Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 625: Bình tĩnh đối đáp
“Ba đâu con?” Chu Hiểu Mai lên tiếng hỏi cô con gái lớn đang cắm cúi làm bài tập.
Tô Nhã ngẩng đầu ngoan ngoãn đáp: “Ba ở sau vườn mẹ ạ.”
Chu Hiểu Mai lập tức đi ra hậu viện, nhìn thấy đất đã được xới tơi xốp, chỉ độ vài ngày nữa là có thể tiến hành gieo hạt giống được rồi.
Thoáng thấy bóng vợ, Tô Đại Lâm lập tức dừng tay, cười hỏi: “Em…ăn ăn…cơm chưa?”
Chu Hiểu Mai gật đầu: “Em ăn rồi, khi nào cậu mợ lên tới hả anh?”
Nhắc tới chuyện này, Tô Đại Lâm khe khẽ thở dài: “Ngày…ngày mai…”
Cho tới giờ anh vẫn không hiểu tại sao gia đình anh họ lại đi đến bước đường này. Rõ ràng mọi thứ đang tiến triển rất tốt, công việc bán buôn thuận lợi ổn định, có nhà để ở, có cửa hàng để làm ăn, ngay cả hộ khẩu cũng đã chuyển hết lên Bắc Kinh rồi. Vậy mà…Đúng là ở đời, không ai lường trước được chữ ngờ!
Chu Hiểu Mai chỉ hỏi thăm cậu mợ để lo sắp xếp chỗ ăn chỗ ở chứ tuyệt nhiên không đả động gì đến cái chuyện lùm xum kia. Cô đang tính để cậu mợ ở tại nhà mình, còn Thành Thành và Tốn Tốn thì gửi đỡ sang nhà ông bà ngoại vài hôm cũng được.
Đối với vợ chồng cậu mợ, Chu Hiểu Mai thực sự rất kính trọng. Không nhắc tới chuyện lúc nhỏ Đại Lâm được chở che, bao bọc ra sao, chỉ tính riêng từ ngày cô về Tô gia làm dâu, hai người họ luôn hết mực yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ khiến Chu Hiểu Mai cảm kích vô cùng.
Khoảng thời gian trước, không ít lần Chu Hiểu Mai gọi điện về quê chủ động mời cậu mợ lên thủ đô chơi nhưng cậu mợ cứ từ chối miết vì ngại gây thêm phiền phức cho vợ chồng cô. Chỉ là không ngờ, cuối cùng cũng vẫn phải lên nhưng lên với tâm thái không được vui vẻ cho lắm.
Đúng là thế sự vô thường!
Trao đổi vài ba câu với chồng, Chu Hiểu Mai liền đi vào trong phòng ngủ, lấy sổ thu chi ra ghi chép. Hiện giờ đã có thêm một khoản thu nên cả Hiểu Mai lẫn Đại Lâm đều học được thói quen ghi chép rõ ràng, rành mạch để tránh những nhầm lẫn không đáng có.
Viết xuống con số 220 đồng vào phần thu nhập, Chu Hiểu Mai nở một nụ cười hài lòng.
Nhờ chị tư ưu ái mà tháng nào nhà cô cũng có thêm hơn hai trăm đồng, tất nhiên con số này không cố định, sẽ có tháng nhiều tháng ít nhưng nhìn chung đều từ hai trăm trở lên.
Công nhận đi theo chị tư là chẳng lo chết đói, cái khoản 3000 góp vốn lúc ban đầu chưa gì đã lấy về được rồi, giờ chỉ cần ngồi một chỗ cũng có mấy trăm đồng chạy tới tận cửa, cứ phải gọi là nhàn tênh!
Còn tiệm bánh bao nhà cô đương nhiên vẫn ăn nên làm ra. Nhưng suy cho cùng, đấy chỉ là một cửa tiệm cỏn con, hai vợ chồng có cố gắng hết cỡ cũng chỉ kiếm về mấy trăm đồng mà thôi, không thể hơn được nữa. Mà tụi nhỏ thì càng lúc càng lớn, nhu cầu tiêu dùng càng lúc càng cao, từ học phí cho tớ sách bút, đồ dùng học tập, quần áo, ăn uống…gì gỉ gì gi cái gì cũng cần đến tiền. Quả thực càng ngày áp lực dồn lên vai vợ chồng Chu Hiểu Mai càng lớn. Vậy nên có thêm một khoản thu cô mừng lắm, vừa có thể bớt được chút gánh nặng trước mắt lại vừa có thể tích cóp chút đỉnh dự phòng cho mai này.
Vào sổ xong xuôi, Chu Hiểu Mai liền đi bộ sang nhà cha mẹ.
