Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 447: Xinh đẹp
Từ đầu năm trở lại đây, tại huyện thành, liên tiếp các nhà máy tuyên bố giải thể. Xui một cái là cả nhà ông cậu Đại Lâm đều làm cùng trong một xí nghiệp thế nên mất việc là tất cả cùng mất một lúc.
Lâm Thanh Hoà liền nói: “Đợi quay về em sẽ báo cho vợ chồng cô út một tiếng.”
Cậu mợ Đại Lâm là người sống có tình có nghĩa, trước đây cũng giúp đỡ gia đình nhỏ của Hiểu Mai rất nhiều. Bây giờ nhà người ta gặp chuyện, mình không thể biết mà ngoảnh mặt làm ngơ. Dù gì cũng nên nói một tiếng còn tiếp theo nên làm thế nào là việc riêng của vợ chồng Hiểu Mai.
Ăn uống no nê, Lâm Thanh Hoà cùng chồng đi bộ sang nhà cậu em chuẩn bị nghỉ ngơi.
Sang tới nơi, mợ ba Lâm đã nấu xong một nồi chè đậu xanh thanh ngọt, lại còn cẩn thận ngâm trong nước giếng giữ lạnh nữa chứ.
Cơm tối đã không ăn rồi, thôi thì dù no cũng ráng ăn chén chè cho cậu mợ vui. Thế là mấy anh chị em trải chiếu ngồi ngoài sân vừa hóng mát vừa trò chuyện.
Sắc trời chuyển tối, mọi người đứng dậy ai về phòng nấy. Bởi vì sáng sớm mỗi ngày, cậu ba đều phải xuất phát xuống thôn thu mua rau dưa củ quả cho nên nhà cậu có thói quen đi ngủ từ rất sớm.
Lâm Thanh Hoà và Chu Thanh Bách đi vào phòng khách. Lăn lộn bao ngày vất vả, vừa đặt lưng xuống giường là vợ chồng cô thiếp đi ngay.
Sáng hôm sau, cậu ba vừa dậy là vợ chồng Lâm Thanh Hoà cũng rời giường.
Thấy anh chị mở cửa buồng đi ra, cậu ba liền nói: “Hãn sớm lắm, anh chị ngủ thêm lát nữa cho khoẻ.”
Mợ ba đang nướng bánh trong bếp cũng nói vọng ra: “Đúng đấy, anh chị vào chợp mắt thêm lúc nữa đi, không sợ muộn đâu.”
Bây giờ mới tầm 5 giờ rưỡi, nắng chưa lên nên sắc trời hơi xam xám.
Lâm Thanh Hoà đáp: “Thôi, anh chị đi cho sớm. Lâu không về thôn nên cũng hơi nôn nao. Với lại đợi thêm lúc nữa thì anh chị cả lại ra đồng hết.”
Dứt lời, hai vợ chồng cô đi múc nước đánh răng rửa mặt. Sau đó, mọi người ngồi vào bàn ăn bánh nướng cùng cháo loãng.
Xong xuôi, cậu ba Lâm dắt xe máy đi làm, Chu Thanh Bách cũng đẩy chiếc xe đạp của cậu ba ra cửa.
Thấy cậu em nấn ná có ý chờ, Lâm Thanh Hoà xua tay: “Cậu cứ vội đi việc của cậu đi, anh chị từ từ đi phía sau.”
“vâng, thế em đi trước đây.” Cậu ba Lâm gật đầu chào rồi nổ máy phóng đi như gió.
Lâm Thanh Hoà leo lên yên sau, bám lấy eo chồng. Chu Thanh Bách nhấn bàn đạp chậm rì rì chở vợ về thôn.
Nhìn ngắm những đổi thay hai bên đường, Lâm Thanh Hoà bất chợt cảm khái: “Quê mình cũng phát triển nhanh đấy chứ.”
Rất nhiều món đồ tân tiến trước đây chỉ có ở các thành phố lớn, vậy mà giờ đây đã bắt đầu xuất hiện ở nông thôn rồi.
Chu Thanh Bách gật đầu: “Rất nhiều người có tiền.”
