Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 635 - Chương 635: Âm Thầm Bảo Vệ

Chương 635: Âm thầm bảo vệ Chương 635: Âm thầm bảo vệ

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 635: Âm thầm bảo vệ

Đúng thế, bây giờ Hứa Thắng Mỹ cực kỳ chán ghét, thậm chí nói căm hận Chu gia cũng không ngoa chút nào!

Lúc trước, khi cô tới với Triệu Quân, tất cả trên dưới nhà họ Chu đều tỏ thái độ bất mãn. Ủa, vô duyên, cô theo đuổi hạnh phúc thì có gì sai? Nếu không phải chính bản thân mình tự tranh thủ thì làm gì có được cuộc sống nhung lụa như hôm nay?

Chưa hết, sau sự việc đó, cô đã phải cam chịu cúi đầu, nhẫn nhục hạ mình chủ động xin lỗi nhưng nhà họ thì sao? Sống chết không chịu bỏ qua, đã thế lúc nào giáp mặt cũng làm ra cái vẻ dửng dưng không nóng không lạnh.

Ừ, nếu chỉ có như vậy thì cũng thôi đi, cô sẽ cố gắng nín nhịn chịu đựng. Đằng này họ lại máu lạnh vô tình đến độ giương mắt nhìn Thắng Cường gặp nạn không cứu. Chính điều này là nguồn cơn thúc đẩy sự phẫn nộ của Hứa Thắng Mỹ lên tới đỉnh điểm.

Rõ ràng Chu gia bên đó vừa có tiền vừa có quan hệ, chỉ cần họ nói một câu thôi là Thắng Cường có thể dễ dàng thoát cảnh lao tù vậy mà bọn họ nhất định không giúp là không giúp. Kể cả cha mẹ nó có lặn lội đường xá xa xôi lên tận đây, dập đầu van xin, thì nhà họ Chu vẫn nhất mực ngoảnh mặt làm ngơ.

Tới cuối cùng, vì quá phẫn nộ và tuyệt vọng, mẹ đã phải đứng lên tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ với Chu gia.

Và kể từ ngày đó trở đi, Hứa Thắng Mỹ cũng không bước chân sang bên đó nửa bước. Tất nhiên trên phương diện kinh doanh thì vẫn hợp tác, nhưng đi lại quan hệ thì không.

Hứa Thắng Cường lắc đầu nói: “Chắc là bởi vì Chu gia đã quá thất vọng với đứa cháu như em.”

Hứa Thắng Mỹ thở dài khuyên ngăn: “Cường Tử, nghe lời chị, đừng đi! Sang đó chỉ tổ nghe đầy hai lỗ tai toàn những lời giáo huấn, trách móc với cả mắng chửi chứ nào có được cái gì. Bây giờ nhà chúng ta đã cắt đứt quan hệ với nhà bên đó rồi, còn gì để nói với nhau nữa đâu mà đi. Chẳng thà em cứ tập trung vào việc kinh doanh còn hơn, thời buổi này làm ăn được lắm, kiếm tiền rất dễ.”

Cái này không phải Hứa Thắng Mỹ dụ ngọt em trai mà thực tế chính là như vậy. Hiện tại nó đã mở được chi nhánh thứ hai rồi, tháng nào cũng đút túi hơn ngàn nhẹ tênh.

Hứa Thắng Cường gật đầu: “Cái này em biết mà, chị yên tâm, em sẽ cố gắng làm ăn nhưng em thấy vẫn nên đi sang gặp ông bà và cậu mợ út một chút.”

Bỏ qua những lời khuyên can và ngăn cản của Hứa Thắng Mỹ, ngày hôm sau, Hứa Thắng Cường tự mình tới Chu gia.

Lúc này, bà Chu đang bận rộn rán bánh quẩy cùng thím giúp việc.

Đừng thấy bà lớn tuổi mà nghĩ bà già nha, tuổi già chứ tâm không già, tâm hồn ăn uống và vui chơi cứ phải gọi là phơi phới.

À, thím giúp việc này là Chu Toàn thuê, nhà ở ngay gần đây, trước làm ở tiệm cơm quốc doanh, tuổi tác tầm trung niên, chưa lớn lắm, vẫn đủ sức đảm đương việc nhà.

Mà kể ra cũng không có công lên việc xuống nặng nhọc gì, mỗi ngày chỉ cần nấu ba bữa cơm, ngoài ra làm mấy việc vặt như rửa chén, quét sân, giặt quần áo là xong. Giặt giũ thì đã có máy giặt lo, vậy nên nhìn chung công việc tương đối nhẹ nhàng so với mức lương 130 đồng.

