Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 454 - Chương 454: Gặp Tam Ni

Chương 454: Gặp Tam Ni Chương 454: Gặp Tam Ni

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 454: Gặp Tam Ni

Lý Ái Quốc hơi giật mình, không ngờ người đàn ông này lại biết mình nhưng xâu chuỗi với câu nói đi thăm cháu gái của người phụ nữ lúc nãy, Lý Ái Quốc đã ngờ ngợ đoán ra thân phận hai vị này nhưng vẫn còn chần chờ không dám lên tiếng nhận thân.

Bắt được vẻ thảng thốt trên gương mặt chàng trai trẻ, Chu Thanh Bách càng thêm chắc chắn đây chính là chồng Tam Ni, thế nên anh lên tiếng hỏi lại nhưng đồng thời cũng là lời khẳng định: “Cậu là Lý Ái Quốc!”

Đã xác định đây là cháu rể nên Chu Thanh Bách trực tiếp đánh giá đối phương, đúng là tướng mạo không kém nhưng quả thực tuổi tác không hề nhỏ.

Lý Ái Quốc bình tĩnh gật đầu: “Đúng vậy.”

Lâm Thanh Hoà nhướng mày hỏi thêm thông tin: “Cậu là chồng của Tam Ni?”

Lý Ái Quốc không trực tiếp trả lời mà hỏi ngược lại một câu khác: “Hai người là chú tư và thím tư?”

Bởi lẽ cậu nhận ra là vì vợ đã giới thiệu cho cậu toàn bộ thân thích Chu gia nhưng trong đó hai người được nhắc tới nhiều nhất chính là vợ chồng chú thím tư.

Thêm nữa, ngay hôm đầu tiên cô ấy gả sang đây đã đưa cho cậu 1 cái đồng hồ đeo tay. Đây, chính là chiếc mà cậu đang đeo đây này. Ngoài ra còn có 100 đồng tiền hồi môn. Tất cả đều là chú thím tư cho.

Nhưng Lý Ái Quốc biết cả gia đình chú tư hiện đang sinh sống và làm việc tại Bắc Kinh, hơn nữa khí chất và ngoại hình của hai vị trước mặt quá trẻ, không giống người ở độ tuổi 40 cho nên cậu mới do dự không dám nhận.

Lâm Thanh Hoà buồn cười nói: “Nếu Tam Ni không có chú thím tư nào khác thì đại khái chính là hai chúng tôi.”

Một lời này đại biểu đã xác nhận thân phận, Lý Ái Quốc không chậm trễ, lập tức nhảy xuống xe, vồn vã nói: “Chú thím tư, sao hai người lại cất công sang tận đây thế này. Đường xá xa xôi cách trở quá, hôm nay trời còn nắng gắt nữa chứ.”

Dứt lời, chưa kịp nghe ai trả lời, Lý Ái Quốc đã vội vã phóng sang bên tiệm tạp hoá mua hai cây kem rồi gấp gáp chạy về đây đưa cho hai vợ chồng Lâm Thanh Hoà.

Lâm Thanh Hoà và Chu Thanh Bách nhất thời không biết nói gì, chỉ biết quay sang nhìn nhau rồi lại nhìn Lý Ái Quốc. Nhưng dù gì cũng không nên cự tuyệt ý tốt của thằng nhỏ. Hai vợ chồng tự nhiên nhận lấy rồi bóc ăn ngay tại chỗ. Chà, trời nắng như đổ lửa, đạp xe suốt từ sáng tới giờ, cắn một miếng kem mát lạnh đúng là tỉnh cả người.

Lâm Thanh Hoà trực tiếp hỏi chuyện: “Về đến quê thím mới nghe nói năm nay mưa to, hoa màu hư hại hết hả?”

Lý Ái Quốc lễ phép đáp: “Vâng, đúng vậy thím ạ. Cho đến bây giờ lòng người vẫn còn hoang mang, ám ảnh vì trận thiên tai đó.”

Thử hỏi trên đời này làm gì có ai không sợ đói. Huống hồ người nông dân chỉ biết dựa vào đất kiếm cơm, rủi mà thất thu một mùa là coi như mất toi lương thực cho cả nửa năm trời.

Chu Thanh Bách lên tiếng hỏi: “Sao hôm nay cháu lại ra đây?”

Lý Ái Quốc thật thà trả lời: “Thường thường cháu sẽ lên núi săn bắt hái lượm rồi tích trữ ở nhà, khi nào số lượng đủ nhiều cháu lại mang lên huyện bán một lần.”

