Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 651 - Chương 651: Tìm Đối Tượng

Chương 651: Tìm đối tượng Chương 651: Tìm đối tượng

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 651: Tìm đối tượng

Trong bốn chị em dâu Chu gia, bỏ qua bà thứ hai thì Lâm Thanh Hoà cùng chị cả và chị ba chung sống khá hoà bình. Tuy rằng thời trẻ có tí mâu thuẫn nhưng giờ hết rồi. Thậm chí theo năm tháng, tình cảm chị em càng lúc càng gắn bó thân mật.

Điện thoại vừa reng hai hồi là chị ba Chu chạy lại bắt máy ngay.

Nghe tiếng chị, Lâm Thanh Hoà bật cười mắng: “Chị biết số điện thoại nhà em sao không trực tiếp gọi lên, lại còn phải nhắn qua chị cả nữa. Thiệt là…”

À, hoá ra là thím tư, chị ba Chu cười ha hả: “Tại chị sợ thím bận rộn trăm công nghìn việc, nhỡ đâu gọi lên không có ai bắt máy. Còn chị thì ở nhà cả ngày, thím muốn gọi về khi nào chả được.”

Lâm Thanh Hoà liền nói: “Chị gọi lên nhà em bất cứ lúc nào cũng sẽ có người nghe máy. Giờ em thuê tới hai người giúp việc. Nếu chẳng may em đi vắng thì khi về họ cũng sẽ nhắn lại.”

Chị ba Chu cười cười: “Ừ, được rồi, lần sau có việc gì chị sẽ gọi thẳng lên nhà thím nha.”

Lâm Thanh Hoà hỏi thăm: “Công việc làm ăn vẫn thuận lợi chứ chị?”

Chị ba Chu có sao nói vậy: “Vẫn khá thím ạ, nhưng không bằng chỗ cậu ba Lâm bên kia.”

Lâm Thanh Hoà liền hỏi: “Lâu rồi em chưa nói chuyện với cậu mợ ấy, không biết dạo này tình hình thế nào?”

Chị ba Chu hào hứng vào đề: “Ôi nhà cậu mợ ấy đang phất lên dữ lắm. Đấy, mới vừa khai trương thêm căn tiệm nữa. Giờ hai vợ chồng mỗi người phụ trách một cái. Ai da, anh chị đúng thật là so không lại.”

Lâm Thanh Hoà hết hồn: “Từ bao giờ hả chị?”

Chị ba Chu có sao nói vậy: “Mới tháng trước thôi. Mà không chỉ có vậy đâu nha, cậu ấy còn sắm cả xe vận tải nữa. Vừa xe máy vừa ô-tô, tha hồ đi khắp nơi thu mua hàng hoá.”

Sự thật chính là như vậy, cậu ba Lâm đã từng bước nâng cấp phương tiện di chuyển từ xe đạp lên xe máy và giờ là xe vận tải. Mặc dù phải đào ra hơn phân nửa tiền tiết kiệm nhưng cậu rất quyết đoán đi lên tận tỉnh thành mua một chiếc xe bốn bánh để hỗ trợ công việc làm ăn.

Vì cậu ba Lâm không khoe nên Lâm Thanh Hoà không hề hay biết gì nhưng bây giờ nghe qua lời kể từ một người khác, cô càng thêm tự hào và hãnh diện về đứa em trai này.

Ngay lúc này đây, Lâm Thanh Hoà đang vui lắm, cô mừng vì cậu ấy có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình, biết đi đúng hướng, biết vận dụng tiềm lực sẵn có để thúc đẩy phát triển, mà không cần chị gái phải đứng phía sau hướng dẫn, chỉ dạy.

Tới đây, Lâm Thanh Hoà liền có ý khuyến khích nhà chị ba: “Còn anh chị thì sao, có định lên đời luôn không?”

Hiện tại thời điểm này chính là giai đoạn hoàng kim của nền kinh tế nước nhà, chỉ cần biết nắm bắt thời cơ thì kiếm hơn ngàn mỗi tháng là chuyện dễ như trở bàn tay. Nhưng kiếm dễ thì càng phải biết mở rộng đầu tư để tiền quay vòng và sinh ra lợi nhuận chứ tuyệt đối không nên ôm khư khư trong lòng, bởi đồng tiền nằm im là đồng tiền chết. Trong lương lai không xa, lạm phát lan rộng, giá trị tiền tệ tụt dốc. Tới lúc ấy, đầy người thu nhập một tháng hơn trăm ngàn mà chẳng đủ phục vụ nhu cầu ăn, mặc, ở cơ bản nhất tại các thành phố lớn.

Chị ba Chu thật thà đáp: “Anh chị làm gì có tiền mà mua. Chị đã hỏi thăm cậu ba Lâm rồi, cậu ấy bảo một chiếc tận mười mấy ngàn cơ.”

