Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 387: Quà cưới
“Không cần đâu, chỉ có hai bộ đồ thôi ấy mà. Tam Ni, đi vào đây với thím.” Lâm Thanh Hoà nói rồi vẫy vẫy tay gọi cháu gái.
Chu Thanh Bách cũng nói: “Cháu vào nhà nói chuyện với thím tư đi.”
Chu Tam Ni mím môi lưỡng lự, cuối cùng nó cũng gật đầu rồi dè dặt đi vào phòng khách.
Lâm Thanh Hoà đánh mắt ý bảo con bé ngồi xuống ghế rồi cô tiến thẳng vào chủ đề: “Việc hôn nhân của cháu thím đã nghe bác cả và thím ba nói qua rồi.”
Cứ tưởng hôm nay thím gọi sang đây là để khuyên ngăn, Chu Tam Ni lập tức quay mặt đi chỗ khác, cố gắng gồng mình thể thiện thái độ kiên quyết nhất có thể: “Thím tư, thím không cần khuyên cháu. Cháu chỉ gả cho Lý Ái Quốc, không phải Lý Ái Quốc thì không gả cho ai hết.”
Lâm Thanh Hoà bật cười: “Thực lòng mà nói lúc ở trên huyện thành, nghe thím ba nói chuyện thím tư rất không tán thành. Nhưng vừa rồi về đây nghe bác cả cháu thuật lại rõ ràng ngọn nguồn, thì thím cảm thấy mối hôn sự này không tệ.”
Nghe tới đây Chu Tam Ni mới nhẹ nhàng thả lỏng cơ thể, sau đó nó cùi gằm mặt.
Lâm Thanh Hoà nói tiếp: “Hôm nay thím gọi cháu sang đây là có mấy lời muốn nói riêng với cháu. Tam Ni có muốn nghe thím tư nói vài câu không?”
Chu Tam Ni ngẩng đầu khe khẽ đáp: “Dạ.”
Lâm Thanh Hoà gật đầu: “Thím tư hỏi cháu, nhà Lý Ái Quốc có mấy anh chị em?”
Chu Tam Ni đáp: “Dạ, nhà anh ấy có ba anh em, anh ấy là con út nhưng lại không được mẹ quan tâm cho lắm.”
Lâm Thanh Hòa nhíu mày hỏi lại: “Tại sao? Là con trai nhỏ nhất nhẽ ra phải được cưng chiều mới phải chứ, vì sao nó lại không được yêu thích?”
Chu Tam Ni thật thà thuật lại: “Anh ấy kể lúc sinh ảnh vì khó sinh nên cơ thể mẹ bị tổn hại nghiêm trọng, chính vì lý do đó nên mới không thích anh ấy.”
Lâm Thanh Hoà cười cười: “Cậu ta còn nói với cháu những gì nữa?”
Qua chi tiết nhỏ này, thiện cảm về chàng thanh niên tên Lý Ái Quốc tự nhiên được tăng thêm đôi chút. Một người con trai sẵn sàng đem mọi nội tình trong gia đình mình kể hết cho vợ sắp cưới nghe giúp cô gái có thể chuẩn bị sẵn sàng tâm lý và tâm thế trước khi về làm dâu, điều này chứng tỏ cậu ấy suy nghĩ rất chín chắn, chu toàn và khá dụng tâm đối xử với Tam Ni.
Nghe lời thím tư, Chu Tam Ni kể hết một lượt tất cả những gì mình biết.
Về nhà ở, hiện giờ Lý Ái Quốc sống một mình, không ở cùng cha mẹ. Thời điểm hai người anh lớn kết hôn, gia đình tiến hành phân gia, anh liền nhân cơ hội đó dọn ra riêng luôn.
Công việc chính của anh là nông dân, nhận thầu ruộng khoán, bản tính tương đối chăm chỉ chịu khó nên nhìn chung cuộc sống chẳng thiếu thứ gì, chỉ thiếu một cô vợ thôi.
Anh tự nhận thấy mình là một thanh niên tốt cho nên không việc gì phải chịu thiệt thòi rước về nhà một bà quả phụ chết chồng hay phụ nữ đã qua một lần đò. Cũng chính vì suy nghĩ này nên anh mới bị đám bà mối tung tin thất thiệt, huỷ hoại danh dự.
Các bà ấy không ít lần dè bỉu anh là một thằng què, sống tại bản làng nghèo khó nằm tít ở nơi thâm sơn cùng cốc, muốn đi tới nơi phải băng rừng lội suốt cả ngày trời, thử hỏi với điều kiện như thế mà không biết thân biết phận gật đầu ừ đại đi, cứ ngồi đó mơ mộng lấy gái trẻ thì có mà ế suốt đời.
