Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 474 - Chương 474: Hai Nam Tranh Một Nữ

Chương 474: Hai nam tranh một nữ Chương 474: Hai nam tranh một nữ

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 474: Hai nam tranh một nữ

Vì khoảng cách giữa Bắc Kinh và Quảng Châu quá xa, cần thời gian vận chuyển vậy nên Lâm Thanh Hoà phải tính toán đặt trước để tránh xảy ra tình trạng đứt hàng giữa chừng.

Cô dự định hè sang năm có khi phải đi Đại Liên một chuyến mới được, để xem nguồn hàng bên đó thế nào. Nếu được thì nhập hai chỗ cho đỡ đơn điệu với lại từ đây đi Đại Liên gần hơn một chút, tiết kiệm thời gian chuyển hàng.

Nhưng chuyện đó để năm tới rồi tính, trước mắt cứ lấy hàng từ phương Nam trước vậy.

Lần này cô cũng đặt một lượng tương đương đơn hàng lần trước. Qua điện thoai, ông chủ phấn khởi không thôi cứ tấm tắc khen kinh tế Bắc Kinh phát triển tốt, tốc độ tiêu thụ hàng quá nhanh.

Lâm Thanh Hoà cười cười: “Tôi đề giá thấp nên bán chạy. Trên cơ bản lời lãi chả được bao nhiêu cho nên ông chủ à, ông xem thế nào giảm cho tôi chút đỉnh chứ hả? Dù sao tôi cũng không giống những khách khác, không phải sao?!”

Ông chủ xưởng cười xoà: “Ấy ấy chị đừng nói vậy. Cái giá tôi giao cho chị đã là thấp nhất rồi. Những người khác đều phải mua cao hơn mấy phần. Ngoài ra tôi còn giao hàng tận nơi còn gì, phúc lợi này không khách nào có đâu đấy.”

Đương nhiên, ông chủ xưởng hải sản cũng là một tay làm ăn lão luyện cho nên đối đáp cực kỳ khéo léo, vừa không thiệt mình mà lại không mất lòng khách.

Lâm Thanh Hoà cười cười, tất nhiên cô không trông cậy đối phương giảm giả, chỉ là nói mấy câu xã giao cho vui thôi.

Hai bên thoả thuận thời gian giao nhận hàng, sau đó treo điện thoại.

Tan trường, Lâm Thanh Hoà về tới tiệm sủi cảo đã thấy Chu Tam Ni đang ngồi chơi ở đó.

Mắt thấy thím tư bước vào cửa, Chu Tam Ni đứng bật dậy cười toe toét: “Thím tư.”

Lâm Thanh Hoà gật đầu cười: “Chả mấy khi lại đây, trưa nay ở lại ăn cơm nhá?!”

Chu Tam Ni gãi đầu ngượng ngùng: “Dạ thôi ạ, cháu tranh thủ lúc vắng khách chạy sang đây mượn chị Nhị Ni hai quyển sách để thỉnh thoảng rảnh rỗi Ái Quốc dạy cháu học chữ.”

Tính ra cháu gái Chu gia có phúc phần hơn con cháu nhà khác vì được tới trường, được biết chữ tỉ như Đại Ni, Nhị Ni, Ngũ Ni. Tuy nhiên những đứa này đều rơi hết vào nhà anh chị cả và anh chị ba. Nhà anh chị hai tuyệt nhiên không cho bất cứ đứa nào đi học. Đừng nói tới con gái, kể cả thằng con trai duy nhất là Chu Hạ cũng học ấm ớ mấy buổi rồi cho nghỉ đi làm.

So ra thì anh chị hai là gia đình không chú trọng giáo dục nhất. Thế nhưng dù sinh trưởng trong hoàn cảnh như vậy Chu Tam Ni vẫn cố gắng phấn đấu biết được vài con chữ. Trước đây khi còn nhỏ, nó hay mon men học lóm chị Đại Ni và Nhị Ni. Được cái mấy chị em chơi rất thân với nhau, vậy nên ngày nào đi học được chữ gì là hai đứa lớn sẽ dạy lại cho em chữ đó.

Cứ thế lẩm nhẩm vài con chữ trong suốt thời thơ ấu rồi tới tận khi lấy chồng, cứ tưởng cuộc đời chỉ thế là xong. Ai ngờ bước ngoặt bỗng nhiên xuất hiện, lên đây rồi Chu Tam Ni càng ý thức được tầm quan trọng của tri thức. Nó không mong mình trở thành người có văn hoá, cũng không mong được đi học lớp bổ túc ban đêm như các anh các chị, nó chỉ mong biết thêm nhiều con chữ, đọc được giá cả và tên các món hàng trong tiệm hải vị là tốt lắm rồi.

