Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 392: Gièm pha
Không hổ danh gừng càng già càng cay! Nghe thì chỉ vài câu đơn giản, nhưng bà Hồ đã khéo lồng ghép rất nhiều ẩn ý. Thứ nhất, bà thừa nhận Triệu Quân không đúng nhưng nó hứa sẽ chịu trách nhiệm đến cùng, thứ hai nó bị con cháu Chu gia đánh nhập viện tuy nhiên Triệu gia thiện chí bỏ qua, không chấp nhất ba cậu thiếu niên trẻ người non dạ. Thứ ba, Hứa Thắng Mỹ đã mang thai, cứ cố truy cứu bên nào có lỗi thì người chịu thiệt cuối cùng là ai, không cần phải nói chắc mọi người đều hiểu rõ, cho nên đám cưới là cái kết êm đẹp và mĩ mãn nhất cho cả hai nhà.
Trên đường sang đây, trong lòng Lâm Thanh Hoà đã có quyết định, cả nhà cô sẽ không tham dự hôn lễ của Hứa Thắng Mỹ. Nhưng cô vẫn cho nó ba phần mặt mũi, đồng ý để nó gả đi từ căn nhà này, như vậy cũng coi như hết tình hết nghĩa với nó lắm rồi.
Còn về sau cuộc sống của nó ra sao, nở hoa hay bế tắc thì cũng không liên quan gì tới cô nữa, cả cô và gia đình cô sẽ tuyệt đối không can dự. Chồng là do nó tự chọn, tốt hay xấu nó tự chịu. Lớn rồi, trưởng thành rồi không còn là con nít lên ba, lên bốn, phải học cách tự trả giá cho mọi hành động của mình, không ai có trách nhiệm và nghĩa vụ gánh hậu quả thay ai cả!
Còn chờ vợ chồng chị Hiểu Quyên lên đây, Lâm Thanh Hoà sẽ nói một lần một cho rõ ràng, chuyện này nhất định phải triệt để dứt sạch, không thể lưu lại bất cứ hậu hoạn nào nữa.
Lâm Thanh Hoà ngoài cười trong không cười: “Hồ lão thái khách khí rồi. Sự việc đã quyết như nào vậy cứ làm như thế đi. Hơn nữa anh chị tôi cũng đã biết chuyện, chắc giờ đang đợi chàng rể quý về ra mắt cha mẹ vợ đấy.”
Thoắt cái nụ cười trên gương mặt bà Hồ sượng cứng, tất nhiên bà nghe ra lời này ý tại ngôn ngoại, rõ ràng vị thím tư đây mặc kệ sự tình muốn ra sao thì ra và đồng thời cũng đang rất tức giận. Nhưng bà nào dám phản ứng gì vì dù sao cớ sự là do thằng cháu nhà mình gây nên. Nói thêm đôi câu khách sáo rồi bà tìm lý do rời đi trước.
Lúc này, Lâm Thanh Hoà mới quét ánh mắt lạnh băng về phía Hứa Thắng Mỹ.
Hứa Thắng Mỹ cắn răng, trực tiếp quỳ sụp xuống.
“Hai chúng tôi chưa chết, cô quỳ là có ý gì? Muốn trù ẻo chúng tôi chết sớm hả? Có tin tôi tát lật mặt cô không?” Trước giờ Lâm Thanh Hoà không phải kiểu người khách khí, huống hồ trước mắt là người cô ghét cay ghét đắng thì đừng mơ có chuyện lựa lời châm chước.
Có thể nói đây là cú ngã đau nhất trong đời Lâm Thanh Hoà. Chỉ vì một phút mềm lòng nâng đỡ cháu chắt trong nhà mà rước về một đứa vong ân bội nghĩa, kéo theo không biết bao nhiêu tai hoạ lùm xum liên miên không dứt!
Sắc mặt Hứa Thắng Mỹ trắng nhợt, nó lắp bắp nói: “Mợ út…cháu…”
Lâm Thanh Hoà không đủ kiên nhẫn nghe con nhỏ này trình bày, cô lạnh lùng cắt ngang: “Đừng có bày ra bộ dạng đáng thương tội nghiệp trước mặt tôi. Lúc cô làm ra cái việc tày trời này cô nên biết thái độ của tôi là gì. Cô tìm mọi cách để được gả vào Triệu gia, tốt thôi, nhưng nên nhớ đó là lựa chọn của một mình cô, sau này tuyệt đối đừng hối hận, cũng đừng dây dưa gì với bên này nữa.”
