Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 490: Cơ hội vàng
Hôm cặp đôi Vương Nguyên - Nhị Ni lên tàu, Lâm Thanh Hoà cẩn thận gọi điện thoại về quê báo cho chị cả Chu một tiếng.
Nghe tin, chị cả Chu mừng rỡ vô cùng: “Về rồi sao? Được, được, được, để chị dọn dẹp nhà cửa lại một lượt.”
Hai chị em không nói chuyện lâu, chỉ hỏi thăm tình hình cuối năm vài câu rồi cúp máy.
Lúc thu tiền, bà bí thư chị bộ cười hỏi: “Có chuyện gì mà thấy cô kích động vậy?”
Mãi cho tới giờ, chị cả Chu vẫn giữ kín chuyện Chu Nhị Ni đang yêu một chàng thanh niên người Bắc Kinh. Vì sợ nếu chẳng may không thành thì sẽ bị người trong thôn chê cười, chế giễu. Nhưng hai đứa nó sắp về đến nơi rồi, có muốn giấu cũng không được mà tới lúc ấy thể nào người ta cũng nói nhà mình kệch cỡm, kiêu căng. Vì thế cho nên nhân tiện tại đây chị cả Chu nói luôn với bà bí thư chi bộ nhưng vẫn không quên dặn dò chớ có nói ra bên ngoài. Tốt nhất là đừng có làm ầm lên kẻo mọi người lại nói nhà chị khoe khoang, hống hách.
Tin tức quá mức chấn động khiến bà bí thư chi bộ kinh ngạc hết sức. Vốn bà biết năm nay Nhị Ni sẽ về quê ăn tết, vì từ dạo lên Bắc Kinh tới giờ cũng lâu rồi nó chưa về thăm quê. Trước đây khi còn ở nhà, bà đã thấy con bé này là đứa không tồi, giờ được lên Bắc Kinh làm việc chắc chắn sẽ càng tốt hơn nữa. Mà nói đúng hơn thì cả ba đứa con gái nhà chị cả Chu đều không tồi, đứa nào cũng ngoan ngoãn, nhanh nhẹn lại thạo việc. Nói chung là xét về phương diện dạy con thì chị cả Chu ăn đứt chị hai Chu.
Chính vì để ý mấy đứa con gái nhà chị cả cho nên lần này bà bí thư chi bộ đang định giới thiệu Nhị Ni cho thằng cháu phía bên nhà mẹ đẻ mình. Chỉ không ngờ con bé đã có đối tượng rồi, lại còn là đối tượng người Bắc Kinh nữa chứ.
Thế này chắc chắn nó chọn gả đi Bắc Kinh, chẳng còn cơ hội cho thằng cháu nhà mình. Sự việc hiển nhiên không có gì đáng nhắc đến cho nên bà bỏ qua luôn, bà cười nói: “Được được, tôi sẽ không nói ra ngoài đâu, nhưng con bé Nhị Ni đúng là có phúc khí thật đấy.”
Thì người có phúc mới gả được chồng Bắc Kinh chứ có phải cô thôn nữ nào muốn cũng được đâu.
Nhị Ni thì thôi bỏ qua, không biết Tứ Ni thì thế nào nhỉ?!
Chị cả Chu chỉ cười trừ cho qua chuyện. Thật tình mà nói trong lòng chị đang rối bời lắm đây. Con gái gả cao tất nhiên là mừng nhưng chị vẫn không sao dẹp được những lo lắng ngổn ngang. Tuy nhiên đây là chuyện trong gia đình, chị không tiện tâm sự ra bên ngoài. Đối đáp qua loa một hai câu rồi chị cả Chu chào ra về vì còn nhiều việc.
Vừa vào cổng, chị đã lập tức hô hoán anh cả Chu và thằng út Khoai Tây ra phân công công việc, đem hết thảy trong nhà ngoài ngõ quét tước một lượt.
Tết năm nay nhất định là đông vui lắm đây, không chỉ có con gái và con rể mà có cả thằng con trai lớn, Chu Dương cũng đang trên đường về kia rồi.
“Mẹ, nhà ta đã sạch thế này rồi, còn muốn dọn cái gì nữa ạ?” Khoai Tây gãi đầu gãi tai khó hiểu.
Năm nay nó 13 tuổi, hiện đang là học sinh Trung học.
Chị cả Chu không có thời giờ giải thích tỉ mỉ mà liên tục đưa ra thêm việc: “Trong vòng hai ngày nay phải giết hết chỗ gà còn sót lại, sau đó vệ sinh thật sạch sẽ chuồng trại, tuyệt đối không được để vương lại mùi phân gà nọ kia.”
