Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 443: Áo gấm về làng
Lâm Thanh Hoà không khách khí mà nhận lời ngay, cô còn cười chọc thêm một câu: “Chúng em ăn nhiều lắm đấy, chị nhớ nấu nhiều nhiều nha.”
Anh ba Chu bật cười ha hả rồi hỏi: “Chú thím tư, cái xe này là mua giúp anh đấy hả?”
Lâm Thanh Hoà gật đầu xác nhận: “Vâng, anh nhìn xem có ưng không.”
Anh ba Chu thích thú ngắm bên này rồi lại vòng sang ngắm bên kia. Chu Thanh Bách mở nắp can xăng, đổ vào bình rồi hỏi anh trai: “Anh biết đi xe máy không?”
Anh ba gãi đầu lúng túng: “Không, chú dạy anh đi.”
Chu Thanh Bách bảo anh cất gọn can xăng vào trong sân rồi hai anh em dẫn nhau đi tập xe. Còn Lâm Thanh Hoà với chị ba Chu thì vào nhà trong uống nước trò chuyện.
Vừa vào nhà chị ba đã gấp gáp hỏi ngay: “Thím tư, xe với xăng bao tiền, để chị vào trong lấy tiền gửi thím.”
“Trời ơi, sốt ruột gì chứ, em còn sợ anh chị quỵt mất hay sao.” Nói rồi, cô nhìn quanh căn tiệm không thấy Chu Ngũ Ni đâu liền hỏi: “Ngũ Ni đi đâu rồi hả chị? Hay là nghỉ hè không về?”
Chị ba cười gật đầu: “Ừ, nó không về thím ạ. Nó với Dương Dương xin ở lại học thêm cái gì ấy. Ôi lớn rồi, tự biết lo thân, chị cũng mặc kệ.”
Chị rót nước cho Lâm Thanh Hoà rồi nhanh chóng đi vào nhà cầm 900 đồng ra. Tuy nhiên không tốn tới từng ấy, Lâm Thanh Hoà chỉ thu đúng tiền xe cộng tiền xăng, còn thừa bao nhiêu cô liền đưa trả lại.
Chị ba Chu cười tíu tít: “Không lâu trước đây có người khách đi xe máy lại đây mua hàng. Anh chị hỏi thử xem giá cả thế nào thì cậu ấy nói nhờ bạn mua hộ, hơn một ngàn lận.”
Lâm Thanh Hoà gật gù: “Vận chuyển một chiếc xe máy từ phương Nam về đây, tính giá hơn 1000 đồng cũng không phải là quá đáng lắm.”
Chị ba Chu cảm kích vô cùng: “Anh chị may mắn hơn người ta có chú thím hết lòng giúp đỡ thế nên mới thắt lưng buộc bụng quyết tâm mua một chiếc.”
Lâm Thanh Hoà tán thành: “Nhà chị quyết định mua là đúng. Chứ em thấy anh ba gầy và đen quá. Kiếm tiền chứ nào phải bán mạng.”
Nói rồi, cô thò tay vào trong túi lấy ra một gói kẹo và hai hộp sữa bột làm quà đón tay cho mấy đứa cháu.
Chị ba xua tay: “Thế này đã ăn thua gì. Làm sao bằng hồi còn ở dưới thôn làm ruộng cơ chứ. Mà kể ra làm nông khổ quá, sơ sảy là thành công cốc như chơi. Năm nay quê mình mất mùa thím ạ.”
Nghe thấy vậy, Lâm Thanh Hoà ngỡ ngàng hỏi: “Làm sao? Sao lại mất mùa hả chị?”
Chị ba chép miệng: “Chưa kịp thu hoạch vụ hè thì mưa bão ùn ùn kéo tới, hoa màu ngập úng hỏng hết. haizz, bây giờ cuộc sống còn đỡ đấy chứ phải như trước kia chắc chết đói cả vùng mất.”
Lâm Thanh Hoà nhíu mày: “Vậy sao? Em với chị cả thường xuyên trao đổi qua điện thoại mà chẳng thấy chị ấy nói năng gì.”
Chị ba Chu giải thích giúp: “Chắc chị cả sợ chú thím với mọi người trên đó lo lắng nên không nói. Nhưng mà cũng còn may chán, có hai huyện lân cận vận chuyển lương thực tới đây bán. Tốn kém chút nhưng có cái ăn là tốt rồi, không tới nỗi chết đói.”
