Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 460: Cuộc hành trình mới
Chính thức bước chân vào cuộc hành trình mới đầy hứa hẹn và nhiều thử thách, kể cả là người trầm ổn, nhẫn nại như Chu Tứ Ni cũng khó nén được tâm lý hưng phấn và đan xen chút kích động nhẹ.
Chu Tam Ni thì ngược lại, ô-tô vừa chuyển bánh là nó say ngất ngư, lên tới tàu hoả thì khỏi phải bàn, nằm rạp xuống giường như cọng bún thiu, ngủ không biết trời trăng mây đất gì hết giống y tình trạng của bà Chu mấy năm về trước.
Lý Ái Quốc cũng là lần đầu tiên trải nghiệm xe lửa nhưng sức khoẻ đàn ông vốn tốt cho nên về cơ bản cậu không cảm thấy mệt.
Tới giờ trưa, Chu Thanh Bách đi mua 5 hộp cơm trở về. Lâm Thanh Hoà vẫn như cũ, thò tay lấy từ trong túi ra nào táo, quýt, cà chua, dưa leo.
Mặc dù hàng nằm đều ngồi xe lửa mấy lượt nhưng tới tận bây giờ cô vẫn không ăn quen cơm hộp trên này. Cô chỉ ăn quả trứng chiên, khều khều mấy hột cơm cho có, còn lại bao nhiêu đưa hết cho Chu Thanh Bách.
Lý Ái Quốc và Chu Tứ Ni đều ăn vô cùng ngon miệng, nhoáng cái đã xử lý sạch sẽ.
Chỉ còn mình Tam Ni vẫn đang ngủ mê mệt, mọi người không ai nỡ đánh thức con bé, cứ để phần nó 1 hộp lát nữa dậy rồi ăn sau cũng được.
Chu Tứ Ni thu dọn gọn mấy cái hộp rỗng rồi nói: “Thím tư, thím ăn ít như vậy sợ rằng lát nữa sẽ đói bụng đấy.”
Lâm Thanh Hoà chỉ chỉ vào đống trái cây trên bàn: “Không đói được, vẫn còn những cái này mà.”
Chu Tứ Ni nghĩ sao nói vậy: “Trời, ăn cái đó sao chắc dạ được.”
Nó là đứa trẻ nhanh nhẹn hoạt bát nhưng cũng rất thật thà và thắng thắn.
Lâm Thanh Hoà cười cười, bất chợt nhớ tới những lời chị Ông đã từng nói. Mà kể ra cũng là nhờ buổi nói chuyện ngày hôm đó cô mới nảy ra ý tưởng đón Tứ Ni lên Bắc Kinh. Nhưng cô đón con bé lên đây hoàn toàn với mục đích học tập và làm việc chứ không phải để mai mối gả chồng.
Tính ra thì Quốc Đống và Tứ Ni chênh lệch quá nhiều, từ tuổi tác, trình độ học vấn, môi trường sống, điều kiện sinh hoạt. Tóm lại là hai con người hoàn toàn khác biệt. Vậy nên Lâm Thanh Hoà trực tiếp bỏ qua lời đề nghị của chị Ông, cô vốn không cho rằng hai đứa nó có thể tìm được tiếng nói chúng.
Còn về phần Tứ Ni, lần này được đón lên Bắc Kinh là cơ hội quý báu có một không hai, ít nhất là tốt hơn người chị cả, Chu Đại Ni. Tất nhiên không phải chê cuộc sống của Đại Ni tệ mà so với hai đứa em gái Nhị Ni và Tam Ni, rõ ràng nó thua kém. Không chỉ bản thân nó mà thế hệ con, cháu đời sau cũng đã định sẵn sẽ yếu kém hơn về nhiều mặt.
Lúc sau, Tam Ni thức giấc, Lý Ái Quốc lập tức tới bên săn sóc vợ. Chóng mặt cộng đắng miệng, Tam Ni chả thiết ăn uống gì nên nó gặm trước quả táo cho mát miệng. Sau khi tỉnh táo hoàn toàn, nó mới đủ sức bưng hộp cơm lên ăn. Gần như cả ngày trời không có gì bỏ vào bụng, lại còn ói lên ói xuống, Tam Ni đói sắp lả. Nó ngấu nghiến ăn sạch sẽ hộp cơm, nhìn cách ăn có thể thấy thức ăn cũng rất hợp khẩu vị con bé.
Lâm Thanh Hoà buồn cười nói: “Hai bà cháu giống y xì nhau. Đợt trước bà nội cũng vậy, ngủ li bì tới tận Bắc Kinh luôn.”
