Thập Niên 60 Làm Giàu, Dạy Con (Bản Dịch Full)

Chương 667 - Chương 667: Không Có Giáo Dưỡng

Chương 667: Không có giáo dưỡng Chương 667: Không có giáo dưỡng

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 667: Không có giáo dưỡng

Đợi Chu Lục Ni đi rồi, Lý Ái Quốc mới khó hiểu quay sang hỏi vợ: “Ủa, sao em lại đuổi nó đi.”

Chu Tam Ni hừ lạnh: “Người như nó không đuổi không được, anh không biết tình cách nó thế nào đâu, nó dai như đỉa đói ấy, dính vào đừng hòng dứt ra được!”

Khó khăn lắm mới tạo dựng được cuộc sống bình yên êm ả, dù có phải xù lông nhím Chu Tam Ni cũng quyết tâm bảo vệ tổ ấm của mình tới cùng, kể cả là ai cũng không được phép lại đây quấy phá.

Còn riêng về Chu Lục Ni, nếu nó như người ta, biết sửa sai, biết thay đổi thì Tam Ni chẳng ngại ngần chìa tay ra giúp đỡ. Vì dù sao cũng là chị em ruột thịt, lại cùng phận phụ nữ với nhau, hơn ai hết Tam Ni hiểu đàn bà lỡ một lần đò khổ sở tới nhường nào. Thế nhưng, cái con nhỏ này vẫn chứng nào tật ấy, mới vừa ban nãy thôi cái ánh mắt của nó nồng đượm đố kỵ, ganh ghét thậm chí có cả uất hận. Thử hỏi người như vậy làm sao Tam Ni tiếp nhận nổi?!

Sở dĩ Hứa Thắng Cường quyết tâm đứng dậy làm lại cuộc đời là vì phải chịu ba năm khổ ải lao tù, kế đến lại bị người vợ đầu ắp tay gối phản bội. Sau những biến cố đó, Hứa Thắng Cường dần trưởng thành hơn, một tuổi trẻ bồng bột xốc nổi với biết bao lỗi lầm đã trở thành dĩ vãng, thay vào đó cậu chợt nhận ra đơn sơ mới là hạnh phúc, đơn giản mới là cuộc sống. Nhưng để có thể hoàn lương Hứa Thắng Cường rất cần một cơ hội và cậu út chính là người mở khoá cánh cửa đó.

Thế còn Chu Lục Ni, nói nó thay đổi? Hừ, có đánh chết Tam Ni cũng không bao giờ tin!

Ngẫm nghĩ thế nào, Chu Tam Ni liền dặn chồng: “Anh đừng quan tâm cũng đừng quản chuyện của nó, cứ mặc kệ đi. Giữ lại Bắc Kinh có khi lại thành Hứa Thắng Mỹ thứ hai không biết chừng!”

Hứa Thắng Mỹ ly hôn không cần con chỉ cần tiền. Phủi đít đi một cái là tìm bãi đáp mới ngon nghẻ ngay. Việc này từ lâu đã không còn là bí mật nữa, chị Nhị Ni đã ngầm kể với nó từ lâu rồi. Nghe đâu sau khi vớ được ông chồng giàu, Hứa Thắng Mỹ sống sung sướng như bà hoàng. Dạo gần đây mới khai trương thêm tiệm thời trang, còn qua tận xưởng anh Vương Nguyên liên hệ nhập hàng cơ mà. Nhưng chẳng biết bị ai phá mà cứ hai, ba ngày lại có một đám lưu manh lởn vởn tới sinh sự, riết rồi không khách nào dám tới mua hàng, cái tiệm vắng tanh vắng ngắt như chùa bà đanh.

Nghe vợ dặn, Lý Ái Quốc gật gù tỏ ý đã hiểu.