Hàng ngày trước khi xách giỏ ra chợ, thím giúp việc sẽ hỏi xem hôm nay ông bà Chu và ông Vương thích ăn món gì rồi mới đi mua nguyên liệu về nấu nướng. Vì trước đây là đầu bếp nên khả năng trù nghệ của thím ấy rất tốt, lại là con người ưa sạch sẽ và rất chăm chỉ nên bà Chu hài lòng vô cùng.

Lúc đầu bà xót tiền lắm vì tính ra một trăm đồng quá nhiều, ngày xưa lúc còn ở quê, hai vợ chồng làm lụng quần quật cả năm trời cũng chưa chắc để ra được từng ấy, thế nhưng sau khi được con cháu giải thích và động viên, giờ bà đã nghĩ thoáng hơn rồi.

Với lại có người phụ giúp cũng tốt, đỡ phải tự mình đi chợ nấu cơm, lại còn có thời gian ra công viên cùng đám bạn già nghe và hát kinh kịch (1). Chà, riết rồi bà cứ ngỡ mình đang sống ở chốn bồng lai tiên cảnh chứ chẳng phải trần gian!

Sau khi dặn dò xong những việc hôm nay cần làm, bà Chu đủng đỉnh đi ra ngoài, tính tìm mấy bà bạn tám chuyện cho đỡ buồn. Ai ngờ vừa bước khỏi bậc cửa thì nhìn thấy thằng cháu ngoại bất hiếu - Hứa Thắng Cường.

Bà Chu ngây ra một lúc vì tưởng mình hoa mắt nhìn lầm, mãi sau mới buột miệng hỏi: “Cường Tử? Ra tù từ bao giờ?”

Hứa Thắng Cường gật đầu chào bà rồi lễ phép đáp: “Bà ngoại, cháu mới vừa ra ạ.”

Nghe vậy, sắc mặt bà Chu tức khắc sa sầm: “Không phải tới cuối năm nay mới mãn hạn sao? Ai cho mày bỏ trốn hả?”

Hứa Thắng Cường vội lắc đầu: “Bà ngoại, cháu không bỏ trốn!”

Kế đến Hứa Thắng Cường kể cụ thể chi tiết vì sao mình được hưởng khoan hồng.

Nghe xong, thái độ của bà Chu mới hoà hoãn chút ít. Trời ơi, suýt nữa doạ chết bà rồi, cứ tưởng cái thằng ranh này làm liều vượt ngúc chứ. Nếu thực sự như vậy bà sẽ hô con cháu Chu gia lại đây áp chế nó giải về đồn.

Bà Chu xoay người, dẫn Hứa Thắng Cường vào nhà nhưng thái độ vẫn lạnh tanh như cũ: “Lần trước mẹ chúng mày đã tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ với ông bà rồi cho nên chúng mày không cần phải tới đây làm gì cả.”

Không nhắc tới thì thôi chứ mỗi lần nhắc tới chuyện này là bà Chu lại giận sôi gan. Bà không ngờ đứa con gái lớn nhà mình lại hỗn hào và càn quấy đến vậy. Mà nó đã như vậy thì làm sao làm gương, làm sao dạy bảo con cái đây? Hèn chi hai đứa con nhà nó chẳng đứa nào ra hồn.

Cùng là người làm mẹ, cùng gánh trên vai trọng trách nuôi dạy con cái, thế sao vợ thằng tư làm được còn nó thì không? Đấy, nhìn đi, cả ba anh em Đại Oa đều khôn lớn thành tài, làm nở mày nở mặt cả dòng họ. Trong khi đó, cái con Thắng Mỹ thì cưới chạy bầu còn cái thằng Thắng Cường thì vào tù ra tội. Haizz, con với chẳng cái, cháu với chẳng chắt, chán lắm!

Biết bà ngoại giận, Hứa Thắng Cường nhẹ giọng an ủi: “Bà à, bà cũng biết tính tình mẹ cháu rồi đấy, mẹ cháu chuyên môn nói mà không suy nghĩ cẩn thận, mỗi khi nóng giận là cứ nói bừa phứa chẳng màng hậu quả. Với lại bình thường mẹ luôn yêu thương và cưng chiều cháu nhất nhà nên chắc lúc hay tin cháu gặp nạn, hẳn là mẹ cháu sợ hãi và lo lắng lắm. Cho nên trong lúc hoảng loạn mới thốt ra những lời lỗ mãng. Bà ngoại, xin bà đừng giận cũng đừng chấp nhặt với mẹ cháu được không ạ?!”

