Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 445 - Chương 445: Tình Cảm Phu Thê

Chương 445: Tình cảm phu thê Chương 445: Tình cảm phu thê

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 445: Tình cảm phu thê

Trẻ con dễ buồn dễ vui và đặc biệt ưa nói ngọt, được cô Thanh Hoà dỗ dành đôi câu, Lâm Tú liền nhoẻn miệng cười xinh xắn.

Lúc này đang là cuối giờ chiều nên khách khứa ra vào không ngớt, hai vợ chồng cậu ba bận luôn chân luôn tay người thu tiền, người gói hàng.

Buổi sáng và chạng vạng tối là hai khoảng thời gian cao điểm nhất trong ngày vì mọi người tấp nập đi chợ mua thực phẩm về chuẩn bị cơm nước, còn những lúc khác cũng có khách nhưng lác đác thôi chứ không đông đúc như thế này.

Vừa nãy vào, Lâm Thanh Hoà để ý thấy hai sọt trứng gà đầy ú ụ thế mà mới chỉ ngồi chơi một lát, số trứng trong sọt đã vơi đi thấy rõ. Chứng tỏ cửa hàng bán buôn cũng được ra phết.

Đợi khách vãn vãn, cậu ba mới có thời gian tiếp chuyện chị gái, cậu giơ tay quẹt mồ hôi trên trán rồi cười nói: “Chị, tối nay anh chị ở lại đây ăn cơm nha. Chúng ta qua nhà mới ăn.”

Lâm Thanh Hoà cười lắc đầu: “Trước khi sang đây chị đã nhận lời với chị ba rồi, tí phải về đó ăn. Nghe nói vợ chồng cậu mua nhà rồi hả?”

Cậu ba Lâm cười vui hết cỡ: “Vâng, chúng em mua rồi. Chính là căn mà đợt trước em nói với chị đấy.”

Khác với anh chị ba Chu, cậu ba Lâm không hề có ý định quay về thôn, thậm chí còn có tính toán đợi thời cuộc ổn định, cậu sẽ chi một khoản tiền để chuyển hộ khẩu cả gia đình mình lên thành.

Vậy nên chuyến này cậu chơi lớn, không những bỏ 1800 đồng mua nhà mà còn mạnh tay chi thêm 500 đồng tu bổ toàn bộ từ trong ra ngoài làm cho khuôn viên căn tiểu viện rực rỡ hẳn lên. Hơn 2000 đồng không phải là con số nhỏ nhưng cậu thấy hoàn toàn xứng đáng.

Giờ đây sau một ngày làm việc vất vả, đặt chân về mái ấm do chính đôi bàn tay mình gầy dựng lên, cậu ba cảm thấy dường như mọi mệt mỏi đều tan biến, mọi áp lực hay phong ba bão táp đều dừng lại sau cánh cửa kia. Nơi đây chỉ có hạnh phúc ấm êm và những tiếng cười vui vẻ của vợ con.

Gia đình cậu sẽ ở hẳn đây luôn, kể cả Tết cũng không về quê nữa, vì mỗi lần về là có biết bao nhiêu rắc rối cùng phiền phức lũ lượt kéo tới.

Hết cha mẹ ở trước mặt than ngắn thở dài lại đến hai ông anh trai thi nhau khiển trách, lên án. Nào là giờ có tiền đồ rồi, không nâng đỡ anh em, nào là ích kỷ không cho ai làm giàu cùng, vân vân và mây mây.

Thật ra cậu không hề ích kỷ tí nào, cậu cũng rất muốn giúp nhưng giúp thế nào khi vừa mở miệng ra hai ông anh đã nói thẳng không có tiền, bắt cậu phải lo từ A đến Z, từ việc xuất tiền mua cửa hàng cửa hiệu cho tới nhập hàng hoá. Ủa, cậu lấy đâu ra nhiều tiền như vậy với lại sau này việc lớn việc bé gì cũng nắm đầu cậu ra để có mà chết à?! Cậu còn nuôi vợ nuôi con chứ có rảnh đâu.

Đây không phải hỗ trợ anh em làm ăn mà là rước tổ tông lên cung phụng thì đúng hơn. Đang yên đang lành tự nhiên mang rơm cho nặng bụng, cậu đâu ngu tới mức ấy mà kể cả cậu có mềm lòng đi chăng thì vợ cậu còn lâu mới chịu.