Lâm Thanh Hoà hỏi tiếp: “Thím nghe thím ba nói cháu có ý định sang huyện bên đó mở cửa hàng buôn bán hả.”

Lý Ái Quốc lắc đầu cười gượng: “Cháu chỉ hỏi thăm một chút thôi.”

Đúng là cậu có dự định này. Huyện kế bên phát triển nhộn nhịp hơn huyện nhà mình rất nhiều, cậu cảm thấy nếu qua đó buôn bán làm ăn khả năng sẽ kiếm được, hơn nữa cũng thuận tiện cho Tam Ni đi lại tái khám, điều trị bệnh.

Nhưng nghĩ là một chuyện, thực tế lại là một chuyện rất khác. Đầu tiên, chân cẳng cậu thế này không thể tự mình đi khắp nơi thu mua sản vật. Còn thuê nhân công thì lại càng nan giải. Công việc này không hề khó, làm thuê một thời gian chắc chắn họ sẽ tự tách ra riêng. Làm ăn mà phải phụ thuộc vào người khác như vậy e rằng không ổn chút nào. Cho nên tự mình làm lấy là tốt nhất, còn nếu bản thân không có khả năng thì dứt khoát không làm là hơn.

Ăn kem và nghỉ ngơi xong, vợ chồng Chu Thanh Bách theo chân Lý Ái Quốc xuyên qua rừng đi về thôn Lý gia. Cung đường này tuy xa hơn nhưng được cái đảm bảo an toàn, không nguy hiểm như đoạn đường đá cheo leo kia.

Trên đường đi, Lâm Thanh Hoà bắt chuyện: “Xe bò này là của cháu à?”

Lý Ái Quốc lắc đầu: “Dạ không phải, là của bí thư chi bộ, cháu chỉ mượn thôi.”

Lâm Thanh Hoà tiếp tục hỏi: “Công việc chính của cháu là gì?”

“Cháu chủ yếu trồng trọt, khi nào có thời gian thì lên núi hái lâm thổ sản mang về phơi khô rồi đem đi bán.”

Lâm Thanh Hoà hỏi rất nhiều nhưng Lý Ái Quốc đều kiên nhẫn trả lời bằng hết vì cậu hiểu chỉ có người thật lòng thương yêu và lo lắng cho Tam Ni mới hỏi thăm nhiều như vậy.

Chứ Tết năm trước, hai vợ chồng cậu trèo đèo lội suối đi thật xa mới về tới quê vợ nhưng mẹ vợ chỉ quan tâm tới túi quà, còn lại chẳng thèm hỏi han con gái con rể một câu nào.

Lâm Thanh Hoà: “Tam Ni chỉ ở nhà thôi à?”

Lý Ái Quốc gật đầu: “Vâng, cô ấy ở nhà nấu cơm với nuôi gà, nuôi heo.”

Lâm Thanh Hoà gật gật đầu, còn về vấn đề sức khoẻ của Tam Ni cô tuyệt đối không đả động đến. Đợi lát nữa tới Lý gia thôn, cô sẽ đích thân hỏi con bé sau.

Thôn Lý gia đúng là nằm trong nơi thâm sơn cùng cốc, từ thị trấn xuống đến đây phải đi mất một tiếng rưỡi đồng hồ, đường rừng núi gập ghềnh không hề bằng phẳng dễ đi chút nào, chỉ có mỗi cái là không sợ ngã xuống vực mất mạng thôi.

Tiến vào trong thôn, Lâm Thanh Hoà mới vỡ lẽ vì sao trước đây Lý Ái Quốc thiếu chút nữa không lấy được vợ. Aizz, điều kiện sinh hoạt thế này thì làm gì có cô gái nào chịu chui đầu vào chứ. Một chữ thôi: Nghèo! Nghèo rách mồng tơi, cả thôn không có lấy một căn nhà ngói.

So ra thì kém xa Chu gia thôn. Ít nhiều gì thôn Chu gia hiện cũng có hai cái vạn nguyên hộ và 10 căn nhà ngói.

Nhận thấy ánh mắt hết sức quan ngại của Lâm Thanh Hoà và Chu Thanh Bách, Lý Ái Quốc gãi đầu xấu hổ nói: “Thôn Lý gia hơi cách biệt với bên ngoài cho nên không có điều kiện phát triển, bởi thế nên người dân tương đối nghèo.”