Cửa hàng nhà chị ăn nên làm ra thật nhưng đợt trước dồn hết về thôn cất căn nhà gạch cho nở mày nở mặt với lối xóm bà con. Sau đó hai vợ chồng tiếp tục còng lưng buôn bán, tích được bao nhiêu lại trích ra một phần lắp cái điện thoại, còn một phần để đổi sang căn tiểu viện cho rộng rãi, thoáng đãng, chứ tụi nhỏ lớn hết rồi, cứ chui rúc trong căn cư xá e rằng chật chội quá.

Vậy đấy, tiền thu vào thì ít mà chi ra thì nhiều, tính đi tính lại chẳng còn đáng bao nhiêu, làm sao dám mơ tưởng tới xe vận tại cơ chứ.

“Thôi trước mắt cứ để ba Ngũ Ni chạy tạm cái xe máy cũng được. Sau này có cơ hội rồi đổi sau.” Chị ba cười cười nhưng trong giọng nói không giấu được ba phần luyến tiếc bảy phần hâm mộ cậu Lâm. Không hâm mộ sao được, cùng lúc nhà bên đó vừa có xe vận tải, vừa mở được mặt bằng thứ hai, hàng hoá thì ngày nào cũng thấy chất đầy đống lớn đống nhỏ nhìn mà ham. Làm ăn hoành tráng như vậy có mà tiền ào ào đổ về cản không kịp.

Tuy nhiên nghĩ thì nghĩ vậy thôi chứ chị chẳng hối hận tẹo nào. Giờ nhà chị có điện thoại bàn hẳn hoi đấy, thử hỏi phóng mắt ra khắp vùng này có nhà nào sắm được chưa? Đã không chơi thì thôi, một khi chơi là phải rực rỡ tới bến người ta mới nể. Kể từ hôm lắp máy tới nay, không lúc nào chị ba Chu không toét miệng cười, tâm trạng cứ phải gọi là vui phơi phới, bay bổng trên chín tầng mây.

Mà kể cũng lạ, sống trong sung sướng nhưng thỉnh thoảng chị lại bất giác nhớ về thời kỳ lam lũ cực khổ lúc còn ở trong thôn. Khi ấy, chị chỉ dám mong tụi nhỏ được ăn no mặc ấm chứ nào dám mơ tưởng tới mấy thứ xa xỉ, đắt đỏ. Vậy mà giờ đây vợ chồng chị đã thành công biến ước mơ thành hiện thực, tạo dựng được cuộc sống ấm no hạnh phúc cho con cái. Và nhắc tới đây thì không thể quên công lao to lớn của vợ chồng chú thím tư. Chính chú thím đã dốc lòng dốc sức hỗ trợ vật chất, ủng hộ tinh thần, khuyến khích anh chị vươn lên huyện thành, tìm kiếm cơ hội thoát nghèo. Ơn nghĩa đó chắc chắn chị ba sẽ khắc cốt ghi tâm suốt cuộc đời này.

Hai chị em dâu đang mải mê tâm sự thì Chu Ngũ Ni tan sở về tới.

Nó và Chu Dương dạy cùng một trường nhưng vì khoảng cách tương đối gần nên Chu Ngũ Ni ăn ở tại nhà, chỉ có Chu Dương là lưu lại ký túc xá.

Vừa bước chân vào nhà, Chu Ngũ Ni liền lên tiếng hỏi ngay: “Mẹ! Mẹ đang nói chuyện với ai thế?”

Nghe tiếng con gái, chị ba Chu lập tức quay qua vẫy vẫy tay: “Này, thím tư này, có muốn nói vài câu với thím không?”

“Dạ muốn muốn.” Chu Ngũ Ni vội buông túi xách xuống ghế rồi vui vẻ chạy tới đón lấy ống nghe.

Đầu dây bên kia, Lâm Thanh Hoà cười nói: “Thím nghe mẹ cháu bảo đã giới thiệu cho cháu không ít đối tượng nhưng cháu đều không thích hả?”

Mỗi lần nhắc tới chủ đề này là Chu Ngũ Ni bất đắc dĩ vô cùng: “Thím ơi cháu thề là cháu chưa muốn lấy chồng đâu, nhưng nói mãi mà mẹ cháu chẳng chịu hiểu gì cả.”

Đứng bên cạnh, chị ba Chu liền nói xen vào: “Cái gì mà mẹ không chịu hiểu, rõ ràng mày kén cá chọn canh, gặp ai cũng chê. Chứ mẹ là mẹ thấy mấy cậu ấy rất khá, chả có chỗ nào đáng chê trách cả.”

Nghe thấy vậy, Lâm Thanh Hoà liền bày tỏ quan điểm: “Chuyện này không liên quan gì tới điều kiện tốt hay xấu. Mấu chốt là chúng nó phải có duyên phận mới được.”