Nông gia khổ vậy đấy, trồng trọt cấy hái tất cả dựa hết vào ông trời. Trời thương cho mưa thuận gió hoà thì mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ, chứ năm nào mà thiên tai lũ lụt là xác định đói kém. Bây giờ còn có thể dùng tiền mua được lương thực chứ lui lại mấy năm trước thì biết đi đâu mà mua?
Chợt nghĩ tới đứa cháu gái gả chồng xa, Lâm Thanh Hoà liền hỏi: “Thế chỗ Tam Ni thế nào, chị có biết không?”
Không nhắc tới thì thôi, nhắc tới con bé này chị ba càng thở dài tợn: “Chỗ con bé bị ảnh hưởng nặng lắm, đã vậy năm nay hai vợ chồng còn dắt díu nhau lên bệnh viện khám bệnh.”
Lâm Thanh Hoà giật mình: “Đứa nào làm sao?”
Chị ba hạ thấp giọng thì thào: “kinh nguyệt của Tam Ni không đều nên nó phải lên bệnh viện huyện kiểm tra thân thể.” Sau đó chị đem toàn bộ sự tình thuật lại một lần, cuối cùng chính chị cũng không nhịn được mà phải thở dài thương xót: “Thím nói xem, tại sao một cô gái ngoan ngoãn, hiền lành mà cứ gặp hết trắc trở này tới trắc trở khác như vậy? Bác sĩ nói con bé thiếu máu, phải chú tâm điều dưỡng cho tốt, nếu không rất khó có con.”
Cái hôm Chu Tam Ni và Lý Ái Quốc lên trên này, chị ba Chu nhìn mà muốn trào nước mắt, con bé gầy gò, yếu ớt, mặt mũi trắng bệch cắt không được hột máu, cả người lung lay như mất hết sinh khí.
Lâm Thanh Hoà hỏi tiếp: “Còn Lý Ái Quốc thì sao? Thái độ nó thế nào?”
Chị ba Chu nhận xét: “Được lắm. Đúng như những gì trước đây chị cả đã nói, công nhận nó là đứa tốt. Nó chỉ động viên Tam Ni cứ yên tâm trị bệnh, ngoài ra không nói thêm bất cứ cái gì khác. Nhưng chị là chị sợ con bé Tam Ni kia kìa, thể nào nó cũng ôm mọi chuyện vào lòng rồi u uất cho xem.”
Lâm Thanh Hoà chép miệng: “Cô nương nào gả chồng mà không may gặp phải tình cảnh này cũng sẽ đau khổ, buồn bã cả thôi.”
Thiên tai, mất mùa, lại còn bệnh hoạn, đúng là nhà dột gặp mưa rào!
Chị ba nói thêm: “Nhưng chị nghe ý tứ thì có vẻ Lý Ái Quốc muốn lên huyện thành mở cửa hàng làm ăn hay sao ấy.”
Lời này khiến Lâm Thanh Hòa rất đỗi kinh ngạc: “Nó muốn mở cửa hàng?”
Vốn lần này về cô cũng định đề xuất phương hướng kinh doanh cho vợ chồng Tam Ni, không ngờ chưa kịp nói ra thì chúng nó đã tự có suy nghĩ rồi. Rất tốt!
Chị ba Chu gật đầu: “Ừ, chị thì chị thấy nó có ý định. Nhưng việc này đâu phải nói mở là mở được ngay. Trước tiên vấn đề mặt bằng cũng đủ đau đầu rồi. Thuê thì không có lời mà mua thì cùng lúc phải bỏ ra cả đống tiền. Với lại còn phải chạy đây chạy đó nhập hàng, chân cẳng Lý Ái Quốc như thế làm sao đi nổi.”
Chân Lý Ái Quốc không phải tật bẩm sinh nhưng do không chữa trị kịp thời nên bây giờ coi như hỏng mất một. Kỳ thực anh ba Chu rất sẵn sàng giúp đỡ cháu rể nhưng ngặt một nỗi công việc này đòi hỏi mỗi ngày phải đi lại rất nhiều, đạp xe thồ hàng sử dụng sức chân là chính. Anh khoẻ mạnh thế này mà còn chịu không nổi, nói chi người đi đứng khó khăn như Lý Ái Quốc. Vậy nên, anh chị thương nhưng cũng đành lực bất tòng tâm.