Chính vì đường xá xa xôi, xe pháo di chuyển quá vất vả nên bà Chu mới dẹp cái ý định áo gấm về làng. Chứ nếu thuận tiện, dễ dàng thì có khi một năm bà phải về một lần, thậm chí đôi lần ấy chứ.
Chu Tam Ni ngượng ngùng nói: “Ngồi xe lắc lư quá, cháu không quen.”
Lâm Thanh Hoà an ủi: “Ừ không sao, đi lại mấy lần là quen thôi.”
Ăn, ngủ, ói…vật vã 2 ngày, cuối cùng cũng tới Bắc Kinh. Trên xe thì như trái dưa dập nhưng ngay khi bước xuống sân ga, đập vào mắt là quang cảnh dòng người ngược xuôi tấp nập, nhộn nhịp, cả Chu Tam Ni, Lý Ái Quốc lẫn Chu Tứ Ni đều phấn khích ra mặt, tinh thần và năng lượng bỗng nhiên ùa về đầy ắp.
Đoàn ngược lục tục di chuyển ra khỏi nhà ga, nhưng thật không may, chuyến xe buýt cần bắt đã chạy mất thế nên phải ngồi tại trạm dừng chờ chuyến tiếp theo.
Ngoại trừ vợ chồng Lâm Thanh Hoà, ba người còn lại đều vô cùng thích thú, ngó đông ngó tây, ngắm chỗ nọ nhìn chỗ kia không chán mắt. Wow, đúng là Bắc Kinh có khác, so với quê nhà bọn họ quả là một trời một vực.
Thậm chí trên phố còn dựng cả cái buồng điện thoại công cộng nữa chứ. Trời, người ta để đây không sợ mất à? Ở chỗ nhà chúng nó, cả thôn mới có 1 cái thôi đấy, quý giá vô cùng.
Lát sau, xe buýt tới, năm người nhanh chóng khiêng hành lý, đồ đạc lên xe. Xuyên qua cửa sổ, khung cảnh hai bên đường như những thước phim sống động và đẹp mắt, đặc biệt là tới đoạn ngã tư, đúng lúc công nhân tan tầm, hàng trăm chiếc xe đạp ùa ra đông như kiến cỏ. Cảnh tượng hoành tráng khiến ba đứa nhỏ chỉ biết trợn mắt nhìn mà không thốt nên lời.
Trời đất, trước giờ chúng cứ tưởng huyện thành đã là phồn vinh lắm rồi, lên đây mới té ngửa thì ra quê nhà mình không bằng một góc Bắc Kinh.
Năm nay là năm 83, Bắc Kinh đang trên đà phát triển thần tốc, hiện đại hoá đã bắt đầu len lỏi đến từng dãy phố, con đường.
Người dân thủ đô thì càng khỏi phải bàn, họ luôn là những người bắt kịp thời đại, dẫn đầu xu thế. Trên các tuyến phố lớn, không khó để bắt gặp hình ảnh nam thanh, nữ tú diện trên mình chiếc quần jean ống loe cực kỳ sành điệu, hợp mốt.
Nhìn lại thì, phong cách của Chu Tam Ni, Lý Ái Quốc và cả Chu Tứ Ni mang đậm dấu ấn thập niên hồi đó, không phải hơi đâu, mà là trông cực kỳ quê.
Cảm nhận được sự khác biệt này, bọn chúng có phần hơi ngượng ngùng xấu hổ. Nhưng đây là những bộ đẹp nhất của chúng rồi đấy, bình thường toàn để trong tủ, chỉ những dịp lễ Tết hay sự kiện trọng đại mới dám lấy ra diện.
…Ờ…cất kỹ vậy, bảo sao không lỗi mốt!
Lâm Thanh Hoà phì cười: “Đợi đi làm, thím phát cho mỗi đứa hai bộ quần áo mới.”
Xời, gì chứ quần áo thì của nhà trồng được, cứ xông xênh đê!
Chu Tứ Ni bật thốt thành tiếng: “Thím tư, Bắc Kinh phát triển dữ dội thật đấy.”
Lâm Thanh Hoà nhún vai: “Tất nhiên rồi.” Nếu không làm sao Hứa Thắng Mỹ lại phải vắt hết óc bày đủ trăm phương ngàn kế, cố sống cố chết bám trụ lại đây. Cái nó nhắm vào không phải vinh hoa phú quý, phồn vinh đô hội thì là gì?
Mắt Chu Tam Ni vẫn dán chặt vào khung cảnh ngoài cửa, nó lẩm bẩm tự nói: “Sau này chúng ta sẽ sống ở đây sao?!”
