Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 375: Mâu thuẫn tiếp nối mâu thuẫn
Quay lại với công việc giảng dạy, Lâm Thanh Hoà bận tối mắt, hầu như không dư một chút thời gian nào thế nên việc quản lý cửa hàng cửa hiệu, xưởng may mặc do một mình Mã Thành Dân đảm nhiệm. Dù vậy, ông chủ Chu Thanh Bách vẫn thường xuyên lui tới giám sát. Bởi vì đây là việc làm ăn của gia đình và nó đem lại nguồn thu nhập chính nên Chu Thanh Bách đặc biệt coi trọng và nghiêm túc thực hiện.
Giờ nghỉ buổi trưa, Lâm Thanh Hoà giơ tay xem đồng hồ, thấy đã 11 rưỡi, đoán chắc lúc này chị cả Chu đã đi làm đồng về cho nên cô liền nhấc điện thoại gọi về quê.
Đúng là chị cả vừa từ ngoài đồng về thật, đang ở giếng rửa mặt rửa tay thì có người chạy sang gọi, chị vội vàng lau khô nước rồi rảo bước đi nhanh sang nhà ông bí thư chi bộ.
Cũng không có việc gì lớn, chẳng qua là vì lâu lâu không liên lạc nên hôm nay Lâm Thanh Hoà gọi về hỏi thăm tình hình các anh các chị ở nhà thôi. Thăm hỏi hết một lượt, Lâm Thanh Hoà nhắc tới thành tích học tập của Chu Dương và Chu Ngũ Ni.
Tháng 6 năm nay là hai đứa nó tham gia kỳ thi đại học.
Nói tới chuyện này, chị cả Chu cao hứng ra mặt: “Chả biết học hành thế nào thím ạ vì anh chị nghe có hiểu đâu, chúng nó cứ xì xà xì xồ suốt ngày. Nhưng nghe nói môn tiếng Anh cũng khá lắm, về khoe với mẹ là điểm thi của con được xếp hạng trong lớp.”
Thành tích tốt là được rồi, Lâm Thanh Hoà cũng cười cười.
Cái đợt Chu Dương và Chu Ngũ Ni lên Bắc Kinh, Chu Toàn kèm cặp cực kỳ nghiêm túc, mỗi ngày đều bắt học thuộc 5 từ mới tiếng Anh, Toán học thì luyện đi luyện lại các dạng đề, Ngữ Văn thì cố gắng ghi nhớ nhiều nhất có thể, ngoài ra còn khoanh vùng trọng tâm các môn khác, cho rất nhiều tài liệu, sách vở để hai đứa nó mang về quê tự ôn tập.
Theo lời của Chu Toàn chính là vào phòng thi phải cố gắng làm bằng hết, một phân điểm cũng nhất quyết không để hụt khỏi tay.
Lâm Thanh Hoà đánh giá với sức học của hai đứa nó cộng thêm nỗ lực chăm chỉ ôn luyện, khả năng đậu vào các trường top 2 tương đối cao.
Kế tiếp là nói đến chuyện Chu Nhị Ni, Lâm Thanh Hoà thông báo con bé hằng đêm đều đến lớp bổ túc, hơn nữa còn rất nỗ lực và phấn đấu. Nghe được nhưng lời này, chị cả Chu mừng lắm. Mãi tới khi gần gác máy, chị mới dè dặt lên tiếng: “À, Thanh Hoà này, em nói…chị nuôi vịt thì có được không?”
Lâm Thanh Hoà thấy khó hiểu nên hỏi lại: “Nuôi vịt?”
“Ừ, ở mé cánh đồng bên kia có một con sông nhỏ, chị nghĩ đem thả vịt ở khu vực đó, vừa lúc có thể làm đồng kết hợp chăn vịt luôn. Với lại trước đây thấy cha nuôi một đàn cũng khá tốt nên chị liền nảy ra ý định này.” Thực tình chính chị cả Chu vẫn còn đang lưỡng lự chưa chắc chắn lắm.
Hồi xưa lúc ông Chu nghỉ làm ruộng liền ở nhà chăn một đàn vịt 7, 8 con. Chả cần chăm bẵm gì, mỗi ngày lùa ra bờ sông cho ăn tôm, tép nhỏ, vừa không tốn lúa gạo mà lại vừa không tốn sức.