Bà Chu hừ lạnh: “Tôi chẳng thèm chấp nhặt với mẹ anh. Tôi cũng chẳng trông cậy sẽ được nó phụng dưỡng lúc tuổi già sức yếu. Ở đây tôi và ông ngoại anh đã có vợ chồng thằng tư chăm lo rồi.”

Ừ, thích đoạn tuyệt quan hệ chứ gì, đoạn đi, bà chả cần!

Hứa Thắng Cường bất đắc dĩ vô cùng: “Cháu biết, cậu mợ út rất hiếu thuận với ông bà.”

Bà Chu bực bội thở hắt ra nhưng vẫn không nhịn được dặn dò một câu: “Nếu đã ra tù rồi thì lo mà chăm chỉ làm ăn, gầy dựng cuộc sống, đừng gây thêm chuyện nữa. Bà biết mày chê bà càm ràm nhiều lời nên bà chỉ nói vậy thôi. Còn chỗ cậu mợ út bên kia mày không cần phải qua đâu, vợ chồng nó đi du lịch cả rồi, không đứa nào ở nhà hết. Thôi, đi về đi, về tập trung làm ăn đi.”

Đối với thằng cháu ngoại này, nếu nói không thất vọng là giả. Mà không phải mỗi mình nó đâu, cả con chị nó nữa. Vì ba mẹ con nhà nó mà bà ngất xỉu nhập viện những ba lần.

Nếu lúc ấy không nhờ vợ thằng tư vực dậy tinh thần thì có lẽ bà gục luôn rồi, không thể gượng dậy nổi vì quá sốc. Bây giờ bà vẫn nhớ như in những lời vợ thằng tư nói bên giường bệnh hôm đó. Nó bảo “nếu mẹ cứ vì những chuyện này mà tức giận thì làm sao còn sức khoẻ để hưởng phúc con cháu đây? Còn biết bao nhiêu cháu ngoại, cháu nội muốn hiếu thuận với bà cơ mà?! Nếu bà không nghĩ thoáng ra, cứ ôm bực dọc trong lòng thì bà sẽ là người chịu thiệt chứ không ai hết. Chúng con còn phải đi làm, không thể ngày ngày túc trực ở đây 24/24 được. Thế nên qua ngày hôm nay mà bà không khoẻ thì ngày mai chúng con sẽ thuê một điều dưỡng lại đây chăm sóc bà.”

Cái này không phải Lâm Thanh Hoà hù doạ đâu, cô nói thật đấy, bệnh 1, 2 ngày còn cắt cử nhau chăm sóc được, chứ cứ động tí lại vào viện, mỗi lần nằm là cả tuần cả tháng thì ai mà chịu cho nổi. Mà bệnh nặng thì không nói làm gì nhưng đây toàn vì những chuyện không đâu tự đày đoạ bản thân rồi bắt tội sang con sang cháu.

Y như rằng, bà Chu nào dám làm mình làm mẩy nữa. Qua ngày hôm sau lập tức ngồi dậy đòi xuất viện luôn.

Và từ đó tư tưởng của bà cũng thay đổi hoàn toàn. Đúng là chả tội gì phải lo lắng cho chuyện nhà Hứa gia, cũng chả tội gì phải buồn khổ vì một đứa con gái dám tuyên bố cắt đứt quan hệ không cần cha mẹ. Bây giờ, bà cứ ăn no ngủ kỹ, sống vui sống khoẻ bên ông bạn già, vui vầy với đám con cháu là được rồi, chả cần bận lòng lo nghĩ cho đứa nào hết.

Hứa Thắng Cường ngồi thêm một lát rồi đứng dậy xin phép rời đi. Tuy biết cậu mợ út không có nhà nhưng nó vẫn cố tình rẽ qua một chút. Kỳ thực vào tù gần ba năm, Hứa Thắng Cường không hề hay biết Chu gia đã phát triển tới tầm cỡ nào, thế nên lúc nhìn thấy Chu Quy Lai ra dáng ông chủ nhỏ đứng trong tiệm trà, Hứa Thắng Cường sửng sốt vô cùng.

Đắn đo một hồi lâu, cuối cùng nó quyết định đẩy cửa bước vào.

Vì ngày hôm qua đã nhìn thấy Hứa Thắng Cường cho nên lúc này Chu Quy Lai không hề cảm thấy bất ngờ. Cậu thản nhiên bảo Hứa Thắng Cường ngồi chờ một chút còn mình tiếp tục giới thiệu các loại trà cho khách.

