Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 657: Duyên phận
Nghe Lâm Thanh Hoà nói xong, cả Chu Quy Lai lẫn Cương Tử đều rơi vào trạng thái á khẩu…
Trời ơi! Vậy cũng được nữa hả?! Chưa bao giờ chúng nó thấy thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan lại đảo lộn lung tung beng tới vậy!
Mãi một lúc sau, Chu Quy Lai mới quay sang vỗ vỗ bả vai Cương Tử, thật lòng thật dạ khuyên nhủ: “Người anh em, nên chọn vợ cẩn thận nha, đừng nhắm mắt đưa chân không là toang đấy!”
Cương Tử cực kỳ nghiêm túc gật đầu cái rụp. Phải banh mắt thật to để nhìn cho kỹ mới được, chứ lớ ngớ vớ phải ả Trương Mỹ Liên thứ hai thì đúng là gia môn bất hạnh, gia chủ bất lực!
Chu Quy Lai quay ra nói với mẹ: “Nhìn thì thấy có vẻ Hứa Thắng Cường đã thay đổi không ít.”
Lâm Thanh Hoà gật đầu: “Ừ, vậy nên mới cho nó thêm một cơ hội!”
Chuyện này cũng không có gì đáng để bàn luận nhiều. Nói với hai đứa nó thêm vài câu nữa rồi vợ chồng cô đi về phòng nghỉ ngơi.
Lúc này, Mật Mật đã chổng mông ngủ ngon lành. Cả ngày hò hét chạy nhảy ầm ĩ nên trời sập tối là bé con hết năng lượng. Ăn xong bữa cơm là mê mải bò lên giường ngáy tít thò lò.
Vì hãn còn nhỏ nên Mật Mật vẫn được đặc cách ngủ cùng với ba mẹ nhưng chỉ cùng phòng thôi nha, Mật Mật nằm giường riêng hẳn hoi đấy. Chiếc giường công chúa nho nhỏ dễ thương lắm, bên trên còn có quá trời búp bê và đồ chơi, Mật Mật mê cực kỳ.
Vào trong phòng, Lâm Thanh Hoà liền nói với chồng: “Chỉ một lần này nữa thôi nha, nếu nó còn không biết quý trọng thì sau này đừng có mà tìm em xin xỏ.”
Chu Thanh Bách gật đầu ngay: “Nhất trí.”
Kỳ thực anh cũng chẳng muốn quản đâu nhưng thấy nó thảm quá, hơn nữa có vẻ đã biết hối cải nên anh mới nguyện ý thu nhận, hy vọng nó biết đứng lên từ thất bại, làm lại cuộc đời mới.
Tờ mờ sáng hôm sau, Chu Thanh Bách dẫn Hứa Thắng Cường ra chợ mua nguyên liệu chuẩn bị cho một ngày buôn bán.
Đừng nhìn cái cửa hàng be bé mà coi thường nha, cũng nhiều việc lắm chứ chẳng đùa đâu.
Nhưng khổ nỗi Hứa Thắng Cường tay chân vụng về, đụng đâu hỏng đấy. Rõ ràng xuất thân nông dân nhưng lại chẳng biết làm gì cả, cứ lóng nga lóng ngóng như gà mắc tóc.
May thay Chu Thanh Bách là người kiên nhẫn, chỉ cần đối phương thiện chí muốn học thì anh sẽ nhiệt tình chỉ dạy.
Cuối cùng một ngày sóng gió cũng đi qua, Hứa Thắng Cường trực tiếp nghỉ ngơi tại tầng hai tiệm sủi cảo còn Chu Thanh Bách lững thững đi bộ về nhà.
Trên bàn cơm, chỉ có mỗi Cương Tử quan tâm hỏi han Thắng Cường hôm nay làm việc thế nào, có tốt không?
Chu Thanh Bách lắc đầu có sao nói vậy: “Vụng lắm, cái gì cũng không biết làm. Chắc phải một thời gian nữa mới quen việc được.”
Cương Tử cười hắc hắc: “Cậu ấm được mẹ cưng chiều quá đây mà. Hồi xưa ở quê dì Quyên thương anh ấy lắm, không bắt động tay động chân làm bất cứ cái gì chả trách bây giờ gặp việc là bỡ nga bỡ ngỡ.”
Thấy đề tài này không hứng thú cho lắm, Lâm Thanh Hoà liền chuyển sang hỏi han tình hình buôn bán gần đây ra sao.
Cương Tử thật thà đưa ra nhận định: “Từ đầu năm tới giờ đông người ùa ra vỉa hè bày sạp lắm thím ạ. Cháu cảm thấy chưa chắc mai này đã bán được.”
