Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 570: Lắp đặt điện thoại
Tiết Mỹ Lệ nhướng mày cười: “Đấy là vì anh chưa biết vị giáo viên đang dạy kèm con mình có lai lịch thế nào thôi.”
Phó sở trưởng Khương không chú ý lắm, vừa cởi áo khoác ngoài vừa lơ đãng nói: “Không phải mẹ đã nói qua cô ấy là giáo viên đại học rồi hay sao?!”
Tiết Mỹ Lệ cười mắng: “Nếu mà là giáo viên đại học bình thường thì anh nghĩ có thể dễ dàng áp chế được thằng con tâm cao khí ngạo nhà anh chắc?”
Tuy ngoài miệng hay mắng mỏ vậy thôi chứ trên thực tế phó sở trưởng Khương khá hài lòng về cậu con trai này, bởi anh muốn hướng thằng bé đi theo con đường của mình, mà phàm những người làm chính trị kỵ nhất bị người khác bắt bài cho nên không thể quá thành thật.
Thấy vợ cứ tủm tỉm cười thần bí, anh liền hiếu kỳ hỏi: “Không phải là giảng viên đại học bình thường thì là gì?”
Tiết Mỹ Lệ lập tức bật mí: “Trưởng khoa ngoại ngữ trường đại học Bắc Kinh.”
Mỗi lần nhắc tới chức danh này là cô không nhịn được phải xuýt xoa thán phục. Mới tiếp xúc có một lần thôi mà cô thấy người này uyên bác vô cùng. Đến cô còn bị hút hồn ngồi nghe giảng mê mẩn nữa là thằng Tiểu Canh. Bởi mới nói những người thầy giỏi luôn có cách khơi gợi hứng thú học tập cho học trò.
Lúc này phó sở trưởng Khương đang đứng ngây ra như phỗng vì quá đỗi bất ngờ. Đúng vậy, anh kinh ngạc vô cùng, không nghĩ vị giảng viên đó lại có lai lịch dữ dằn tới vậy?!
Càng thế anh lại càng tò mò: “Nhưng sao họ lại chuyển qua bên này?”
Tiết Mỹ Lệ giải thích: “Cô ấy có bầu nên lánh sang đây dưỡng thai, đợi sinh xong mới ẵm con về Bắc Kinh.”
À, thì ra là trốn kế hoạch hoá gia đình, anh Khương gật gù hiểu ra vấn đề. Cái này không có gì là lạ vì trên cơ bản mọi người đều chọn cách âm thầm lánh sang địa phương khác thì mới mong bình yên lâm bồn. Bởi không có sổ hộ khẩu, không lưu hồ sơ giấy tờ đồng nghĩa với việc không thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền sở tại cho nên sẽ không lo bị ép buộc phá thai.
Tiết Mỹ Lệ: “Vì cô ấy không chịu thu tiền cho nên em kêu Tiểu Cách xách trái cây tới biếu.”
Phó sở trưởng Khương gật gù: “Ừ, làm vậy cũng được.”
Bên này, Lâm Thanh Hoà cũng cảm thấy không tồi, dạy cho một học sinh cao trung tương đối nhàn hạ, chẳng cần phải lao lực soạn giáo án phức tạp, bởi lúc này điều quan trọng nhất là củng cố kiến thức cơ bản giúp tạo dựng nền móng vững chắc cho cậu nhóc, có như vậy mai này mới mong thu nạp được những kiến thức sâu rộng hơn.
Còn về vấn đề học phí, cô đã nói không thu tiền là sẽ nhất định không thu nhưng trái cây thì nhận được. Chứ chẳng lẽ thằng bé đã xách sang tận nơi rồi còn bắt nó mang về thì e rằng kiêu căng, phách lối quá.
Lâm Thanh Hoà ngồi một bên vừa nhàn nhã ăn táo vừa theo dõi Khương Canh viết bài. Được cái thằng nhóc này học hành rất nghiêm túc.
Chớp mắt, thời gian một tiếng đồng hồ trôi qua.
Lâm Thanh Hoà gấp sách lại và nói: “Cứ học theo những gì cô dạy, về nhà mỗi ngày học thuộc thêm mười từ đơn, đại khái một tháng sau em sẽ thấy kết quả thay đổi.”
Nghe thấy kết quả sắp được cải thiện, Khương Canh không nén được kích động: “Nhanh vậy hả cô?”
Lâm Thanh Hoà nói tiếp: “Chịu khó làm hết bài tập về nhà cô giao, khoảng một tháng sau thành tích có thể tăng lên 30 điểm.”