Lúc này, Chu Nhị Ni đang chở Lục Ni quay về tiệm trà. Ngồi trên chiếc xe hơi sang trọng, Chu Lục Ni ngoài miệng thì khen lấy khen để xuýt xoa không ngớt nhưng trong bụng lại âm thầm khinh bỉ. Xì, tưởng có xe hơi mà ngon à, không nhờ lấy chồng giàu thì có mà đi bộ suốt đời.

Nhưng nói gì thì nói, phải công nhận kiếp này Chu Nhị Ni hên thật, đã gả chồng giàu lại còn được chiều chuộng cung phụng. Chứ đời trước khổ lắm, suốt ngày bị mẹ chồng lôi ra đay nghiến, chì chiết, bữa nào mà chẳng nước mắt chan cơm vì cái tội không sinh được con trai.

Trong khi Chu Lục Ni mồm năm miệng mười liến thoắng không ngớt thì Chu Nhị Ni cảm thấy khó chịu vô cùng. Không khó để nghe ra ẩn dưới lời khen của Chu Lục Ni là sự ghen ăn tức ở nồng đậm.

Ơ, vô duyên, nó lấy quyền gì mà ghen tức ở đây? Chú thím tư giúp biết bao nhiêu cháu chắt, nội có ngoại có, cớ sao một mình nó thì không? Sao không tự nhìn nhận lại bản thân mình đi, người gì đâu từ bé đã ham ăn biếng làm, đành hanh lại khôn vặt. Đi đến bước đường này chung quy cũng tại nó mà ra, tự làm tự chịu bây giờ còn oán trách, hậm hực cái nỗi gì? Đúng là vô lý đùng đùng!

Dọc đường đi, Chu Lục Ni lại một lần nữa ngỏ ý muốn tới nhà ông bà nội.

Chu Nhị Ni thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Tốt nhất không nên đi, chứ em tới đó thể nào cũng bị ông bà mắng cho một trận ra trò.”

Chu Lục Ni nói chắc như đinh đóng cột: “Kể cả có bị mắng thì em cũng phải tới. Lặn lội đường xá xa xôi lên đây không lẽ không tới thăm ông bà, như vậy coi sao được. Em nhất định phải nhìn tận mắt xem ông bà nội khoẻ mạnh thế nào, sống vui sống tốt ra sao.”

Cái con này đúng là lẻo mép thật, Chu Nhị Ni khẽ buông tiếng thở dài ngao ngán. Còn nhớ lúc gia đình chú thím tư chuyển lên Bắc Kinh trước, ông bà dọn sang nhà chú ấy ở cho rộng rãi, hình như khoảng một năm thì phải. Và trong suốt thời gian ấy, Chu Lục Ni thường xuyên lượn lờ sang bên đó ăn chực, no bụng một cái là lập tức buông đũa buông muỗng, bỏ của chạy lấy người, không hề giúp bà rửa dọn chén đĩa gì cả. Báo hại mấy chị em nó bị mẹ răn đe hết lần này đến lần khác, tuyệt đối không được bắt chước Lục Ni, nếu phát hiện sẽ bị đánh gãy chân ngay lập tức!

Thế mà giờ đây nó nói như kiểu hiếu thuận với ông bà lắm không bằng. Cái con nhỏ này đúng là hết thuốc chữa rồi!

Nhưng dù gì Chu Lục Ni cũng là cháu nội, nếu không đưa nó tới chào ông bà e rằng không phải phép cho lắm, thôi vậy, chở nó tới một lát cũng được. Thế là Nhị Ni đành miễn cưỡng đánh tay lái, cho xe chạy thẳng về hướng nhà ông bà Chu.

Chỉ tiếc rằng, bà Chu chẳng nhận ra Chu Lục Ni. Kể cũng phải thôi, bao lâu rồi bà không nhìn thấy nó mà lại. Trong lúc mơ mơ hồ hồ, bà Chu buột miệng thốt lên: “Cháu là Lục Ni? Sao nom cháu già quá vậy?”

