Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 489 - Chương 489: Vương Nguyên Về Quê Vợ

Chương 489: Vương Nguyên về quê vợ Chương 489: Vương Nguyên về quê vợ

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 489: Vương Nguyên về quê vợ

Kết quả kiểm tra sức khoẻ rất tốt nhưng Lâm Thanh Hoà tinh ý bắt được một tia thất vọng vụt qua gương mặt Chu Thanh Bách.

Cô biết anh đang hy vọng cái gì nhưng cá nhân cô cho rằng suy nghĩ đó rất viển vông, phải biết rằng càng lớn tuổi thì tố chất cơ thể của cả hai vợ chồng đều sụt giảm. Hồi trẻ còn chẳng thấy động tĩnh gì huống hồ là cái tuổi này. Với cả tầm này mà còn mang bầu chửa đẻ, thú thực Lâm Thanh Hoà ngại vô cùng.

Chu Thanh Bách đọc nửa ngày mới xong hết xấp báo cáo, anh chậm chạp gấp lại rồi nói: “Bình an là phúc.”

Lâm Thanh Hoà chẳng biết nên nói gì lúc này, rõ ràng anh đã bị ông thầy bói kia lừa mà lại cứ tin sái cổ, ôm mộng không dứt mới mệt chứ.

Tiếc rằng hôm ấy cô không chính tai nghe được, nếu có duyên gặp lại cô nhất định phải hỏi cặn kẽ xem rốt cuộc ông ấy đã bấm ra quẻ gì mà khăng khăng phán rằng số mạng Chu Thanh Bách định sẵn có con gái, rồi cái gì mà trai già nhả ngọc, thật là không thể tin được!

Tuy tin vui không đến được với nhà Chu Thanh Bách, nhưng lại tới gõ cửa nhà Lý Ái Quốc. Sau mấy tháng tích cực điều trị, cuối cùng Chu Tam Ni cũng đã có mang.

Tính ra vợ chồng Tam Ni đã kết hôn tròn một năm, tầm này năm ngoái Ái Quốc cưới Tam Ni về nhà. Tuy rằng ngóng trông cả năm không thấy động tĩnh gì nhưng trời không phụ lòng người, niềm vui đã tới với hai vợ chồng, đứa nhỏ này mai sau sẽ rất có phúc khí đây!

Nhớ lại cái hồi còn ở thôn Lý gia, cả Lý Ái Quốc và Chu Tam Ni đều phải hứng chịu búa rìu dư luận, Tam Ni thì ngày ngày âm thầm rửa mặt bằng nước mắt cho nên thân thể vốn đã yếu lại càng suy nhược hơn.

Lý Ái Quốc không muốn gây áp lực cho vợ nhưng điều đó không có nghĩa là anh không mong muốn có con. Hai vợ chồng giờ có thêm đứa con nữa thì gia đình càng hoàn hảo hơn, không phải sao?

Vậy nên lúc nghe tin Chu Tam Ni mang thai, khỏi phải nói Lý Ái Quốc vui sướng cỡ nào, nếu có bảo anh lên trời hái sao chắc anh cũng dám bắc thang mà đi chứ chẳng đùa.

Bà Chu biết chuyện cũng vui mừng không kém, vội vã giục Tô Đại Lâm giết một con gà thật béo cho cháu gái tẩm bổ.

Bà cười nói: “May quá đi mất, mẹ còn đang lo không biết vợ chồng nó có bệnh tật gì không. Chờ mãi mà không thấy sợ rằng người đời sẽ đàm tiếu ấy chứ.”

Chu Hiểu Mai lại không đồng tình với quan điểm đó: “Có gì mà đàm tiếu, hai vợ chồng nó còn trẻ, mới kết hôn được có một năm mà mẹ vội gì.”

Bà Chu trừng mắt: “Làm sao nói vậy được, Ái Quốc sắp 30 rồi còn gì, đợi nữa để mà thành cha già con cọc à?!”

Chu Hiểu Mai không còn gì để cãi vì lời mẹ nói quá đúng. Tam Ni không gấp nhưng Lý Ái Quốc rất vội là đằng khác, hai đứa nó chênh lệch những 10 tuổi cơ mà.

Nhưng được cái Lý Ái Quốc rất có trách nhiệm và yêu thương Tam Ni, cho nên Chu gia không hề để ý tới vấn đề tuổi tác hay khuyết điểm cơ thể.