Bình thường điểm kiểm tra của nó lẹt đẹt vô cùng, chưa lần nào vượt quá con số 20.
Nhưng dù có như vậy thì 30 điểm vẫn chưa làm hài lòng Khương Canh cho nên nó cụt hứng xị mặt ra một đống.
Lâm Thanh Hoà nhướng mày: “Có phải lần đầu tiên đi học đâu mà không hiểu đạo lý dục tốc bất đạt? Nhưng không được chỉ tập trung vào môn tiếng Anh mà lơ là những môn khác. Phải phân bố thời gian học đều tất cả các môn.”
“Dạ vâng, ngày mai em lại tới.” Khương Canh gật đầu rồi đứng dậy thu dọn sách vở ra về.
Sau đó nó rẽ qua nhà kế bên chào tạm biệt ông bà nội rồi mới đi về nhà mình.
Nhìn thằng cháu nỗ lực học tập, ông Khương vui vẻ nói với bà vợ: “Tôi thấy dạo này Tiểu Canh rất có hứng thú với môn tiếng Anh.”
Bà Khương cười sung sướng: “Ừ đúng rồi, nhưng cái này phải nhờ vào thầy giỏi mới có được.”
Lúc hay tin Lâm Thanh Hoà là trưởng khoa ngoại ngữ trường đại học Bắc Kinh danh tiếng lẫy lừng, bà Khương bất ngờ vô cùng tuy nhiên cũng cảm thấy rất tự hào khi thằng cháu trai nhà mình có cơ hội tầm sư học đạo.
Nhưng nếu ngẫm lại thì chuyện này cũng không có gì lạ, bởi trình độ không cao thì làm sao có khả năng đọc hiểu sách ngoại ngữ, hơn nữa khí chất và cách nói năng của cô ấy nổi bật hơn hẳn những người khác, rất đúng mực và có chiều sâu.
Ông Khương hỏi thêm: “À, cô Lâm không thu tiền hả?”
Bà Khương lắc đầu: “Thanh Hoà không chịu thu, nói là chỉ học có một giờ đồng hồ thôi, không đáng bao nhiêu. Cũng may mẹ tiểu Canh là đứa biết cách cư xử, thường xuyên kêu thằng bé mang trái cây sang biếu.”
Thì cũng phải thôi, người ta đã giành thời gian cá nhân phụ đạo cho con mình, lại còn không thu học phí nữa, ít nhiều gì gia đình cũng phải bày tỏ chút lòng thành chứ.
Ngoài ra, bà Khương rất muốn thiết lập mối quan hệ thân thiết với Lâm Thanh Hoà, để sau này có cơ hội lên Bắc Kinh chơi thì cũng có chỗ quen biết mà đi lại.
Buổi trưa, Chu Thanh Bách từ bên ngoài trở về, trên tay cầm theo một tờ khế ước cùng văn kiện chứng minh quyền sử dụng đất.
Vừa bước vào nhà là anh nói ngay: “Vợ à, lần sau quay về Bắc Kinh chúng ta cho lắp một máy điện thoại bàn tại tiệm sủi cảo nhé, em thấy thế nào?”
Lâm Thanh Hoà cơ hồ đáp ngay mà không cần suy nghĩ: “Quá đắt.”
Phí lắp đặt tận vài ngàn đồng chứ có rẻ đâu!
Chu Thanh Bách: “Đắt cũng phải lắp. Lúc anh mua cái cửa hàng này, Uỷ ban thôn hỏi xin số điện thoại để tiện liên lạc.”
Lâm Thanh Hoà thuận miệng hỏi: “Liên lạc làm gì hả anh?”
Chu Thanh Bách: “Người ta nói là dạo gần đây các ban ngành xuống khảo sát mấy khu cư xá cũ, chưa biết chừng nay mai nhà nước sẽ thu lại cho nên muốn có số điện thoại để có gì kịp thời liên hệ với anh.”
“Thu lại?” Lâm Thanh Hoà kinh ngạc hỏi tiếp: “Thế đền bù như nào?”
Chu Thanh Bách cười lắc đầu: “Làm sao đã biết được, chưa có tin tức cụ thể mà.”
Lâm Thanh Hoà suy nghĩ vài giây rồi nói ngay: “Vậy cho lắp đặt luôn đi. Anh gọi điện về nhà bảo thằng ba đi đăng ký, máy điện thoại cứ đặt tại tiệm sủi cảo là được.”
Hiện tiệm sủi cảo đang do bà Mã kinh doanh nhưng lắp đặt cái điện thoại cũng không gây trở ngại gì hết.