Lăn lộn trong cái giới này mấy năm, Cương Tử cũng thu lượm được một số kiến thức và kinh nghiệm nhất định. Nó không phủ nhận năm nay làm ăn tốt hơn, tiến kiếm về nhiều hơn nhưng số lượng cạnh tranh cũng tăng lên đáng kể. Được cái nó hơn người ta ở chỗ có quan hệ họ hàng với ông chủ xưởng may nên lấy được nguồn hàng ổn định, đủ mẫu mã, kích cỡ, không bao giờ xảy ra tình trạng đứt hàng giữa đường. Thêm vào đó chất lượng cũng như kiểu dáng, luôn ăn đứt mấy sạp kế bên thế nên dù đông người bán đến mấy thì khách hàng vẫn tìm tới ủng hộ sạp của nó.
Mặc dù vậy, Cương Tử vẫn cho rằng con đường này không theo lâu dài được.
Thế nhưng Lâm Thanh Hoà lại đủng đỉnh nói: “Giờ còn kiếm được thì cứ tranh thủ hốt bạc đi.”
Đúng là không gì có thể tồn tại mãi mãi, dù hưng thịnh đến mấy cũng sẽ tới hồi thoái trào nhưng còn lâu lắm, tận thập niên 90 mà bán hàng rong vẫn là nghề hái ra tiền cơ mà. Thế nên Lâm Thanh Hoà không ủng hộ Cương Tử rẽ nhánh ngay lúc này. Bây giờ một cái sạp cỏn con của nó mà thu nhập hàng tháng ngang với cả một cửa hàng thời trang, vậy tội gì phải bỏ dở giữa chừng cho phí của giời?!
Câu chuyện nhanh chóng kết thúc tại đây, tất nhiên Cương Tử nghe lời mợ út răm rắp. Sáng hôm sau vẫn hồ hởi đạp xe ba gác thồ hàng ra vỉa hè bày bán như thường.
Xế chiều, Chu Ngũ Ni và Lâm Tú thành công tìm được đường tới tiệm sủi cảo.
Đương nhiên Chu Ngũ Ni biết Hứa Thắng Cường nhưng lúc nhìn thấy cậu ta đứng lù lù trong tiệm, Ngũ Ni không khỏi giật mình một phen.
Được vợ dặn, cả ngày hôm nay Chu Thanh Bách không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở đây chờ các cháu.
Thấy tụi nhỏ tới, anh liền bước ra cửa đón rồi ân cần hỏi han: “Hai đứa đói bụng không? Hay ăn tạm tô sủi cảo trước nhá?”
Chu Ngũ Ni và Lâm Tú lễ phép chào hỏi rồi lịch sự từ chối, nói lát nữa về nhà ăn cơm chung với mọi người cho vui.
Chu Thanh Bách nâng tay nhìn đồng hồ, mới hơn năm giờ một chút nhưng cũng sắp đến giờ cơm chiều. Vậy nên anh quay qua dặn dò Hứa Thắng Cường: “Cháu trông tiệm nha.”
“Dạ vâng.” Hứa Thắng Cường ngoan ngoãn gật đầu, tiến lên đón lấy cái tạp dề từ tay chú tư.
Đại khái trải qua hai, ba ngày huấn luyện, Hứa Thắng Cường đã học hỏi được đôi chút, ít nhiều cũng nấu được một tô sủi cảo tử tế. Mà nói thật thì việc này chả đòi hỏi kỹ thuật hay tài nghệ cao siêu gì, sủi cảo đã được gói sẵn rồi, chỉ cần luộc chín rồi múc ra tô cho khách là xong. Dễ vậy mà còn không làm được nữa thì thôi, giải tán về quê cho rồi!
Sau khi bàn giao công việc cho Hứa Thắng Cường, Chu Thanh Bách dẫn Chu Ngũ Ni cùng Lâm Tú đi về tứ hợp viện.
Vì sắp tới giờ cơm chiều nên lúc này Lâm Thanh Hoà cũng đang có mặt ở nhà chỉ đạo người giúp việc nấu nướng.
Nhìn thấy hai cô cháu gái tay xách nách mang tiến vào, Lâm Thanh Hoà vui mừng bước ra chào đón: “A, tới rồi đấy hả, tối qua trước khi đi ngủ chú thím mới nhắc đến hai đứa xong.”
Chu Ngũ Ni vui vẻ chạy lại, ôm chầm lấy thím tư một cái rồi ríu rít khen: “Thím tư!! Lâu lắm rồi cháu mới được gặp thím, mà sao thím chả già đi tí nào, vẫn trẻ trung và xinh đẹp y như xưa.”
Được khen trẻ đẹp, tâm tình Lâm Thanh Hoà bay tít lên ngọn tre, cô cười toe toét: “Cái con bé này, đừng có mà nịnh thím, cả một mớ tuổi rồi còn trẻ trung gì nữa!”
Lâm Tú phụ hoạ thêm: “Chị Mẫn không nịnh đâu, cái này cháu làm chứng. Lúc nhỏ cháu gặp cô thế nào thì giờ trông cô vẫn y như vậy, chả khác tẹo nào luôn!”