Dứt lời, Lâm Thanh Hoà cất bước đi thẳng vào nhà trong, không nói thêm bất cứ một lời dư thừa nào nữa.
Hứa Thắng Mỹ biết mợ út khó đối phó nên nó định tấn công về phía cậu út: “Cậu út, cháu biết chuyện này cháu không đúng nhưng cháu không hiểu….”
Rất tiếc, Chu Thanh Bách cũng chẳng muốn nghe nó giải thích. Từ lúc bước chân vào sân tới giờ, đầu mày anh chưa giãn ra một chút nào, trong ánh mắt chỉ chứa đầy vẻ thất vọng.
Anh lạnh nhạt cất tiếng: “Từ lúc cháu lên đây tới giờ cậu và mợ chưa từng bạc đãi cháu. Bây giờ chính cháu chọn con đường này thì phải tự mình đi đi.”
Anh biết vợ mình rất nghiêm khắc nhưng đây là mắng cho nên người, mắng cho học khôn ra chứ không phải ghét bỏ hay cố tình trù dập một cá nhân nào. Ngay như mấy thằng con ruột, thường thường thì giỡn vui thế thôi chứ thử đụng chuyện xem, mẹ nó mắng cho vuốt mặt không kịp ấy chứ. Còn Hổ Tử hay Nhị Ni chỉ là cháu chắt trong nhà, tuy không tới nỗi giáo dục nghiêm khắc như con đẻ, nhưng nếu làm sai thì vẫn bị giáo huấn như thường.
Như người đời vẫn dạy “thương cho roi cho vọt”, có để tâm, có thương yêu thì mới bỏ công sức, tâm huyết ra dạy dỗ, chứ thím dâu nhà khác thì làm gì có chuyện bỏ tiền ra cho các cháu bên chồng đi học lớp bổ túc ban đêm, dụng tâm bồi dưỡng cho chúng bằng bạn bằng bè?
Nói chi xa, đến cả sổ sách làm ăn cũng mang ra cho hai đứa cháu tập tành tính toán kia kìa.
Được cái Nhị Ni và Hổ Tử đều rất có chí tiến thủ, chịu nghe, chịu học, chứ không tư tâm, ham mê hưởng thụ như con bé Hứa Thắng Mỹ này. Ban đầu anh cho rằng việc này rất đỗi bình thường, đây là sở thích cá nhân, nó không thích học, thích xem TV thì tuỳ nó, qua lại chỗ nhà ông bà ngoại cũng không thành vấn đề. Chỉ không ngờ cuối cùng nó lại to gan lớn mật đặt mọi người vào thế đã rồi, bôi tro trát trấu lên cả Chu gia.
Chu Thanh Bách là người đàn ông tuyền thống, anh cực kỳ cổ hủ và bài xích những hành vi đồi bại, tha hoá, đánh mất thuần phong mỹ tục. Đối với đứa cháu gái này, anh quả thực đã cạn lời.
Thở dài một cái, Chu Thanh Bách cũng cất bước đi vào nhà xem tình hình mẹ ra sao.
Trong nhà, ông Chu đang ngồi trầm ngâm coi TV. bà Chu thì chán nản nằm liệt trong phòng, cuối giường chiếc quạt điện thổi gió nhè nhẹ, đầu giường đặt mấy quả quýt.
Chu Thanh Bách đứng ngoài cửa buồng, nhìn thấy vợ đang vừa bóc quýt vừa nhẹ giọng dỗ dành mẹ nên anh dừng chân, không tiếp tục tiến vào.
Lâm Thanh Hòa đặt trái quýt đã được bóc sạch sẽ vào tay mẹ chồng rồi cười nói: “Lần này con với Thanh Bách đi phương Nam, tình cờ bắt gặp rất nhiều đồ gia dụng hữu ích. Nghĩ tới cha mẹ bên này phải ngày ngày tốn công giặt giũ nên con mua cho cha mẹ một cái máy giặt. Chắc ít hôm nữa người ta sẽ giao hàng đến.”