Đó, như Tết năm ngoái về quê, cứ tưởng được kỳ nghỉ lễ thảnh thơi vui vẻ ai ngờ đâu chỉ toàn chuốc bực vào người.

Anh cả với anh hai tới chúc Tết, chả hỏi thăm các em các cháu được câu nào mà chỉ chăm chăm dò hỏi buôn bán đắt khách không rồi quay sang đòi vay tiền.

Ngày tư ngày Tết, người ta kị nhất mấy chuyện không vui thế mà hết anh rồi tới cha mẹ kéo nhau sang sinh sự. Cậu làm lụng cực khổ lắm nào phải tự nhiên từ trên trời rớt xuống mà cứ hễ gặp là vòi tiền?!

Thế mà động nói đến là chê cậu vô lương tâm, không hiếu thuận với cha mẹ, không biết thương anh thương em. Thử hỏi có đứa con nào bất hiếu mà hàng tháng đều đặn gửi 10 đồng về phụng dưỡng cha mẹ không? Có đứa con nào bất hiếu mà lễ tết quà bánh đầy đủ không? Cả cái thôn này không ai không khen cậu, duy chỉ có người nhà là chê, thế mới tài?!

Mà thôi kệ, khen cũng được, chê cũng xong. Là con là cái, cậu sẽ làm tròn bổn phận của mình. Nhưng tiền phụng dưỡng chỉ có vậy, muốn hơn cũng không có. Dù gì trong nhà vẫn còn hai ông anh, cha mẹ là cha mẹ chung, tất cả con cái phải cùng có trách nhiệm, không thể đổ dồn lên một người được.

Mấy chuyện không vui bên lề coi như bỏ qua, tóm lại cuộc sống này cậu rất vừa ý. Trừ bỏ năm nay thiên tai, mất mùa hơi khủng hoảng một tí nhưng may mắn cậu nhanh trí dự trữ rất nhiều lương thực và thực phẩm, đảm bảo vợ con có cái ăn cái mặc, không lo đói rét.

Lâm Thanh Hòa đứng dậy rồi nói: “Hai vợ chồng cứ bận việc đi, A Tú, đưa cô Thanh Hoà đi thăm nhà mới nào.”

Từ cửa hàng đi về nhà không xa, thả bộ tầm ba phút là tới.

Đẩy cổng đi vào, Lâm Thanh Hoà đánh giá tính hình xung quanh một chút. Vị trí đẹp, rộng rãi, thoáng mát, rất được.

Ngắm nghía dạo quanh một vòng, hai cô cháu dắt tay nhau quay về cửa tiệm.

Lâm Thanh Hoà lên tiếng: “Căn tiểu viện này được đấy, mua là đúng rồi, đảm bảo sau này cậu mợ sẽ không hối hận.”

Cậu ba cười cười: “Tiêu tốn hết thảy 2300 chị ạ.”

Lâm Thanh Hoà gật gù: “Từng đấy không nhiều lắm, với cái chính là xứng đáng với đồng tiền bỏ ra.”

Hai chị em đang nói chuyện thì Chu Thanh Bách và anh ba Chu phóng xe máy tới.

Cậu ba Lâm đứng dậy cười khà khà: “Chà, anh mua xe rồi đấy à?”

Anh ba Chu bước xuống xe cười như địa chủ được mùa: “Phải học theo cậu mua thôi, chứ có tuổi rồi, đạp xe đạp không nổi nữa.”

Hiện tại hai người có quan hệ tương đối mật thiết, vừa là thông gia lại vừa cùng cảnh xa quê tới nơi đất khách làm ăn sinh sống thế nên đôi bên thường xuyên qua lại giúp đỡ lẫn nhau.

Đặc biệt cậu ba Lâm làm người rất có tinh thần trượng nghĩa. Rõ ràng cái chỗ nhập cá, tôm và trang trại vịt ở khu đập nước là do tự cậu khám phá ra nhưng cậu không ngại ngần chia sẻ với anh ba, thậm chí còn nhiệt tình dẫn anh tới tận nơi lấy hàng.