Trời đất, rõ ràng con bé nhỏ hơn Tam Ni hai tuổi mà trông già hơn hẳn năm, sáu tuổi. Chắc có lẽ ở quê làm lụng vất vả, cả ngày dầm sương dãi nắng nên da dẻ sạm đen nứt nẻ, không xinh đẹp bằng ba đứa chị nó ở trên này.

Bị chê thẳng mặt, Chu Lục Ni buồn bực vô cùng. Đợi đi, đợi tới lúc có tiền nó sẽ mông má tút tát lên. Úi giời, lúc ấy chẳng đẹp ngời ngời như tiên nữ giáng trần ấy chứ.

Sau khi xác nhận thân phận, bà Chu nhíu mày hỏi thêm: “Nhưng sao tự nhiên lại lên đây, không ở nhà cơm nước cho chồng với lại chăm nom con cái à?”

Hiện tại, mọi người mới chỉ nói cho bà Chu biết chị em Hứa Thắng Mỹ đã ly hôn còn việc của Chu Lục Ni thì vẫn ém nhẹm đi.

Nghe bà hỏi, Chu Lục Ni liền đánh mắt sang phía Chu Nhị Ni.

Chu Nhị Ni chẳng biểu lộ thái độ gì, biết là không thể giấu thêm được nữa, nó liền thẳng thắn nói cho bà nghe: “Lục Ni đã ly hôn rồi bà ạ, hiện đứa bé đang ở với cha nó.”

Bà Chu hết hồn, mãi một lúc sau mới đủ bình tĩnh để quở mắng Chu Lục Ni: “Tại sao lại ly hôn? Đã như thế rồi sao không ngoan ngoãn ở nhà bảo mẹ thu xếp cho một mối hôn sự khác, còn tự tung tự tác chạy lên đây làm cái gì, hả?”

Trên cơ bản, bà Chu không phải người cổ hủ, trọng nam khinh nữ một cách cực đoan. Công nhận bà thương Chu Khải nhất nhưng tất cả những đứa cháu còn lại, dù trai hay gái, nội hay ngoại bà đều đối xử bình đẳng như nhau. Ở Chu gia thôn, bà Chu nổi tiếng hiền hậu nhân từ, chứ những nhà khác ấy hả, họ đối xử với cháu gái không khác gì kẻ hầu người hạ, đã không cho ăn no lại còn bắt làm quần quật như trâu như ngựa.

Chính vì gieo nhân lành cho nên giờ đây bà Chu được gặt quả ngọt. Cả Nhị Ni, Tam Ni, Tứ Ni đều hiếu thuận hết mực, Tết năm nào cũng biếu ông bà hai bao lì xì lớn, phải nói là xứng ngang với nhị thập tứ hiếu (1) ấy chứ.

Ngoài ra, vì có điều kiện kinh tế nên thỉnh thoảng Nhị Ni lại dúi cho bà ít tiền tiêu vặt, cũng coi như thay cha mẹ làm tròn chữ hiếu.

Mặc dù hàng tháng đã có vợ chồng thằng tư phụng dưỡng từ A đến Z nhưng đám cháu trai cháu gái thi nhau mang tới không biết bao nhiêu đồ ăn thức uống, của ngon vật lạ. Bởi vậy, lúc nào trong túi bà Chu cũng rủng rỉnh tiền bạc. Gần đây còn bắt đầu học mấy bà bạn già chơi mạt chược, ai da, cái trò đó coi bộ vui đáo để đấy!

Mà thôi, tạm thời gác mấy chuyện giải trí sang một bên, phải quay về xử lý cái con nhỏ Lục Ni này đã. Haiz, con gái bỏ chồng thì còn ra thể thống gì nữa.