Lâm Thanh Hoà và Chu Thanh Bách chỉ thầm đánh giá chứ cũng không nói ra lời. Còn nói gì được nữa, vị trí địa lý không thuận lợi, hội nhập kém là điều hết sức hiển nhiên. Thế nhưng nếu chịu khó chăn nuôi trồng trọt thì vẫn tồn tại được. Tất nhiên, “tồn tại” và “sống” là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt.

Kể cả Chu Thanh Bách là người đàn ông hoài cổ, luôn mong muốn khi tuổi xế chiều sẽ được về quê dưỡng già nhưng nếu quê anh mà là thôn Lý gia thì anh cũng đành xin kiếu!

Ba người tiến đến nhà bí thư chi bộ trước để trả xe bò, đồng thời đưa cho ông túi đường đỏ và cái ly tráng men mà sáng nay ông đã nhờ Lý Ái Quốc mua giúp.

Thoáng trông thấy hai người lạ mặt lại có khí chất bất phàm, ông bí thư chi bộ vội vàng chỉnh trang lại đầu tóc, vuốt vuốt nếp áo vốn nhăn đùm rồi cười hỏi: “Ái Quốc, hai vị này là?”

Mỗi người dắt một chiếc xe đạp, quần áo lịch sự, sạch sẽ, tướng mạo và khí chất khác hẳn dân lao động, phải chăng là… cán bộ?

Lý Ái Quốc liền đáp: “Đây là chú thím tư của vợ cháu.”

Ông bí thư chi bộ bừng tỉnh: “À, hoá ra là chú thím bên ngoại.”

Lý Ái Quốc nói tiếp: “Thôi, để khi khác nói chuyện sau, giờ cháu phải đi về trước đây.”

Ông bí thư chi bộ gật đầu nhưng vẫn dõi mắt nhìn theo mãi tới khi nhóm người khuất dạng mới quay sang nói với bà vợ: “Khó tin thật đấy. Bên nhà vợ Ái Quốc lại có người bà con hoành tráng thế cơ à? Không giới thiệu tôi còn tưởng lãnh đạo trên thành xuống cơ đấy.”

Bà vợ gật gù đồng tình: “Ừ, nhìn không giống người thường.”

Dân thường thì lấy đâu ra phong thái đó?!

Ngẫm nghĩ thế nào, bà lại nói thêm: “Nhưng trước giờ tôi chưa từng nghe thằng Ái Quốc hay vợ nó nhắc qua.”

Bên này, vợ chồng Lâm Thanh Hoà đi theo Lý Ái Quốc về nhà. Dọc đường gặp rất nhiều thôn dân. Thấy người lạ mặt lại ăn vận sang trọng, ai ai cũng tiến lại hỏi thăm, Lý Ái Quốc nhất nhất giới thiệu đây là chú thím vợ.

Bởi thế mà bọn họ chưa về tới nhà, cả thôn Lý gia đã đồn ầm lên chú thím bên vợ Lý Ái Quốc làm cán bộ cấp cao, trông khí phách lắm, khác xa đám dân thường.

Rất nhanh, tin tức này truyền tới tai Lý gia. Mấy người anh trai, chị dâu Lý Ái Quốc đều nghệt mặt không hiểu gì hết. Cái quái gì vậy trời? Sao tự nhiên nhà mẹ vợ thằng Ái Quốc lại có người họ hàng giàu sang quyền quý đến vậy?

Một lát sau, Lý Ái Quốc đã dẫn vợ chồng chú thím tư tới nhà mình.

Chưa bước vào sân, Lâm Thanh Hoà đã nghe thấy từ bên trong truyền ra tiếng băm băm chặt chặt. Hoá ra Chu Tam Ni đang băm dây khoai lang để nấu thức ăn heo.

Lâm Thanh Hoà tiến vào vài bước rồi nhẹ giọng gọi: “Tam Ni.”

Bật thình lình nghe thấy thanh âm quen thuộc, Chu Tam Ni chợt khựng tay vì cứ ngỡ mình gặp ảo giác. Nó ngờ nghệch quay đầu lại thì nhìn thấy chú tư và thím tư đang đứng trong sân nhà. Niềm vui đến quá bất ngờ, Chu Tam Ni chỉ biết ngây ngốc như pho tượng rồi không biết từ đâu nước mắt cứ thế ào ào chảy xuống như những hạt châu đứt gãy…

Bình Luận (0)
Comment