Anh cả Chu đồng ý ngay: “Việc đó cứ để anh.”
Khoai Tây bất đắc dĩ vô cùng: “Mẹ à, anh rể tương lai sẽ không chê bai nhà ta đâu. Có con rể nhà cô Hiểu Quyên làm ví dụ, chắc chắn thím tư và chị hai đã nói rõ ràng với anh rể tương lai rồi. Nếu đã biết mà vẫn nguyện ý tới thì chứng tỏ anh ấy không để ý mấy cái này đâu.”
Không phải Khoai Tây lười biếng mà thật sự nhà cửa đã sạch sẽ lắm rồi, ngay cả củi lửa cũng được xếp gọn gàng ngăn nắp, thậm chí sân nhà cũng đã được lát gạch đá, có mà cầm kính đi soi cũng chẳng ra một vết dơ ấy chứ.
Chị cả Chu xua tay: “Kể cả anh rể tương lai của con không để ý thì chúng ta vẫn phải chuẩn bị cho tốt.”
Ngày hôm sau, sinh viên Chu Dương về thôn. Được đi học đại học, đọc sách viết văn cho nên cả người nó toát ra khí chất hào hoa phong nhã, rất giống với mấy công tử thuộc gia đình dòng dõi thư hương thời trước.
Nó vừa vào cửa trước thì ông bí thư chi bộ đã nối gót theo sau. Cả làng có mấy đứa là sinh viên đại học đâu, thế nên lãnh đạo thôn quan tâm rất sát sao.
Mặc dù vừa đi một chặng đường xa từ tỉnh thành về đây tương đối mệt mỏi, thế nhưng Chu Dương là người khiêm tốn và rất biết lễ nghĩa, nó lịch sự ngồi xuống tiếp khách, kiên nhẫn giải đáp các câu hỏi của ông bí thư.
Một hồi sau, tiễn khách ra về, Chu Dương mới ngồi phịch xuống ghế, thở dài một tiếng, trên mặt lộ ra vài phần mệt mỏi.
Nghỉ ngơi, uống miếng nước cho tỉnh táo, tiện thể ngắm nghía nhà cửa một lượt, Chu Dương bất ngờ cười hỏi: “Mẹ, sao nhà mình lại thay đổi thành thế này ạ?”
Vừa rồi mới bước vào cổng suýt chút nó còn tưởng mình vào nhầm nhà ấy chứ. Phải nói là sạch như li như lau, không dính một hạt bụi, ngay cả đồ gia dụng cũng được đổi mới, tỉ như bộ bàn ghế trong phòng khách cũng đã được thay bằng bộ mới chắc chắn và đẹp mắt hơn nhiều.
Chị cả Chu cười giải thích: “Có việc này chắc con còn chưa biết, mấy hôm nữa chị hai con dẫn đối tượng về ra mắt đấy.”
Chu Dương kinh ngạc đứng bật dậy: “Khi nào về hả mẹ? Để con đi đón anh chị ấy.”
Chị cả cười: “Chưa nhanh vậy đâu, mới lên tàu ngày hôm qua thôi.”
Chu Dương nhẩm tính thời gian, đợi tới đúng ngày nó rủ Khoai Tây lên bến xe huyện thành rước anh chị. Chả là hôm vừa rồi Chu Dương mượn xe đạp của chú ba đạp về thôn cho nên hiện giờ trong nhà có hai cái xe đạp, vừa may.
Thế là hai anh em cưỡi hai con xe hí hửng phóng lên huyện, rất tiếc chúng đã đoán sai, đợi mãi mà vẫn chẳng thấy bóng dáng chị đâu.
Ngày hôm sau hai anh em lại đạp xe lên tiếp, đợi nửa ngày vẫn chẳng thấy gì, cứ ngỡ hôm nay lại đón hụt thì thấy chị hai và một anh thanh niên bước xuống xe ô-tô.
Chu Nhị Ni phát hiện ra hai thằng em đầu tiên, nó chạy nhanh tới, trên mặt không giấu được nét kinh hỉ: “Sao hai đứa lại tới đây?”
“Mẹ bảo chúng em lên đón chị.” Dứt lời, Chu Dương nhìn về phía Vương Nguyên chào một tiếng “Anh!”
Khoai Tây cũng bắt chước gọi “anh”.
Theo phong tục ở quê, chỉ khi Nhị Ni chính thức làm lễ cưới hỏi thì mấy đứa em mới được gọi Vương Nguyên là “anh rể.”
