Editor: Tựa Thủy Lưu Niên
Chương 393: Thư hương thế gia
Cả đời sống hiên ngang, kiêu ngạo, ưỡn ngực xưng tên, ấy vậy mà cuối đời lại chịu cảnh ô nhục này. Bà không cam tâm, thực sự không cam tâm mà!
Càng nghĩ bà Chu càng buồn bực: “Ngày xưa suốt ngày ở trước mặt mẹ khua môi múa mép, nói con đối xử bất công, bên nặng bên nhẹ, chỉ coi trọng Nhị Ni và Hổ Tử, không coi nói ra gì. Nhưng mẹ nghĩ nó chỉ là đứa con nít, suy nghĩ chưa tới cho nên không thèm chấp nhất, ai ngờ nó lại dám làm ra cái việc tày trời này!”
Lâm Thanh Hoà bật cười ha hả, chẳng cần mẹ chồng nói thì cô cũng thừa biết con nhỏ đó lấy oán báo ơn, đi rêu rao nói xấu cô từ lâu rồi.
Thấy con dâu cười, bà Chu mới giật mình nhận ra mình lỡ lời, bà vội xua tay chữa cháy: “Con đừng hiểu lầm, trước giờ nó nói đông nói tây chứ mẹ đều để ngoài tai hết, chưa từng giữ lại trong lòng. Con làm người như thế nào làm sao mẹ lại không biết. Sở dĩ mẹ không nói ra là vì sợ con nghe được lại chuốc bực vào thân!”
Lâm Thanh Hoà không thèm để ý chuyện đó, cô uyển chuyển nói sang chuyện khác: “Chắc nó có tính toán riêng của nó.”
Bà Chu lập tức hừ lạnh: “Nó thì tính được cái gì? Cái thằng tiểu tử nhà Triệu gia kia mẹ đã nghe nói rồi, năm nay 25 tuổi nhưng vẫn lông ba lông bông. Gả về đó chưa chắc đã được hưởng ngày lành. Nhưng mấy đứa không cần xen vào, nó tự làm thì tự chịu!”
Có thể bức một người ba phải, không có chủ kiến thốt ra những lời cắt tình như này chứng tỏ bà Chu đã tức giận và phẫn nộ tới cực điểm rồi.
Lâm Thanh Hoà chỉ cười cười, cô hiểu cảm giác của mẹ chồng lúc này. Cả đời bà sống quang minh lỗi lạc giờ tự nhiên danh dự bị hoen ố, bà không bực sao được? Bây giờ chỉ cần ai khơi lên vấn đề này là không khác gì chọc vào điểm yếu chí mạng của bà.
Lát sau, đợi mẹ chồng nguôi giận, cô mới bình tĩnh lựa lời khuyên nhủ: “Hiện giờ chuyện đã thành ra như vậy rồi, cứ để vợ chồng chị Hiểu Quyên lên đây mà giải quyết. Cha mẹ già cả rồi, đừng vì lao tâm mà tổn hại sức khoẻ. Máy giặt chắc sắp về tới, hiện đại và tiện lợi lắm, đến lúc ấy mẹ còn phải dưỡng sức mà học cách vận hành đồ điện tử nữa chứ.”
Trong lòng bà Chu sướng ngất ngây nhưng ngoài miệng vẫn nói: “Mua mấy cái đó làm chi cho tốn kém. Cứ để Hiểu Mai giặt tay là được rồi.”
Đúng là quần áo ở bên này do Chu Hiểu Mai bao thầu hết. Thì cũng phải thôi, nhờ cha mẹ nấu cơm, trông cháu là quá lắm rồi, không lẽ còn bắt mẹ giặt quần áo cho nữa? Làm vậy coi sao được, chả cần người ngoài chửi, Lâm Thanh Hoà sẽ là người đầu tiên ra mặt giáo huấn.
Cô cười cười: “Đây là con mua cho cha mẹ dùng, Hiểu Mai chỉ hưởng ké phúc phần của cha mẹ thôi.”
Bà Chu lườm yêu: “Gớm! Hiếu kính nhiều thế!!”
Lâm Thanh Hoà quả thực không tài nào thích ứng nổi bộ dáng làm nũng của mẹ chồng, cô vội vàng xoay sang chuyện Tam Ni để phá vỡ cục diện lúng túng.
Vừa nghe con bé Tam Ni chuẩn bị xuất giá, bà Chu bật dậy hỏi dồn dập: “Tam Ni sắp gả? Gả cho ai? Nhà chồng ở đâu? Điều kiện gia cảnh bên đó thế nào? Haizzz, cái con bé này sống nội tâm, không biết có bị người ta khi dễ không đây?”