Ngày hôm qua đưa anh ba đi tập xe, Chu Thanh Bách bắt gặp khá nhiều xe máy thậm chí còn nhìn thấy một vài chiếc xe hơi chạy ngang qua. Trên đường phố, các bà các chị đã bắt đầu biết ăn diện, cả tinh thần lẫn diện mạo đều không thua kém người thành thị là bao.
Lâm Thanh Hoà nói tiếp: “Em nghe chị ba kể năm nay mưa to, làm hai huyện mất mùa.”
Chu Thanh Bách sửng sốt: “Mất mùa?”
Lâm Thanh Hoà xác nhận: “Vâng, nhưng cũng may không bị thiệt hại trên diện rộng. Chỉ có huyện ta và huyện bên cạnh bị thôi, các vùng lân cận vận chuyển lương thực về đây bán. Cho nên không tới nỗi chết đói.”
Chu Thanh Bách gật gật đầu, làm nông không tránh khỏi thiên tai, chỉ cần không thiệt hại về người là may mắn rồi.
Lâm Thanh Hoà bổ sung thêm: “Thấy bảo chỗ Tam Ni cũng bị. Mà nhà chồng nó ở cái nơi khỉ ho cò gáy, không tiếp cận văn minh thể nào cũng nói ra nói vào con bé cho xem.”
Về điểm này Chu Thanh Bách không có bình luận gì, cháu gái đi gả chồng là xong, cuộc sống sướng khổ thế nào tự vợ chồng nó cố gắng.
Nhưng quan điểm của Lâm Thanh Hoà lại khác, cô tiếp tục nói: “Em nghe chị ba kể Lý Ái Quốc hỏi thăm cửa hàng cửa hiệu trong thành, nghe chừng có ý định lên đây mở cửa làm ăn.”
Chu Thanh Bách khó hiểu: “Không phải chân nó đi lại bất tiện à?”
Lâm Thanh Hoà nói thẳng dự tính của mình: “Đúng vậy, chân không tiện nên lên đấy khó mà cạnh tranh với người ta lắm. Không biết hai đứa nó có chịu đi cùng vợ chồng mình không nhỉ?”
Tính tình Chu Tam Ni ra sao, Lâm Thanh Hoà hiểu rõ. Hiện giờ u uất như này là do một tay mẹ nó gây ra. Đã vậy, cơ thể còn bị tổn hại nghiêm trọng, khó đậu thai. Vậy nên Lâm Thanh Hoà muốn đón nó lên Bắc Kinh tạo dựng cuộc sống mới. Hơn nữa điều kiện chữa trị trên thủ đô chắc chắn ăn đứt bệnh viện tuyến huyện.
Phụ nữ xuất giá, sau ba tháng mà không thấy cấn bầu là người ta đã nói ra nói vào rồi. Nhất là ở thời này, mọi người chưa có ý thức tránh thai càng không có cái khái niệm “vợ chồng mới cưới muốn sống thế giới hai người”, chỉ cần cưới về là phải đẻ ngay. Đằng này Chu Nhị Ni về thôn đó làm dâu, vừa chậm có bầu lại vừa gặp đúng lúc thiên tai bão lũ. Khả năng cao con bé sẽ bị dân làng dè bỉu, chê bai.
Chu Thanh Bách hiểu ngay ý vợ: “Cho trông coi cửa hàng hải vị?”
Lâm Thanh Hoà không trực tiếp trả lời mà hỏi ngược lại: “Anh cảm thấy thế nào?”
Chu Thanh Bách gật đầu: “Ừ, cũng được.”
Lâm Thanh Hoà cười nói: “Trả cho hai vợ chồng nó một tháng 70 đồng. Nhưng trước tiên cứ gặp người đã rồi tính tiếp.”
Chu Thanh Bách hoàn toàn đồng ý.
Hai vợ chồng chậm rãi đạp về thôn. Lúc này đã không còn sớm, mọi người đều đi làm đồng cả rồi. Vì đã lỡ mất vụ hè thế nên người nông dân càng hăng hái nỗ lực ra sức cho vụ thu.
Vào tới đầu thôn liền gặp bà Thái tay xách hộp cơm, chân rảo bước tiền về phía bờ ruộng.