Vừa hay Nhị Ni và Vương Nguyên qua thăm ông bà nội cho nên cũng nghe được tin Tam Ni đang có mang.

Gương mặt Vương Nguyên lộ ra vẻ hâm mộ rõ rệt, còn liếc Chu Nhị Ni một cái đầy thâm ý.

Chu Nhị Ni xấu hổ đỏ lựng mặt, cúi đầu trốn tránh. Nhưng khổ một nỗi, Vương Nguyên nào có chịu buông tha cho cô, anh lên tiếng hỏi: “Nhị Ni, khi nào em mới dắt anh về gặp cha mẹ. Bên chỗ thím tư khi nào được nghỉ lễ?”

Nghe được lời này, bà Chu mừng rỡ vô cùng. Nhìn đi đây mới chính là rể hiền, chứ như cái ngữ kia thì vứt, vứt hết!

Mặt Chu Nhị Ni càng đỏ tợn, nó lí nhí nói: “Giờ vẫn còn sớm mà, gì đã tính tới chuyện nghỉ lễ.”

Mới bước vào tháng 12 âm, ít nhất phải giữa tháng trở ra mới có lịch nghỉ Tết.

Bà Chu tươi cười rạng rỡ: “Không vội, không vội, nhà máy của cháu cũng chưa nghỉ mà, phải không? Dù sao cũng phải đợi chỗ cháu nghỉ lễ mới đi được, cho nên cứ từ từ, không cần gấp.”

Vương Nguyên nói: “Tại cháu muốn cùng Nhị Ni ở quê lâu một chút ấy mà.”

Thêm câu này nữa, bà Chu lại càng vui mừng khôn xiết, nhưng ngoài miệng vẫn khiêm tốn nói: “Chỉ sợ nhà cửa xập xệ cháu ở không quen.”

Sau một thời gian sinh sống tại Bắc Kinh, bà Chu thấy rất rõ sự chênh lệch giữa nơi đây và quê nhà. Người thành phố sống trong nhà cao cửa rộng đã quen, rất khó thích ứng với nhà tranh vách đất. Cũng may vợ chồng thằng cả đã cất xong căn nhà ngói khang trang, thấy bảo sáng sủa rộng rãi lắm, được như vậy bà cũng đỡ lo lắng phần nào.

Vương Nguyên cười xoà: “Sẽ không có chuyện đó đâu bà. Với lại cháu cũng muốn biết nơi ở khi còn bé của Nhị Ni để có thể hiểu thêm về cô ấy.”

Chu Nhị Ni liền nói: “Nếu sau khi anh nhìn thấy mà thất vọng thì cứ nói thẳng với em.”

Vương Nguyên mỉm cười đầy âu yếm: “Sẽ không.”

Chu Nhị Ni đáp trả bằng một cái trừng mắt, ý bảo ở đây có người lớn, nghiêm túc chút đi.

Hôm nay cả Vương Nguyên, Nhị Ni lẫn Chu Tứ Ni đều ăn cơm bên ông bà nội.

Cơm nước xong xuôi, cặp tình nhân sóng vai đi xem phim điện ảnh, còn Tứ Ni ở lại rửa dọn chén đĩa. Thu dọn xong trời cũng đã muộn cho nên con bé quyết định ngủ lại bên này luôn.

Ngồi trong phòng khách nói chuyện phiếm, bà Chu liền hỏi Tứ Ni: “Tết năm nay cháu có về quê không?”

Tứ Ni do dự một chút rồi đáp: “Cháu không bà ạ.”

Ở quê cũng không bận việc gì, nó về cũng chỉ ăn rồi chơi, hơn nữa đã ở đó từ bé đến lớn, tất cả mọi thứ đều đã quá quen thuộc, ngược lại Bắc Kinh vô cùng mới lạ, nó rất tò mò không biết trên này người ta ăn Tết thế nào, vậy nên sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng Tứ Ni quyết định năm nay đón tết ở thủ đô.

