Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 427: Xin học
Hứa Thắng Cường chẳng muốn đi tí nào, nhưng bà chị cứ nhất quyết lôi kéo cho bằng được nên nó đành miễn cưỡng theo tới nhà cậu tư.
Nhìn thấy hai đứa cháu tự nhiên xuất hiện ở cửa hàng, Chu Thanh Bách không có phản ứng gì mà chỉ hỏi chúng có đói bụng không.
Hứa Thắng Mỹ mỉm cười hiền lành: “Không cần đâu cậu ạ, chúng cháu ăn rồi mới đến. À vừa rồi cháu ghé qua tiểu khu không thấy mợ út ở nhà.”
Chu Thanh Bách gật đầu: “Ừ, mợ đi dạy.”
Hứa Thắng Mỹ ngoan ngoãn nói: “Vậy thôi chúng cháu xin phép sang nhà ông bà ngoại đây ạ.”
Chu Thanh Bách đi vào bếp gói hai túi sủi cảo đưa cho đứa cháu gái: “Cầm cái này đưa cho bà ngoại giúp cậu.”
“Vâng ạ.” Hứa Thắng Mỹ giơ hai tay đón lấy rồi chào cậu, kéo thằng em rời khỏi tiệm.
Trên đường đi, Hứa Thắng Mỹ liên tục cằn nhằn: “Em bị câm à, mồm miệng đâu mà gặp cậu út không biết chào một tiếng?”
Hứa Thắng Cường lụng bụng: “Hồi chị kết hôn em xin ở lại mà cậu có cho đâu!”
Ừ, tới giờ nó vẫn còn bực đây này! Lần đó lên tới Bắc Kinh nó lập tức bị hút vào những thứ xa hoa rực rỡ, đèn xe lấp lánh, đường phố đông vui náo nhiệt. Khi ấy nó rất mong muốn được sống ở đây nên đã gặp riêng cậu út năn nỉ, thậm chí còn hứa sẽ ngoan ngoãn nghe lời, chịu khó làm việc thế mà đáp lại sự nhiệt tình của nó chỉ là thái độ dửng dưng và một câu từ chối lạnh lùng dứt khoát. Hừ! Trước đây đối xử với nó như thế mà giờ còn mong nó tươi cười chào hỏi á, mơ đi!
Hứa Thắng Mỹ nghiến răng nghiến lợi: “Mày sống có tiền đồ tí được không, cứ ôm ba cái chuyện cũ rích đó thì tới bao giờ mới khá lên được? Mày có biết hiện giờ cậu út làm chủ rất nhiều cửa hàng cửa hiệu không? Mày không chủ động tiến tới giữ chặt mối quan hệ không lẽ định đợi người ta tới lấy lòng mày? Tự hỏi lại bản thân mình xem có bản lĩnh gì để người ta phải quỵ luỵ lấy lòng, hả?”
Hứa Thắng Cường nghệt mặt: “Có mấy cái cửa hàng?”
Hứa Thắng Mỹ liếc xéo, hậm hực nói: “Hôm nọ chị sang bà ngoại thấy bảo đầu năm nay mới khai trương thêm cái thứ 5.”
Hứa Thắng Cường kinh ngạc: “Nhiều như vậy cơ á?”
Hứa Thắng Mỹ tiếp tục dặn dò: “Tí sang nhà ông bà ngoại mày khôn lanh lên một chút cho chị. Mày mà cứ không hiểu chuyện thế này thì đừng mong chị tiếp tục che chở cho mày nữa, sau này có chuyện gì tự đi mà gánh lấy!”
Hứa Thắng Cường vùng và vùng vằng khó chịu nhưng sang tới Chu gia nó cũng phải lễ phép chào hỏi đôi câu.
Mặc dù không hài lòng về hai đứa nó nhưng dù sao cũng là cháu ngoại nên ông Chu gật đầu tỏ ý bảo chúng ngồi xuống rồi ông hỏi sơ qua tình hình Triệu gia bên đó thế nào.
Bà Chu đón lấy bọc sủi cảo, mang xuống bếp nấu cho hai chị em nó hai tô.