Đây là vị khách lớn nên Chu Quy Lai phải trực tiếp ra mặt tiếp đãi chứ không thể giao cho mấy nhân viên bình thường. Quả nhiên, một lát sau, ông khách hài lòng ra về còn Chu Quy Lai thành công bán được đơn hàng trị giá 4000 đồng.

Xong việc, cậu mới quay sang hỏi Hứa Thắng Cường: “Anh mới ra à?”

Hứa Thắng Cường gật đầu: “Ừ, mới ra nên đi thăm hỏi mọi người một chút. Tiệm trà này là của nhà cậu à?”

Chu Quy Lai thản nhiên đáp: “Đúng vậy, mới mở hồi năm ngoái. Anh đã đi thăm ông bà nội chưa?”

“Đi rồi, anh vừa từ bên đó về.” Ngẫm nghĩ thế nào, Hứa Thắng Cường ướm lời hỏi: “hmm…Có phải Chu gia dùng quan hệ nhờ người giúp đỡ anh không?”

Không cần phải nói thì ai cũng biết môi trường trong trại giam kinh khủng cỡ nào nhưng tuyệt nhiên nó không hề bị bắt nạt cũng không bị chèn ép, thậm chí mỗi lần gặp khó khăn sẽ lập tức có người ra mặt giải vây. Nhưng nó có gặng hỏi thế nào thì người ấy cũng không chịu hé răng nửa lời. Dù vậy Hứa Thắng Cường cũng thừa sức đoán ra ai đang âm thầm bảo vệ mình, trừ bỏ Chu gia thì không một ai sẵn sàng làm việc này vì nó.

Có vẻ Hứa Thắng Cường đã đoán ra, Chu Quy Lai không phủ nhận cũng không khẳng định, chỉ từ tốn đặt ly trà tới trước mặt ông anh họ rồi mỉm cười nói: “Uống trà đi.”

===

Kinh kịch (京劇/京剧) hay kinh hí (京戲/京戏) là một thể loại ca kịch của Trung Quốc, được hình thành và phát triển mạnh tại Bắc Kinh vào thời vua Càn Long của vương triều nhà Thanh, là kết quả của sự trộn lẫn giữa Huy kịch với Hán kịch. Kinh kịch được khai sinh khi 'Bốn đoàn Huy kịch lớn' mang Huy kịch đến Bắc Kinh vào năm 1790, để mừng lễ sinh nhật thứ 80 của Càn Long[1] vào ngày 25 tháng 9.

Ban đầu nó được biểu diễn cho triều đình và mãi sau này mới phục vụ rộng rãi trong dân chúng. Năm 1828, một số đoàn kịch Hồ Bắc nổi tiếng đã đến Bắc Kinh và biểu diễn cùng đoàn kịch An Huy. Sự kết hợp dần dần hình thành nên giai điệu Kinh kịch. Tới năm 1845, Kinh kịch chính thức ra đời.

Mặc dù nó được gọi là Kinh kịch, nguồn gốc của nó là ở phía nam An Huy và phía đông Hồ Bắc, có chung một phương ngữ tiếng Quan Thoại Hạ Giang. Hai giai điệu của Kinh kịch chính là Tây bì và Nhị hoàng, có nguồn gốc từ Hán kịch sau năm 1750. Giai điệu của Kinh kịch rất giống với vở Hán kịch, do đó Hán kịch được biết đến rộng rãi như là mẹ đẻ của Kinh kịch.

Tây bì là loại hình nghệ thuật múa rối xuất phát từ tỉnh Thiểm Tây. Mà Trung Quốc múa rối thì luôn luôn đi kèm với ca hát. Nhiều cuộc đối thoại cũng được thực hiện dưới hình thức cổ xưa của tiếng Quan Thoại, trong đó tiếng địa phương Trung Nguyên Quan Thoại của Hà Nam và Thiểm Tây là gần nhất. Hình thức tiếng Quan Thoại này được ghi lại trong cuốn sách Trung Nguyên vận âm. Nó cũng hấp thu âm nhạc từ các loại kịch khác và các hình thức nghệ thuật âm nhạc Trực Lệ. Một số học giả tin rằng hình thức âm nhạc Tây bì có nguồn gốc từ Tần xoang lịch sử, trong khi nhiều quy ước dàn dựng, các yếu tố về hiệu suất và các nguyên tắc thẩm mỹ được giữ lại từ Côn khúc, trước đó là nghệ thuật cung đình

Source:Wikipedia

Bình Luận (0)
Comment