Những điều này Lý Ái Quốc đều biết hết và nghe hết nhưng anh chẳng hề nao núng, anh vẫn rất vô tư cho rằng chẳng qua duyên phận chưa gõ cửa, chưa gặp đúng người mà thôi. Đấy, bây giờ duyên phận tới rồi, anh sắp cưới được một cô vợ cực kỳ trẻ trung và xinh đẹp đây này.
Càng nghe, Lâm Thanh Hoà càng gật gù vừa lòng. Đợi Chu Tam Ni nói xong, cô mới từ tốn đưa ra lời khuyên: “Người ta thường nói đời người phụ nữ có hai lần luân hồi, một lần là sinh ra và một lần là kết hôn. Cha mẹ, chúng ta không thể lựa chọn, nhưng chồng thì có thể. Hôn nhân là kiếp tái sinh thứ hai, nếu chọn được đúng người, cháu hoàn toàn có thể thay đổi vận mệnh đời mình.”
Lời này kỳ thực không sai, bỏ qua những nữ cường nhân giỏi giang và mạnh mẽ, có thể tự tạo lập cuộc sống riêng, thì phần đông phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đương thời đều lựa chọn cách sống tầm gửi, sống dựa dẫm vào người khác, thuở nhỏ thì dựa cha dựa mẹ, lớn lên thì dựa chồng dựa con. Không phải không dưng mà người ta có câu “Thân em như hạt mưa sa. Hạt vào gác tía, hạt ra ruộng cày”, thân phận họ nhỏ bé, yếu ớt và mỏng manh lắm, họ chỉ biết nương thân mình cho số phận, may mắn thì được nhờ, bất hạnh thì cắn răng cam chịu tủi nhục.
Kết hôn đối với họ chính là ván cược cả đời, một đi không quay đầu trở lại, vì thời này chẳng mấy ai dám đối diện với hai từ “ly hôn”.
Dừng một lát, Lâm Thanh Hoà nói tiếp: “Vậy nên, lúc còn ở nhà với cha mẹ thì sao cũng được, nhưng khi đã gả ra ngoài rồi thì cháu phải nhớ kỹ một điều đó là không gì quan trọng hơn gia đình nhỏ của mình. Vạn sự đều phải nghĩ thoáng ra, đừng tự dồn mình vào ngõ cụt. Suy cho cùng, trên đời này không có giới hạn nào là không thể vượt qua, mấu chốt là chúng ta có dám phá vỡ và thay đổi nó hay không thôi.”
“Dạ.” Chu Tam Ni ngoan ngoãn gật đầu.
Lâm Thanh Hoà tiếp tục: “Còn đối với nhà mẹ đẻ, nếu họ tốt với cháu thì cháu để trong lòng là điều đương nhiên nhưng ngược lại nếu họ coi cháu không ra gì thì cháu chẳng cần bận tâm. Bao năm cháu làm trâu làm ngựa, cộng thêm món tiền sính lễ này cũng coi như trọn vẹn ơn nghĩa sinh thành.”
Chu Tam Ni nhấp nhấp môi rồi nói: “Cháu còn tưởng thím định khuyên cháu thường xuyên quay về thăm hỏi nhà mẹ đẻ.”
Lâm Thanh Hoà bật cười, nhướng mày nói: “Chính thím đây cũng tự đoạn tuyệt quan hệ với nhà mẹ đẻ còn gì. Chỉ có mỗi cậu em trai đối xử tốt với thím là thím nguyện ý lui tới thôi còn những người khác thím đâu thèm quan tâm. Chúng ta sống ở đời tốt nhất là nên ân oán phân minh, đúng không nào?”
Chu Tam Ni chỉ cắn chặt môi gật gật đầu, không nói chuyện.
Lâm Thanh Hoà lại nói tiếp: “Gả sang bên đó, bổn phận dâu con hiếu kính cha mẹ chồng nên làm gì thì cháu làm cái đó, không thiếu nhưng cũng không nên thừa, cứ chiếu theo tiêu chuẩn hai người chị dâu trước mà học theo là được rồi.”
“Vâng ạ.” Chu Tam Ni răm rắp ghi nhớ.
“haizzz, chớp mắt một cái đã sắp gả chồng rồi….”
Nhìn cô cháu gái nhỏ bé hiền lành trước mặt, Lâm Thanh Hoà khe khẽ buông một tiếng thở dài rồi đứng dậy đi vào trong phòng cầm ra một cái đồng hồ nam và một xấp tiền.
“Thím tư.” Chu Tam Ni giật bắn mình, hốt hoảng đứng bật dậy.
“Ngồi xuống.” Lâm Thanh Hòa phất tay.
Chu Tam Ni cắn chặt môi dưới, hai tay luống cuống vặn vẹo gấu áo, lúc sau mới chậm chạp kéo ghế ngồi xuống.
Lâm Thanh Hoà nói: “Hôn lễ của cháu chắc vợ chồng chú thím sẽ không thể về dự. Cái đồng hồ này là chú tư tặng cháu rể, cháu cất lên trước tới lúc ấy đưa cho Lý Ái Quốc nói rằng đây là quà cưới do chú tư trên Bắc Kinh tặng cho nó.”