Nghe Hứa Thắng Mỹ than phiền công nhân nhà máy nói ra nói vào, khinh khi em trai nó dựa vào quan hệ đi cửa sau, bà Chu nhăn mặt: “Ở nhà tử tế không muốn, tự dưng lặn lội đường xá xa xôi lên đây đổi lấy một cuộc sống luồn cúi, phải xem sắc mặt người khác mà làm việc, đúng là chẳng ra làm sao!”
Giằng co một hồi, Hứa Thắng Cường mới bật thốt ra câu: “Nếu được thì cháu chẳng muốn qua bên đó làm đâu, rõ ràng cậu ruột ở bên này, tội gì phải đi đâu chịu khổ…!”
Đây đồng thời cũng là tiếng lòng của Hứa Thắng Cường. Làm sao nó không biết cả cái nhà họ Triệu khinh thường mình, nhưng cậu út nhất nhất không đồng ý, nó làm gì còn cách khác, chỉ có thể luồn cúi bám víu vào bên kia thôi.
Bà Chu bực mình: “Có ai bắt cháu lên không? Tự mình mò lên giờ còn than khổ than sở nỗi gì? Ở quê có đất có ruộng, chăm chỉ cấy cày gia tăng sản xuất thì nào thua kém ai!”
Máu mủ ruột rà, cháu ngoại cũng là cháu, bà rất thương nhưng không thể không mắng, rõ ràng người lớn đã không cho lên mà cứ nằng nằng đòi đi cho bằng được, giờ khổ còn định trách ai?
Hứa Thắng Cường nhăn nhó: “Bà ngoại, bà cũng biết Bắc Kinh là địa phương tốt mà. Cháu là người trẻ tuổi làm sao chịu ru rú xó nhà, tất nhiên mong muốn đi ra bên ngoài tìm cơ hội phát triển rồi. Cương Tử lẫn Hổ Tử đền được lên đây còn gì?”
Bà Chu xua tay: “Được rồi, không nói nữa, mau ăn sủi cảo đi.”
Hứa Thắng Mỹ cười gượng gạo: “Cháu nghe mẹ cháu kể chính cậu út đặt vấn đề bảo mẹ cháu chuyển lên trên này làm ăn.”
Bà Chu bực dọc: “Cậu út mày đúng là hồ đồ, cha mẹ mày hiền lành chất phát, ở quê trồng trọt chăn nuôi là tốt rồi, lên trên này làm sao cạnh tranh lại với người ta.”
Hứa Thắng Mỹ vội chữa cháy: “Cháu biết, chắc tại lần đó cháu lỡ lời nên cậu út mới có suy nghĩ đó. Cũng tại cháu suy xét mọi việc không tới nơi tới chốn.”
Hôm đám cưới nó đã chịu đủ nhục nhã ê chề rồi, cha mẹ quê không biết để đâu cho hết, nói chuyện thì lắp ba lắp bắp, hành xử vụng về thiếu tinh tế, dắt lên đây chỉ tổ làm trò cười cho bàn dân thiên hạ.
Bây giờ nó đã thành công đón được em trai lên trên này, tiếp sau đây nó sẽ từ từ huấn luyện và bồi dưỡng Thắng Cường để trở thành điểm tựa mai sau, còn cha mẹ thì thôi cả đời này cứ sống như vậy đi.
Bà Chu nói tiếp: “Cứ thấy dì dượng út làm ăn được là tưởng ai cũng bắt chước được chắc? Mày không nghĩ lại xem dì với dượng ăn học tới đâu, bằng cấp như nào.”
Lại là bằng cấp, lại là bằng cấp! Hứa Thắng Mỹ hận sôi máu nhưng vẫn phải nén vào trong. Bây giờ nó đã lập gia đình rồi, không có khả năng đi học nhưng Thắng Cường thì khác, Thắng Cường phải được đi học!
Nhân tiện nói tới chủ đề bằng cấp, Hứa Thắng Mỹ chớp thời cơ đặt vấn đề luôn: “Bà ngoại, bà có thể nói chuyện với mợ út kêu mợ ấy xin học cho Thắng Cường được không? Giờ nó đã lên trên này rồi, ít nhiều gì cũng phải học này học nọ cho bằng với người ta, bà nói có phải không ạ?”
Bà Chu nói thẳng: “Việc này bà không biết đâu, cháu muốn gì thì cứ đi tìm mợ út mà nói.”