Đương nhiên anh ba cũng là người sống biết điều. Hai anh em thống nhất chung một giá mua vào, không để xảy ra tình trạng người mua cao người mua thấp, người mua ít người mua nhiều, hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhau cả ở trong lẫn ngoài thôn. Dĩ nhiên trên thực tế, đôi lúc khó mà tránh khỏi sự chênh lệch ít nhiều, tuy nhiên nhìn chung thì mọi chuyện vẫn cân bằng, không có vấn đề gì quá lớn.

Cậu ba Lâm gật gù: “Đáng lẽ anh nên mua từ sớm mới phải. Có cái xe máy tha hồ vận chuyển hàng.”

Mua một chiếc xe máy rất đắt, tiền xăng dầu cũng không rẻ nhưng lợi ích thu về rất lớn. Từ ngày có cái xe, công việc của cậu ba Lâm phất lên như diều gặp gió. Chỉ chưa đầy một tháng cậu đã kiếm về hơn 700, hoàn lại khoản đầu tư ban đầu.

Đứng nói dăm ba câu, anh ba Chu lại hào hứng dắt xe đi tập tiếp. Đàn ông mà, hiếm có người nào không đam mê xe cộ, tốc độ. Trước khi đi, anh không quên quay lại dặn thím tư: “Chị ba đang ở nhà mổ gà rồi đấy, tí nữa nhất định chú thím phải về ăn cơm nhá.”

Lâm Thanh Hoà gật đầu cười tỏ ý đã biết, một lát nữa vợ chồng cô sẽ về.

Vì anh ba đã điều khiển khá vững vàng nên Chu Thanh Bách không cần phải kèm thêm nữa, anh ở lại trò chuyện với cậu em vợ: “Năm nay làm ăn vẫn tốt chứ hả?”

Cậu ba Lâm thật thà có sao nói vậy: “Vâng, anh cứ yên tâm, hết thảy mọi thứ đều tốt cả.”

Chu Thanh Bách gật đầu: “Vậy là được rồi, sau này có dịp vợ chồng lên Bắc Kinh chơi một chuyến.”

Cậu ba Lâm cười cười hẹn khi nào có dịp nhất định sẽ lên thăm anh chị rồi cậu mở lời: “À, tối nay anh chị ngủ lại nhà em một đêm đi, sớm mai về thôn cũng được. Chứ em sợ ăn xong trời cũng trễ rồi, đi đường tối nguy hiểm.”

Lâm Thanh Hoà liền hỏi: “Nhà cậu còn phòng trống à?”

Cậu ba đáp ngay: “Dạ còn, còn một phòng khách. Từ khi nhà em dọn về đến nay căn phòng đó vẫn mới nguyên, chưa hề có người ngủ.”

Lâm Thanh Hoà không khách sáo: “Vậy được, ăn cơm xong anh chị sẽ ghé nhà cậu mợ.”

Mợ ba Lâm tiếc nuối: “Đáng lẽ tối nay anh chị ở bên này ăn cơm chung có phải vui hơn không.”

Lâm Thanh Hoà cười xoà: “Có gì đâu, ăn ở đâu cũng vậy mà.”

Lâu ngày về thăm quê, được bà con họ hàng nhiệt tình tiếp đón, thậm chí tranh nhau chiêu đãi là một chuyện đáng quý vô cùng. Điều đó thuyết minh mình sống không tới nỗi nào nên mọi người mới quý mến, không phải sao?

Xem đồng hồ thấy gần tới giờ cơm, Lâm Thanh Hoà cùng chồng đứng dậy, di chuyển sang nhà anh chị ba.

Nhìn hai anh chị sóng đôi bước đi, mợ ba Lâm xuýt xoa hâm mộ: “Tình cảm vợ chồng anh chị ấy tốt thật đấy.”

Đời này mợ chưa từng gặp qua cặp vợ chồng nhà nào ân ái, thuận hoà như vậy. Đi cùng với nhau gần nửa cuộc đời rồi mà anh chị vẫn keo sơn gắn bó, mặn nồng như vợ chồng son.

Cậu ba Lâm tiến lại gần vợ, khoé miệng cong cong: “Không cần phải ngưỡng mộ, tình cảm đôi ta cũng tốt đấy thôi.”

Bình Luận (0)
Comment