Thông qua biểu cảm của vợ, Lý Ái Quốc có thể cảm nhận được Tam Ni rất thích nơi này, đương nhiên cậu cũng thế, rất-rất thích. Quanh năm cắm mặt nơi thôn quê nghèo khổ, vật lộn bữa no bữa đói, cậu nào hay biết xã hội bên ngoài đã tiến bộ nhanh chóng đến vậy. Chưa nhìn thấy thì thôi, chứ giờ nhìn thấy rồi, ý chí chiến đấu, quyết tâm làm giàu đang sôi sục dâng trào trong từng tế bào Lý Ái Quốc.
Xe dừng đón khách trả khách mấy bận, khoảng 2 tiếng đồng hồ sau mới đến trạm gần tiệm sủi cảo của Chu Thanh Bách.
Đoàn người kéo nhau xuống xe, tiến thẳng về quán sủi cảo.
Lúc này đương giờ buôn bán náo nhiệt nhất, Chu Quy Lai bận túi bụi, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ông Vương đang gấp rút gói sủi cảo còn bà Mã thì đang cuống cuồng rửa chén bát.
Bước vào cửa, Lâm Thanh Hoà cất tiếng cười lanh lảnh: “Haha, ông chủ nhỏ bận rộn quá nhỉ?!”
“Ba! Mẹ!” Chu Quy Lai mừng rỡ reo lên, sau đó phát hiện ra còn có 3 người nữa đứng bên cạnh, cu cậu ngỡ ngàng: “Ử, chị Tam Ni, chị Tứ Ni, hai chị cùng lên hả?”
Chu Tứ Ni nhìn thấy thằng em đeo tạp dề nom rất ra dáng ra hình, nó bật cười trêu: “Ừ, lên xin cơm ông chủ nhỏ đây.”
Chu Quy Lai cười hềnh hệch: “Chuyện nhỏ, chuyện nhỏ.”
Nói rồi nó chỉ tay lên gác: “Trên đó là phòng chị Nhị Ni, chắc về sau hai chị sẽ ở cùng nhau nên giờ chị mang hành lý lên đó cất đi.”
“Được.” Chu Tứ Ni vui vẻ đồng ý.
Chu Thanh Bách tiến vào trong múc nước rửa mặt rửa tay, sau đó đón lấy cái muỗng từ trên tay thằng con trai.
Mấy tháng nay, Chu Quy Lai chỉ ngóng chờ giây phút này, nó không do dự cởi tạp dề xuống trịnh trọng trao trả cho cha.
Lâm Thanh Hoà quay sang nói với vợ chồng Chu Tam Ni: “Bên này hơi chật, hay hai vợ chồng sang nhà ông bà nội ở tạm vài hôm nhé. Nhà bên đó rộng rãi lắm, vừa hay vẫn còn trống một phòng.”
Lý Ái Quốc đồng ý ngay: “Vâng”
Đương nhiên, cả Lý Ái Quốc lẫn Chu Tam Ni đều không có ý kiến, đã lên đến đây rồi là trăm sự nhất nhất nghe theo sự sắp xếp của chú thím tư. Hành lý hơi cồng kềnh cho nên cất gọn ở trong góc tiệm, hai đứa nó chỉ xách theo quần áo vì nghe đâu 9 giờ sẽ đi tới nhà tắm công cộng tắm gội.
Chu Quy Lai tò mò hỏi: “Mẹ, vị này là?”
Lâm Thanh Hoà giới thiệu: “Đây là chồng chị Tam Ni.”
Chu Quy Lai ngay lập tức nở nụ cười thân thiện: “À, tưởng ai hoá ra là anh rể. Em chào anh. Để em dẫn anh chị sang nhà ông bà nội. Lần này ba mẹ em dắt mọi người lên đều không thông báo trước gì cả, chắc ông bà nội sẽ được phen bất ngờ lắm đây.”
Dọc đường đi có Chu Quy Lai làm hướng dẫn viên kiêm pha trò cười, chỉ một chốc ba đứa đã sang tới nhà ông bà Chu.
Chu Tam Ni hiện giờ đã thay đổi hoàn toàn, nó vui vẻ đáp lời thậm chí thi thoảng còn nói vài câu trêu chọc thằng em trai bắng nhắng. Rõ ràng lên đến đây, toàn bộ gánh nặng đều được cởi bỏ, tâm tình thả lỏng nên gương mặt nó tươi tỉnh hẳn ra, dường như nụ cười lúc nào cũng thường trực sẵn bên môi.
Đúng như những gì Chu Quy Lai đã phỏng đoán, vừa nhìn thấy cháu gái và cháu rể, cả ông Chu lẫn bà Chu đều kinh hỉ cực kỳ.