Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 446 - Chương 446: Thất Nghiệp Cả Nhà

Chương 446: Thất nghiệp cả nhà Chương 446: Thất nghiệp cả nhà

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 446: Thất nghiệp cả nhà

Mợ ba Lâm trừng mắt một cái, ban ngày ban mặt mà nói năng không giữ ý giữ tứ gì hết. Nhưng không biết từ bao giờ trên môi mợ đã nở rộ nụ cười hạnh phúc. Cuộc sống này… phải nói là hết sức tuyệt vời. Bây giờ đã tốt rồi và mợ tin càng về sau mọi thứ sẽ càng tốt đẹp hơn nữa.

Tuy bên phía nhà chồng không ngừng sinh sự tào lao nhưng có nhảy nhót cỡ nào thì cũng chỉ hạn chế ở quê, tay chân bọn họ không dài tới nỗi vươn tận lên huyện thành bên này.

Đương nhiên, nếu họ chịu an phận như thế thì đã không phải ông bà Lâm. Sau khi biết cậu mợ mua được căn tiểu viện, hai ông bà già hết lần này tới lần khác đòi lên trên này ở. Rất tiếc, mợ rất cứng rắn, không đồng ý là không đồng ý!

Thực ra nếu cha mẹ chồng là người hiền lành, biết điều, mợ sẵn sàng đón ông bà lên ngay. Tiếc thay, họ không xứng để mợ phụng dưỡng, chăm sóc.

Nhớ năm xưa, lúc mợ sinh hai đứa đầu đều là gái, mẹ chồng cay nghiệt đến độ không cho ăn cơm. May nhờ miếng thịt và chục trứng của chị Thanh Hoà, mợ mới an toàn vượt qua thời kỳ ở cữ, cơ thể không lưu lại bệnh hậu sản nguy hiểm. Dù cho cuộc sống bây giờ đã khấm khá hơn thì mợ cũng sẽ mãi mãi không quên những tháng ngày khổ sở cùng cực ấy, mãi mãi không quên những người đã từng đỗi xử tàn nhẫn với mình và các con.

Hiện giờ mỗi tháng đều đặn gửi về 10 đồng là mợ thấy vợ chồng mình đã tận tình tận nghĩa lắm rồi, đừng đỏi hỏi gì thêm nữa và càng đừng nghĩ tới việc dọn lên đây ở chung, không bao giờ có chuyện đó xảy ra.

Tết năm ngoái về quê không được ngày nào yên ổn. Hết cha mẹ chồng sang bóng gió ý tứ, rồi hai chị dâu chạy sang nặng nhẹ xa gần. Cực chẳng đã, mợ phải nói huỵch toẹt ra, ai dám đưa hai ông bà lên huyện thành, mợ sẽ lập tức đưa trở về. Thái độ vô cùng quyết liệt, một lời đã định, bít cửa thương lượng!

Ngoài ra mợ đây không phải đèn cạn dầu để ai muốn leo lên đầu thì leo. Hừ, người ta đi khắp nơi rêu rao đặt điều vu khống nhà mợ, chẳng lẽ mợ không biết đường nói lại chắc?

Vậy là nhân dịp về quê nghỉ lễ, mợ ba Lâm rất chịu khó buôn dưa lê bán dưa chuột với mấy bà, mấy thím trong thôn. Mợ than rằng cha mẹ chồng chê trách nhà mình đủ điều, nào là ích kỷ, vô lương tâm, gửi về có 10 đồng bạc lẻ. 10 đồng còn chê lẻ thì thử hỏi muốn bao nhiêu cho vừa? Ngày xưa ở cữ đến một ngụm cháo mẹ chồng còn không cho kia kìa? Nếu không có chị Thanh Hoà kịp thời ra tay cứu vớt thì có khi giờ này mộ của mợ đã xanh cỏ rồi cũng nên.

Dĩ nhiên mợ có sao nói vậy, hoàn toàn không thêm mắm dặm muối. Chị Thanh Hoà không những cho ăn mà còn giúp đỡ rất- rất nhiều. Năm đó bị ông bà Lâm ép phân gia, may mà có vợ chồng anh chị chứ nếu không chẳng biết đến bao giờ gia đình mình mới có mái nhà che nắng mưa.