Động tác nhỏ này người tinh ý nghe sẽ hiểu đây chính là lời ngầm cảnh cáo Lý Ái Quốc phải đối xử tốt với Chu Tam Ni, đừng tưởng rằng con bé chịu gả đi xa mà có thể dễ dàng khinh khi bắt nạt, trong nhà vẫn luôn có người quan tâm và yêu thương con bé.
Chu Tam Ni vội vàng lắc đầu: “Món đồ này quá quý giá.”
Trời đất ơi, cái đồng hồ bằng cả một gia tài, làm sao nó dám nhận cơ chứ?!
“Cái này không phải cho cháu mà là cho Lý Ái Quốc.” Lâm Thanh Hoà nói rồi sau đó đưa tiếp xấp tiền giấy cho Chu Tam Ni: “Còn 10 tờ đại đoàn kết (1) này là thím cho riêng cháu làm của hồi môn. Quần áo này kia thím không mua cho nữa, cháu cất tiền lên thích mua gì thì tự mua nhé.”
“Không được.” Chu Tam Ni lắc đầu, đừng phắt dậy chuẩn bị bỏ chạy.
Lâm Thanh Hoà liền nói: “Tam Ni, đây là cháu không cần chú thím tư và nhà bác cả nữa, đúng không?”
Hai hốc mắt Chu Tam Ni đỏ ửng, nó nghẹn ngào giải thích: “Không có, cháu không có, thím với chú tư, còn có hai bác cả và chú thím ba đều đối xử với cháu rất tốt.”
Vừa lúc Chu Thanh Bách giặt xong quần áo đi vào, anh liền nhẹ giọng khuyên nhủ: “Nghe lời thím tư đi.”
Lâm Thanh Hoà chủ động bước tới, trực tiếp nhét xấp tiền và đồng hồ vào túi áo Tam Ni, cô nói: “Gả chồng rồi nhớ phải chăm sóc cho bản thân mình thật tốt. Chú thím tư không mong gì, chỉ hy vọng cháu sống thật vui vẻ và hạnh phúc. Những cái không đáng cháu không cần bận lòng, từ nay về sau sống tốt cuộc đời mình là được.”
Chu Tam Ni cắn chặt môi ngăn tiếng nức nở, mãi sau nó mới nói được câu: “Cháu cám ơn thím tư, cháu cám ơn chú tư.”
Lâm Thanh Hoà vỗ vỗ vai nó an ủi: “Thôi, không còn sớm nữa, về nghỉ ngơi đi.”
Chu Tam Ni cung kính cúi gập người lần lượt hành lễ với chú tư và thím tư rồi mới xoay người đi về nhà.
Nhìn theo bóng dáng gầy gò, nhỏ bé, Lâm Thanh Hoà cảm thán với chồng: “Một cô gái tốt như vậy, chẳng hiểu sao lại nuôi dưỡng thành bộ dáng này.”
Nhớ lại ngày bé, nó không được tới trường nhưng rất ham học, hay chạy theo các chị Đại Ni, Nhị Ni sang bên này học chữ. Khi ấy, nó tươi vui và hoạt bát như con chim nhỏ chứ không phải cô gái Tam Ni u uất, lầm lì của ngày hôm nay.
Cô biết ở nhà nó phải làm phần lớn công việc từ nhẹ tới nặng, thậm chí thường xuyên phải chịu những trận đòn roi, chửi mắng thậm tệ của chị hai Chu. Nhưng ở trong thôn, chuyện này hết sức bình thường và xảy ra như cơm bữa.
Chị hai Chu là mẹ ruột của nó, chị ta đánh mắng, thậm chí bỏ đói không cho ăn cơm với lý do dạy dỗ con cái thì thử hỏi người ngoài lấy tư cách gì can thiệp?
Thân làm thím dâu, mặc dù xót thương cho số phận con bé nhưng cô cũng không thể giúp gì nhiều, vì mẹ nó nào có bình thường như mẹ người ta, nếu cô mà xen vào có khi con bé còn bị ngược đãi khốn khổ hơn ấy chứ. Vậy nên, bây giờ cô chỉ có thề giúp được một vài điều nhỏ trong phạm vị cho phép và thầm mong sau khi lấy chồng, cuộc đời con bé sẽ bước sang chương mới tươi đẹp hơn, bù đắp cho quãng đời thơ ấu đầy bất hạnh.
===
Chú thích:
(1) Đại đoàn kết: chính là ấn bản thứ 3 của tờ tiền 10 nhân dân tệ, được phát hành 10/1/1966 mặt trước là hình ảnh “đại biểu nhân dân bước ra khỏi Đại lễ đường” tượng trưng cho việc tham gia chính trị và làm chủ người dân. Mệnh giá đại đoàn kết đã dừng lưu hành trên thị trường vào 1/7/2000.