Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 603: Giải tán
Dù tiệm sủi cảo có mở hay đóng thì cả gia đình Lâm Thanh Hoà vẫn lựa chọn kéo nhau ra đây ăn uống chứ không nấu nướng ở cư xá. Vì căn nhà vốn đã khá nhỏ và kín, nếu giờ còn ám thêm cả mùi dầu mỡ nữa thì khó chịu lắm.
Hôm nay được Chu Tam Ni cho mớ khoai quá ngon nên bữa trưa Lâm Thanh Hoà chỉ ăn một chút cơm, còn lại để dành bụng ăn khoai. Cô vừa nhấm nhá vừa khen: “Ừhm, công nhận Tam Ni lựa khéo thật đấy!”
Chu Thanh Bách gật đầu nói: “Ừ, nghe Tam Ni khẳng định là ngon cho nên anh mới xách về đấy chứ.”
Lâm Thanh Hoà hỏi thêm: “Tam Ni với bé Mập vẫn khoẻ hả anh?”
Ngồi bên cạnh, Chu Quy Lai lập tức góp vui: “Ôi, mẹ khỏi phải lo đâu, mẹ con chị ấy khoẻ lắm. Chị Tam Ni béo cực, còn thằng cu Mập thì tên sao người vậy. Nó được chị Tam Ni chăm đến độ cả người tròn quay y chang trái banh. Hahaha!”
Lâm Thanh Hoà bật cười rồi quay sang hỏi Cương Tử và Hổ Tử: “Tình hình buôn bán của hai anh em thế nào?”
Hổ Tử cười hiền lành: “Khá tốt thím ạ.”
Lâm Thanh Hoà nhướng mày hỏi: “Thế lợi nhuận chia làm sao?”
Hả? Là sao? Hổ Tử và Cương Tử nhất thời sửng sốt, ngơ ngác quay sang nhìn nhau rồi lại quay ra nhìn mợ, lắc đầu đáp: “Không chia ạ, cứ tính chung hết vậy thôi.”
Lâm Thanh Hoà nhíu mày: “Sao có thể tính chung được, hai đứa làm thì phải tách ra mà tính chứ. Kể cả có là anh em ruột thịt cũng phải sòng phẳng, việc nào ra việc đó mới được.”
Ôi, cái này có gì quan trọng, Cương Tử cười hềnh hệch: “Không sao đâu thím, hai anh em cháu bán gần như nhau nên cứ gom chung hết lại rồi anh ấy lấy 6 phần, cháu lấy 4 phần cho dễ.”
Lâm Thanh Hoà lắc đầu nói luôn: “Từ hôm nay trở đi không gom chung lại như thế nữa, hàng đứa nào đứa nấy bán, tiền đứa nào đứa đứa nấy giữ.”
Chúng nó là anh em ruột tất nhiên không để ý mấy cái này nhưng đợi tới lúc có người yêu hoặc vợ chắc chắn sẽ xảy ra mâu thuẫn. Vậy nên Lâm Thanh Hoà cứ phòng từ xa cho chắc ăn.
Ai chứ mợ út đã lên tiếng thì Cương Tử sẽ nhất nhất nghe theo, thế nên nó liền nói với ông anh trai: “Anh, vậy từ hôm nay mình tách ra nha.”
“Được.” Hổ Tử không do dự gật đầu nhất trí ngay.
Thấy hai anh em nó thống khoái như vậy, Lâm Thanh Hoà liền không nói gì nữa. Đồng tiền bạc bẽo lắm, càng là thân thiết ruột thịt thì càng phải rạch ròi minh bạch, như thế mới mong giữ được tình cảm lâu bền!
Lát sau, Cương Tử lại nói thêm: “Sáng nay cháu đi bày quán ở một con phố cũ vô tình gặp được Thắng Cường.”
Chu Quy Lai bĩu môi: “Gặp thì gặp thôi, có gì đáng để lấy ra nói chứ.”
Cương Tử nhíu nhíu mày hồi tưởng: “Tại anh thấy đợt này nó khác lắm. Chắc ăn đòn một lần biết sợ rồi nên không còn chưng cái bộ dạng bố đời thiên hạ ra nữa.”
Chu Quy Lai xuỳ xuỳ: “Thôi đi, nhờ có chồng chị Nhị Ni ra mặt hắn mới dễ dàng thoát thân, chỉ phải bồi thường tiền là xong chuyện. Ấy vậy mà một lời cảm ơn cũng chẳng có. Thế mà kêu thay đổi, có mà đổi cái quần!”
Chu Toàn thủng thẳng lên tiếng: “Nếu thực sự thay đổi được thì tốt, nó chỉ cần sống tốt cuộc đời nó đừng gây thêm phiền phức nữa là được, không cần lại bên này cảm ơn cảm huệ gì hết.”
Chủ đề này quá chán, Lâm Thanh Hoà chả có hứng thú tham dự, cô liền quay sang hỏi anh xã: “Mai em định làm thịt khô, lúc nãy anh có đặt thịt heo không?”
Chu Thanh Bách gật đầu: “Có, anh đặt rồi.”