Từ ngày gia đình cô chuyển ra là chú Vương chuyển vào ở cùng cha mẹ, tính ra cũng hơn hai năm rồi đấy. Được cái căn nhà bên đó rộng rãi, tha hồ ở, có ba người nấu nướng cũng thoải mái hơn, không lo nấu ít dính nồi. Nói vui vậy thôi chứ ba ông bà già thì ăn bao nhiêu, ở bao nhiêu cơ chứ, cái quan trọng là có người bầu bạn và nương tựa lẫn nhau lúc trái gió trở trời.
Nhưng cái đầu tiên Chu Hiểu Mai cảm nhận được chính là niềm vui. Lần nào cô sang cũng bắt gặp cảnh chú Vương và cha say mê ngồi bên bàn cờ tướng còn mẹ thì nghêu ngao tập kinh kịch trong sân.
Lại nói tới kinh kịch, đây là bộ môn giải trí mới đồng thời cũng là trào lưu làm mưa làm gió trên khắp các công viên thời gian gần đây. Múa thái cực quyền là xưa rồi, mốt bây giờ phải hát kinh kịch cơ. Vậy nên bà Chu chăm chỉ luyện tập lắm, quyết tâm không thể để thua mấy bà bạn trong nhóm được.
Và quả nhiên hôm nay cũng không phải ngoại lệ, Chu Hiểu Mai đẩy cổng bước vào đã thấy mẹ đang ngâm nga ca hát. Coi bộ bữa nay khá hơn nhiều rồi, nghe cũng ra vần ra điệu lắm. Cô mỉm cười tiến vào rồi ngồi xuống, tâm sự với mẹ về chuyện nhà bên kia.
Nghe xong, bà Chu thản nhiên nói ngay: “Ừ, thế để ông cậu bà mợ ở nhà con đi, cho Thành Thành và Tốn Tốn sang đây ngủ là được.”
Chu Hiểu Mai gật đầu: “Con cũng đang tính vậy đấy.”
Bà Chu bất chợt buông tiếng thở dài: “Đúng là rảnh rỗi sinh nông nổi!”
Chu Hiểu Mai xì một tiếng: “Nếu cưới được người vợ tử tế thì đã khác rồi.”
Trong việc này, Chu Hiểu Mai đứng về phía ông anh họ vì cô hiểu rất rõ anh ấy tuyệt đối không phải loại đàn ông phụ bạc, ruồng rẫy vợ con. Chỉ đáng tiếc lại vớ phải bà vợ nanh nọc, chua ngoa đanh đá. Sống thế thì bố ai chịu nổi?! Không những vậy chị ta còn có biệt tài chuyện bé xé ra to. Như lần này cũng vậy, dù sao cũng là chuyện xấu hổ thì cứ đóng cửa lại giải quyết có phải hơn không? Đằng này lại tung hê hết lên cho bàn dân thiên hạ cùng biết để xấu mặt chơi vậy đó!
Người ta nói tốt khoe, xấu che. Còn chị ta thì toàn làm ngược lại, thích vạch áo cho người xem lưng. Đúng là chẳng ra làm sao!
Bà Chu hỏi thêm: “Thế nhà mẹ đẻ cô ta có lên không?”
Chu Hiểu Mai nhún vai: “Chắc chắn là có rồi.”
Bà Chu chép miệng ngao ngán: “Điệu này chắc ly hôn quá!”
Nếu lui lại vài năm trước, khẳng định không bao giờ bà dám nói ra miệng hai chữ “ly hôn”, bởi bà cho rằng chuyện này là không thể chấp nhận được, là vô cùng xấu hổ. Thế nhưng từ khi ra công viên giao lưu giải trí, ngồi tám chuyện tào lao với mấy bà bạn già, nghe nhiều nói nhiều đâm ra quen, chẳng biết từ bao giờ hai từ ấy không còn là đại kỵ nữa và bà cũng chẳng ngại nói ra. Chắc là được miễn dịch rồi cũng nên!
Chu Hiểu Mai gật đầu: “Vâng, khả năng cao là vậy. Chứ ầm ĩ thế này làm sao còn ở với nhau được nữa. Mà không biết ba đứa con chia thế nào đây. Chắc phải chờ hai bên xui gia gặp mặt rồi mới thương lượng giải quyết được.”
Bà Chu lắc đầu nói: “Mới đầu mẹ cứ cho rằng anh họ thằng Đại Lâm tốt số, cưới được cô vợ lợi hại, giống như anh tư và chị tư mày ấy. Nhưng nào ngờ lại đi đến bước này, thật là đáng tiếc….”