Hơn nữa trong nhà đích thực cần một cái để cô tiện bề nắm bắt tình hình gia đình, không thể lúc nào cũng thông qua Chu Hiểu Mai được.
Bên cạnh đó, đúng là nên lưu lại phương thức liên lạc cho cục quản lý bất động sản tại Thượng Hải. Tính ra thì nhà cô thu mua không ít cư xá xập xệ, cũ nát. Có khi sắp tới đây sẽ được các nhà thầu xây dựng để mắt tới cũng chưa biết chừng. Mà kể cả bây giờ chưa quy hoạch thì mai sau cũng sẽ tới lượt thôi. Vì vậy nhất thiết phải có số điện thoại riêng để khi xảy ra vấn đề gì Uỷ ban thôn sẽ kịp thời thông báo.
Sau khi thống nhất với vợ, Chu Thanh Bách lập tức đi ra bốt điện thoại công cộng gọi về cho Chu Hiểu Mai.
Đầu dây bên kia, Chu Hiểu Mai hoảng hốt: “Trời đất ơi, lắp một cái điện thoại tốn mấy ngàn đồng lận đó anh tư. Với lại bình thường có gọi nhiều đâu, lắp chi cho lãng phí.”
Nếu giá cả phải chăng có khi nhà cô cũng lắp một cái nhưng đằng này đắt cắt cổ. Ai đời một chiếc điện thoại mà bằng cả căn tiệm bánh bao. Tất nhiên ý của cô là thời điểm mới mua vào chứ bây giờ giá trị căn tiệm này đã tăng lên nhiều rồi.
Thế nhưng Chu Thanh Bách đã quyết: “Cô cứ bảo thằng hai và thằng ba đi liên hệ người xuống lắp đặt đi. Sau này sẽ cần dùng nhiều.”
Việc kinh doanh trong gia đình càng lúc càng mở rộng, không chỉ bó hẹp ở phạm vị Bắc Kinh mà còn vươn ra thị trường phương Nam. Có cái điện thoại sẽ thuận tiện cho việc giao dịch cũng như đàm phán làm ăn với các nhà cung ứng.
Chu Hiểu Mai khuyên hết nước hết cái mà vẫn không xoay chuyển được ông anh trai, vậy nên buổi tối về nhà cô liền truyền lời lại cho Chu Toàn và Chu Quy Lai.
Nghe xong, Chu Quy Lai kinh ngạc thốt lên: “Chà, lần này ba cháu chơi lớn đây, đắt như vậy mà cũng bỏ ra được cơ à?!”
Bà Chu thì tức giận mắng ngay tại chỗ: “Ba mấy đứa dạo này lãng phí tiền của quá thể, bộ làm như tiền dễ kiếm lắm không bằng?! Bỏ cả đống tiền ra mà mỗi tháng chỉ dùng có vài lần, đúng là khùng điên!”
Chu Quy Lai lại không nghĩ như vậy: “Cháu thì lại thấy không lãng phí lắm, vì hiện giờ tiệm hải vị phải nhập hàng từ phương Nam. Mỗi lần đặt hàng hoặc trao đổi yêu cầu gì đó đều rất khó khăn. Ngoài ra mẹ cháu đang tính mở cửa hàng bán trà, đến lúc ấy cũng phải liên hệ nhập hàng từ nơi khác tới, không có cái điện thoại là không làm ăn được bà ạ.”
Bà Chu xua tay: “Đi ra buồng điện thoại công cộng gọi không được à?!”
Chu Toàn bình tĩnh lên tiếng: “Trong nhà lắp một cái vẫn hơn chứ bà, giả dụ gặp sự cố cấp bách là có thể liên hệ trực tiếp ngay lập tức. Hơn nữa anh cả cũng có thể tuỳ lúc gọi về thăm gia đình.”
Gì thì gì nó rất ủng hộ quyết định này của ba. Công nhận là phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn nhưng lợi ích thu về không nhỏ chút nào, rất đáng để đầu tư.
Vừa nhận chỉ thị từ ba mẹ, ngay sáng hôm sau, hai anh em Chu Toàn liền đi liên hệ đăng ký. Vậy là một chiếc điện thoại bàn nhanh chóng được lắp đặt tại tiệm sủi cảo.
Chứng kiến cảnh này, bà Mã không khỏi xuýt xoa: “Chắc là tốn nhiều tiền lắm đây.”
Chu Quy Lai cười nói: “Tốn nhưng mà đáng tiền bà ạ. À, bà có thể báo số điện thoại này cho chú con trai lớn nhà bà, sau này nếu muốn gọi thì cứ gọi thẳng về đây cho tiện.”