Hồi nhỏ Lý Ái Quốc cũng được đi học vài năm, số chữ nhận biết chắc chắn nhiều hơn Tam Ni nên nếu có sách vở anh sẽ dạy thêm được cho vợ một ít.

Nghe cháu gái bộc bạch, Lâm Thanh Hoà xúc động vô cùng, cô trực tiếp nói: “Nếu cháu thích đi học thì trước mắt cứ chăm chỉ học chữ rồi sau đó học sang số và các phép tính đơn giản. Sau khi thành thạo rồi thì cùng tới lớp bổ túc ban đêm với Tứ Ni.”

“Lớp bổ túc ban đêm.” Chu Tam Ni vô cùng sửng sốt nhưng ngay sau đó con bé vội lắc đầu: “Không cần đâu thím ạ, cháu chỉ cần biết mặt chữ là được rồi. Học bổ túc đắt lắm, cháu…”

Lâm Thanh Hoà chặn ngang: “Con cháu Chu gia lên đây làm thím tư sẽ cho đi học bổ túc hết, toàn bộ chi phí do thím chi trả. Đương nhiên nếu cháu không muốn thì thôi, thím không miễn cưỡng. Tứ Ni bây giờ đang học chữ và học số rồi. Đợi nó đạt tới trình độ nhất định thím sẽ xin cho nó đến trường, nếu cháu muốn thì hai đứa đi học cùng nhau. Thêm cháu cũng không nặng gánh hơn bao nhiêu mà thiếu cháu cũng không bớt được bao nhiêu.”

Nếu Chu Tam Ni đồng ý đi học tất nhiên Lâm Thanh Hoà cực kỳ tán đồng. Còn Lý Ái Quốc thì thôi vậy, buổi tối nhất định phải có người ở cửa hàng trấn giữ. Hiện tại công tác trị an không quá lỏng lẻo nhưng cũng chưa được thắt chặt, vẫn có thể xảy ra những chuyện trộm cắp ngoài ý muốn. Cẩn tác vô áy náy, Lý Ái Quốc cứ ở lại trông tiệm thì hơn.

Nghe chừng thím tư nói thật, Chu Tam Ni mừng suýt khóc. Khỏi phải nói đi học là mơ ước lớn nhất đời Tam Ni, nó cầu còn không được ấy chứ, hơn nữa lớp bổ túc cũng không cách nhà nó quá xa, đi bộ tầm 30 phút là tới nơi rồi.

Buổi trưa, Chu Tam Ni ở lại tiệm sủi cảo ăn trưa. Cơm nước xong xuôi nó mới quay về tiệm hải vị.

Đợi em về rồi, Chu Nhị Ni mới thì thầm với thím tư: “Thím ơi, hôm bữa cháu sang nhà ông bà nội, bà còn kéo cháu lại hỏi làm sao mà cho tới tận giờ này Tam Ni vẫn chưa có thai?”

Lâm Thanh Hoà liền nói: “Lần sau nếu bà có hỏi thì cháu cứ bảo là vợ chồng Tam Ni còn trẻ còn muốn phấn đấu kinh tế thêm vài năm nữa, chưa vội có con.”

Người lớn chính là như vậy, chưa lấy chồng thì hỏi khi nào cưới, cưới rồi thì hỏi khi nào có con. Cặp đôi nào kết hôn nửa năm mà chưa thấy động tĩnh gì là bắt đầu phải hứng chịu những ánh mắt soi mói từ khắp mọi nơi. Còn lỡ như một năm vẫn chưa có gì thì ôi thôi, mọi người sẽ làm ầm lên, bắt đi bệnh viện kiểm tra khám xét nọ kia. Tóm lại rất là phiền phức!

Tam Ni bây giờ đang rất tích cực uống thuốc, ngàn vạn lần không nên tạo áp lực cho con bé. Dầu gì tuổi nó vẫn còn trẻ với cả bác sĩ đã nói rồi, vấn đề không quá nghiêm trọng, chỉ cần chú ý nghỉ ngơi, điều dưỡng là nó sẽ từ từ hồi phục như phụ nữ bình thường.

Nửa tháng sau, Hổ Tử đã học xong bằng lái xe tải. Lúc trở về người nó gầy đi một vòng nhưng phong thái cực kỳ tự tin và rạng rỡ.

Phải biết rằng, thời đại này biết lái xe chính là kỹ năng sống hữu ích và là một cần câu cơm hữu hiệu.