Chu Hiểu Mai trợn trắng mắt: “Mẹ bị làm sao thế, bà đó tuổi gì đòi so với chị tư? Có mà một ngón chân cái cũng chẳng bằng ấy chứ!”
Nói tới lợi hại - đúng, chị tư cực kỳ lợi hại!
Xét về chuyên quyền - không sai, trên đời này cô chưa gặp người phụ nữ nào chuyên quyền bằng chị ấy!
Thế nhưng, có ai chiều chồng thương con hơn chị ấy không? Nhớ hồi còn ở quê, tuy điều kiện kinh tế khó khăn nhưng anh tư và ba đứa nhỏ vẫn được ăn ngon mặc ấm, không thiếu thốn bất cứ thứ gì.
Còn cái bà chị dâu kia thì sao? Đã không hiền huệ thục đức gì cho cam lại còn ham mê cờ bạc, suốt ngày đi mất xác bỏ bê chồng con không lo. Hoặc giả nếu có về nhà thì chỉ toàn gây sự cãi nhau, chửi chồng mắng con. Cuộc sống như vậy nào có khác gì địa ngục?!
Nhắc đến đứa con dâu thứ tư, bà Chu không khỏi mỉm cười hài lòng: “Đấy là mẹ nói thế thôi chứ làm gì có ai được như chị tư mày!”
Càng ngày bà càng cảm thấy cái quyết định năm đó cưới con bé về cho thằng út nhà mình là vô cùng chính xác. Một người con dâu tốt như vậy có đốt đuốc đi kiếm ba ngày ba đêm cũng chẳng ra. Không những hiếu thảo với cha mẹ chồng, mà còn hết mực chiều chồng chăm con. Cái ngày còn ở quê khó khăn vất vả, chính mắt bà nhìn thấy nó nhường cho thằng tư ăn thịt ăn cá, còn mình chỉ gặm qua loa mấy trái cà chua, dưa leo. Thử hỏi, trên đời này có người vợ nào chịu hy sinh như thế không? Chắc chắn là không rồi, chỉ có con dâu nhà bà thôi đấy!
===
Tại tiểu khu, Lâm Thanh Hoà không hề hay biết mình đang được mẹ chồng và cô em chồng khen ngợi hết lời. Ngay lúc này, cô đang rửa táo cho chồng con ăn.
Rửa xong, cô lấy ra hai trái, đưa cho anh xã một trái, sau đó lấy dao bổ một miếng nhỏ cho cô con gái, còn mình ăn nốt phần còn lại.
Mật Mật ngồi trên ghế sô pha, nhỏ nhẹ gặm từng chút một.
Lát sau, thấy cha mẹ đã ăn hết rồi, bé con liền lên tiếng phàn nàn: “Mẹ, mẹ ăn xong rồi hả? Mẹ không chờ Mật Mật à?!”
Lâm Thanh Hoà bật cười dỗ dành: “Con cứ ăn từ từ thôi, còn nhiều lắm. Lát muốn ăn thêm mẹ sẽ cắt tiếp cho con nha.”
Nghe vậy, Mật Mật mới hài lòng gật đầu. Nhưng vừa ăn xong miếng táo cô bé đã quên béng lời hứa ban nãy mà mải mê lấy lược chải tóc cho búp bê.
Cách đó không xa, Chu Thanh Bách ngồi nhìn con gái chơi đồ hàng với vẻ mặt không thể nhu hoà hơn.
Lâm Thanh Hoà ngồi xuống bàn rót ly trà rồi hỏi bâng quơ: “Anh có biết chuyện của anh họ Đại Lâm không?”
Bởi vì khoảng cách hai nhà quá xa nhau nên đáng lẽ Chu Thanh Bách không biết đâu, nhưng vì hôm qua mới về thăm cha mẹ tiện thể biếu ông bà chút sủi cảo nên anh cũng biết được chút ít.
Chu Thanh Bách gật đầu: “Ừ, có nghe mẹ kể sơ.”
Lâm Thanh Hoà híp mắt thăm dò: “Anh nghĩ sao?!”
Thực tình Chu Thanh Bách không để ý chuyện này cho lắm, nghe thì biết vậy thôi à, nhưng bất chợt vợ lại hỏi tới, nếu không trả lời tử tế thể nào cũng có biến cho xem. Vậy nên Chu Thanh Bách ngồi thẳng lưng, bình tĩnh nhìn về phía vợ, thức thời đáp: “Chuyện này đâu liên quan tới mình!”
Mấy cái vấn đề tế nhị này tốt nhất phải tránh càng xa càng tốt, chứ mấy bà hay suy diễn lắm. Loạng quạng là ngồi không trúng đạn như chơi! Cứ phải cẩn thận mới được!