Thế nhưng chả cần mợ ba nói ra thì Lâm gia đã trở thành trò cười cho thiên hạ từ lâu lắm rồi. Dân quê ít học nhưng họ không ngốc, lại còn sống chung một vùng, làm sao họ không biết nhân phẩm nhà họ Lâm ra sao.

Trong những buổi trà dư tửu hậu, chuyện nhà Lâm gia không thiếu bị mang ra mua vui. Họ nói gì ấy hả? Tất nhiên chê cười ông bà Lâm ngu ngốc, vô phúc, đứa tốt thì đuổi đi, đứa vô dụng thì giữ lại. Đoạn tuyệt quan hệ với đứa con gái, giờ cả nhà nó chuyển lên Bắc Kinh, tiền đồ rộng mở, vinh hoa phú quý hưởng không hết. Đuổi thằng con trai ra khỏi nhà, giờ nó cũng lên huyện thành, mở cửa kinh doanh buôn bán, cuộc sống phất lên như diều gặp gió.

Ở nông thôn, làm gì ra tiền mà 10 đồng còn chê ỏng chê eo? Đúng là được voi đòi tiên, chắc muốn bức cho thằng út phải đoạn tuyệt quan hệ thì ông bà ấy mới hả dạ chứ gì?! Nó mà tuyên bố cắt đứt thì hai ông bà già chỉ có nước ngồi khóc, chứ hai thằng lớn là vất đi rồi, chẳng nhờ cậy được gì. Đặc biệt là cái thằng hai ấy, cho tới tận bây giờ vẫn dây dưa với bà quả phụ chết chồng ở cuối thôn. Cứ dăm ba bữa hai vợ chồng lại đánh nhau ầm ĩ cả lên. Đúng là vô phúc!

Tất cả những lời trào phúng, châm chọc này ông bà Lâm nghe thấy hết nhưng đều bỏ ngoài tai, thậm chí còn tính toán xách quần áo lên huyện thành ăn vạ. Nhưng ngẫm lại thì đúng là trước đây đã đối xử quá tệ bạc với vợ thằng ba, nhỡ ép quá chúng nó lại quyết liệt cắt đứt quan hệ như cái con Thanh Hoà thì sôi hỏng bỏng không hết. Nghĩ vậy, ông bà đành ngậm ngùi nhận 10 đồng mỗi tháng và chấp nhận ở lại thôn. Nhưng hễ gặp ai ông bà cũng kêu ca, oán thán con cái bất hiếu, bỏ mặc cha mẹ già ba la, bô lô. Tuy nhiên ông bà có nói rát họng thì cũng chẳng ai thèm tin. Sự việc đã rõ rành rành ra như vậy, tưởng thay trắng đổi đen mà dễ chắc?!

Tại nhà anh chị ba, Lâm Thanh Hoà và Chu Thanh Bách được thiết đãi một bữa vô cùng thịnh soạn. Gà xào lăn, canh mướp hương, dưa leo xào trứng gà, cá hấp, tôm nướng, nhìn từng đĩa từng đĩa đầy ú ụ được bưng lên bàn, Lâm Thanh Hoà cười trêu: “Sao trước đây em không biết trù nghệ của chị ba lại xuất sắc như này nhỉ?!”

Chị ba Chu vừa nhanh nhẹn dọn bàn vừa cười đáp: “Xời, chị nấu ngon lắm đó, chẳng qua trước đây không có đất dụng võ thôi. Gớm ngày xưa khổ cực, dùng một đầu đũa mỡ heo còn phải đắn đo suy nghĩ thì làm sao dám nấu nướng gì. Nào, hai vợ chồng nếm thử đi, ăn nhiều vào nhé, đừng khách sáo.”

Lâm Thanh Hoà không khách khí, cô gắp thức ăn ăn ngon lành.

Bên cạnh, Chu Thanh Bách và anh ba nhâm nhi ly rượu hàn huyên.

Có tí hơi men, anh ba bắt đầu tâm sự những điều đã cất giấu trong lòng từ lâu: “Chú tư, anh đây cả đời này không quên ân tình của chú. Nếu không có cái buổi tối mấy anh em đi tắm sông, nếu không được nghe những lời khuyên nhủ động viên và đặc biệt là khoản tiền chú để lại thì anh chị không bao giờ có đủ dũng khí dám bỏ thôn đi ra bên ngoài liều một lần.”