Tuy rằng lúc biết chuyện, bà không nổi trận lôi đình vì giờ suy nghĩ đã thoáng hơn, với lại nghe nhiều đâm ra cũng quen rồi. Thế nhưng dù sao chuyện này rơi vào con cháu Chu gia, nói gì thì nói bà cũng cảm thấy vô cùng mất mặt. Rõ ràng nhà họ Chu là gia đình có nề nếp gia phong, các con các cháu đều ngoan ngoãn, tử tế, sao tự nhiên lại lòi ra một đứa không có giáo dưỡng như thế này cơ chứ?!

Thấy bà không nói gì, Chu Lục Ni cứ ngỡ bà đang cảm thông cho số phận của mình nên bắt đầu nước mắt vòng quanh, sụt sùi diễn suất: “Bà nội, cháu khổ lắm, tủi nhục lắm. Mỗi lần nhìn thấy cháu là dân làng chỉ chỉ trỏ trỏ xì xầm không ngớt, thật sự cháu sống không nổi nữa bà ơi!”

Bà Chu hừ lạnh: “Còn không phải do bản thân mình tự làm hay sao? Giờ than vãn cái nỗi gì? Nếu mày không muốn chẳng lẽ người khác bắt mày phải ly hôn à? Mà nguyên nhân gì khiến hai vợ chồng đang êm đang đẹp lại ly hôn? Trừ phi mày đã gây ra lỗi lầm gì nghiêm trọng khiến nhà chồng không thể dung thứ, phải không?!”

Chu Nhị Ni âm thầm liếc mắt về phía Chu Lục Ni một cái, chờ xem nó sẽ trả lời câu hỏi của bà nội thế nào.

Tất nhiên Chu Lục Ni cúi đầu im bặt, có đánh chết nó cũng chẳng dám khai sự thật. Nói ra để mà xôi hỏng bỏng không hết à? Hôm nay nó tới đây với mục đích tranh thủ sự thương hại, nhờ ông bà nói giúp cho mình một câu nên ngàn vạn lần không thể chọc giận hai vị lão phật gia này được.

Hai mắt Chu Lục Ni ầng ậc nước, hết sức nhún nhường nói: “Bà ơi, có thể cho cháu ở lại Bắc Kinh được không ạ? Anh Thắng Cường cũng được ở lại đấy thôi. Hơn nữa cháu thấy trong tiệm sủi cảo đang thuê một bác lớn tuổi làm công việc rửa chén. Cháu biết mình không có mặt mũi cầu xin những thứ cao xa, cháu chỉ xin việc rửa chén thôi. Hay là bà bảo cậu tư đuổi bác gái kia đi, để cháu tới tiệm sủi cảo phụ giúp được không, bà nội?”

Đầu xuôi đuôi lọt, chỉ cần thành công ở lại Bắc Kinh, nó sẽ từ từ tìm cách thực hiện các bước tiếp theo.

Tuy nhiên bà Chu thẳng thừng từ chối: “Mày nói cái này với bà cũng vô ích. Ông bà có tuổi rồi, không quản chuyện làm ăn của chú thím mày. Nếu mày muốn gì thì cứ trực tiếp tới trước mặt chú thím tư mà trình bày. Nhưng bà nói thật, với cái tình cách hậu đậu và vụng về của mày ấy hả, bà không nghĩ mày có thể rửa sạch được chén bát đâu con ạ!”

===

Chú thích

(1) Nhị thập tứ hiếu (chữ Hán: 二十四孝) là một tác phẩm trong văn học Trung Hoa kể lại sự tích của 24 tấm gương hiếu thảo do Quách Cư Nghiệp (có sách ghi Quách Cư Kinh 郭居敬, bính âm: Guō Jūjìng) vào thời nhà Nguyên biên soạn. Ông nổi tiếng là một người con hiếu thảo và sau khi cha mất ông đã xuất bản quyển này. Hầu hết các người con hiếu thảo là nam giới báo hiếu cho mẹ già. Các câu chuyện được kể lại xảy ra từ thời Thuấn Đế đến đời ông.

Bình Luận (0)
Comment