Có vẻ đã ngờ ngợ hiểu được ý chị cả, Lâm Thanh Hoà xác nhận lại: “Chị muốn nuôi quy mô lớn phải không?”
Chị cả Chu thở dài: “Ừ, đúng là chị có suy nghĩ này, nhưng anh cả thím gạt phắt đi, nói chị viển vông.”
Lâm Thanh Hoà bật cười: “Nuôi vịt mà đã kêu viển vông thì không biết anh chị ba vào thành mở cửa hàng còn bị nói thế nào nữa? Chắc năm ngoái mọi người trong làng nói nhiều lắm nhỉ?"
Chị cả Chu gật đầu cái rụp: “Thím đoán đúng rồi, nói nhiều lắm. Nhưng mà cũng chẳng ảnh hưởng gì, giờ vợ chồng chú thím ba phát triển rất khá.”
Và đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy chị cả Chu muốn thử sức mình một chút xem sao.
Gì chứ việc này Lâm Thanh Hoà ủng hộ hai tay, cô khích lệ ngay: “Chị làm đi, muốn làm cứ mạnh dạn thử, việc này cũng không cần nhiều vốn. À mà chị tính nuôi số lượng bao nhiêu?”
Chị cả Chu chần chờ: “Chị tính nuôi 20 con, được không?”
Trời, cứ tưởng hàng trăm con chứ 20 thì có gì phải lăn tăn, Lâm Thanh Hoà nói luôn: “Được chứ, chị cứ tiến hành đi, đừng lo lắng gì hết.”
Dừng một chút, cô hỏi tiếp: “À, bên chỗ Chu Đông thế nào hả chị?”
“Tốt tốt, hai vợ chồng nó hiện giờ làm ăn tốt lắm. Cậu út nhà thím cứ cách ngày lại tới thu trứng gà một lần.” Nhắc đến Chu Đông, chị cả Chu thực lòng hâm mộ, nghe người ta đồn nhà nó nuôi tận hai, ba trăm con gà, thế này chỉ cần bán trứng cũng kiếm được khối tiền ấy chứ.
Lâm Thanh Hoà cười: “Bởi mới nói ai chê cười viển vông thì cứ để người ta chê cười đi. Mình biết mình không viển vông là được. Có làm thì mới có ăn, chị nuôi đi, 20 con thôi mà, không sao đâu!”
Phí điện thoại khá cao cho nên hai chị em không nói được nhiều, trao đổi đại khái một chút rồi phải gác máy.
Nhưng cuộc gọi này đã tiếp thêm động lực to lớn cho chị cả Chu, bỏ mặc lời phản đối của ông chồng, chị trực tiếp đi bắt 30 con vịt con về nuôi.
Thấy bà vợ cứng đầu cứng cổ, anh cả Chu vô cùng bất đắc dĩ: “Việc nông làm không xuể, em còn rảnh chăn nuôi ba cái thứ này?”
Chị cả Chu xua tay chả thèm để ý: “Nhiều việc đến đâu cũng không bận đến anh, trước giờ nhà ta nuôi 1 con heo với cả mười mấy con gà cũng do mẹ con em làm hết chứ ai.”
Đứa lớn đã xuất giá, đứa thứ hai lên Bắc Kinh làm cho chú thím tư, mọi việc lớn bé trong nhà đều nhờ một tay Chu Tứ Ni quán xuyến, được cái con bé cũng là đứa nhanh nhẹn, tháo vát. Trên cơ bản chị cả Chu đi làm đồng về là cơm nước đã được dọn sẵn, nhà cửa được quét dọn gọn gàng ngăn nắp, heo và đàn gà sau nhà cũng được cho ăn no căng bụng.
Mắt thấy cha mẹ lại sắp sửa to tiếng, Chu Tứ Ni liền chạy ra can: “Đàn vịt này cứ để con lo, đợi chúng lớn con sẽ lùa ra ngoài bờ sông cho ăn tôm tép nhỏ.”
Anh cả Chu buông một tiếng thở dài rồi bỏ vào phòng.
Đợi cha đi rồi, Chu Tứ Ni mới kéo mẹ ra một góc nói nhỏ: “Mẹ, con bảo, lúc nãy con nghe thấy tiếng gà mái kêu, nhưng khi đi ra ổ thì lại chẳng thấy quả trứng nào, kiểu này chắc lại bị cái con Lục Ni lấy mất rồi.”