Lâm Thanh Hoà kiên nhẫn giải đáp: “Nhà trai họ Lý, không phải người huyện mình mà ở huyện kế bên. Khoảng cách khá xa đấy ạ, con với Thanh Bách cũng chạy tới đó xem sơ rồi, sơn thôn có vẻ nghèo khó.”
Bà Chu nói ngay: “Nghèo không ngại. Lúc mẹ gả cho cha con, ông ấy cũng chẳng có gì trong tay, nhưng chỉ cần chăm chỉ cần cù lao động thì sỏi đá cũng thành cơm.”
Lâm Thanh Hoà gật đầu tán thành: “Người thì chúng con chưa gặp trực tiếp, nhưng theo lời chị cả nói thì có vẻ không tới nỗi nào, chẳng qua lớn hơn Tam Ni 10 tuổi, chân còn bị tật.”
Bà Chu trố mắt ngạc nhiên: “Lớn hơn 10 tuổi? Què chân?…này…này…sao được? Làm sao vợ chồng thằng hai lại gả con bé cho người như thế?”
Lâm Thanh Hoà hết sức đồng cảm: “Lúc đầu khi biết chuyện phản ứng của con giống y như mẹ vậy. Nhưng sau đó tìm hiểu thêm thì con thấy cậu ta khá được. Hơn nữa nhà trai đưa 400 đồng tiền sính lễ, thành ý xem ra cũng đủ đầy.”
Lý Ái Quốc đã phân gia, hiển nhiên số tiền sính lễ này là do một mình cậu ta bỏ ra. Một người đàn ông độc thân mà có thể lấy 400 đồng đi hỏi vợ, chứng tỏ bản lĩnh của anh ta không phải dạng vừa.
Tất nhiên không loại trừ khả năng đi mượn, nhưng mượn nợ đâu phải chuyện dễ dàng, nhất là thời buổi khó khăn thế này. Để mượn nợ được số tiền lớn thì trước tiên người đi vay phải có uy tín và đủ năng lực chi trả.
Khả năng nào cũng được, chung quy lại có thể nhìn ra Lý Ái Quốc không phải thằng đàn ông vô dụng, kém cỏi.
Nhưng suy đi ngẫm lại, Lâm Thanh Hoà vẫn nghiêng về phương án đầu tiên hơn, cô không cho rằng Lý Ái Quốc đi vay mượn. Đừng quên cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Tam Ni và Lý Ái Quốc. Hôm ấy, cậu ta bán xong hàng nên nổi hứng đi dạo, tình cờ gặp được lương duyên. Điều đó chứng tỏ cậu ta rất chí thú làm ăn, đường xá xa xôi nhưng không quản ngại vất vả mà sẵn sàng đi giao hàng. Hơn thế nữa, qua lời kể của Tam Ni, cô có cơ sở để tin rằng cậu ta thật tình cảm mến con bé và đối xử với nó rất dụng tâm.
Lấy được một người đàn ông như thế, chắc chắn Tam Ni sẽ không đến nỗi chịu thiệt thòi. Ít nhất thì tốt hơn gấp vạn lần thằng tra nam mà Hứa Thắng Mỹ nhìn trúng.
Duy chỉ có một vấn đề Lâm Thanh Hoà không ưng đó là vị trí địa lý hẻo lánh, đường xá xa xôi và hiểm trở quá, còn lại mọi phương diện khác đều ổn cả.
Bà Chu kinh ngạc hỏi ngược lại: “Sính lễ 400 đồng?”
Hiển nhiên, con số này rất lớn, vượt ngoài suy nghĩ của bà.
Sau khi xác nhận mình không nghe nhầm, sắc mặt bà Chu mới tạm hoà hoãn đi xuống, bà nói: “Nghe con nói như vậy thì có vẻ chàng thanh niên kia thật sự coi trọng Tam Ni nhà mình. Con bé này chính mắt mẹ nhìn nó lớn lên, tính tình nó hiền lành ít nói, mẹ chỉ mong sao nó gả được tấm chồng thật thà, lương thiện.”
Nói tới đây, bất chợt bà lại nhớ tới Triệu Quân, hừ, cái thằng nhãi lưu manh khốn nạn, làm ra cái loại chuyện táng tận lương tâm như vậy là đủ biết không phải dạng chính trực, đàng hoàng rồi. Tìm chồng như thế, chắc chắn tương lai Hứa Thắng Mỹ khó mà sống yên ổn.