Cho tới tận bây giờ vợ thằng tư vẫn còn chưa nguôi giận, bà biết chứ. Nó làm công tác giáo dục mà, làm sao chấp nhận được loại sự tình ăn cơm trước kẻng, hồi ấy nó không cầm gậy đánh cho một trận đã là may lắm rồi. Đến cả chị chồng lên đây mà nó còn lạnh nhạt thờ ơ có nghĩa là nó không mặn mà gì với mối quan hệ họ hàng này nữa.
Kể ra vợ thằng tư làm vậy có hơi quá nhưng suy đi tính lại lỗi lầm bắt nguồn từ cháu gái mình, vậy nên bà Chu nào nói được gì.
Hứa Thắng Mỹ cố nài nỉ: “Bà ngoại, lời bà nói có tác dụng hơn. Với lại mợ út cho chị Nhị Ni, Hổ Tử thậm chí Cương Tử đi học, chẳng lẽ không cho được Cường Tử đi à?”
“Làm sao? Mợ út thiếu nợ nhà mày à?” Chu Hiểu Mai vừa từ bên ngoài trở về, đúng lúc nghe được lời này của đứa cháu gái, cô lập tức nổi trận lôi đình.
Hứa Thắng Mỹ giật nảy mình, vội vã phân bua: “Dì à, dì hiểu lầm ý cháu rồi, cháu chỉ muốn Cường Tử được học cái này cái kia, để sau này nó không phải giống cháu…”
Chu Hiểu Mai quăng cái túi xuống ghế, trừng mắt nói thẳng: “Mày làm sao? Mày như thế này là do bản thân lười biếng, đừng làm bộ làm tịch giả vờ đáng thương nữa. Hồi ấy mợ út muốn cho tất cả đi học lớp bổ túc ban đêm nhưng chính mày không chịu đi học mà lựa chọn xem TV, giờ còn ngồi đây trách ngược à? Ông bà ngoại, kể cả dì út cũng đều động viên mày đi học cho biết cái chữ với người ta nhưng lúc ấy mày còn giận dỗi cho rằng mọi người ích kỷ, không muốn cho mày xem TV còn gì.”
Vì đang phải nhờ vả Chu gia cho nên Hứa Thắng Mỹ buộc lòng phải hạ giọng với bà dì: “Cháu biết trước đây là do cháu trẻ người non dạ, không hiểu chuyện, nhưng những chuyện đó đã qua rồi, giờ đang nói tới chuyện của Cường Tử mà dì.”
Chu Hiểu Mai gần như mất hết kiên nhẫn với con nhỏ này, cô xua tay: “Thôi thôi, đừng có hễ một tí lại chạy sang nhà bà ngoại nữa, cần gì thì trực tiếp đi gặp mợ út mà nói.”
Hứa Thắng Mỹ nắm chặt tay cố nhịn cơn tức: “Vậy để chị em cháu đi tìm mợ út.”
Hứa Thắng Cường nhíu chặt mày, cố gắng không mở miệng, nhưng vừa ra khỏi cổng nhà ông bà một cái là nó lập tức sửng cồ lên: “Chị, em nói em muốn đi học lúc nào? Sao chị cứ làm việc không đâu thế nhỉ? Chi bằng chị bảo thẳng bà ngoại sắp xếp cho em một công việc ở chỗ cậu út là xong. Em thật sự không chịu nổi Triệu gia nữa rồi.”
Hứa Thắng Mỹ liếc xéo: “Em muốn làm ở chỗ cậu út thì phải chứng minh bản thân có năng lực. Chứ em tưởng mấy cửa hàng của nhà cậu ấy thích vào là vào được chắc?”
Hứa Thắng Cường khinh khỉnh: “Xì, cứ làm như ghê gớm lắm không bằng. Cái thằng Cương Tử thì hơn ai mà nó cũng làm được đấy thôi!”
Hứa Thắng Mỹ tức muốn thổ huyết: “Không hơn ai thì bây giờ nó cũng đi học lớp bổ túc ban đêm rồi đấy. Thôi không lằng nhằng nữa, đi sang bên cậu mợ…à mà khoan! Chưa chắc bà mợ kia đã đồng ý cho em đi học ấy chứ, có khi chị em mình nên nói với cậu tư trước.”