Khó khăn lắm mới có người về cùng chiến tuyến, Chu Ngũ Ni lập tức bắt lấy trọng điểm: “Mẹ, mẹ nghe chưa, chỉ có thím tư là hiểu con thôi.”

Chị ba Chu chẳng thèm để ý mà liền cúi xuống, ghé sát vào ống nghe nói lớn: “Thanh Hoà à, ở trên chỗ em có chàng trai nào được được mà chưa kết hôn không? Nếu có thì giới thiệu cho Ngũ Ni với nhá.”

Cho tới tận giờ, chị ba vẫn một lòng hâm mộ nhà chị cả có hai cô con gái gả chồng Bắc Kinh. Không những vậy, Tam Ni và Lý Ái Quốc cũng chuyển lên đó phát triển sự nghiệp. Nếu con nhỏ Ngũ Ni nhà mình cũng được vậy thì có phải tốt biết bao nhiêu không. Nhưng nói mãi mà con cái cứ lỳ ra, một hai đòi sống tại huyện thành cho bằng được. Ừ, muốn ở đâu thì ở nhưng tới tuổi thì phải kết hôn đi chứ? Chẳng lẽ cứ ở vậy với cha mẹ mãi sao được? Thế nhưng giới thiệu ai nó cũng chối đây đẩy, vậy nên hôm nay nhân tiện nói chuyện với thím tư, chị ba thuận miệng hỏi một câu, biết đâu lại tìm được người thích hợp thì sao.

Lâm Thanh Hoà có sao nói vậy: “hmm..thanh niên được được à? Thú thực ngày thường em chẳng để ý đâu, nên đột nhiên chị hỏi thì em chịu chết. Nhưng tính ra cũng lâu rồi Ngũ Ni không lên Bắc Kinh nhỉ. Tháng sau nghỉ hè này, có muốn lên nhà thím tư chơi không? Thím mới chuyển nhà rồi, giờ rộng rãi thoải mái lắm, tha hồ ở không cần đi ngủ chỗ khác.”

Chu Ngũ Ni chưa kịp trả lời, chị ba Chu đã vội vã đồng ý thay: “Được được, tháng sau Ngũ Ni sẽ lên thăm chú thím.”

Trước thái độ rối rít tít mù của mẹ, Chu Ngũ Ni buồn cười lắm nhưng cũng không phản đối. Kỳ thực lâu rồi nó không trở lại Bắc Kinh, nhân dịp này lên chơi một chút cũng tốt.

Chợt nhớ tới cái gì, Lâm Thanh Hoà liền dặn: “À, có gì cháu sang nhà chú Lâm hỏi xem Tiểu Tú có muốn đi cùng không nha. Nếu nó muốn thì cháu dẫn theo em lên đây giúp thím.”

Tiểu Tú chính là con gái lớn nhà cậu ba Lâm. Ngay từ khi còn nhỏ xíu nó đã ước mơ được lên Bắc Kinh chơi với cô Thanh Hoà, nhưng vì nhiều việc lấn bấn nên tới tận giờ này vẫn chưa ai đón nó đi được.

Chu Ngũ Ni nhận lời ngay: “Vâng, để lát nữa cháu chạy sang đấy hỏi xem. Nếu Tiểu Tú đi thì tháng sau cháu với em sẽ ngồi tàu lên. À, đây là số điện thoại nhà thím ạ?”

Lâm Thanh Hoà xác nhận: “Ừ, trước khi đi gọi lên cho thím báo thời gian cụ thể. Thím sẽ bảo thằng ba ra ga đón.”

Hàn huyên thêm một lát nữa, Lâm Thanh Hoà mới treo điện thoại. Không lâu sau, thấy Chu Quy Lai lững thững đi vào phòng khách, Lâm Thanh Hoà liền hỏi nó lịch trình tháng sau.

Chu Quy Lai nhăn nhó: “Tháng sau con bận lắm, Khương Hằng sẽ sang bên này tập huấn, con còn phải hướng dẫn anh ta nữa.”

Lâm Thanh Hoà trừng mắt: “Đi đón có một tí tốn bao nhiêu thời gian đâu mà nhăn?!”

Chu Quy Lai lập tức im bặt, không dám than vãn gì nữa. Lâm Thanh Hoà nói tiếp: “Bác ba đang muốn tìm đối tượng người Bắc Kinh cho Ngũ Ni. Trong số bạn học của thằng hai, con có quen biết ai không?”

Nếu thực sự Ngũ Ni có thể gả chồng Bắc Kinh thì quá tốt rồi. Vậy là cháu chắt Chu gia đều tụ hội lại đây, như thế càng đông càng vui chứ sao!

Bình Luận (0)
Comment