Được đứa con dâu tài giỏi hơn người bóc trái cây cho ăn, lại còn dùng lời ngon tiếng ngọt dỗ cho mình vui vẻ, bà Chu liền cảm thấy rất thoải mái, rất dễ chịu. Nhưng một thoáng qua đi, nỗi niềm uỷ khuất lại trào dâng, bà than thở: “Con nói xem sao số mẹ lại khổ thế này chứ? Đầu đã bạc trắng cả rồi mà vẫn phải sầu khổ vì đám con cháu.”
“Mẹ với cha là số hưởng phúc, chả việc gì phải sầu khổ cho tội thân mình ra. Nó là con cháu Hứa gia, không phải của Chu gia chúng ta!” Lâm Thanh Hoà nhẹ nhàng khuyên nhủ nhưng cũng không kém phần đanh thép.
Dù gì cũng là người thuộc thế hệ trước, đối diện với loại chuyện xấu hổ nhường này làm sao bà Chu không hổ thẹn cho được: “Tuy rằng nó không mang họ Chu nhưng tất cả mọi người đều biết nó là cháu ngoại Chu gia. Trời đất ơi, mất mặt quá đi, mấy ngày hôm nay mẹ còn chả dám chường mặt ra chợ mua đồ ăn ấy chứ.”
Trước khi sự việc tồi tệ này xảy ra, bà Chu rất tự hào về cuộc đời mình, đúng là ngẩng lên thì không bằng ai nhưng ngó xuống thì cũng chẳng có ai bằng bà, rõ ràng bà đã sống một cuộc đời thành công mĩ mãn.
Tuy thời trẻ hơi cơ cực nhưng từ trung niên trở ra, bà hầu như không phải nhọc lòng về bất cứ điều gì. Đầu tiên là thằng tư tiến bộ hơn đám trai làng, tham gia quân ngũ còn có tiền trợ cấp gửi về khiến thôn dân ghen tị đỏ mắt. Chính nhờ khoản tiền trợ cấp này mà cuộc sống gia đình khấm khá hơn hẳn mặt bằng chung quanh vùng. Về sau nó bị thương buộc phải xuất ngũ, đúng là bà có chút tiếc nuối nhưng tái ông mất ngựa, sự đời may rủi thất thường, cứ tưởng bế tắc ai dè lại nở hoa rực rỡ, vợ thằng tư thay đổi bội phần, lại còn làm hẳn giáo viên trung học. Ái chà, là mẹ chồng giáo viên cơ mà, bà bước chân ra đường là có rất nhiều người kính trọng và nể phục.
Tiếp theo càng không cần phải nói, chính là một bước lên mây, cả con dâu và cháu trai trưởng cùng thi đậu đại học, thậm chí con dâu còn được làm hẳn giảng viên ngoại ngữ trường đại học Bắc Kinh.
Đừng nói trong thôn, có mà phóng nhãn ra toàn huyện thì cũng chẳng nhà ai sánh bằng nhà bà. Thi thoảng lãnh đạo trên Công xã lại xuống thăm hỏi quan tâm. Đấy, gia đình bần nông mà được đón tiếp các vị lãnh đạo thì còn gì oách hơn nữa?
Sau đó, vợ thằng tư đón cha con nó đi, chuyển hộ khẩu thành người Bắc Kinh danh xứng với thực. Rồi cuối cùng là đón hai vợ chồng ông bà lên thủ đô hưởng phúc, vui vầy bên con cháu.
Đúng, bà dùng hai từ “hưởng phúc” không sai tí nào, vì so với hai người hàng xóm gốc Bắc Kinh thì bà chẳng thấy mình thua kém thậm chí còn có phần sung sướng hơn ấy chứ.
Nhưng bây giờ thì sao? Bao nhiêu đắc ý cùng kiêu ngạo của bà đã bị hủy hoại sạch trong tay đứa cháu gái Hứa Thắng Mỹ này. Cái mặt già của bà đã bị ném thẳng xuống đất, mặc sức cho người đời chê cười và mai mỉa!
Ai đời có cô nương nhà nào chưa chồng mà chửa không hả giời? Nếu còn ở trong thôn thì chắc hẳn giờ này đã chết chìm trong những tiếng chửi rủa và phỉ nhổ rồi.
Kể cả nhà trai bên kia đứng ra nhận trách nhiệm thì đã sao, tiếng xấu này muôn đời không thể gột rửa, mãi mãi về sau có vác mặt mo cũng không che hết tiếng nghị luận và gièm pha của người đời.
“Trăm năm bia đã cũng mòn. Ngàn năm bị miệng vẫn còn trơ trơ.”