Lâm Thanh Hoà lại nói sang chuyện anh chị cả: “À, năm nay chị cả chăn một đàn vịt hơn 25 con mẹ ạ. Lần này mà suôn sẻ có lẽ năm sau sẽ thừa thắng xông lên mở rộng quy mô đấy mẹ. Nếu được như vậy thì tốt quá, chỉ cần bán trứng cũng kiếm được khối tiền.”
Quả nhiên, sự chú ý bị di dời, tâm tình bà Chu tốt hẳn lên: “Vợ thằng cả là người biết quản gia, giỏi vun vén việc nhà.”
Lâm Thanh Hoà gật đầu tán đồng rồi nhắc tới anh chị ba: “Chị ba giờ đã khấm khá hơn trước nhiều, anh ba phát tướng ông chủ luôn rồi. Con về xem thấy cửa tiệm nhà anh chị ấy làm ăn được lắm, con nghĩ có khi sắp mua nhà trên huyện cũng nên.”
Bà Chu gật gù đồng tình: “Nếu vợ chồng nó mua được nhà trong thành thì tốt quá!”
Dù sao đã chuyển công việc làm ăn lên huyện, các cụ xưa đã dạy rằng an cư rồi mới lạc nghiệp, mua được cái nhà mới yên tâm xông pha làm ăn chứ. Với lại cũng không thể ở nhờ mãi nhà em rể được, ở tạm một thời gian thì không sao, chứ lâu ngày thể nào nhà thông gia cũng có ý kiến.
Lâm Thanh Hoà tiếp tục nhắc tới hai sinh viên đại học Chu Dương và Chu Ngũ Ni: “Hiện tại trong thôn ai ai cũng hâm mộ nhà ta, liên tiếp có mấy sinh viên đại học. Sau này Dương Dương và Ngũ Ni tốt nghiệp ra trường sẽ làm giáo viên, là công nhân viên chức nhà nước, lương thưởng ổn định, cả đời không cần lo lắng. Còn thằng Toàn nhà con nó cũng bảo ước mơ làm giảng viên đại học giống mẹ. Như vậy sau này Chu gia chúng ta toàn những người làm công tác giáo dục.”
Trời ơi, cái viễn cảnh đó quá đẹp! Bà Chu còn có thể mong đợi gì hơn nữa, bà nở một nụ cười hài lòng, gương mặt già nua đã tươi tỉnh hơn hồi nãy rất nhiều.
Lâm Thanh Hoà nói tiếp: “Nếu đặt vào thời phong kiến thì Chu gia chúng ta cũng được xem là thư hương thế gia còn gì.”
Bà Chu khoái chí, bật cười thành tiếng: “Đúng, đúng, con nói đúng!”
Ai da, nhà họ Chu thành thư hương thế gia, đúng là dát vàng lên mặt! Nhưng mà chẳng cần cái danh xưng mỹ miều đó thì Chu gia cũng đủ ngẩng mặt với đời rồi. Bây giờ ra đường khoe đại một câu trong nhà có 5 sinh viên đại học, chắc chắn ai cũng phải ngả mũ thán phục ấy chứ.
Lâm Thanh Hoà bỏ thêm câu cuối: “Mai sau thằng Khải của bà lại cưới về một cô cháu dâu sinh viên nữa. Như vậy tương lai làm gì có ai dám coi thường Chu gia chúng ta.”
Bà Chu sung sướng cười vang phòng: “Các con làm tốt lắm, làm tốt lắm!”
Lâm Thanh Hoà liền đứng lên rồi kéo bà dậy: “Đi thôi, chúng ta ra ngoài xem TV đi. Trời nóng nực thế này, ở trong phòng bí quá, quạt điện cũng không ăn thua.”
Nói chuyện với con dâu một hồi, đầu óc bà Chu thoáng hẳn ra, bà nhìn nhận vấn đề cũng rõ ràng hơn. Chu gia của bà tốt như thế, đứa nào đứa nấy tiền đồ sáng lạn, nhất định không thể để một đứa cháu ngoại phá huỷ mọi thứ được.
Hễ nhắc tới nó là bà thấy phản cảm rồi, vậy nên bà Chu chốt một câu: “Muốn gả thì gả đi, mẹ cũng không thèm trách. Đã mang nó từ quê lên đây, cho ăn ngon mặc đẹp đã là tốt lắm rồi. Vậy mà nó còn không biết điều thì thôi, sau này gả chồng rồi đừng trông cậy gì vào bên này, cũng ít lui tới lại, nhà nào sống yên nhà đấy là được.”
Bà thì không sao hết nhưng đừng liên luỵ tới thanh danh mấy đứa cháu trai của bà, mai này chúng nó còn phải cưới vợ là sinh viên nữa.