Chu Nhị Ni vui vẻ giới thiệu: “Đây là em trai lớn của em, tên Chu Dương, còn đây là thằng út, tên Khoai Tây.”
Ở trước mặt người lạ mà bị gọi bằng nhũ danh, Khoai Tây xấu hổ cãi: “Khoai Tây cái gì, tên em là Chu Vượng mà!”
Vương Nguyên cười gật đầu: “Được, anh sẽ gọi em là Chu Vượng.”
Anh rất có hảo cảm với hai cậu em vợ này, đứa nào đứa nấy đều sáng sủa, nhanh nhẹn.
Màn giới thiệu kết thúc, Chu Dương liền bảo: “Anh, chúng ta vào nhà chú thím ba ngồi một lát, sau đó rồi về thôn.”
Vương Nguyên gật đầu đồng ý ngay: “Nên như vậy.”
Trên đường về đây, vợ anh đã kể qua cho anh nghe chuyện chú thím ba chuyển lên huyện thành mở cửa hàng làm ăn kinh doanh.
Đã gần cuối tháng Chạp nhưng cửa tiệm nhà anh chị ba vẫn hoạt động như bình thường. Băng thiên địa tuyết không có hàng tươi thì mình bán hàng đông lạnh. Trước khi trời đổ tuyết, anh ba đã nhanh trí lưu trữ rất nhiều trứng gà và cá ở sau hậu viện, tha hồ mà bán. Đặc biệt là càng về cuối năm, sức mua của người dân càng tăng, thế nên nhắm chừng phải độ 28, 29 tháng Chạp gia đình anh chị mới về quê ăn Tết.
Mà hồi trong năm, anh chị cũng đã hoàn thành ước nguyện của mình, đó là về thôn xây một căn nhà ngói khang trang rộng mở.
Chính vì điều này mà dân làng càng thêm nể nang Chu gia, có bốn thằng con trai thì tận 3 thằng thành đạt hơn người.
Lúc anh chị ba nhìn thấy Chu Nhị Ni thì đứng sững tại chỗ mất mấy chục giây.
Tính ra anh chị đã không gặp nó một thời gian dài rồi, chính xác là kể từ lúc Nhị Ni rời quê lên Bắc Kinh, đây là lần đầu tiên nó trở lại. Mà điều đáng nói ở đây chính là con bé thay đổi quá nhiều. Nếu tình cờ gặp ở ngoài đường, có khi anh chị chẳng dám nhận thân ấy chứ.
Giây phút ngỡ ngàng qua đi, chị ba Chu định thần lại cười nói: “Hôm qua Dương Dương và Khoai Tây lên đây đợi suốt một ngày vì chị cả đoán nhầm, không nghĩ là hôm nay hai đứa mới về tới.”
Nghe thím ba nói vậy, Chu Nhị Ni bất chợt đỏ bừng mặt. Đúng là hôm qua về tới thành phố hơi muộn nhưng vẫn kịp chuyến ô-tô cuối cùng về huyện thành. Tuy nhiên Vương Nguyên nói không thoải mái, muốn thuê nhà khách nghỉ ngơi một đêm cho hồi sức.
Chu Nhị Ni chiều theo ý anh, tìm một cái nhà khách sạch đẹp rồi thuê hai phòng. Chỉ có điều Vương Nguyên chơi xấu nhất quyết ở lì bên phòng Nhị Ni, mặc kệ nó có đuổi thế nào thì anh cũng không chịu về phòng mình.
Tất nhiên không phát sinh chuyện gì cả, Vương Nguyên chỉ đơn thuần là ngủ mà thôi, nhưng Chu Nhị Ni thì quấn chăn kín mít, sợ hãi suốt một đêm dài.
Chu Nhị Ni ngượng ngùng chứ Vương Nguyên chẳng cảm thấy gì, anh cười nói như không: “Lần đầu tiên cháu ngồi xe lâu như vậy, hôm qua về tới thành phố thì trời đã tối mịt cho nên chúng cháu tìm một cái nhà khách nghỉ ngơi một đêm, không ngờ lại khiến hai cậu em vợ chờ đợi mất một ngày.”
Hiếm khi mới có cơ hội vàng ôm vợ chưa cưới ngủ nguyên đêm, làm sao Vương Nguyên dễ dàng bỏ qua được. Ài, tất nhiên là chẳng chiếm được tiện nghi gì, vì cô bé của anh truyền thống vô cùng. Nhưng không sao cả, chỉ cần được ôm cô cùng say giấc là anh đã đủ sung sướng lắm rồi.