Từ xa cứ tưởng ai, lại gần hoá ra vợ chồng Chu Thanh Bách, bà Thái cười tươi rói: “Ơ, Thanh Bách, cô giáo Lâm, về rồi đấy à?”
Lâm Thanh Hoà nhảy xuống xe, cười chào bà: “Vâng, chúng cháu về thăm quê đây. Thím xách đồ đi đâu thế này?”
Bà Thái đáp: “Thím đi đưa cơm sáng cho Chu Đông.”
Lâm Thanh Hoà gật đầu: “Vậy thím đi đi, hôm nào rảnh sang nhà cháu ngồi chơi nhé.”
Bà Thái tươi cười đồng ý ngay rồi vội vã đi đưa cơm kẻo trễ.
Vợ chồng Lâm Thanh Hoà tiếp tục lên xe đạp về nhà. Trên đường làng gặp không ít bà con hàng xóm, nhìn thấy ai cô cũng vui vẻ chào hỏi.
Chu Thanh Bách không về nhà mình mà đạp thằng về phía Chu gia.
Giờ này anh chị cả cũng ra đồng cả rồi, chỉ còn một mình Chu Tứ Ni ở nhà quán xuyến nhà cửa cơm nước.
Năm nay, Tứ Ni đã tới tuổi cập kê, trong thôn ngoài thôn không ít gia đình có nhã ý tìm đến xin dâu.
Ở cái vùng này có ai không biết con bé Tứ Ni là đứa chăm chỉ, nhanh nhẹn lại thạo việc, công lên việc xuống gì cứ vào tay nó là gọn ghẽ đâu ra đấy hết. Quan trọng nhất chính là, hiện giờ thanh danh Chu gia vang dội khắp làng trên xóm dưới, anh chị Chu lại có tiếng là người ăn ở hiền lành, biết điều. Thử hỏi làm gì có ai không muốn ngồi xui với gia đình như vậy? Thêm nữa, em trai nó, Chu Dương là sinh viên đại học, tiếng tăm càng khỏi phải bàn. Đấy, từng đấy ưu điểm cộng lại, Chu Tứ Ni không đắt chồng mới là lạ.
Đi ngang qua nhà cũ Chu gia, Chu Thanh Bách dừng xe đi vào trong nhìn một chút. Lâm Thanh Hoà không có ý định tiến vào vì từ sau vụ Chu Lục Ni tự tiện chạy lên Bắc Kinh, cô và chị hai Chu xem như đã xé rách mặt.
Chu Thanh Bách chỉ nhìn thoáng qua một cái rồi đi ra ngày vì trong nhà không có ai cả, mọi người đều đi làm hết rồi.
Hai vợ chồng tiếp tục hướng tới căn nhà mới của anh chị cả.
Từ xa đã trông thấy thấp thoáng căn nhà ngói khang trang sạch đẹp. Xét theo mặt bằng chung thì đây chính là ngôi nhà xa hoa nhất trong thôn, hèn chi chị ba Chu cứ ước ao cất một căn tương tự để nở mặt nở mày với lối xóm bà con.
Đúng lúc Chu Tứ Ni đang lúi húi múc nước ngoài sân, nhìn thấy chú thím tư tới, con bé nhanh nhẹn bỏ đồ trên tay xuống, mừng rỡ chạy ra đón: “Chú tư, thím tư!”
Chu Tứ Ni năm nay khác hẳn với Chu Tứ Ni năm ngoái, con bé lớn phổng lên, trở thành một cô thiếu nữ duyên dáng yêu kiều, rạng rỡ bừng bừng sức sống, Lâm Thanh Hoà tươi cười nói: “Ai chà, mới một năm không gặp mà cô cháu gái trổ mã rồi nha, càng lớn càng xinh đẹp.”
“Thím tư đừng trêu cháu mà.” Chu Tứ Ni ngượng ngùng mỉm cười rồi quay sang nói: “Chú thím vào trong nhà ngồi đi, để cháu xuống bếp làm cơm sáng cho hai người.”
Lâm Thanh Hoà lắc đầu: “Không cần làm, chú thím ăn rồi mới về. Cha mẹ cháu ra đồng rồi hả?”