Chị cả Chu tối sầm mặt, cái loại sự tình này không phải lần đầu tiên xảy ra, đã rất rất nhiều lần rồi, chính vì thế cho nên chị mới không muốn tiếp tục sống cùng một mái hiên nữa.
Cái gì cũng có thế mắt nhắm mắt mở cho qua nhưng cái trò ăn cắp vặt là không thể chấp nhận được.
Không phải chị chưa từng nói với thím hai, bảo thím ấy phải quản con bé Lục Ni thật chặt, thế nhưng thím ấy không những không tiếp thu mà còn thở ra một câu gà mái kêu chưa chắc đã đẻ!
Trời má! Là con nhà nông, sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, không lẽ chị không phân biệt được tiếng gà hay sao? Cãi cùn đến thế thì cũng chịu. Tuy nhiên là dâu trưởng Chu gia, có rất nhiều điều phải cố kỵ, một trong số đó là không thể xắn tay áo chửi nhau tay đôi với em dâu.
Thế nên dù giận sôi máu nhưng vẫn phải cố kìm lại, chị dặn con: “Thôi, lần sau con ráng chú ý hơn. Mẹ đang chuẩn bị gạch với gỗ đây rồi, cuối năm nay là có thể xây nhà mới.”
Xây xong là có thể dọn ra riêng, cái nhà cũ này để làm kho chất củi, rơm rạ này nọ, không cần phải sớm tối chung đụng với nhà thím hai khó ưa kia nữa.
Thật không một ai có thể ở chung với cái ngữ đó được, chú thím ba đã dọn đi từ sớm rồi, giờ làm ăn khấm khá lắm. Nếu không phải cả hai vợ chồng chị đều vụng về giao tiếp thì chị cũng muốn đi ra ngoài làm ăn buôn bán.
Nhưng mà cuộc sống hiện tại cũng tạm ổn, công việc chăn nuôi trồng trọt tuy cực nhọc nhưng chỉ cần chịu khó làm lụng thì vẫn có khả năng kiếm được của ăn của để.
===
Bắc Kinh.
Khó có được cơ hội tới trường, Chu Nhị Ni gần như liều mạng lao đầu vào học tập, Hổ Tử nhất thời cũng bị cuốn theo thế là trong lúc không để ý nó đã tiến bộ từ bao giờ chẳng hay.
Lâm Thanh Hòa bắt đầu giao sổ sách hai cửa hàng quần áo cho chị em nó tập tành làm thử.
Mặc dù đây là công việc của Mã Thành Dân nhưng cho hai đứa nhỏ tiếp cận làm quen cũng không thành vấn đề. Bây giờ đi theo học hỏi, làm từ những việc nhỏ nhất, mai sau mới đủ khả năng tiếp quản việc lớn. Hơn nữa, nếu giả dụ một mai có gì bất trắc thì Lâm Thanh Hoà vẫn có sẵn người thay thế.
Chiều nay trống tiết, cô liền tranh thủ thời gian đi sang xưởng may mặc của Vương Nguyên kí kết cho lô hàng tiếp theo. Giao cửa hàng quần áo nữ lại cho Hứa Thắng Mỹ trông coi, Lâm Thanh Hoà đưa Chu Nhị Ni đi cùng.
Nghe Lâm Thanh Hòa tới, Vương Nguyên trịnh trọng ra tận cửa đón. Thoáng thấy có thêm một cô gái trẻ đi phía sau, anh ta cười nói: “Ồ, hôm nay cô giáo Lâm dẫn sinh viên tới giới thiệu cho tôi đấy à?”
Lâm Thanh Hoà cười chào hỏi rồi nói: “Không phải, đây là cháu gái tôi. Hôm nay dẫn theo để con bé học hỏi thêm kinh nghiệm, khiến ông chủ Vương chê cười rồi.”
“Ồ, thì ra là cháu gái cô giáo Lâm. Hân hạnh hân hạnh.” Vừa nói, Vương Nguyên vừa chủ động vươn tay ra.
Lâm Thanh Hoà lịch sự giơ tay đáp lễ như một thương nhân thuần thục. Nhưng Chu Nhị Ni là con gái mới lớn, kinh nghiệm gì cũng chưa có, vậy nên vựa chạm nhẹ tay một cái đã mất tự nhiên. Dù rất cố gắng giữ bình tĩnh nhưng rạng mây hồng trên má đã bán đứng tâm trạng bối rối của con bé.