Bà Chu khẽ thờ dài: “Nhiều năm rồi bà chưa trở về…”

Thực lòng bà rất muốn về thăm quê, trước là xem quê quán đổi mới ra sao, sau là gặp lại đám bạn già trong làng. Bây giờ cuộc sống của hai ông bà rất tốt, vậy mà chẳng có dịp khoe với mấy bà bạn thân. Rồi phố xá trên này phồn hoa hưng thịnh, bà cũng muốn về kể cho mấy người họ được mở mang tầm mắt. Ừ, đại loại là bà muốn khoe, chứ ở trên này chẳng khoe với ai được, kể cũng buồn.

Chỉ có điều nhớ tới quãng đường đầy gian nan mà hãi, chuyển hết từ xe nọ tới xe kia, lên tàu xuống ô-tô lắc lư không ngớt. Mới nghĩ thôi mà cái thân già này đã muốn đổ bệnh luôn rồi, vậy nên bà Chu chỉ dám mơ ước chứ chẳng bao giờ dám thực hiện.

Lâu lâu mới có dịp tâm sự nên Chu Tứ Ni mạnh dạn nói ra những lắng lo trong lòng: “Bà ơi, anh rể giàu có như vậy không biết có ghét bỏ nhà cháu không nữa. Trước đây cháu nghe mẹ kể, chồng chị Thắng Mỹ còn không chịu ăn cơm ở nhà cô Hiểu Quyên cơ.”

Anh Vương Nguyên rất tốt, không có điều gì đáng chê trách, rất yêu thương chị hai và cũng rất quan tâm tới nó nhưng nhà nó nghèo là sự thực không thể thay đổi, khoảng cách giữa hai gia đình chẳng gì có thể lấp đấy, cho nên lâu nay Tứ Ni cứ bồn chồn không yên.

Bà Chu an ủi: “Vương Nguyên không phải loại người như vậy đâu. Với cả mẹ cháu là đứa ưa sạch sẽ. Bà nghĩ bây giờ nó đã dọn dẹp trong ngoài tinh tươm rồi ấy chứ. Yên tâm đi, sẽ không lặp lại tình trạng giống như nhà Thắng Mỹ đâu.”

Chu Tứ Ni thở dài: “Sau này cháu không gả chồng Bắc Kinh đâu, cứ về thôn cho đỡ phải suy nghĩ nhiều.”

Bà Chu cũng thở dài đồng tình: “Không phải cứ Bắc Kinh mới là tốt. Đừng nhìn Nhị Ni vậy mà nghĩ nó sướng, cho đến giờ mẹ Vương Nguyên vẫn không hài lòng về con bé. Cũng may Vương Nguyên là đứa tử tế và có bản lĩnh, đủ khả năng che chở cho Nhị Ni chứ không khó mà ngẩng đầu làm người ở Vương gia. Chi bằng cứ về quê tìm một người tử tế, gia cảnh tương đương với nhà mình, có khi lại ấm êm hơn ấy chứ.”

Chu Tứ Ni gật đầu, nó cũng nghĩ y như bà, giàu có chưa chắc đã sướng, chỉ có bình yên mới là cuộc sống hạnh phúc thực sự.

Càng về cuối năm, thời gian càng trôi nhanh. Lâm Thanh Hoà quyết định cho xưởng may nghỉ tết đầu tiên, còn lại bốn cửa hàng quần áo, tiệm sủi cảo và tiệm nước giải khát vẫn hoạt động bình thường cho tới cuối tháng chạp.

Nhưng riêng Chu Nhị Ni được ưu ái nghỉ trước mười ngày, có nghĩa là nghỉ từ ngày 20 tháng chạp cùng lúc với nhà máy của Vương Nguyên.

Ngày 21 tháng Chạp, Chu Nhị Ni và Vương Nguyên lên tàu về quê. Vương Nguyên còn khệ nệ xách theo hai túi lớn, bên trong chứa đầy đặc sản Bắc Kinh. Về ra mắt cha mẹ vợ tương lai mà lại, làm sao có thể qua loa được.

Tính ra đã lâu rồi chưa về thăm quê, vậy nên Chu Nhị Ni vừa hồi hộp, nôn nao lại xen lẫn phấn khởi và một chút kích động. Ngồi ở ghế đối diện, Vương Nguyên mỉm cười đầy cưng chiều, yên lặng thu hết những biến hoá trên gương mặt cô người yêu bé nhỏ. Lúc này anh đang rất vui, về ra mặt cha mẹ vợ có nghĩa là công cuộc đón nàng về dinh càng gần thêm một bước.

Bình Luận (0)
Comment