Lâm Thanh Hoà gật đầu tỏ ý đã biết.
Xong bữa trưa, tranh thủ Mật Mật đã no bụng ngủ say, lại có Chu Thanh Bách và hai thằng con ở đó canh chừng, Lâm Thanh Hoà liền xách xe đạp dạo một vòng cho thư thái đầu óc.
Tại tiệm sủi cảo, Chu Quy Lai nói chuyện với Chu Thanh Bách: “Ba à, chiều nay con với anh hai tan học sẽ lập tức về nhà để thay ca cho ba đi tập thể dục. Con nghĩ đã đến lúc ba cần phải giảm béo rồi đấy. Haizza, ba xem, giờ ba béo quá thể quá đáng rồi, có khi phải tới trăm ký ấy nhể?!”
Chu Thanh Bách trừng mắt cảnh cáo. Chu Quy Lai cười hềnh hệch nhưng cũng biết thân biết phận khóa miệng lại, không dám vuốt râu hùm nữa.
Chu Thanh Bách mặc kệ thằng con, anh đánh mắt về phía Hổ Tử cùng Cương Tử dặn dò: “Hai đứa chú ý làm tốt công việc của mình.”
Trước giờ cậu út luôn lời ít ý nhiều, tiếp xúc riết thành quen nên Hổ Tử và Cương Tử nghe là hiểu ngay. Chúng nghiêm túc gật đầu: “Vâng, chúng cháu nhớ rồi ạ.”
Đạp xe lòng vòng bát phố bát phường chán chê, Lâm Thanh Hoà đánh tay lái dạo qua mấy gian hàng của mình rồi cuối cùng dừng trước tiệm đồ uống vì nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng Chu Tứ Ni và Ông Quốc Đống đang đứng ở đó.
Lâm Thanh Hoà phanh xe cái kít rồi cười nói: “Ai da, thảo nào hôm nay có người không về ăn cơm trưa nha.”
Chu Tứ Ni đỏ ửng mặt, kín đáo liếc xéo Ông Quốc Đống, còn Ông Quốc Đống thì tỏ ra thản nhiên như không có chuyện gì: “Cháu chào dì Lâm, nhân tiện hôm nay mới tìm được quán ngon nên cháu mời Tứ Ni đi ăn thử.”
Lâm Thanh Hoà gật đầu: “Sang năm đã có kế hoạch gì chưa?”
Ông Quốc Đống bình tĩnh đáp: “Chúng cháu định sẽ tổ chức hôn lễ.”
Thoắt cái, mặt Chu Tứ Ni đỏ rần như gấc chín, nó lúng túng giật giật tay áo Quốc Đồng: “Anh đừng nói luyên thuyên, đợi về nhà gặp ba mẹ em đã chứ.”
Ông Quốc Đống không lên tiếng phản bác nhưng thái độ thì chắc như đinh đóng cột.
Lâm Thanh Hòa lại hỏi tiếp: “Kết hôn rồi Tứ Ni có định đi làm nữa không?”
Chu Tứ Ni trả lời thím tư nhưng lại bất tri bất giác nhìn vào mắt Ông Quốc Đống: “Tất nhiên là cháu muốn đi làm rồi ạ, không đi làm sao được chứ…”
Đầu tiên là vì yêu thích công việc này. Thứ nữa là có công tác ổn định nó sẽ cảm thấy vững lòng hơn vì suy cho cùng nếu cuộc hôn nhân này thành, nó cũng được xem là gả chồng giàu, vậy nên càng phải có thu nhập riêng, ít nhiều không quan trọng, quan trọng là mình làm ra tiền. Và cuối cùng là, nếu không đi làm mà chỉ quanh quẩn ở nhà cả ngày chắc buồn chết mất!
Ông Quốc Đống thản nhiên tung bẫy: “Thì em ở nhà nấu cơm.”
Chu Tứ Ni không đồng ý: “Em đảm bảo nấu cho anh một ngày đủ ba bữa là được chứ gì. Còn lại em phải đi làm!”
Đạt được mục đích, Ông Quốc Đống hí hửng “ừhm” một tiếng nhẹ bẫng.
Chu Tứ Ni ngô nghê ngỡ mình đã thắng ai dè lọt hố lúc nào không hay. Phải đến mấy giây sau, cô bé đáng thương mới giật mình nhận ra bản thân lỡ lời, nó xấu hổ cúi gằm mặt, ước sao bây giờ có cái lỗ nào chui xuống thì tốt quá!
Lâm Thanh Hoà không nín được cười: “Như vậy xem ra cả hai đã thông suốt rồi phải không? Thôi được rồi, chuyện đám trẻ các cháu thím không can dự nữa. Đợi Quốc Đống nghỉ phép rồi hai đứa dẫn nhau về quê đi.”
Mặc dù biết chị Ông bên kia đang sốt ruột sắp chờ không nổi nữa rồi, nhưng cô cũng không tiện can thiệp quá nhiều. Nói thêm hai câu nữa rồi Lâm Thanh Hoà lại lên xe, đạp tới tiệm thuốc lá kiểm tra một chút sau đó mới vòng về xưởng may mặc.