Nhìn ông anh trai khí chất ngời ngời, Cương Tử hâm mộ rớt tròng mắt: “Mợ út ơi, khi nào cháu mới được đi học ạ?”

Lâm Thanh Hoà xoè tay: “Mang bài vở ra đây mợ kiểm tra.”

Thoắt cái gương mặt Cương Tử đau khổ như ăn phải ớt, trần đời nó sợ nhất mợ út kiểm tra bài vở vì 10 lần như 1, nó bị ăn mắng không trượt phát nào!

Có trời mới biết nó sợ học hành cực kỳ, mặc dù đã nỗ lực lắm lắm rồi nhưng làm như kiến thức không ưa nó hay sao ấy mà mợ út lại yêu cầu cao mới chết chứ!

Thấy nó lê bước chậm rề rề, Lâm Thanh Hoà mắng: “Trước đây anh Hổ Tử đều đạt yêu cầu, cháu đừng có mà kiếm cớ. Phải cố gắng phấn đấu biết chưa, không tốt nghiệp được lớp bổ túc thì đừng mơ đi học cái khác.”

Phải công nhận Nhị Ni và Hổ Tử rất chăm chỉ, cộng với lực học tương đối khá thế nên cả hai đứa nó đều tốt nghiệp sớm, bằng không còn phải học thêm 1, 2 năm nữa.

Nghe thím tư đe, Cương Tử buông tiếng thở dài não nề.

Chu Quy Lai cười hềnh hệch: “Anh than ngắn thở dài cái gì, chúng em học nhiều năm như vậy mà còn chưa thở dài đây này, anh mới học được bao lâu chứ? Hơn nữa hôm nọ em qua nhà ông bà nội gặp chị Thắng Mỹ, chị ấy khoe với bà là Hứa Thắng Cường siêng năng cần cù lắm. Anh liệu mà học đê, đừng để thua Thắng Cường thì có mà ê mặt.”

Cương Tử bĩu môi cãi: “Gì mà siêng năng, vừa tan học một cái là nó chạy nhanh nhất trường.”

Lâm Thanh Hoà nhàn nhạt hỏi: “Nó không gây ra chuyện gì đấy chứ?”

Dù sao người cũng là Chu Thanh Bách nhà cô xin vào thế nên thỉnh thoảng cô vẫn phải hỏi thăm đôi chút, mất công to chuyện ảnh hưởng thanh danh ông xã nhà mình.

Cương Tử lắc đầu: “Chắc không có đâu ạ.”

Cũng không biết có phải là trùng hợp hay gì mà Lâm Thanh Hoà vừa hỏi hôm trước, hôm sau Hứa Thắng Cường đã gây ra chuyện thật.

Nó đánh nhau với bạn học tại lớp bổ tục ban đêm.

Lúc Lâm Thanh Hoà nghe Cương Tử báo cáo, cô nhíu mày hỏi: “Đánh nhau? Làm sao lại đánh nhau?”

Cương Tử đã đi hỏi thăm rõ ràng nên kể một mạch đâu ra đấy: “Vì giành gái, hai nam tranh một nữ ạ. Con bé kia cặp với Thắng Cường nhưng sau lại đòi chia tay. Thắng Cường không cam lòng nên trộm đi theo dõi, cuối cùng phát hiện ra con bé đó hẹn hò với thằng bạn cùng lớp. Thế là Thắng Cường lao vào đánh người ta.”

“Hai nam tranh một nữ?” Khoé miệng Chu Quy Lai giật giật: “Người con gái kia đẹp lắm à? Nghiêng nước nghiêng thành không? Đẹp bằng Phùng Trình Trình không?”

Phùng Trình Trình là nữ chính trong phim Bến Thượng Hải (1) được sản xuất vào năm 1980, do nữ diễn viên Triệu Nhã Chi thủ vai. Sau khi xem phim, Chu Quy Lai cảm thấy cô ấy xinh đẹp vô ngần, có thể nói là biểu tượng sắc đẹp đương thời.

===

Chú thích:

(1) Bến Thượng Hải là bộ phim truyền hình do đài TVB Hồng Kông sản xuất. Được phát sóng vào năm 1980, đây được coi như là tác phẩm truyền hình kinh điển của TVB về đề tài xã hội đen. Phim lấy bối cảnh Thượng Hải thời Trung Hoa Dân Quốc trước thế chiến thứ 2 với câu chuyện về các mối quan hệ ân oán, bạn thù của Hứa Văn Cường và Đinh Lực trong thế giới xã hội đen. Bến Thượng Hải cũng đề cập đến mối tình tay ba đầy đau khổ giữa ba người Hứa-Đinh và Phùng Trình Trình.

Bình Luận (0)
Comment