Lâm Thanh Hoà không phản bác gì vì những vấn đề chị ba đưa ra đều rất thực tế và nan giải.
Nói tới đây trong đầu cô đã mơ hồ nổi lên ý tưởng, tuy nhiên vẫn còn có chút do dự nên cô quyết định tạm thời gác sang một bên, khéo léo chuyển sang chủ đề khác: “À, ngồi nãy giờ mà quên không hỏi thăm, cửa hàng anh chị vẫn làm ăn tốt chứ hả?”
Chị ba Chu cười: “Năm nay cũng bị ảnh hưởng tí chút, nhưng giờ mọi việc bắt đầu khá hơn rồi.”
Cái đợt mưa to gió lớn, rau trái hoa màu hỏng sạch, sạp rau nhà chị đìu hiu thấy thương vì chẳng có gì bán buôn. May thay, sau đó được cậu ba Lâm dẫn dắt, đi lấy tôm, cá về bán, cũng coi như bù đắp được phần nào.
Hiện giờ thời tiết đã ổn định, rau dưa cây trái đã mọc lại, sạp rau nhà chị lại bắt đầu chạy hàng như bình thường. Sắp tới đây anh ấy có cái xe máy chắc chắn sẽ còn phát triển lớn mạnh hơn nữa.
Chị ba Chu hỏi thăm: “À, đúng rồi, năm nay vợ chồng cô út có về quê không.”
Lâm Thanh Hoà lắc đầu: “Cái này em cũng không biết nữa.”
Chị ba Chu liền khoe: “Anh chị mua nhà rồi, tuy rằng hơi nhỏ chút nhưng không sao. Để qua cái đợt bận rộn này rồi tụi chị sẽ chuyển ra.”
Lâm Thanh Hoà nói chúc mừng rồi cười hỏi: “Chị mua ở đâu, rộng không?”
Chị ba Chu cười cười: “Mua cư xá nên không được rộng rãi lắm.”
Lâm Thanh Hoà bất ngờ: “Sao anh chị không mua nhà đất?”
Chị ba Chu lắc đầu: “Đắt quá.”
Những gì cần nói lần trước về Lâm Thanh Hoà đều đã nói cả. Còn quyết định mua ở đâu là quyền của anh chị. Hơn nữa cũng đã mua rồi cho nên Lâm Thanh Hoà không tiện nói thêm gì nữa.
Chị ba Chu nói tiếp: “Cậu mợ ba nhà thím cũng mua nhà rồi đấy. Cái tiểu viện đó tương đối rộng mở, sân vườn cũng rộng rãi nhưng chị thấy không đáng tiền, những 1800, quá đắt.”
Đắt cắt cổ ấy chứ, một cái nhà cũ nát xập xệ mà hét cả đống tiền. Mua về rồi cũng có vào ở ngay được đâu, còn phải bỏ thêm một mớ sửa sang trang hoàng lại nữa. Chị áng chừng chắc cũng phải đổ vài đấy 2000 chứ không thể ít hơn.
Lâm Thanh Hoà lại hỏi: “Thế căn cư xá anh chị mua bao nhiêu?”
Chị ba Chu có sao nói vậy: “Hơn 900, tuy hơi cũ một chút nhưng không sao. Chị với anh đều tính về thôn xây nhà. À, định xây giống nhà chị cả đấy. Thím chưa nhìn thấy đúng không, to đẹp lắm. Giờ nhà anh chị ấy đẹp nhất thôn. Thật là nở mày nở mặt hết sức.”
Nói tới đây thì Lâm Thanh Hoà hiểu rồi. Cái này người ta gọi là áo gấm về làng đây mà. Những người con xa quê làm ăn, ai cũng muốn khi có tiền sẽ về quê xây một căn nhà khang trang, đẹp đẽ cho dân làng trầm trồ khen ngợi.
Nhưng cô cảm thấy không đáng phải làm như vậy. Một năm chỉ ở quê có vài ngày Tết rồi đi, đổ tiền xây nhà to rồi bỏ trống à? Trong khi đó vợ chồng con cái sinh sống chủ yếu ở trên thành thì lại chịu cảnh chui rúc chật hẹp. Đúng là quá lãng phí và không thiết thực.