Nhớ lại hồi ấy hai vợ chồng chạy đôn chạy đáo khắp nơi mà chẳng kiếm được xưởng may nào uy tín, vậy nên cô mới quyết định tự mở cái xưởng này với tiêu chí là tự sản xuất nguồn hàng cho mấy cửa tiệm thời trang nhà mình. Nhưng sau một thời gian hoạt động cô nhận ra rằng, vì quy mô xưởng quá nhỏ, mặc dù đã chia thành hai ca làm ngày làm đêm thì sản lượng vẫn rất ít, thu được bao nhiêu lợi nhuận đem trả lương cho công nhân là hết.
Thành ra sau khi cân nhắc kỹ càng, Lâm Thanh Hoà quyết định đóng xưởng, không tiếp tục làm nữa.
Còn cái nhà kho này thì cải tạo lại một chút, chia thành hai gian nhỏ, một bên dùng để chứa thực phẩm tươi sống, còn một bên làm kho trà. Bởi vì thực phẩm tươi sống có mùi đặc trưng rất dễ ảnh hưởng tới hương vị lá trà cho nên buộc phải tách riêng, không thể để chung trong cùng một không gian.
Hôm nay nhân tiện có dịp sang bên này, Lâm Thanh Hoà trực tiếp tuyên bố cho mọi người biết luôn: “Mọi người chú ý, năm nay chúng ta chỉ làm tới ngày 10 tháng Chạp là dừng. Tới lúc trả lương, tôi sẽ thưởng thêm cho mỗi người nửa tháng. Bắt đầu từ năm sau xưởng chính thức đóng cửa, không hoạt động nữa.”
Lúc mới nghe nửa thông báo đầu, tất cả nhân viên đều mừng rỡ vô cùng, nhưng khi nghe tới cuối cùng, toàn thể dường như lâm vào trạng thái hụt hẫng cực độ, trong nhất thời không một ai có thể tiếp nhận nổi.
Phút giây ngỡ ngàng qua đi, thím Từ vội vàng tiến lại hỏi: “Cô giáo Lâm, sao lại đột nhiên như vậy? Công việc đang tiến triển rất thuận lợi mà.”
Lâm Thanh Hoà bình tĩnh giải thích: “Hiện tại ở ngoài kia có rất nhiều nhà máy may mặc lớn, xưởng chúng ta quá nhỏ, không thể cạnh tranh nổi cho nên tôi mới quyết định đóng cửa. Chỉ còn có ít ngày nữa thôi, mong mọi người đừng nản chí mà hãy tiếp tục hoàn thành nốt những công việc còn đang dang dở. Đợi tới lúc kết toán lương, tôi sẽ thưởng thêm cho mỗi người nửa tháng nữa.”
Cô thưởng thêm vì nể tình mọi người đã gắn bó với xưởng nhiều năm. Hơn nữa tính ra những thím làm ở đây đều có tuổi cả rồi, nếu kéo dài cũng chẳng làm thêm được bao lâu. Cho nên kết thúc tại đây cũng xem như vẹn cả đôi đường.
Nghe được lời khẳng định chắc nịch này của cô, toàn thể mọi người đều hiểu sự việc đã định, không có khả năng xoay chuyển nên cũng đành phải chấp nhận mà thôi. Thế nhưng họ vẫn không nén được chút hụt hẫng và buồn bã.
Lát sau, có một bà thím lên tiếng hỏi: “Cô giáo Lâm à, nếu không làm nữa thì những máy may này cô tính xử lý ra sao?”
Lâm Thanh Hoà trả lời luôn: “Mỗi máy thanh lý 50 đồng, nếu ai muốn thì có thể mua.”
Hồi đầu mở xưởng, hai vợ chồng cô phải lặn lộn xuống tận phương Nam mua về 10 chiếc máy may. Sau này làm ăn được, lại mua thêm 10 cái nữa nên bây giờ tổng cộng có cả thảy 20 máy.
Mua một cái máy may rất đắt cho nên cái giá 50 đồng hoàn toàn là một cái giá rất hời cũng xem như phúc lợi dành riêng cho nhân viên của xưởng.
Vừa nghe Lâm Thanh Hòa ra giá, hầu như tất cả mọi người đều nhao nhao muốn mua. Điều này dễ hiểu thôi, đối với người thợ may, cái máy may chính là cần câu cơm không thể thiếu, mà hiếm khi mới gặp được giá đẹp, nếu không tranh thủ bây giờ thì còn tính đợi tới khi nào?!
Xét thấy lượng máy may có hạn mà số lượng người đăng ký quá đông. Hơn nữa đây mới là ca ngày thôi, còn cả ca đêm nữa. Giờ mà nhận lời ngay thể nào nhân viên ca đêm cũng bất mãn cho xem. Vậy nên Lâm Thanh Hoà tính đợi tới ngày 10 tháng Chạp, sau khi kết toán hết lương thưởng sẽ tổ chức một buổi bốc thăm công khai để đảm bảo sự công bằng minh bạch. Ai may mắn thì được mua còn ai không may thì thôi. Cách giải quyết này vừa vui mà vừa đẹp lòng tất cả mọi người.