Nói lại bảo khen chứ quả thực cô Thanh Hoà trẻ thật. Tính ra cô hơn mẹ nó mấy tuổi lận nhưng nếu xếp hai người đứng cạnh nhau chắc chắn ai cũng nói mẹ nó là chị cho xem.
À quên không giới thiệu, chị Mẫn trong lời Lâm Tú chính là Chu Ngũ Ni. Ngoài cái tên cúng cơm hay gọi ở nhà thì ra đường mọi người gọi nó là Chu Hồng Mẫn.
Hết đứa này tới đứa kia khen trẻ khen đẹp, Lâm Thanh Hoà thích mê. Đến cái tuổi này…mà chả cứ tuổi nào, chỉ cần là phụ nữ thì bất kể tuổi nào cũng đều thích được khen trẻ đẹp hết.
Cô cười tít mắt nói: “Biết tối nay hai đứa lên tới nên thím chuẩn bị nhiều món ngon lắm.”
Nhắc đến món ngon là hai mắt Lâm Tú phát sáng như sao: “Thật ạ?!”
Trần đời nó khoái nhất vịt quay Bắc Kinh. Ngày xưa mỗi lần về thăm quê, cô Thanh Hoà sẽ cho một con. Cả nhà nó xúm vào chén sạch sành sanh mà vẫn liếm mép thòm thèm.
Nhìn Lâm Tú hí hửng như vậy là Lâm Thanh Hoà biết tỏng con bé đang nghĩ tới cái gì rồi, cô bật cười ha hả: “Rồi rồi, biết Tiểu Tú thích nhất vịt quay nên cô đã đặc biệt chuẩn bị rồi. Ngoài ra còn rất nhiều món khác nữa, tí vào mâm sẽ biết. Còn bây giờ thì đi tắm một cái cho mắt mẻ nhá?”
Chu Ngũ Ni gật đầu lia lịa: “Vâng vâng, nhà tắm ở đâu hả thím?”
Nó gấp đến độ sắp chịu không nổi luôn rồi. Thời tiết mùa hè nóng nực, đã thế còn lắc lư trên xe lửa mấy ngày trời không được tắm rửa thay giặt, đúng là cực hình. Giờ nó rất muốn trút cái bộ đồ bụi bặm này ra càng sớm càng tốt!
Lâm Thanh Hoà dẫn con bé vào phòng tắm. Mặc dù trời nóng nực nhưng cô vẫn bắt nó pha vào một gáo nước nóng chứ tắm nước lạnh nhỡ đầu đổ bệnh thì chết dở.
Chu Ngũ Ni sung sướng vùng vẫy trong làn nước mát rượi. Tắm xong nó nhanh chóng mặc quần áo đi ra để nhường chỗ cho Lâm Tú còn mình thì ra sân ngồi gội đầu.
Đúng lúc này, Chu Quy Lai cùng anh em Khương Hằng, Khương Canh về tới.
Nhìn thấy chị Ngũ Ni đang lúi húi gội đầu trong sân nhà, Chu Quy Lai cười vang: “A, chị Mẫn của em tới rồi !!!”
“Có cả Tiểu Tú nữa.” Nghe tiếng cậu em, Chu Ngũ Ni ngẩng đầu cười nói nhưng chợt phát hiện còn có cả những người khác nữa, con bé luống cuống xoay người lại, cúi xuống tiếp tục xả nước.
Khương Hằng cũng đã nhìn thấy nhưng vì phép lịch sự, anh chỉ đánh mắt thoáng qua rồi lập tức dời đi chỗ khác ngay.
Bận việc trong bếp một lúc, tới khi đi ra mới trông thấy Ngũ Ni đang xả tóc, Lâm Thanh Hoà nhíu mày mắng: “Cái con bé này! Muộn rồi còn gội đầu, chờ đến mai không được hả?!”
Chu Ngũ Ni cười nói: “Đầu cháu ngứa lắm rồi thím ơi, nếu không gội liền chắc đêm nay cháu khỏi ngủ luôn quá!”
Rất nhanh, Lâm Tú tắm xong đi ra, nhìn thấy vậy cũng hăm he định ngồi xuống bắt chước chị Mẫn, ai dè bị cô Thanh Hoà chặn đứng, bắt đợi tới sáng mai mới được phép gội đầu.
Không lâu sau, Cương Tử đánh xe ba gác về tới. Đợi cậu rửa mặt mũi chân tay xong, cả nhà quây quần ngồi vào bàn dùng bữa tối.
Trên bàn cơm, Chu Quy Lai đứng ra giới thiệu đám trẻ làm quen với nhau: “Chị Mẫn, em xin giới thiệu một chút đây là Khương Canh, con nuôi ba mẹ em. Còn đây là anh họ cậu ấy, Khương Hằng. Cả hai đều là người Thượng Hải. Hiện anh ấy đang là tổng quản lý chi nhánh tại Thượng Hải nhưng đợt này sang Bắc Kinh để huấn luyện nghiệp vụ.”