấy chục mét vuông, tình trạng thì xập xệ cũ nát, nhìn kiểu này chắc có lẽ phải đại tu bổ một lần may ra mới có thể đưa vào sử dụng.
Nhưng nó thắng ở cái vị trí đẹp, nằm ngay sát rạp chiếu phim, thế nên cuối cùng Lâm Thanh Hoà gật đầu chấp thuận mua, chính thức mở ra cửa hàng thứ 4 trong sự nghiệp kinh doanh.