Từ nhỏ đến lớn chỉ quẩn quanh bên cái ao làng, muốn bước một bước ra bên ngoài cần rất nhiều dũng khí cũng như sự khích lệ động viên. Anh ba may mắn vì có người em trai sẵn sàng ủng hộ hết mình từ vật chất đến tinh thần. Nhờ có chú tư, anh mới có ngày hôm nay, đó là điều không thể chối cãi.

Chu Thanh Bách ngửa đầu uống cạn chén rượu rồi nói: “Anh em với nhau, một người tốt thì mọi người cùng tốt. Chỉ cần chăm chỉ và quyết tâm, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau, anh nói đúng không?”

Anh ba Chu rót thêm rượu rồi cười khà khà: “Anh biết lão tứ nhà ta là người giỏi giang, bản lĩnh. Rõ ràng chú là em út mà bọn anh lại chẳng giúp đỡ được gì, ngược lại chú còn nâng đỡ các anh. Bây giờ đến cha mẹ cũng là vợ chồng chú chăm sóc.”

Lâm Thanh Hoà cười cười: “Cha mẹ là cha mẹ chung, ở với ai cũng vậy mà anh.”

Anh ba Chu quay sang nói với em dâu: “Cha thì anh không nói nhưng mẹ thì tính tình bao đồng. Nếu có gì em cứ bỏ ngoài tai đừng chấp nhất với bà. Chu gia đông con đông cháu như thế nhưng bà thương nhất chỉ có mình Đại Oa thôi.”

Lâm Thanh Hoà cười lắc đầu: “Đứa nào mẹ cũng thương như nhau cả mà.”

Nói vậy thôi chứ điểm này không ai có thể phủ nhận. Đối với bốn đứa con dâu bà Chu đối xử rất công bằng, nhưng trong đám con cháu bà thiên vị Chu Thanh Bách và Đại Oa ra mặt. Một người là con trai út, một người là cháu trai trưởng, bà đều yêu thương, nâng niu hơn sinh mạng.

Mà trùng hợp thay, cả hai báu vật của bà đều nằm trong tay Lâm Thanh Hoà. Cũng chính vì vậy mà thỉnh thoảng bà sẽ vô cớ sinh sự nọ kia. Tuy nhiên Lâm Thanh Hoà không chọn cách đối chọi gay gắt với bà. Việc nào cần giải quyết dứt điểm cô sẽ mạnh mẽ dứt khoát, còn những việc lặt vặt thì thôi, chỉ cần không quá đáng cô sẽ mắt nhắm mắt mở cho qua cốt giữ lấy hoà khí gia đình. Mà được cái, bà Chu rất biết thu tay đúng lúc, không đẩy mọi chuyện đi quá xa tới mức không thể vãn hồi.

Đang vui tự nhiên lại khơi lên chủ đề này, chị ba Chu vội lên tiếng: “Thôi thôi anh uống của anh đi, tự nhiên nói tới chuyện này làm gì?”

Đúng là rượu vào lời ra, thiên vị nhất hay thiên vị bét thì có khác gì nhau? Ngày xưa ở quê nhà nào cũng nghèo đói như nhà nào, mẹ chồng yêu thương Đại Oa nhất thì cũng cho hơn được cái gì đâu. Huống hồ chị chả để ý tị nạnh mấy cái này.

Anh ba Chu lại hỏi sang chuyện em gái cùng em rể: “À, tiệm banh bao của Hiểu Mai với Đại Lâm làm ăn tốt không?”

Chu Thanh Bách gật đầu xác nhận: “Cũng khá lắm.”

Anh ba Chu nói tiếp: “Anh nghe nói xưởng ngày xưa dượng ấy làm bị đóng cửa rồi. Cả gia đình ông cậu Đại Lâm bây giờ thất nghiệp ở nhà hết.”

Lâm Thanh Hoà ngạc nhiên hỏi: “Thất nghiệp cả nhà?”

Anh ba Chu gật gù: “Ừ, mà mới vừa xảy ra đầu tháng này thôi. Có khi Đại Lâm ở trên kia còn chưa biết chuyện.”

Bình Luận (0)
Comment